Truyền giáo ! Có khó lắm không ta ?
TRUYỀN GIÁO ! CÓ KHÓ LẮM KHÔNG TA ?
Hôm nay, Hội Thánh mừng Lễ Thánh Máccô – thánh sử. Để suy niệm Lời Chúa thì cũng đọc, cũng suy tư và cũng mày mò xem thêm. Thú thật là cũng mày mò trên mạng, lướt phây để xem ai nào đó nói về Thánh Máccô hay nói về chủ đề của trang Tin Mừng lễ kính của vị Thánh Sử này chứ không phải là không. Dò hoài dò mãi thấy cũng căng, đơn giản là nói về lời căn dặn của Thầy Chí Thánh Giêsu : Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo.
Thật sự, câu nói này, lời mời gọi này xem chừng quá quen và ai ai cũng biết nhưng để nói và sống lời này của Thầy Chí Thánh không hề đơn giản.
Tiếp tục rảo trên mạng để xem coi người ta nói gì về truyền giáo. Có đó chứ, nhiều lắm chứ. Nào là định hướng, nào là băn khoăn, nào là suy tư về truyền giáo.
Cũng thầm nghĩ, hay là mình trèo lên lấy xuống và đọc cho bà con nghe cho khỏe. Thế nhưng rồi, liệu rằng đọc xong thì mọi người có hiểu hay không hay để áp dụng thì phải làm sao ?
Điều gì đến nó đến ! Phút thứ chín mươi mấy không biết sau nhiều lần “đá phút 90”. Sau câu xướng Halleluia thì “được” chủ tế chỉ quyển Tin Mừng. Và như bị vào thế buộc, công bố Tin Mừng thôi.
May quá ! Lúc nghe bài đọc thì cũng là lúc mở ra để xem cùng với người đọc.
Ồ ! Kim chỉ Nam cho bài chia sẻ đây rồi chứ đâu xa mà đi tìm ! Kim chỉ Nam của ngày hôm nay đó chính là trang thư của Thánh Phêrô tông đồ.
Sau khi công bố Tin Mừng, dĩ nhiên là mời cộng đoàn cùng lắng nghe tâm tư của Thánh Phêrô. Thánh Phêrô căn dặn như thế này :
“Anh em thân mến, anh em hãy lấy đức khiêm nhường mà đối xử với nhau, vì Thiên Chúa chống lại kẻ kiêu ngạo, nhưng ban ơn cho kẻ khiêm nhường. Vậy anh em hãy tự khiêm tự hạ dưới bàn tay uy quyền của Thiên Chúa, để Người cất nhắc anh em khi đến thời Người đã định”
Chuẩn không cần chỉnh nhé ! Phải chăng ngày hôm nay hơn bao giờ hết người Kitô hữu được mời gọi sống bài học khiêm nhường cách triệt để hơn ? Chính vì kiêu ngạo mà tội lỗi đã tràn ngập thế gian qua con người của ông bà nguyên tổ cơ mà !
Với lời mời này : Anh em hãy khiêm hạ dưới bàn tay uy quyền của Thiên Chúa thì quá đúng với thực trạng ngày hôm nay. Ngày hôm nay, con người cao ngạo để rồi gặp phải sự dữ, sự ác nơi con Coronavirus và đến nay bao nhiêu người phải chết vì nó ? Lên cung trăng, bom nguyên tử, vũ khí hủy diệt hàng loạt nhưng lại quá mệt mỏi với con virus này.
Tiếp đến, ta hãy lắng tâm hồn để nghe lời của Thánh Phêrô : “Anh em hãy sống tiết độ và tỉnh thức, vì ma quỷ, thù địch của anh em, như sư tử gầm thét, rảo quanh tìm mồi cắn xé. Anh em hãy đứng vững trong đức tin mà chống cự, vì biết rằng toàn thể anh em trên trần gian đều trải qua cùng một loại thống khổ như thế”. Bồi thêm tí nữa cho vui : “Phần anh em là những kẻ phải chịu khổ ít lâu”
Và có lẽ lời mời gọi chân tình ở câu 14 trong thư hôm nay : “Anh em hãy hôn chào nhau trong tình yêu thương”.
Và, xin cho hỏi mọi người rằng đây có phải là cung cách sống của một người truyền giáo hay không ?
Nực cười khi có người nghĩ rằng việc truyền giáo là việc của mấy ông cha, của mấy bà sơ, phần tôi tôi không phải truyền giáo. Thế nhưng rồi, nên nghĩ lại một chút vì lẽ mỗi Kitô hữu khi lãnh nhận bí tích Thanh Tẩy để mang trong mình 3 sứ mạng : tư tế, ngôn sứ và vương đế.
Sống đời ngôn sứ của mình phải chăng là khiêm nhường, là hôn chào nhau trong tình yêu thương ?
Không phải là sau Thánh Lễ, ta đường gặp ai cũng hôn chào nhau nhất là ngày hôm nay hôn chào nhau không còn là yêu thương nữa mà là nguy hiểm chết người.
Lời mời gọi truyền giáo của Chúa Giêsu còn vang vọng và hôm nay, với lời của Thánh Phêrô mời gọi, mỗi người chúng ta hãy cân chỉnh đời sống của mình ngay trong gia đình, cộng đoàn, họ đạo, giáo xứ của chúng ta. Khi và chỉ hi chúng ta khiêm hạ thật sự, kèm theo đó là “hôn chào nhau trong yêu thương” thì khi đó ta sống lời mời gọi truyền giáo.
Cũng chả cần phải nghiên cứu đường hướng hay định hướng cho đau đầu nhức óc và bở hơi tai. Chỉ cần sống yêu thương người ngay bên cạnh mình, trong gia đình mình, những người bị loại trừ, những người bị chà đạp, những người tất bạt đó là truyền giáo rồi.
Xin Chúa cho chúng ta ý thức rằng truyền giáo không chỉ là chia cơm sẻ bánh, là lên đường nói về Chúa. Chuyện đó dĩ nhiên thật cần và rất tốt cũng chả sai. Nhưng, chuyện quan trọng nhất mà Chúa mời gọi có lẽ là chúng ta sống yêu thương. Lời mời gọi của Chúa vẫn còn đó bên tai của mỗi người chúng ta : “Cứ dấu này người ta nhận ra anh em là môn đệ của Thầy đó là ANH EM HÃY YÊU THƯƠNG NHAU”