NGUỒN GỐC Ý NIỆM THƯỢNG ĐẾ
NGUỒN GỐC Ý NIỆM THƯỢNG ĐẾ
Decartes là người đầu tiên đi từ chỗ nhận định: ta có ý niệm rõ ràng và phân minh về Thiên Chúa, đến chỗ tự hỏi: từ đâu có ý niệm đó trong tâm linh ta? Và chúng ta biết rằng Decartes đã giải đáp theo chủ thuyết của ông: Ý niệm đó là do Thiên Chúa sáng tạo nên và đặt trong tâm linh tôi, như vết tay của hóa công ghi lại trên tác phẩm của mình. Chúng ta không thể đứng trong lập trường duy tâm của Decartes, chúng ta cũng đi từ sự kiện như Decartes, nghĩa là chúng ta bắt đầu bằng cuộc nghiên cứu nhận thức rằng: con người có ý niệm về Thượng Đế, nhưng rồi thay vì đưa ra giải pháp liều lĩnh của thuyết duy tâm, chúng ta sẽ nhờ lịch sử của các tôn giáo để tìm ra xuất xứ của ý niệm đó. Các học giả nghiên cứu về lịch sử của các tôn giáo đều công nhận rằng: ý niệm về thần linh và Thượng Đế xuất hiện rất sớm. Sự kiện tôn giáo bao giờ cũng đi trước sự xuất hiện của những môn phái triết học. Nhìn vào bất cứ thời đại nào, chúng ta cũng thấy con người được sinh trưởng trong bầu khí tôn giáo, cả những triết gia vô thần như Nietzche, Marx, Sartre… cũng đã lớn lên trong xã hội tôn giáo, được giáo dục bởi một nền văn minh thấm nhuần tôn giáo, được giáo dục bởi một nền văn minh thấm nhuần tôn giáo. Lịch sử cho hay chính tôn giáo đã nêu lên vấn đề và cũng chính tôn giáo đã cung cấp phạm trù tuyệt đối là căn nguyên sinh ra hiện tượng siêu việt, là nền tảng ý niệm triết học về Thượng Đế. Mà nói tôn giáo là nói con người tôn giáo, nghĩa là con người đã tới trình độ suy nghĩ về tình trạng bất lực của mình. Cho nên không có tôn giáo ngoài con người tôn giáo, cũng không có suy tưởng ngoài con người suy tưởng.
1. Khởi đầu ý niệm về thần linh và Thượng Đế
Mircea Eliade đã dùng những sự kiện hiển nhiên để chứng minh rằng: không phải do đường lối qui nạp, nhưng bằng một hành vi bất khả phân, con người đã nhận ra lãnh vực thần linh, và mặc dầu những dân tộc cổ sơ dùng những hình ảnh thô tục để chỉ Thượng Đế, nhưng thực sự họ đã ý thức về một Đấng ở trên đầu, một vũ trụ cao cả, siêu việt.
Người vô thần ngày nay thường vấn nạn rằng: Các dân tộc thái cổ đã thần thánh hóa trời, nhưng chúng ta hỏi lại họ: Những dân tộc kia đã lấy đâu ra ý niệm về Thượng Đế để rồi gán cho trời? Cho nên quyết đoán như họ là đưa lệch vấn đề đi thôi, chứ chưa phải là giải đáp. Thực ra có hai vấn đề hoàn toàn khác biệt nhau: Vấn đề căn bản: tức là vấn đề yếu tính của ý niệm đó; và sau là vấn đề hoàn cảnh thực tế, tức vấn đề hình thức. Dầu con người ở miền sông Nil đã tôn thờ Thượng Đế dưới hình thức mặt trời; dầu dân tộc Trung Hoa thời Đức Khổng Tử đã thờ kính Thượng Đế dưới hình thức Thiên; dầu dân tộc Ấn Độ thời trước Phật Thích Ca đã tôn thờ Thượng Đế dưới huy hiệu Balamôn..v..v..
Ý niệm về Đấng Siêu Việt đã đến với con người như một thức tỉnh và như một hiện tượng đột ngột. Nói thế, nghĩa là chúng ta không thể dùng những sự kiện tâm lý hay xã hội, hay bất cứ khoa học nào để giải nghĩa sự phát triển của ý niệm kia. Nhưng là: không thể lấy những hoàn cảnh địa lý hay xã hội để giải nghĩa chính sinh hoạt tinh thần của con người: không thể dùng những hiện tượng sấm sét để giải nghĩa hiện tượng con người về Thượng Đế, cùng lắm những hoàn cảnh đó chỉ là dịp và là môi trường cho sự phát sinh kia mà thôi. Hoàn cảnh không phải là nguyên nhân.
Trong lãnh vực sinh hoạt tinh thần, điều này còn đúng hơn nữa vì có sự vượt bậc. Pascal đã nói: “Tất cả vũ trụ vật chất không tạo nên một mảy may tinh thần, vì đó là hai trật tự khác nhau”.
Như thế, khả năng truy nhận có một vị thần linh cao quang thống trị vạn vật là một khả năng của con người. Người ta có thể lấy những hoàn cảnh của bên ngoài để giải nghĩa thực sự như triết học và tâm lý học chứng minh. Sự vật chỉ có ý nghĩa cho một ý thức biết nhận ra ý nghĩa đó mà thôi. Cho nên chúng ta không tìm thấy phát nguyên của ý niệm Thượng Đế ở ngoài sinh hoạt tinh thần của con người, mà sinh hoạt không phải là lý thuyết hay lý luận nhưng là lịch sử. Cho nên chúng ta chỉ phải ghi nhận sự xuất hiện kia như một quá trình sinh hoạt tinh thần của con người mà thôi.
2. Ý niệm về Thượng đế do đâu mà có ?
Vậy ý niệm về Thượng Đế do có suy luận hay do bản năng thần thoại mà ra, không thiếu người chủ trương do suy luận. Theo họ con người nhận ra Thượng Đế khi họ suy nghĩ về vũ trụ và về bản thân thấy rằng phải có Thượng Đế mới giải nghĩa được nguồn gốc vũ trụ và nguồn gốc của con người. Cách giải nghĩa này sẽ đưa chúng ta tới Thượng Đế của các triết gia. Nhưng chúng ta đã tạm đủ lý do để quyết rằng không có Thượng Đế của triết gia ngoài Thượng Đế của con người tôn giáo. Đúng như một triết gia đã nhận định tâm hồn tôn giáo đi tới Thượng Đế do con người tín ngưỡng, không do con đường của luân lý biện chứng.
Nói thế không có nghĩa là những người tín hữu không luận lý sâu xa, mỗi khi họ suy tư về tín ngưỡng của họ. Nhưng chúng ta chỉ có ý nhấn mạnh rằng: tín ngưỡng còn ở một bình diện sâu hơn ý nghĩa kia nhiều lắm. Có thể nói tín ngưỡng thuộc về một trật tự riêng biệt, tín ngưỡng là một hành vi đặc loại. Vì thế thay vì tách Thượng Đế làm hai để vừa làm đối tượng cho lý trí, vừa làm đối tượng cho tín ngưỡng. Một đàng là Thượng Đế của các triết gia, và đàng khác là Thượng Đế của tôn giáo. Chúng ta nên nhận thức rằng: Niệm tưởng tuyệt đối và niệm tưởng siêu việt chỉ là chính Thượng Đế nhìn qua lăng kính của suy niệm triết học mà thôi.
Như vậy ý niệm về Thượng Đế không thể do suy luận mà có, trái lại lý luận đã ngấm ngầm dựa vào niệm tưởng tuyệt đối đó để lập luận. Ngay từ khi suy luận và chứng minh về Thượng Đế, ý niệm về Người đã hiện ra như nền tảng cho những lý luận kia. Vậy phải nhận rằng thần thoại đã phát sinh ra Thượng Đế chăng? Giả thuyết này đã có một số người chủ trương và khai thác, lập luận của họ là ý niệm về Thượng Đế, là thành quả của phản ảnh xã hội và phóng thể ý thức. Những dân tộc nông nghiệp sẽ tự tạo cho mình những vị thần nông; những dân tộc của chiến tranh đều đã có những vị thần chiến thắng; những dân tộc sống bằng nghề chăn nuôi thì có những vị thần mục tử. Phản ảnh sinh hoạt này được hoàn thành khi các bộ lạc kia trở thành những quốc gia, rồi thành đế quốc. Khi đó vị thần của các dân tộc kia cũng biến thành những vị thần của tổ quốc và của đế quốc. Các thần linh của những nước bị trị đều phủ phục dưới chân của vị thần nước chiến thắng.
Hơn nữa, về những tài năng đức tính của thần linh có thuyết giả thuyết rằng: con người càng tân tiến thì lý tưởng luân lý càng cao, nhưng thay vì coi những đức tính kia là đức tính con người phải có, con người lại phóng chúng lên tận ý thức thần thoại, thành thử con người đã gán đức tính đó cho thần linh như thiện tâm – công minh – toàn năng, v.v..
Cách giải thích trên đây thoạt coi tưởng hợp lý lắm. Tuy nhiên khi nghiên cứu cho cùng, chúng ta thấy nó có vẻ hợp lý thôi, bởi vì giả thuyết đó vẫn không cho ta biết những nguyên tắc của ý niệm về Thượng Đế, và còn không giải nghĩa được một vài sự kiện quan trọng khác của lịch sử nữa.
– Trước hết, giả thuyết đó vẫn chưa giải quyết chi vấn đề nguồn gốc về Thượng Đế, khi họ bảo con người nông nghiệp đã vẽ ra một thần linh nông phu, và một thần linh mục tử. Họ mới chỉ nói đến khía cạnh hình thức và khía cạnh diễn tả của ý niệm kia mà thôi, chưa đả động chi đến ý niệm đó. Trái táo không giải nghĩa được định luật vạn vật hấp dẫn của Newton, và guồng tát nước ở miền sông Nil không giải nghĩa được sự phát sinh ra khoa hình học; Sấm sét và những hiện tượng trong trời đất không sinh ra óc thần thoại. Trái lại chính bản năng thần thoại của con người, đã mặc cho những hiện tượng kia một ý nghĩa mà tự chúng không có. Ý nghĩa chỉ là ý nghĩa cho một ý thức mà thôi. Thành thử giả thuyết chỉ xê vấn đề đi sang chỗ khác, chứ không giúp ta giải quyết vấn đề.
– Sự kiện thứ hai không được giả thuyết trên giải quyết là: Người ta bảo thuyết độc thần là thành quả của sự thống nhất lâu la giữa các quốc gia hùng cường. Nhưng nếu vậy thì làm sao giải nghĩa được lịch sử Ấn Độ là nơi những hệ thống triết học tôn giáo sâu xa, và những hình thức phụng thờ rất cần thiết, đã nẩy nở giữa lòng một nền kinh tế cổ sơ và một nền chính trị chưa thành hình. Nhất là hỏi người ta đã đọc câu đầu của thập giới Do Thái chưa?
Chúng ta thấy người ta đã lầm lẫn một cách tai hại trong việc giải nghĩa về nguồn gốc ta có về Thượng Đế. Người ta đã muốn lấy hậu quả để giải thích nguyên nhân, vì người ta đã lấy thần thoại để giải nghĩa bản năng thần thoại. Như vậy chúng ta đã có thể trả lời câu hỏi óc suy luận hay bản năng thần thoại đã tạo ra ý niệm về Thượng Đế. Câu trả lời của chúng ta là: không phải riêng óc suy luận cũng không riêng bản năng thần thoại. Óc suy luận một mình nó sẽ tạo ra một Thượng Đế nguyên lý, ngược lại nguyên chỉ bản năng thần thoại sẽ vẽ vời ra những Thượng Đế mang đầy những đam mê nhu cầu và tham vọng của con người.
Vậy ý niệm về Thượng Đế không nằm trong óc suy luận và cũng không là sản phẩm của bản năng thần thoại. Tâm trí con người đã do cả hai khả năng đó để đi tới Thượng Đế. Nói là đi tới chứ không nói là phát sinh, bởi vì ý niệm về Thượng Đế không phải là sản phẩm của tâm trí ta, nhưng nó phát sinh khi ta bắt đầu có tương quan với siêu việt. Nói cách khác ý nghĩa về Thượng Đế là chính ý thức ta có về siêu việt.
3. Về ý niệm Thượng Đế duy nhất
Còn một vấn đề trực tiếp liên hệ đến vấn đề ý niệm về Thượng Đế, đó là vấn đề về ý niệm Thượng Đế duy nhất. Con người có ý thức về thần linh, nhưng tại đâu con người có ý thức về một Thượng Đế duy nhất? Thuyết độc thần xuất hiện thế nào? Đây là một điều thuộc khoa lịch sử các tôn giáo. Tuy nhiên người ta cũng đọc một sự kiện bằng hai ba cách khác nhau, vì thế có hai ba cách giải nghĩa sự kiện lịch sử.
Có hai học thuyết chính: Một thuyết cho là do tiến hóa mà con người đi tới độc thần, còn thuyết kia lại cho rằng do cách mạng.
– Thuyết chủ trương tiến hóa cho rằng: con người bắt đầu theo thuyết đa thần, rồi dần dần ý thức xã hội đã làm cho con người thống nhất chư thần thành một thế giới thần linh, có một vị chúa tể thần linh ngự trị, có lẽ tư tưởng thần thoại Hy lạp, đã do con đường này để đi tới một Zeus Chúa tể. Núi Olimpe và chúa tể chư thần.
– Thuyết thứ hai cho rằng ý niệm về độc thần đã xuất hiện thình lình như một cuộc cách mạng. Con người đã đột nhiên ý thức về chỗ phi lý của thuyết đa thần, cho nên đã chống lại thuyết này và khai mạc kỷ nguyên mới của thuyết độc thần.
Chúng ta phải nghĩ gì về hai giả thuyết này?
Phải công nhận rằng mỗi giả thuyết đều nói lên một phương diện của hiện thực. Thuyết tiến hóa đã nhắc lại quá trình tín ngưỡng của nhân loại, từ những quan niệm mơ hồ và đầy nhân ảnh, đến những quan niệm đích thực hơn của ngày nay; nhưng thuyết cách mạng cũng nói lên một sự thực quan trọng, ý thức về độc thân đã được đào sâu trong những tranh đấu với những cảnh tưởng đa thần. Một lịch sử dân Do Thái với những vị đại ngôn, luôn luôn chống lại khuynh hướng đa thần của quần chúng cũng đủ cho ta thấy vai trò của cách mạng. Tuy nhiên có những giả thuyết tiến hóa hay cách mạng đều chưa đi sâu vào nguồn ngọn vấn đề, cả hai giả thuyết đó chỉ mới nói đến hình thức phát sinh ra thuyết độc thần mà thôi, chưa nói gì đến ý hướng phát sinh ra ý thức độc thần đó.
Hai giả thuyết kia đều đã lấy thuyết đa thần làm sự kiện nguyên thủy, và coi thuyết độc thần là hình thức tân tiến về sau. Nhìn vào lịch sử những nền văn minh vĩ đại nhất của nhân loại, người ta thấy ít là điều đó không khác lắm. Hơn nữa ba nền văn minh đã có và vẫn còn ảnh hưởng quyết định trên sinh hoạt tôn giáo của nhân loại. Hình như đã bắt đầu bằng thuyết độc thân rõ ràng, đó là ba nền văn minh Do Thái – Trung Hoa – Ấn Độ.
3.1. Về Do Thái chúng ta không cần mất nhiều thời gian tìm tòi. Truyền thống do Thái là một truyền thống độc thần ngay từ đầu và qua bao nhiêu thế hệ. Ý thức độc thần đó đã trải qua những cám dỗ rất nhiều và rất nặng nề để trung thành với Giavê.
3.2. Còn ở Trung Hoa thuyết độc thần hiện ra rõ ràng ở cả những truyền thống Khổng Minh và Lão Trang. Theo Khổng Mạnh chính ý Trời là bản tính vạn vật. Vạn vật đã được tác thành đúng như ý trời, mà trời đây có nghĩa là một vị Thiên Chúa. Lòng tin tưởng ngàn xưa của người Trung Hoa vào một Đấng Thiên Chủ, một Thượng Đế duy nhất và không có ngã vị. Lòng tin tưởng này được minh chứng và nói nhiều trong Kinh Thi và Kinh Sử, tức là quãng thế kỷ 11 đến thế kỷ 7 trước Tây lịch. Lòng tin tưởng này xem ra còn mãnh liệt ở thời Khổng Tử và Mạnh Tử, đến tác giả cuốn Đạo Đức Kinh thi thuyết độc thần muốn biến thành phiếm thần. Thượng Đế có ngôi vị nhường chỗ cho một Thượng Đế có nội tại trong vũ trụ. Như vậy thuyết độc thần hiện ra rõ rệt từ thời Thái cổ của dân Trung Hoa, và được truyền tụng nơi học thuyết Khổng Mạnh. Thuyết Lão Trang là thuyết đến sau và tuy có khuynh hướng phiếm thần, có lẽ nói huyền bí thì đúng hơn, nhưng nhất định không có khuynh hướng đa thần.
3.3. Nhìn vào lịch sử tư tưởng Ấn Độ, người ta thường có cảm giác kinh sợ vì những rối rít và những cảnh âm của nền triết học quá nặng chất huyền bí đó. Tuy nhiên một sự kiện hiện ra khá minh bạch. Thời Phệ Đà (Venus) là thời kỳ nguyên thủy đầy thân chủ và những lễ nghi dị đoan. Hơn nữa, đây là thời kỳ mà hình thức đa thần, có thể làm người ta lầm tưởng rằng chúng ta đang đứng trước một thuyết đa thần. Thực vậy ta thấy nào là thần Brahma, thần Savitar, thần Voruna… Nhưng khi đọc kỹ những trang trong kinh Phệ đà, người ta không thể không công nhận với những học giả như giáo sư Renou rằng: Thuyết Phệ đà đã là một thuyết nhất thần.
Nhất thần khác độc thần ở chỗ, con người coi nhiều vị thần khác nhau như những hình hài của cùng một vị thần tuyệt đối. Truyền thống nhất thần của Ấn Độ càng hiện ra rõ rệt ở tôn giáo họ ngày nay. Nhưng có lẽ cần chú ý rằng liền sau thời kỳ Phệ đà, tiếp đến thời kỳ của những kinh Upanishad, mà đề tài chính cũng như chủ trương của những kinh này là chỉ có một thực thể duy nhất là Balamon. Tất nhiên người ta sẽ vấn nạn rằng: học thuyết của các kinh Upanishad không phải là độc thần nhưng là độc nguyên (một nguyên nhân, một nguồn gốc). Chúng ta không chối cãi điều đó, hơn nữa chúng ta lấy đó làm đủ để khước từ hai giả thuyết tiến hóa và cách mạng trên kia, là hai thuyết cùng chủ trương rằng ý niệm độc thần đến sau ý niệm đa thần.
Nói sao thì nói thuyết nhất thần và thuyết độc nguyên, nhất định gắn liền với lập trường độc thần hơn là với chủ trương đa thần.
Sau cùng, đứng về phương diện phê bình mà xét, chúng ta cũng phải công nhận rằng ý niệm đơn thần đã xuất hiện ngay từ đầu, hoặc xuất hiện minh bạch như nơi văn minh Do Thái, hoặc tiềm tàng nơi bất cứ văn minh nào khác. Nếu con người không có ít là một ý thức lờ mờ về một chúa tể tối cao toàn quyền tuyệt đối trên hết mọi loài thụ tạo, thì làm sao con người lại có thể hoặc do đường lối tiến hóa, hoặc do đường lối cách mạng để có ý niệm đó được. Chúng ta có thể nhận định ngay rằng: không một đòi hỏi nào mà không có một ý thức ít là lờ mờ về cái mà chúng ta đòi hỏi. Thí dụ: một người thợ chưa ý thức về quyền lợi của họ, và chưa ý thức về nhu cầu chính đáng, họ có đề nghị những đòi hỏi, thì không thể có những đòi hỏi và yêu sách.
Cũng một lẽ, khi con người cảm thấy bất mãn về những hình thức đa thần, thì chính là vì họ đã ý thức về sự cao quí và hợp lý của thuyết độc thần, ấy là nói theo giả thuyết tiến hóa và giả thuyết cách mạng, thành thử hai giả thuyết đó không những không giải nghĩa được sự kiện độc thần, mà còn phải giả thuyết có ý thức độc thần trước thì mới hiểu được sự kiện tiến hóa, hoặc sự kiện cách mạng, cho nên cũng như trường hợp ý niệm về thần minh trên kia.
Ở đây chúng ta cũng phải công nhận rằng: không thể lấy những lịch sử để giải nghĩa sinh hoạt tinh thần con người. Vì lịch sử không làm nên tinh thần đó, nhưng chính sinh hoạt đó làm cho lịch sử có khuôn mặt như thế. Sở dĩ người ta đã nghĩ như thuyết tiến hóa và thuyết cách mạng, là vì người ta đã bị tiêm nhiễm những thiên kiến của khoa tâm lý học cổ truyền, cho rằng ý niệm về Thượng Đế là một thành quả của những biến cố tâm linh, phản ảnh đúng những biến cố ngoài vũ trụ.
Husserl đã chứng minh sự vô lý của thiên kiến về vũ trụ khách thể đó. Tâm lý học ngày nay vạch cho thấy ý nghĩ không có sẵn nơi vạn vật như những bản tính nội tại, chỉ có ý nghĩa cho những ý thức mà thôi. Khi bỏ được thiên kiến về vũ trụ tuyệt đối khách thể rồi. Chúng ta thấy vấn đề nguồn gốc ý niệm về Thượng Đế được giải nghĩa một cách rõ ràng và ổn thỏa.