Người giáo dân vẫn bị bỏ quên ?
Người giáo dân vẫn bị bỏ quên ?
Công đồng Vatican II kết thúc đã gần 60 năm. Những khẳng định về linh đạo giáo dân, ơn gọi và sứ mạng của người giáo dân trong Công đồng Vatican II, rồi Tông huấn Kitô hữu Giáo dân của Đức Gioan Phaolô II và trong nhiều văn kiện hậu Công đồng; cùng với không ít những khóa học hỏi, những nỗ lực của một số tín hữu giáo dân tích cực để tìm được cách thể hiện ơn gọi và sứ mạng của mình… những điều ấy xây dựng được những nền tảng rất quan trọng và có lẽ cũng khá phong phú…, Câu hỏi đặt ra bây giờ là tại sao tất cả những nỗ lực ấy dường như vẫn chưa đánh thức được một phần chi thể lớn nhất của Giáo hội? Tại sao vai trò của người giáo dân trong Giáo hội vẫn còn rất mờ nhạt? Do cơ chế? Do não trạng? Do cấu trúc đời sống đức Tin? Do dáng dấp đời sống đức Tin? Do tình hình kinh tế chính trị của thế giới?
Những giáo huấn của Giáo hội tựa như những hạt giống, nhưng hạt giống còn cần phải có môi sinh tốt để có thể phát triển. Tạm nhận xét tình trạng còi cọc của “sinh lực đức tin” nơi thành phần giáo dân bằng cách phân tích “môi sinh” trong đời sống Giáo hội dưới hai khía cạnh: cấu trúc và dáng dấp của đời sống đức Tin Kitô giáo.
Trong bữa Tiệc Ly, Đức Giêsu diễn tả chiều ngang trong mối quan hệ giữa Thiên Chúa với con người qua việc bẻ bánh, cùng thông chia một chén rượu với nhau |
1. Cấu trúc đời sống đức Tin
1.1 Tính toàn thể của sứ mạng Kitô giáo
Truyền thống Do Thái Kitô giáo có một đường nét đặc biệt, khác hẳn những tôn giáo khác, đó là mang lấy sứ mạng đưa dẫn lịch sử của cả thế giới tới sự thành toàn trọn vẹn.
Vận mạng của dân Do Thái gồm tóm trong hai yếu tố nền tảng có tính cách quyết định:
– Đây là một Dân tộc được xây dựng xung quanh một Cuốn Sách. Sách ấy được chấp nhận như Lời mạc khải của Thiên Chúa.
– Mạc khải của Thiên Chúa cho thấy một quan niệm về thời gian và tính lịch sử của cả vũ trụ; qua đó dân Do Thái sống hành trình lịch sử được đan bện từ quá khứ, hướng đến tương lai và cả hai được gồm gói trong hiện tại.
Hai điều ấy, lời Mạc khải và vận hành lịch sử được nối kết chặt chẽ với nhau; và hiệu quả là người Do Thái, trong khi trung tín đọc Lời Thiên Chúa, có khả năng dấn bước trong dòng lịch sử với một sự xác tín mang cường độ tôn giáo. Lời Chúa soi sáng cho lịch sử và lịch sử chính là sự thành toàn của Lời Chúa. Lịch sử được đan bện do Ý Chúa và thái độ trung tín của Dân.
Ý nghĩa của cuộc sống nơi người Do Thái không bị hạn hẹp trong một khung giá trị luân lý, nhưng được thành toàn bằng cách thực hiện ý Thiên Chúa trong dòng lịch sử; và lịch sử ấy diễn tiến để đi đến một chung cục hoàn hảo như một chứng thực cho hiệu năng của Lời Chúa. Do đó, người Do Thái không chỉ nuối tiếc một quá khứ vàng son, nhưng quan trọng hơn là coi thời vàng son ấy là những dấu chỉ giúp họ xác tín vào quyền năng của Thiên Chúa trong nỗ lực xây dựng một tương lai trọn vẹn. Lời Chúa không phải nhằm tạo nên những bài học “luân lý siêu hình”, nhưng như một giải đáp cho “biện chứng lịch sử”. Dĩ nhiên, đó không phải là một thứ biện chứng lịch sử theo quy luật vô ngã như quan điểm Mác-xít. Ở đây tính thống nhất của tôn giáo và lịch sử được hình thành trong sự đồng hành của một Đấng, một “Logos hữu ngã”, với khả năng quyền biến để tình yêu và ơn cứu độ được bộc lộ trong muôn ngàn nét phong phú bất tận.
“Với quan niệm thả neo vào lịch sử như vậy đã mặc cho truyền thống Do Thái một năng động tính mà đức tin Kitô giáo đã thừa kế và không một thế giới cổ đại nào có thể cung cấp được. Phụng vụ những ngày đại lễ và những buổi cầu nguyện tại hội đường luôn thấm nhuần niềm hy vọng ấy”[1]
Tiếp nối truyền thống ấy, Kitô giáo cũng mang vác một sứ mạng lịch sử toàn diện. Kitô giáo không phải là một tôn giáo chỉ liên quan đến một thế giới bên trên và song song với cuộc sống, nhưng giải pháp Kitô giáo bao trùm toàn bộ thực tại và là một giải pháp nhằm tới sự thành toàn của cái toàn thể.
Thực sự sứ điệp của Tin Mừng Nhất Lãm là Vương Quốc Thiên Chúa, còn sứ điệp của Tin Mừng thứ Tư là chính bản thân Đức Giêsu. Hai khía cạnh đó gồm gói trong nhau. Một Đức Giêsu như “Trung tâm” luôn gắn liền với Nước Thiên Chúa như “Chu vi”. Có thể nói hơi lộng ngôn một chút: một Đức Giêsu mà không tha thiết loan báo Tin Mừng Nước Thiên Chúa là một “Đức Giêsu què”; một Nước Thiên Chúa mà không có Đức Giêsu ở Trung Tâm lại là một “Nước Trời mù”.
Có nhiều lý do làm tách rời hai yếu tố “Trung tâm” và “Chu vi” ấy, chẳng hạn sự hiểu lầm từ ngữ “thế gian” trong Tin Mừng thứ Tư, nền thần học tu đức quá nghiêng về một thứ duy linh, tạo nên thái độ siêu thoát, xa lánh ma quỷ, thế gian và xác thịt… Mặt khác, khi mà uy tín của Giáo hội đã lên đến cao điểm; khi mà những người lãnh đạo trong Giáo hội có đủ quyền bính và biện pháp để giải quyết mọi vấn đề theo ý của mình, thì người ta không còn nhận ra tính cách bất toàn căn cội của cuộc sống, và không còn mong chờ một giải pháp dứt khoát của Thiên Chúa trên dòng lịch sử…
Hệ quả là niềm mong chờ cánh chung không còn là mong chờ Chúa dẫn dắt lịch sử đến ngày thành toàn, nhưng là nỗ lực thanh luyện, lập công để chuẩn bị cho cuộc sống mai sau. Khi ấy, đức Cậy, chỉ được hiểu như một nhân đức đối thần thuần túy, nhằm hy vọng hạnh phúc mai sau, chẳng những không đón nhận được những ưu tư làm đẹp trần gian, nhưng còn tỏ ra thù địch với những nỗ lực ấy.
Chính lối nhìn ấy đã vẽ nên một khuôn mặt Kitô giáo bi quan, ảm đạm. Khi bắt đầu thời Phục Hưng, thế kỷ XV-XVI, thế giới bắt đầu tìm thấy niềm vui cuộc sống nhiều hơn, lạc quan hơn về khả năng con người và những tiến bộ khoa học, thì người ta cũng bắt đầu viết nên nhiều “Bản cáo trạng” đối với Kitô giáo. Ta có thể chọn một đoạn văn tiêu biểu như sau:
“Do những sai lầm bi thảm, con người ngày nay coi người Kitô hữu như kẻ thù của cái có thời gian, và mỗi người chúng ta đều đã loáng thoáng nghe thấy những lời người ta tố cáo chúng ta…”[2]
Tuy nhiên, từ Công đồng Vatican II, khía cạnh cánh chung trở thành nét cơ bản. Đường nét này chẳng những liên quan đến mọi vấn đề thần học nhưng còn hình thành chiều kích mới của thần học, ảnh hưởng trên toàn bộ đời sống đức Tin của người Kitô hữu. Quả thật, nền thần học Cánh chung có thể giúp người Kitô hữu tìm thấy căn tính của đời sống đức Tin trong thời đại hôm nay.
Thực sự sứ điệp Kitô giáo không phải chỉ là thiết lập một dòng chảy bên trên dòng chảy của cuộc sống này, nhưng chính là một giải pháp cho chính cuộc sống, cho toàn thể vận mạng của vũ trụ và nhân loại. Sứ điệp ấy, một cách chính yếu, không nhằm lôi kéo con người bước vào một thế giới hoàn toàn mới, hoặc là chỉ như một thứ “đóng hụi chết” cho đời sống tôn giáo để mong sẽ được có phần lời sau khi chết…, nhưng sứ điệp Kitô giáo nhằm hội nhập và dẫn đưa toàn bộ cuộc sống tới sự thành toàn.
Sách Kinh Bổn thường đọc sau kinh Mười Điều Răn rằng: “Mười điều răn ấy tóm về hai điều mà chớ…”. Nói như thế không sai, nhưng mới chỉ là một thứ phân chia theo “chất thể” của Mười Điều Răn, trong khi thực sự chính Điều răn Thứ Nhất mới là “mô thể” cho tất cả Mười Điều Răn; bởi vì đối với người Do Thái, điều khoản thứ nhất bao giờ cũng mang ý nghĩa toát lược toàn bộ các điều khoản khác, do đó, một khi người tín hữu thảo kính cha mẹ, không gian tham, không dối trá…, thì đó là đang thờ phượng và kính mến Chúa vậy.
Dĩ nhiên không thể chối rằng, trong tâm thức xã hội tại một số nơi, sự sống đức Tin Kitô giáo cũng có góp một phần “uy tín” để bảo đảm cho một số giá trị nhân bản; nhưng hình như tâm thức của người giáo dân, hoặc ngay cả nơi nhiều linh mục, tu sĩ, vẫn chưa thấm được cấu trúc này, cả trong nội dung giảng dạy, trong cử hành phụng vụ, trong sinh hoạt giáo xứ… Hầu hết những sinh hoạt đạo đều “quy về” chuyện đạo đức, chứ ít có chiều hướng “mở ra” với xã hội và thế giới. Những phong trào tông đồ giáo dân mang bản chất “Công giáo Tiến hành”, mang đạo vào đời… thì khi du nhập vào Việt Nam luôn có khuynh hướng biến tướng trở thành “hội đạo đức”…
Người Kitô hữu cần phải xác tín rằng: Mười Điều Răn ấy tóm về “một điều mà chớ…”; đó là cách khẳng định lại cấu trúc đức Tin Kitô giáo… và chỉ khi đó, cả một lãnh vực rộng lớn của đời sống giáo dân mới tìm lại được “lý do hiện hữu” với những ý nghĩa đúng đắn.
Mục tử đích thực phải có “mùi chiên”, phải là những người lắng nghe được “tiếng nói” của đoàn chiên |
2. Dáng dấp đức Tin Kitô giáo
Giáo hội đang nỗ lực đi vào nẻo đường “hiệp hành”, và hiệp hành, nói chung, là một cách thức để mọi thành phần trong Giáo hội cùng nhau, hợp tác với nhau, liên đới với nhau trong sứ vụ chung… Nhưng ta cũng có thể thấy rằng, thành quả thu được là nhiều hay ít thì còn tùy vào phẩm tính của truyền thống và thực trạng của hoàn cảnh cụ thể.
2.1 Chiều dọc và chiều ngang (chiều kích chính trị)
Chiều kích chính trị, hiểu như là cách thức tổ chức sinh hoạt của cộng đồng, chắc chắn ảnh hưởng rất nhiều tới phẩm tính của Giáo hội xét như một cộng đồng xã hội.
Ta có thể tạm giản lược các thể chế chính trị vào hai hình thức chính, quân chủ và dân chủ. Mặc dù có nhiều khác biệt giữa những loại thể chế quân chủ khác nhau, nhưng nói chung thể chế quân chủ là lối tổ chức xã hội được điều hành với quyền lực tuyệt đối của một vị vua. Quyền bính được thừa hành có cội nguồn từ trên xuống, thường là theo đường lối cha truyền con nối. Ta tạm gọi đây là thể chế chiều dọc.
Trong khi đó thể chế dân chủ lại mang ý nghĩa quyền bính từ dân mà ra. Việc đặt quyền lực trong tay người dân, trực tiếp hoặc gián tiếp, được thể hiện bên ngoài theo quy luật đa số thắng thiểu số; nhưng sâu xa hơn, đó là một cách thức tin tưởng vào khả năng tìm chân lý một cách phong phú và dễ đạt được sự quân bình hơn, so với những quyết định của riêng một người, hoặc một số ít người.
Hiện nay, hầu hết các quốc gia trên thế giới đều chọn một hình thức dân chủ nào đó. Ngay cả nhiều quốc gia gọi là quân chủ lập hiến thì trong thực chất của việc thực thi quyền lực vẫn là dân chủ. Người ta ghi nhận chỉ còn 7 quốc gia theo thể chế quân chủ chuyên chế mà chủ yếu là các nước Hồi giáo, vương quốc Esquatini ở châu Phi… và quốc gia Vatican.
Dĩ nhiên, mỗi hình thức chính trị sẽ có thể thích hợp hơn cho một hoàn cảnh riêng biệt, để mang lại những lợi ích phong phú hơn. Tuy vậy, ta vẫn có thể thấy một chiều hướng chung là dần dần người ta hiểu rằng hình thức dân chủ tránh được nhiều sai lầm nghiêm trọng của các nhà cai trị độc tài, khơi dậy được một nguồn sinh lực vô cùng phong phú từ rất nhiều nguồn và nhất là chính hình thức dân chủ mới mang lại sự bình đẳng thực sự cho phẩm giá của mỗi người dân.
Tất cả những điều đó chắc chắn không thể hoàn toàn đúng với trường hợp Giáo hội. Có phải chăng, vì thế, ngay những bước đầu của tiến trình Hiệp hành, đã thấy có đấng bậc lo lắng về một khuynh hướng dân chủ trong Giáo hội…(?).
Thực sự Giáo hội không phải là một tổ chức chính trị xã hội, nhưng là một huyền nhiệm[3], vừa hữu hình vừa vô hình. Giáo hội luôn xác tín quyền bính đến từ Chúa mà các người lãnh đạo trong Giáo hội không bao giờ là người kế vị Chúa, nhưng chỉ là người đại diện của Chúa; bởi vì Chúa không bao giờ thoái vị, nhường ngôi hoặc đã về hưu, không còn dính dáng gì tới đời sống Giáo hội. Xét về mặt thuần túy tự nhiên, người ta xếp quốc gia Vatican vào loại thể chế quân chủ. Đó là một cách nhìn, theo lý thuyết, không hoàn toàn đúng; nhưng với một chút thành thật của lương tâm, có lẽ chúng ta có thể nói rằng, trong thực tế, việc xếp loại ấy cũng không hoàn toàn là sai…
Tuy nhiên, Vatican II cũng đã đưa ra một mô hình Giáo hội đa dạng và hiệp nhất: Giáo hội là phản ảnh của Chúa Ba Ngôi, là Dân của Chúa Cha, là Thân Mình Chúa Kitô và là Đền thờ của Chúa Thánh Thần[4]. Trong Dân của Cha, các phẩm trật có vai trò quan trọng trong Thân Mình Chúa Kitô và Thánh Thần làm cho mọi thành phần được sống phong phú và trọn vẹn. Trong Giáo hội, Chúa Thánh Thần, “Ngài thông đạt cho Giáo hội toàn thể Chân lý (Ga 16,13). Ngài thống nhất Giáo hội nơi việc kết hiệp và phục vụ. Ngày xây dựng và dẫn dắt Giáo hội bằng nhiều ân huệ khác nhau theo phẩm trật và đoàn sủng, trang bị Giáo hội bằng hoa quả của Ngài…” (GH 4)
Mặc dù khó nói rằng có một tiến trình mang tên dân chủ trong lịch sử văn hóa đức Tin Kitô giáo, nhưng chúng ta cũng thấy khá rõ một chiều hướng tương tự. Nếu Cựu Ước diễn tả mối tương quan chiều dọc như nền tảng, thì nơi Tân Ước ta lại thấy mối tương quan của Thiên Chúa với con người có một quá trình rộng mở chiều ngang phong phú hơn nhiều.
Đức Hồng y Albert Vanhoye cho thấy, trong hai chiều hướng ấy, có một sự “cân đối” mới. Trong giao ước Sinai, chiều kích bên ngoài tỏ rõ là chiều dọc; trong bữa Tiệc Ly lại trình bày chiều kích bên ngoài rõ nét là chiều ngang. Chiều dọc luôn luôn là nguồn mạch và là điều chính yếu; tuy nhiên, trong bữa Tiệc Ly, Đức Giêsu diễn tả chiều dọc chỉ trong một từ duy nhất “khi đã tạ ơn” (eukharistêsas), một lần trên bánh và một lần trên rượu; rồi sau đó là một sự phong phú thân tình được triển nở qua việc bẻ bánh, trao ban; và qua việc cùng thông chia một chén rượu với nhau[5].
Như thế, dù không người Kitô hữu nào chối từ quyền bình đến từ Chúa và cũng không thể phủ định quyền bính quản trị trong Giáo hội qua hàng giáo phẩm, chúng ta vẫn khám phá quyền bính “từ trên” ấy càng có thể và cần thể hiện trong một cách thức mang “tính dân chủ” một cách nào đó. Nếu không thì người giáo dân vẫn khó lòng có được một không gian để góp phần một cách tích cực hơn vào đời sống Giáo hội.
2.2. Mặt bằng và ngôi sao (chiều kích văn hóa xã hội)
Căn bệnh trầm kha, nặng nề nhất của mọi người, ở mọi thời và mọi nơi vẫn thật sự là căn bệnh ưu tuyển. Ở đâu người ta cũng chỉ đề cao những “ngôi sao” và quên mất tầm quan trọng chính yếu của “mặt bằng”. Dĩ nhiên, đóng góp của ngôi sao vẫn luôn có ý nghĩa không nhỏ, nhưng không phải vì thế mà người ta quên rằng một cộng đoàn, một tổ chức hay một dân tộc… chỉ dễ dàng phát triển và phát triển một cách quân bình khi được sự đồng thuận của “mặt bằng” và khi sự phát triển phổ cập đến “mặt bằng”. Phát triển chỉ thực sự là phát triển khi “mặt bằng” được phát triển.
Đời sống Giáo hội cũng không tránh khỏi cám dỗ ngôi sao và não trạng chung vẫn chỉ thấy, chỉ kể, chỉ tán dương các ngôi sao mà thôi. Điều đó khiến cho người ta ít quan tâm đến cảm nhận của giáo dân và cũng làm thui chột nhiều nguồn mạch phong phú ẩn tàng trong “mặt bằng”.
Có một khái niệm lâu đời trong truyền thống Giáo hội và cũng đã được nhiều nhà thần học nhắc tới. Tuy nhiên, cùng với tinh thần của Đức Giáo Hoàng Phanxixô, Ủy Ban Thần học Quốc tế đã công bố, ngày 5.5.2014, văn kiện Cảm Thức Đức Tin trong đời sống Giáo hội, nhằm suy tư một cách hệ thống về vai trò tích cực của người tín hữu như là những chủ thể của chân lý đức Tin. Văn kiện có gắng xóa bỏ lối phân biệt truyền thống trong Giáo hội, theo đó có một “Giáo hội dạy dỗ” (Ecclesia docens / phẩm trật) và “Giáo hội học tập” (Ecclesia discens / giáo dân). Bởi vì mọi người tín hữu, khi lãnh nhận Bí tích Rửa tội, rồi Bí tích Thêm sức, đều được lãnh nhận Thánh Thần, được tham dự vào vai trò ngôn sứ của Đức Giêsu. Do đó, người tín hữu cũng được hưởng một thứ ân huệ “vô ngộ khi tin” (in credendo), và một sự đồng thuận của mọi tín hữu có thể tạo nên được một chứng từ cho đức tin tông truyền. Văn kiện nhắc lại nhiều bằng chứng lịch sử cho thấy cảm thức của người tín hữu đã góp quan trọng cho việc xác định nền tảng tín lý trong đời sống Giáo hội.
Dĩ nhiên, văn kiện cũng nêu lên một số tiêu chuẩn cần thiết để xác nhận cảm thức đức Tin của người tín hữu, nhưng trong đường nét chung, ta có thể thấy một sự chân nhận hợp pháp về tầm quan trọng của “mặt bằng”.
Một cách nền tảng hơn, cùng với Đức Gioan Phaolô II, chúng ta có thể phân biệt hai chiều kích căn bản trong chiều sâu bản chất của Giáo hội, “chiều kích tông đồ và Phêrô” và “chiều kích đức Maria”.
“… Chúng ta có thể nói Hội Thánh vừa mang đặc tính “Thánh mẫu” vừa có đặc tính “tông đồ” và đặc tính “thuộc về Phêrô”[6].
Trong lời chú thích của đoạn văn trên đây, Đức Gioan Phaolô II ghi lại lời của nhà thần học Von Balthasar, trong diễn văn đọc trước các hồng y và các giám chức tại giáo triều Roma ngày 22.12.1997 như sau:
“Khía cạnh Thánh mẫu, nếu không hơn thì cũng là nét nền tảng và đặc trưng của Giáo hội như khía cạnh mang tính cách “tông đồ” và tính cách “Phêrô”. Khía cạnh Thánh mẫu cũng liên kết mật thiết với hai khía cạnh đó (…). Chiều kích Thánh mẫu của Giáo hội trổi vượt hơn chiều kích Phêrô, đồng thời liên kết và bổ sung cho chiều kích đó. Đức Maria, Đấng Vô nhiễm Nguyên tội, trổi vượt hơn mọi người khác và dĩ nhiên, hơn cả Phêrô và các tông đồ; không chỉ vì Phêrô và các tông đồ thuộc về nhân loại, sinh ra trong tội lỗi, là thành phần của Giáo hội ‘thánh thiện và bao gồm các tội nhân’, nhưng còn vì ba nhiệm vụ của các ngài không nhằm điều gì khác hơn là thành lập Giáo hội trong lý tưởng đạt đến sự thánh thiện này, lý tưởng đó đã được hình thành trước và biểu hiện trước nơi đức Maria. Như một nhà thần học hiện này đã nói: ‘Đức Maria là Nữ vương các Tông đồ’, mà không cần đến quyền bính tông đồ. Đức Maria có vai trò khác lớn hơn nhiều”[7].
Chiều kích Phêrô vẫn luôn được nói đến nhiều, ngay trong Kinh Thánh, trong suốt lịch sử Giáo hội, và trong bầu khí Giáo hội hiện nay. Giáo hội cần những người lãnh đạo, cần những người tiếp nối vai trò của Đức Kitô như “Hôn phu”. “Bộ mặt” hữu hình của Giáo hội trần thế vẫn luôn là giáo triều, là các đấng bậc trong Giáo hội. Tuy nhiên, Giáo hội không phải chỉ là những đấng bậc. Giáo hội là Dân Thiên Chúa mà mọi người Kitô hữu đều là những thành phần trọn vẹn và tích cực. Trong mầu nhiệm Giáo hội hiệp thông, chúng ta hiểu rằng, đằng sau những hào quang luôn có những giọt mồ hôi và nước mắt; đằng sau những thành công lớn lao và những công trình vĩ đại luôn có những hy sinh âm thầm, những sự chết đi để có được một mùa gặt tốt đẹp. Đó là đóng góp của vai trò “nữ tính”[8].
Nếu vận hành của sự sống trong Giáo hội chỉ diễn tiến một chiều, các mục tử sẽ trở thành những người công chức. Nhưng mục tử đích thực phải có “mùi chiên”, phải là những người lắng nghe được “tiếng nói” của đoàn chiên, phản ảnh lên các nhà thần học và huấn quyền để mỗi thành phần đều thực sự góp phần một cách tích cực vào sự sống Kitô giáo…
Tạm kết
Chắc chắn còn nhiều yếu tố khác đã tạo nên tình trạng người giáo dân vẫn ở bên lề Giáo hội, chẳng hạn thái độ bỏ quên phẩm giá căn bản và bình đẳng của mọi người Kitô hữu trong Bí tích Rửa Tội, hoặc một ý thức về sứ mạng Giáo hội của người nghèo… chính những yếu tố ấy làm nên dung môi của sự sống đức Tin và phải được cứu xét một cách rốt ráo hơn để đi vào hiệp hành và tránh tình trạng “giáo dân vẫn ở bên lề…”.
Lm Giuse Nguyễn Trọng Viễn, OP.
1. Xc. Hugues Cousin, Jean Pierre Lémonon, Jean Massonnet, Le Monde où vivait Jesus, Les Éditions du Cerf, Paris 1998, Bản dịch của Học Viện Đa Minh, Trên Quê Hương Đức Giêsu, 2003, trang 134.
2. Jean Mouroux, Sens chrétien de l’homme, Tủ sách Luân lý, bản dịch của Trần Thái Đỉnh và Nguyễn Bình Tĩnh, Đại Chủng Viện Huế, 1997, trang 15-17.
3. Chương I của Hiến chế Tín lý về Giáo hội có tiêu đề là “Mầu nhiệm Giáo hội”.
4. X. GH 2.
5. X. Hồng y Albert Vanhoye S.J, “Chúng ta hãy Tin tưởng đón nhận đức Kitô, Vị Thượng Tế của chúng ta”, Các bài giảng mùa Chay tại Giáo triều Rôma từ 10 -16, tháng 2 năm 2008. Bài 10 “Đức Kitô, Đấng Trung gian của Giao ước mới trong bữa Tiệc ly”.
6. X. Tông thư Phẩm Giá Phụ Nữ, s.27.
7. Von Balthasar, Obs. Rom. 23-12-1987.
8. X. Nguyễn Trọng Viễn O.P, Thách đố của phẩm tính đức Tin, Thách đố của “nữ tính”.