7 điều ít biết về bức tượng Pietà – Ðức Mẹ Sầu Bi
7 điều ít biết về bức tượng Pietà – Ðức Mẹ Sầu Bi
Trong các tác phẩm điêu khắc của Michelangelo, có lẽ Pietà – Ðức Mẹ Sầu Bi là tuyệt tác được người Công giáo yêu thích nhất.
Hình ảnh Chúa Giêsu trong vòng tay của Ðức Mẹ Maria sau khi Người chịu khổ hình trên thập giá đã được điêu khắc gia – danh họa Michelangelo thể hiện một cách hoàn hảo. Tuy rất nổi tiếng, nhưng có một số điều về bức tượng mà không nhiều người biết:
1. Ðức Hồng y người Pháp Jean de Billheres (1434-1499) tìm kiếm một tác phẩm nghệ thuật bằng đá cẩm thạch tại Rome để trang hoàng cho ngôi mộ của mình. Ngài đã tìm đến Michelangelo, lúc đó 24 tuổi, để đặt làm tượng. Ðức Hồng y Jean de Billheres đã đưa ra một chủ đề rất phổ biến ở miền bắc châu Âu, đó là hình ảnh Ðức Mẹ Maria rơi nước mắt vào thời khắc Ðức Giêsu được đưa xuống khỏi thánh giá. Có lẽ đây là tác phẩm điêu khắc đầu tiên của Michelangelo mà xúc cảm của con người đóng vai trò trung tâm, khác với các tác phẩm khác của ông. Kết quả, bức tượng đã trở thành một trong những tuyệt tác đẹp nhất bằng cẩm thạch ở Rome.
2. Pietà không chỉ là bức tượng nổi tiếng nhất của Michelangelo, mà còn là tượng duy nhất có chữ ký của ông. Tên tác giả được khắc lên áo Ðức Mẹ. Theo nhà sử học nghệ thuật Giorgio Vasari, Michelangelo khắc tên mình sau khi nghe một du khách nói rằng tác phẩm này là của một nhà điêu khắc khác.
3. Tượng Ðức Mẹ Sầu Bi có kích thước 1,7m x 1,9m, được chạm khắc từ khối cẩm thạch trắng và xanh lấy từ các hang động nổi tiếng ở Carrara, Tuscany (bắc Ý).
4. Ban đầu tác phẩm Pietà được đặt ở nhà nguyện Santa Petronilla, nơi Ðức Hồng y Jean de Billheres chọn làm nơi an nghỉ của mình. 200 năm sau, vào năm 1699, tác phẩm Pietà được dời đến Vương Cung Thánh Ðường Thánh Phêrô ở Vatican cho đến nay.
5. Năm 1964, Ðức Hồng y người Mỹ, Francis Joseph Spellman đã xin phép Ðức Giáo Hoàng Gioan XXIII được trưng bày Pietà tại cuộc triển lãm Hoàn vũ New York từ năm 1964 đến năm 1965 và đã được chấp thuận. Hàng ngàn người Mỹ và các khách tham quan triển lãm đã được tận mắt nhìn thấy tác phẩm nổi tiếng này. Bức tượng được bảo vệ sau một hàng rào nặng hơn 2 tấn.
6. Khi tượng Ðức Mẹ Sầu Bi được ra mắt công chúng vào năm 1499, các nhà phê bình nói rằng mặc dù khuôn mặt của Ðức Mẹ rất đẹp nhưng khá trẻ so với một người phụ nữ là mẹ của một người 33 tuổi. Nhà điêu khắc Michelangelo đã phản biện rằng một người phụ nữ thanh khiết sẽ giữ mãi nét thanh xuân và sẽ trẻ trung hơn những người khác.
7. Chúa nhật, lễ Hiện xuống năm 1972, Laszlo Toth, một người đàn ông Hungary có vấn đề về tâm thần đã nhảy qua hàng rào của Vương Cung Thánh Ðường thánh Phêrô để phá hoại Pietà, gây một số hư hại. Bức tượng sau đó được phục chế hoàn toàn.