Đức Phanxicô: “Chiến tranh phá hủy mọi thứ, chúng ta nhìn Ukraine và đừng xấu hổ vì đau khổ”
Vào ngày kỷ niệm đầu tiên cuộc xung đột, Đức Phanxicô đã tham dự buổi chiếu phim tài liệu “Tự do trong lửa: Cuộc chiến giành tự do của Ukraine” (Freedom on Fire: Ukraine’s Fight for Freedom) của đạo diễn Evgeny Afineevsky tại Vatican. Ngồi ở hàng cuối với em bé bên cạnh, ngài chào một số nhân vật chính của phim, mẹ của một người lính ở Azovstal và ông chủ xưởng thép Azovstal. Rồi ngài xin Chúa: “Xin Chúa chữa lành trái tim, tâm trí, đôi mắt của chúng con”.
“Tại sao chúng ta không thể sống trong hòa bình? Nó rất đơn giản…”.
Trong cuốn phim tài liệu “Tự do trong lửa: Cuộc chiến giành tự do của Ukraine”, với một giọng xúc động, trong ngây thơ, một cô gái trẻ đã hỏi Giáo hoàng, hỏi Giáo hội, hỏi thế giới: “Tại sao chúng ta không thể sống trong hòa bình? Nó rất đơn giản…”. Cuốn phim do đạo diễn Evgeny Afineevsky thực hiện, được chiếu vào chiều thứ sáu tại Vatican, 24 tháng 2, đánh dấu ngày kỷ niệm thảm kịch mà Đức Phanxicô gọi là một cuộc chiến “phi lý”.
Giáo Hoàng và em bé Sviatoslav
Đức Phanxicô ngồi ngồi hàng ghế sau, ngài chào một số nhân vật chính của phim. Trong số này có bà Anya Zaitseva, vợ của một người lính bị bắt, bà ngồi bên phải ngài, bế trên tay em bé Sviatoslav, mười sáu tháng tuổi, trong buổi chiếu em đã chơi với cây gậy của giáo hoàng. Thỉnh thoảng ngài quay lại để mỉm cười hoặc vuốt đầu em.
Chào những người có mặt
Đức Phanxicô cũng chào 240 người có mặt tại buổi chiếu phim: những người gặp khó khăn, người tị nạn và các thành viên của cộng đồng người Ukraine ở Rôma được đạo diễn mời. Văn phòng Báo chí Tòa Thánh cho biết, họ đi cùng với các hiệp hội bảo trợ họ và hồng y tuyên úy Konrad Krajewski.
Nỗi sợ của một dân tộc
Vào cuối buổi chiếu, Đức Phanxicô ban phép lành cho những người hiện diện, và cùng cầu nguyện với họ. “Chúng ta cùng cầu nguyện”, giọng xúc động ngài nói bằng tiếng Anh. Cuốn phim vừa dữ dội, vừa thực tế, gần như tự nói lên trong một số cảnh vì đối diện với thực tế của cuộc xung đột này, có rất ít điều để bình luận; chỉ có sự kinh hoàng của thực tế. Và đó là nỗi sợ của cả một dân tộc, mà một nghệ sĩ sân khấu, trong một cảnh đã thốt lên, bà kêu gọi chấm dứt chiến tranh càng nhanh càng tốt: “Cứ cách này, chúng ta tự hủy tất cả”.
Mười hai tháng sau cuộc xâm lược Ukraine của Nga, ngày 24 tháng 2 năm 2022, nhìn lại vô số lời kêu gọi và lời chứng về sự gần gũi của Đức Phanxicô liên quan đến cuộc chiến này…
“Tinh thần của chiến tranh là hủy diệt”
Trong lời cầu nguyện với những người hiện diện, Đức Phanxicô cũng nói về sự hủy diệt, ngài xin Chúa chữa lành cho nhân loại khỏi dòng sông hận thù châm ngòi cho chiến tranh: “Khi Thiên Chúa tạo dựng con người, Ngài phán hãy phát triển trái đất, làm cho nó đẹp. Tinh thần chiến tranh thì ngược lại: hủy diệt, hủy diệt. Đừng để phát triển, tiêu diệt tất cả mọi người: đàn ông, phụ nữ, trẻ em, người già, tất cả mọi người. Hôm nay, cuộc chiến này đã tròn một năm, chúng ta hãy nhìn Ukraine, cầu nguyện cho người dân Ukraine và mở rộng lòng chúng ta với nỗi đau. Chúng ta đừng xấu hổ khi đau khổ, khi khóc lóc vì chiến tranh là hủy diệt. Một cuộc chiến luôn làm suy yếu chúng ta. Xin Chúa làm cho chúng ta hiểu điều này.”
Lời cầu nguyện của Đức Phanxicô: “Xin gieo trong lòng chúng con hạt giống hòa bình”
Ngài cầu nguyện với Chúa Cha: “Lạy Cha chí thánh ở trên trời, xin Cha đoái nhìn đến những khốn khổ, những vết thương, những nỗi đau, những ích kỷ, những tư lợi thấp hèn, khả năng tự hủy diệt của chúng con. Xin Cha chữa lành trái tim, tâm trí và đôi mắt chúng con để chúng con có thể thấy vẻ đẹp mà Cha đã tạo dựng, để không vì ích kỷ mà hủy diệt nó. Xin Cha gieo trong chúng con hạt giống hòa bình.”
Gặp mẹ của một người lính
Trước khi về Nhà trọ Thánh Marta, Đức Phanxicô gặp một bà mẹ của một trong những người lính bị giam trong nhà máy thép Azovstal ở Mariupol, bị lính Nga bắt và hiện vẫn là tù nhân. Nhờ một linh mục làm thông dịch, bà nói con bà đã mất 40 kí lô trong những tháng gần đây và ước mong con bà và những người lính chiến đấu cho tự do sẽ sớm được trả tự do. Bà mang theo ba món quà cho ngài: một bông hoa, biểu tượng sự phản kháng cho đến khi được tự do; một lá cờ vàng-xanh của Ukraine, được Đức Phanxicô hôn và ban phép lành; và một túi muối, biểu tượng truyền thống của Ukraine. Bà giải thích: “Đó là muối của trái đất, là biểu tượng sức mạnh, sức mạnh cần thiết trong trận chiến rất dữ dội và rất bi thảm này.”
Lối thoát trong ngắn hạn của cuộc xung đột này có vẻ xa vời, nhưng cuộc xâm lược của Nga nổ ra một năm trước đã đặt ra nhiều câu hỏi về khả năng của phương Tây trong việc hiểu… cuộc chiến này.
Dừng Thế chiến thứ ba
Sau đó bà Natalia Nagornaya, phòng viên Đài Truyền hình Tin tức TSN phát biểu: “Dấn thân của mỗi người trong chiến tranh là làm điều tốt. Con hiểu không dễ để cha đi Ukraine trong những điều kiện này, nhưng nếu một ngày nào đó, cha đến vùng đất tử đạo này, con xin làm người hướng dẫn cha trong tất cả các thành phố bị phá hủy, tàn rụi và sống sót này. Chúng ta tất cả xin Chúa chấm dứt cuộc chiến này. Xin cha giúp để các tù nhân được trả tự do”. Phóng viên báo chí hy vọng Thế chiến thứ ba có thể dừng lại.
Đức Phanxicô cũng chào người chủ của Azovstal và ông đã tặng ngài món quà tượng trưng: một chiếc vòng tay làm từ kim loại của nhà máy thép. Đức Phanxicô đeo vào cổ tay, ngài cầu nguyện cho dân tộc đau khổ này.
Marta An Nguyễn dịch