Đức Thánh Cha thảo luận với tâm lý gia về chủ đề lo sợ
Đức Thánh Cha thảo luận với tâm lý gia về chủ đề lo sợ
Trong cuộc trò chuyện của Đức Thánh Cha với ông Salvo Noé, tâm lý gia người Ý, đã được xuất bản trong cuốn sách “La paura come dono – Lo sợ là một ân ban”, Đức Thánh Cha cho biết có những lúc, khi phải đưa ra quyết định, ngài cũng sợ sai lầm. Và trong trường hợp này sự lo sợ giúp cân nhắc cẩn thận những quyết định, nhưng sợ quá mức thì không phải là Kitô hữu.
Ông Salvo Noé đã gặp Đức Thánh Cha ở Nhà trọ thánh Marta. Ở khu nhà này, có treo tấm bảng với hàng chữ “Cấm than phiền”, đây cũng là tựa đề cuốn sách nổi tiếng của tâm lý gia. Khi thưa chuyện với Đức Thánh Cha ông Noé bày tỏ muốn viết một cuốn sách nói về sự lo sợ và xin Đức Thánh Cha đóng góp, và ngài đã đồng ý.
Trong cuốn sách “Lo sợ là một ân ban” của tâm lý gia Noé, Đức Thánh Cha kể lại những suy nghĩ, lo sợ và cảm giác của ngài trong những năm triều đại Giáo hoàng, bắt đầu từ khi ngài được bầu chọn. Ngài nói: “Có những lúc khi phải đưa ra quyết định, tôi cũng sợ sai lầm. Và trong trường hợp này lo sợ giúp tôi cân nhắc cẩn thận những quyết định, cách thực hiện và những điều khác. Đôi khi tôi cũng sợ sai lầm, nhưng sợ quá mức thì không phải là Kitô hữu”.
Trong cuộc nói chuyện Đức Thánh Cha cũng tiết lộ chính vì muốn được tự do và tránh nỗi sợ mà ngài chọn sống ở Nhà trọ thánh Marta. Thực tế, chọn sống ở toà nhà này, ngài có thể dùng bữa và ngồi bàn chung với người khác. Đức Thánh Cha nói: “Thay vì căn hộ lịch sử của Giáo hoàng trong Dinh Tông toà tôi đã chọn sống ở Nhà trọ Marta, bởi vì, như ông có thể hiểu, tôi cần gặp gỡ, nói chuyện với mọi người và ở đây tôi cảm thấy tự do hơn. Ở trong Dinh Tông toà tôi cảm thấy được bọc thép và điều này làm tôi sợ hãi. Mỗi chúng ta phải quen tìm ra giải pháp tốt nhất cho việc mình cảm thấy không thoải mái”.
Đức Thánh Cha nói ngay sau khi được bầu chọn, được đưa đến Dinh Tông toà, ngài thấy một phòng rộng nhưng lối vào nhỏ, nơi chỉ có rất ít cộng tác viên được vào, ngay lập tức ngài cảm thấy tự do bị giới hạn. Rồi Đức Thánh Cha nghĩ nếu không thể đi dạo bên ngoài Vatican, thì ít nhất ngài có thể gặp mọi người, và đó là lý do tại sao ngài chọn Nhà trọ thánh Marta. Ngài muốn phá vỡ thói quen của Giáo hoàng bị cô lập. Ở Nhà trọ này ngài có thế uống cà phê, ăn ở phòng ăn với những người khác, hàng ngày nói chuyện và đùa vui với Vệ binh Thụy Sĩ.
Đức Thánh Cha nói thêm: “Gần gũi với mọi người, làm việc với nhau là liều thuốc giải độc thực sự cho nỗi sợ. Nhiều khi, sự cô lập, cảm thấy sai lầm, gặp vấn đề và không tìm được sự giúp đỡ, có thể dẫn đến khủng hoảng làm cho đời sống tinh thần bị ảnh hưởng”. Đức Thánh Cha nhận định thêm rằng, cô đơn là điều tồi tệ thực sự của xã hội ngày nay. Tất cả đều được kết nối với điện thoại di động, nhưng bị ngắt kết nối với thực tế.
Trong cuộc trò chuyện Đức Thánh Cha còn đề cập đến nhiều vấn đề khác như người đồng tính, hiện tượng di cư, sống sinh thái, thói đạo đức giả, tinh thần thế tục…
Đề cập đến ơn gọi linh mục và tu sĩ, đặc biệt về ứng sinh chức linh mục và ơn gọi thánh hiến, Đức Thánh Cha đề nghị khi bắt đầu xem xét một ơn gọi cần phải nhìn đến mọi khía cạnh, về tâm lý, các tương quan cá nhân của ứng sinh. Bởi vì “thà mất một ơn gọi còn hơn mạo hiểm với một ứng sinh không chắc chắc”.
Ngài nhấn mạnh rằng, chủng viện và các nhà đạo tạo không phải là nơi lẩn trốn những giới hạn và khiếm khuyết tâm lý. Tiến trình đào tạo chủng sinh và tu sĩ phải đưa đến những linh mục và tu sĩ trưởng thành, những chuyên gia về nhân loại và sự gần gũi, chứ không phải những viên chức thánh. Mọi người cần gặp những chứng nhân đức tin, giúp họ có thể đối diện, nhận được sự đỡ nâng và gần gũi.
Ngọc Yến