Hồng y Parolin: “Đức Gioan-Phaolô I là người của Công đồng”
Hồng y Parolin: “Đức Gioan-Phaolô I là người của Công đồng”
Ngày chúa nhật 4 tháng 9, Đức Gioan-Phaolô I, giáo hoàng chỉ tại chức 33 ngày, sẽ được Đức Phanxicô phong chân phước tại Rôma. Hồng y Pietro Parolin, Quốc vụ khanh Tòa thánh, kiêm chủ tịch Quỹ Vatican Gioan-Phaolô I, trong một phỏng vấn, ngài giải thích lý do vì sao “tầm quan trọng của Đức Gioan Phaolô I trong lịch sử Giáo hội tỷ lệ nghịch với thời gian ngài đứng đầu Giáo hội”.
Cha 23 tuổi vào ngày 26 tháng 8 năm 1978, ngày thượng phụ Venice được bầu làm giáo hoàng. Cha còn nhớ khoảnh khắc này không?
Hồng y Pietro Parolin: Tôi còn nhớ rất rõ ngày hôm đó. Khi đó tôi còn là phó tế năm cuối thần học tại chủng viện Vicenza, nhưng mùa hè năm đó tôi về Reggio Emilia để học khóa học tâm lý. Chiều thứ bảy 26 tháng 8, chúng tôi đến dự lễ truyền chức phó tế của một người bạn cũng ở Reggio Emilia. Khi chúng tôi rời nhà thờ, tôi nghe tin tân giáo hoàng đã được bầu.
Và ngay sau đó, chúng tôi biết tên ngài, đó là hồng y Thượng phụ Albino Luciani của Venice. Một đại bất ngờ vì kết quả nhanh của mật nghị. Ngài đắc cử trong thời gian rất ngắn, chưa đầy 24 giờ, trong khi báo chí tiên đoán mật nghị sẽ kéo dài, đau đớn và khó khăn. Sau này chúng tôi biết, ngài được bầu với một số phiếu đồng thuận cao. Dù ngài ở vùng này, thượng phụ giáo chủ Veneto nhưng tôi không biết rõ ngài. Tôi có đọc quyển sách Illustrissimi của ngài (ấn bản tiếng Pháp là Humblement vôtre, Sự khiêm tốn của bạn). Trên thực tế, tôi không có yếu tố nào để có thể lượng định về nhân cách của ngài. Chúng tôi vẫn còn là chủng sinh, vì vậy chúng tôi chưa dự vào các công việc của Vatican!
Đức Gioan-Phaolô I trong ngày nhậm chức 3 tháng 9-1978 tại Rôma
Như thế sau này cha mới biết ngài?
Đúng, sau này. Sau đó là câu chuyện của ngài và cái chết đột ngột của ngài, chỉ sau 33 ngày tại chức đã khơi dậy một số chú ý về ngài. Ngoài ra là cách ngài cho thấy về ngài trong 33 ngày này, phong cách độc đáo khi ngài bắt đầu triều giáo hoàng, đã làm cho thế giới đánh giá cao về ngài; và tất nhiên đã khơi dậy trong tôi mong muốn tìm hiểu sâu hơn về con người này.
Cha chia sẻ với Đức Gioan-Phaolô I cùng nguồn gốc Veneto. Chỗ đứng nào của đạo công giáo ở vùng này của nước Ý, nơi đã cho Giáo hội nhiều nhân cách và vị thánh vĩ đại?
Tôi nghĩ mọi thứ đã thay đổi đáng kể trong vài thập kỷ qua. Quá trình thế tục hóa đã ảnh hưởng đến toàn thể Giáo hội, toàn thế giới và đặc biệt là thế giới phương Tây, đã cảm thấy rất mạnh, rất lớn trong khu vực của chúng tôi.
Đây là vùng của một đạo công giáo sâu đậm, nơi đức tin không được phải như một thứ gì đó chồng chất lên cuộc sống, nhưng là một phần thiết thân của cuộc sống, nơi đức tin là biểu hiện cao hơn của chính cuộc sống. Và điều này được thể hiện trên tất cả qua việc giữ đạo, thực tế ở đây có một tỷ lệ rất cao dân chúng dự thánh lễ, dự các bí tích, các cử hành phụng vụ khác… Và trên tất cả là mức độ ơn gọi. Vào những năm 1960, trong chủng viện của tôi có đến 600 chủng sinh!
Tại đây có tinh thần truyền giáo lớn trong các việc của đạo công giáo: và đó là đặc điểm của sự hiện diện Giáo hội trong khu vực, gắn kết mạnh mẽ với thực tế xã hội, nhất là trong thời kỳ nghèo đói. Giáo hội thực sự là một nhân tố thúc đẩy con người, được liên kết với hình ảnh của các linh mục, những người khởi xướng công việc đoàn kết vĩ đại, như các tổ chức hợp tác, nơi mọi người tụ họp, v.v.
Ngày nay, chắc chắn vẫn còn sự hiện diện của Giáo hội, nhưng không còn những đặc trù này nữa, ngay cả khi với những giá trị cố định như công việc thiện nguyện, phát sinh chính xác từ những giá trị mà Giáo hội đã khắc sâu và hiện diện trong vùng Veneto của chúng tôi.
Albino Luciani đã làm hầu hết sứ mệnh của ngài ở Veneto, ban đầu là linh mục tại giáo phận Belluno, sau đó là giám mục của Vittorio Veneto (1958-1969) và cuối cùng là thượng phụ Venice (1969-1978). Ngài đã để lại những kỷ niệm gì ở quê hương của ngài?
Tôi nghĩ ngài để lại một ký ức sống động ở vùng Veneto. Ở Belluno, nơi ngài chịu chức và làm sứ mệnh chức thánh, vẫn còn các linh mục biết ngài khi ngài làm giáo sư ở chủng viện. Mọi người đều nhớ đến sự mạch lạc, sự sáng tỏ, sự tươi mới của ngài khi trình bày vấn đề, khi giảng dạy. Ngài có một năng khiếu đặc biệt khi trình bày một vấn đề, để được hiểu. Họ cũng đặc biệt nhớ ngài đặt tầm quan trọng vào công việc dạy giáo lý. Điều này luôn là đặc trưng của ngài. Cuối cùng họ cũng nhớ đến thời gian ngài làm cha tổng đạo diễn và sự kiên định khi ngài thực hiện chức năng của ngài. Và cũng có những người lớn tuổi rất “mê” ngài, họ xúc động khôn nguôi khi nhắc đến ngài.
Và khi ngài làm giám mục thì họ nhớ đến ngài như thế nào?
Ngài được bổ nhiệm về Vittorio Veneto trùng hợp với những bước đầu của Công đồng Vatican II, nên dần dần ngài cùng đi với công đồng. Ở Venice, tôi tin đây là giai đoạn khó khăn nhất của ngài, ngài có nhiều căng thẳng. Đó là những năm phản đối. Do đó, có những khó khăn trong việc thực hiện Công đồng trước những biểu hiện phản đối nảy sinh vào lúc này. Nhưng tôi nghĩ hình ảnh đẹp nhất của thượng phụ Venice là khi những người khiêm nhường nghĩ về ngài, họ đều thấy ngài rất gần gũi với mọi người.
Vì triều giáo hoàng của ngài rất ngắn, bị kẹt giữa hai “giáo hoàng khổng lồ” là Đức Phaolô VI và Đức Gioan-Phaolô II nên chúng ta thường ít biết về ngài. Chúng ta thường nói về “một giáo hoàng mỉm cười” và cái chết bất ngờ của ngài. Đâu là những bài học chính cha rút tỉa từ triều giáo hoàng của ngài?
Giảng dạy chính của ngài là về Công đồng. Ngài là người của Công đồng và đã tìm cách dịch chính xác giáo huấn của Công đồng vào đời sống mục vụ. Trên phương diện cá nhân, giảng dạy lớn lao của ngài là về sự đơn giản của Phúc âm. Một giản dị bắt nguồn mạnh mẽ từ đức tính khiêm tốn của ngài. Tôi nhớ lời Đức Bênêđíctô XVI nói về Đức Gioan-Phaolô I: “Lòng khiêm tốn có thể được xem là di chúc thiêng liêng của ngài.”
Khiêm tốn là đức tính cơ bản mà Chúa Giêsu đã dạy chúng ta, làm cho chúng ta đẹp lòng Chúa và cũng tạo điều kiện thuận lợi cho mối quan hệ của chúng ta với người anh em, khiêm nhường không có nghĩa là thấp kém mà nhìn nhận rằng tất cả ân sủng chúng ta nhận được đều là do Chúa ban. Và cuối cùng, ngài có cách sống Phúc Âm một cách toàn vẹn, trực tiếp đi thẳng đến bản chất của Phúc Âm, không phân rẽ, không phân chia những gì ngài nghĩ, nói, dạy và thực hành.
Đức Gioan-Phaolô I là giáo hoàng người Ý cuối cùng. Chúng ta thường nhận xét về tầm quan trọng của việc quốc tế hóa Giáo hội hoàn vũ, nhưng hiếm khi nói về ảnh hưởng của việc này với Giáo hội Ý. Là người Ý, cha cảm nhận sự tiến hóa này như thế nào?
Tôi nghĩ những thay đổi này đã có thể tạo một số ngạc nhiên lúc đầu, một ngạc nhiên sau nhiều thế kỷ của các giáo hoàng Ý. Đó là bản chất của mọi chuyện, dần dần từng bước một, Giáo hội và Giáo triều Rôma mở cửa để quốc tế hóa. Đó là một trong những dấn thân cao cả của Đức Phaolô VI, và nó chỉ có ý nghĩa khi cuối cùng sẽ có một giáo hoàng không phải người Ý. Tôi tin trong khuôn khổ khái niệm phổ quát của Giáo hội, đây không phải là vấn đề. Chúng tôi rất vui vì chính Chúa Thánh Thần sẽ tìm khắp nơi trên thế giới để có người kế vị Thánh Phêrô!
Sau Đức Gioan-Phaolô I, cuộc bầu chọn Đức Gioan-Phaolô II hẳn là điểm nổi bật bất chấp mọi thứ: lần đầu tiên sau nhiều thế kỷ, một giám mục Rôma không phải là người Ý.
Đúng, nhưng, tạ ơn Chúa, tôi không muốn ca ngợi người Ý! Tôi nghĩ đó là một chút trong tinh thần Ý, cởi mở trước tính phổ quát này. Và có lẽ việc Chúa chọn Rôma là trung tâm Giáo hội của Ngài, nơi Ngài muốn có đạo công giáo và do đó là phổ quát, có một ý nghĩa… Chúng ta nghĩ đến việc Đức Bênêđíctô XVI từ nhiệm, đó là cú sốc. Nhưng đó là những điều đã trưởng thành, và chúng ta biết cuối cùng lịch sử được Thần Khí Thiên Chúa dẫn dắt. Trên thực tế và cả trên bình diện cá nhân cũng như bình diện chung, tôi không cảm thấy khó khăn gì khi chấp nhận những thay đổi này.
Ngược lại, ngày nay chúng ta có thể có ấn tượng, người Ý “thâu nhận” giáo hoàng, dù ngài đến từ đâu, và làm cho ngài thành người của họ…
Vâng, đúng vậy. Chúng ta đã thấy sự đón nhận dành cho Đức Gioan-Phaolô II, một nhân vật lần đầu tiên xuất hiện tại mật nghị năm 1978. Đó là một điều gì rất đẹp.
Triều giáo hoàng Gioan-Phaolô I đến sau thời kỳ có nhiều thay đổi lớn trong Giáo hội, cũng do căng thẳng, điều này khuyến khích các giáo hoàng kế tiếp làm việc cho sự hợp nhất. Trong bối cảnh này, cha nghĩ những phẩm chất nào của Đức Gioan-Phaolô I đã lôi cuốn các hồng y cử tri?
Tôi nghĩ nó rất rõ ràng. Các hồng y đã thấy ở ngài một mục tử rất gần giáo dân. Và điều này nhắc đến chủ đề về sự gần gũi mà Đức Phanxicô nói đến rất nhiều. Họ nhìn thấy một mục tử đến với giáo dân với điều cốt yếu của đức tin, nhưng cũng là người rất chú ý đến các động lực xã hội, đến những khó khăn của giáo dân.
Một số chuyên gia về Đức Gioan-Phaolô I so sánh ngài với Đức Phanxicô. Cha nghĩ có điều gì đó phù hợp giữa hai ngài không?
Mỗi giáo hoàng có những đặc điểm riêng của họ. Theo tôi, so sánh luôn có những nguy hiểm của nó, vì chúng ta biết mỗi giáo hoàng được Chúa Thánh Thần gọi qua việc bầu chọn của các hồng y và mỗi giáo hoàng đáp ứng các nhu cầu hiện tại của Giáo hội.
Tuy nhiên, tôi nghĩ có những điểm tương đồng. Bà Stefania Falasca nói, trước khi bầu Đức Phanxicô, bà đến thăm ngài khi bà làm luận án về Illustrissimi. Hồng y Bergoglio đã cho bà thấy ngài rất quen thuộc với các tác phẩm của hồng y Luciani. Hai giáo hoàng có nhiều điểm tương tự nhau. Đức Phanxicô cũng như Đức Gioan-Phaolô I, ngài rất chú tâm đến sự đơn giản. Họ có kỹ năng giao tiếp tuyệt vời. Giáo hoàng Luciani là người giao tiếp xuất sắc. Họ chia sẻ mong muốn tiếp nối di sản của Công đồng Vatican II, và tôi thấy điểm này là điểm tương đồng cơ bản của họ.
Trong thông điệp Urbi et Orbi, Cho thành phố Rôma và cho Thế giới, ngày 27 tháng 8 năm 1978, Đức Gioan-Phaolô I mô tả sáu điều ngài mong ước cho Giáo hội: tiếp tục Công đồng Vatican II, duy trì kỷ luật trong Giáo hội, truyền giáo, đại kết, đối thoại liên tôn và hòa bình. Với bài phát biểu này, ngài đã đưa ra bài học nào cho những giáo hoàng kế nhiệm ngài?
Đúng, đó là đường hướng mà tất cả các giáo hoàng đã đi theo. Điểm này đặc biệt quan trọng với Albino Luciani, vì ngài là người kế vị ngay lập tức của Đức Phaolô VI, người đã đóng cửa Công đồng và bắt đầu giai đoạn thực hiện. Một giai đoạn mà ngài cho là dễ dàng hơn nhưng hóa ra lại phức tạp hơn. Việc chọn tên Gioan-Phaolô, tên của hai giáo hoàng Công đồng, là rất quan trọng. Đức Gioan XXIII phong ngài làm giám mục và Đức Phaolô VI phong ngài làm hồng y, nhưng việc chọn tên này trên hết có liên quan đến việc theo đuổi Công đồng. Và ngài đã đưa ra định hướng này cho người kế nhiệm, và tôi tin cả Đức Gioan-Phaolô II và Đức Phanxicô đều đã tiếp thu sáu điểm của chương trình này để tích hợp một cách sâu sắc và thúc đẩy các lựa chọn của Công đồng.
Cái chết đột ngột của Đức Gioan-Phaolô I nhắc nhở chúng ta quyền lãnh đạo thứ bậc của Giáo hội không được giao cho những siêu nhân mà cho các nhà lãnh đạo biết thế nào là mong manh.
Điều này cho chúng ta biết chính Chúa là người hướng dẫn Giáo hội của Ngài. Một con đường đôi khi thật bí ẩn, khó hiểu với chúng ta! Tôi nhớ đến sự ngạc nhiên. Tại chủng viện, sau thánh lễ buổi sáng. Chúng tôi được thông báo giáo hoàng đã qua đời. Chúng tôi kêu lên: “Nhưng tại sao ngài lại chết? Ngài đã chết cách đây một tháng!” Nhưng điều không may này thực sự đã xảy ra. Dĩ nhiên điều này cho thấy, giáo hoàng cũng là con người, ngài có tất cả các giới hạn của con người như chúng ta, kể cả giới hạn của sức khỏe. Như thế cũng có nghĩa, dù chỉ tại chức trong một thời gian ngắn, ngài cũng có thể để lại những dấu vết không thể xóa nhòa. Chúng ta có thể nói tầm quan trọng của Đức Gioan-Phaolô I trong lịch sử tỷ lệ nghịch với thời gian ngài đứng đầu Giáo hội. Ngay cả khi có ít thời gian, chúng ta có thể làm được rất nhiều, hãy là những người của Tin Mừng, những người tìm cách sống theo chiều sâu chức vụ của mình.
Video Đức Gioan-Phaolô I chào đón hồng y Karol Wojtyla, người sẽ kế vị ngài vài tuần sau với tên Gioan-Phaolô II. Ngày chúa nhật 4 tháng 9, Đức Phanxicô phong chân phước cho “giáo hoàng mỉm cười” tại Rôma.
Marta An Nguyễn dịch