Giáo hoàng ở Canada, ba thông điệp cho Giáo hội ngày mai
Giáo hoàng ở Canada, ba thông điệp cho Giáo hội ngày mai
Với chuyến hành trình ở miền cực bắc Canada từ ngày 24 đến 30 tháng 7, Đức Phanxicô không những chỉ đáp trả lại chuyến thăm của người bản địa đến Rôma vào mùa xuân vừa qua, họ đến tố cáo một loại “văn hóa diệt chủng” họ đã phải gánh chịu trong nhiều thập kỷ, vì thế thay mặt cho Giáo hội công giáo để nhận tội, nhưng cùng lúc ngài cũng gởi một thông điệp, vượt ngoài biên giới Canada, về việc Giáo hội sẽ như thế nào trong tương lai.
Chuyến tông du quốc tế thứ 37 của ngài thu hút sự chú ý đặc biệt vì gần đây ngài đi đứng khó khăn nên đã phải hủy chuyến đi đầu tháng 7 vừa qua tới Cộng hòa Dân chủ Congo và Nam Sudan. Nhưng ngoài chuyến đi Kiev, dự án Kazakhstan đã dự trù thì chúng ta không thấy triển vọng có những chuyến đi khác. Đức Phanxicô 86 tuổi, sẽ không còn đi như trước.
Một thực tế càng làm cho quyết tâm của ngài đáng kể hơn, không thể không làm cho những người thân cận ngài lo lắng, để xác nhận chuyến đi có những đòi hỏi khắt khe này ở vùng Bắc Cực. Tóm lại, đây là hành trình không thể thiếu: vì như chúng ta biết, giáo hoàng đặc biệt ấn tượng bởi chứng từ của các phái đoàn của Quốc gia Thứ nhất, Inuit và Metis mà ngài đã tiếp đón, trước tiên là riêng lẻ, sau đó là tất cả các phái đoàn, từ cuối tháng 3 đến đầu tháng 4, những câu chuyện của người lớn tuổi, những câu chuyện về lạm dụng thể chất và tình dục trong các “trường nội trú” được chính quyền Canada giao cho các tổ chức tôn giáo quản lý, trong đó có Giáo hội công giáo, những thiệt hại do văn hóa châu Âu với chủ nghĩa thực dân đã gây ra cho vùng này. Đúng, nhưng ở Canada, Đức Bergoglio dường như thấy đây là cơ hội để phát triển, và bắt rễ, ít nhất ba khái niệm gần gũi với trái tim của ngài và ngài xem là quan trọng cho Giáo hội công giáo trong những năm sắp tới.
Dĩ nhiên đòi hỏi xin tha thứ cho những hành vi lạm dụng của “những kẻ chinh phục” không phải là sáng kiến của Đức Jorge Mario Bergoglio. Trên tạp chí Văn minh Công giáo, linh mục Federico Lombardi nhắc lại thời giáo hoàng Phaolô III năm 1537 đã cảnh báo trong sắc chỉ “Sublimis Deus” (Thiên Chúa tối cao) rằng, “người kitô giáo” khi phát hiện ra người bản địa, trong bất cứ trường hợp nào, họ không được tước tự do, tước quyền sở hữu của cải của người bản địa, ngay cả khi những người này không tin vào Chúa Kitô. Gần đây và chỉ giới hạn ở Canada, Đức Gioan-Phaolô II đã đến đây ba lần và đã xin lỗi các dân tộc bản xứ. Đức Bênêđíctô XVI cũng đã làm như vậy khi ngài tiếp họ tại Vatican. Tuy nhiên, những lời chỉ trích Giáo hội vẫn tiếp tục. Sự thật lịch sử đến đúng lúc: một ủy ban “Sự thật và Hòa giải” được thành lập năm 2015 đã yêu cầu đích thân giáo hoàng đến Canada để xin lỗi. Các sự việc khủng khiếp khác xuất hiện, như việc phát hiện những phần sót lại thi thể của 215 trẻ em ở trường nội trú ở Kamloops, bang British Columbia: Nhà nước Canada đã trả lương thấp cho các trường này, khi trẻ em sống trong điều kiện vệ sinh kém qua đời, để tiết kiệm tiền, các em bị chôn cất gần đó, thay vì giao thi thể các em cho gia đình. Những sự kiện đã ảnh hưởng đến dư luận thế giới và thúc đẩy Giáo hội Canada phải lên án rõ rệt hơn trước.
Với Đức Phanxicô, cường độ tranh luận này chỉ có thể tăng lên. Là người thừa kế các nhà truyền giáo Dòng Tên, Đức Bergoglio luôn cực kỳ chú ý đến nút thắt lịch sử của chủ nghĩa thực dân, sự pha trộn lẫn lộn giữa truyền giáo và tước đoạt các nền văn hóa nguyên thủy. Năm 2015, ngài nói trong chuyến đi Bolivia: “Tôi khiêm tốn xin được tha thứ, không chỉ với tội lỗi của chính Giáo hội, mà còn với những tội ác chống lại người dân bản địa trong cuộc chinh phục nước Mỹ. Và cùng với lời xin tha thứ, công bằng mà nói, tôi cũng xin chúng ta nhớ đến hàng ngàn linh mục, giám mục, những người kiên quyết chống lô-gích thanh gươm quyền lực để nhận Thánh giá. Có tội lỗi, và có rất nhiều tội, nhưng chúng ta đã không xin tha thứ và vì điều này bây giờ chúng ta xin tha thứ, và tôi xin được tha thứ, ở đâu có tội lỗi ở đó có ơn Chúa dồi dào hơn thông qua những người này, những người đã bảo vệ công lý của các dân tộc nguyên thủy”. Năm 2019, ngài muốn Thượng hội đồng về vùng Amazon được họp tại Rôma mà trước đó định tổ chức ở Puerto Maldonado, nơi khám phá có vấn đề tương tác giữa công việc truyền giáo và thuộc địa.
Tuy nhiên, một cam kết lâu dài – và đây là điểm đầu tiên có thể thấy trong trong chuyến đi Canada, có nguy cơ bị giới hạn ở Mỹ Latinh. Vì giáo hoàng Argentina quan tâm đến vấn đề này, ngài đến từ nơi duy nhất trên thế giới từng xảy ra vấn đề này. Một liên hệ giữa thuộc địa hóa và chú giải sai Phúc âm, “học thuyết khai phá” được Hội thánh la-mã chúc phúc, đã diễn ra ở nhiều nơi và có thể diễn ra gần như khó ngụy trang ngay cả trong thế giới ngày nay bởi các nhà truyền giáo, công giáo và các giáo phái kitô giáo khác.
Chuyến đi đến Canada sẽ tạo cơ hội cho ngài mở rộng vấn đề vượt xa Châu Mỹ La-tinh, và xa hơn nữa là thế giới nói tiếng Tây Ban Nha. Ngài sẽ đọc các bài phát biểu bằng tiếng Tây Ban Nha và sẽ được dịch sang tiếng Anh, tiếng Pháp, vì thế sẽ đến được Hoa Kỳ láng giềng, Australia xa xôi, ở châu Phi cũng như ở châu Âu cũ.
Một thông điệp – và đây là điểm thứ hai – gắn bó chặt chẽ đến sự đa dạng văn hóa và đến “ngôi nhà chung”. Giáo hoàng của Laudato si’ và của Fratelli đều đã nói và nhắc lại các thông điệp này, nhưng bây giờ ngài sẽ nhắc lại bằng từ ngữ rõ ràng từ quốc gia của nhóm G7 luôn nhạy cảm với vấn đề môi trường. Như tu sĩ Dòng Tên người Canada Gilles Mongeau giải thích với hãng tin I. Media: “Chúng tôi nhận ra các dân tộc bản địa là những người bảo vệ đầu tiên vùng đất này. Chúng ta được hưởng lợi từ đất đai và đất đai chưa bao giờ được chính thức trao cho người thực dân. Họ đã chiếm giữ nó. Một trong những điểm khác biệt đáng kể nhất giữa văn hóa châu Âu và văn hóa bản địa là mối quan hệ với đất đai. Người châu Âu sở hữu đất đai, họ mua bán đất đai. Họ có quyền trên đất đai. Người dân bản địa xem mình là người quản lý đất đai. Họ xem đất đai như món quà và chia sẻ với nhau hơn.” Một khái niệm mà Giáo hội biết cách tự tạo và nâng cao, không giao chủ đề về môi trường cho người khác, và hoạt động như người thúc đẩy cam kết giải quyết một vấn đề luôn tồn tại cho nhân loại hôm nay và mai sau.
Từ Canada, Đức Phanxicô sẽ có dịp để thể hiện thêm một lần nữa, nhưng dưới một góc độ mới, gương mặt của Giáo hội công giáo xa với hình ảnh của một Giáo hội khép mình, chỉ chú ý đến phụng vụ và giáo luật, một Giáo hội cùng với những người thiện tâm lo cho lợi ích chung. Đó là một cách để nhấn mạnh ý nghĩa đích thực nhất của việc truyền giáo. Như ngài đã nói ở Bolivia, ngài tin chắc từ những năm 1500 và cho đến ngày nay, ngay cả trong Giáo hội, vẫn có những ý kiến khác nhau, và thực sự là mâu thuẫn nhau, về ý nghĩa của việc mang “Tin Mừng” đến với thế giới: một số người áp đặt Tin Mừng với “lô-gích thanh kiếm”, một số khác tuân theo “sức mạnh của Thập giá”. Để làm rõ hơn, để phân định và quyết định, phải đi từ sự thật lịch sử. Một sự thật không thể không đau đớn. Như linh mục Lombardi ghi nhận, các sự kiện bi thảm của lịch sử, “chúng ta đã gặp phải những đau khổ lớn lao, trước hết là của người dân bản địa, của các học sinh nội trú, những nạn nhân của những bất công to lớn và lạm dụng nghiêm trọng, mà đàng sau là đau khổ của những người đã cống hiến hết sức mình với ý muốn chân thành phục vụ Tin Mừng và các dân tộc bản địa. Giờ đây, họ cảm thấy thất vọng trước những lời chỉ trích rất gay gắt, kể cả việc vơ đũa không đúng. Chúng tôi nghĩ – linh mục Dòng Tên viết – đây là cái giá đền tội, tất cả phải trả bằng con đường thanh tẩy của Giáo hội. Chúng tôi hy vọng nó sẽ đơm hoa kết trái trong cuộc gặp gỡ sâu đậm hơn, hiệu quả hơn và đổi mới – thực sự được hòa giải – với người dân bản địa và toàn xã hội Canada.
Những chữ giải thích vì sao Đức Phanxicô đến Canada như hành trình hành hương sám hối, dành riêng cho người bản địa Canada nhưng những chữ này có khả năng vượt xa biên giới Canada.
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch