Linh mục Francesco Zantedeschi, người đi trước Faraday
Linh mục Francesco Zantedeschi, người đi trước Faraday
Trong các báo cáo năm 1829 – 1830, linh mục Francesco Zantedeschi đã đề cập việc sản sinh dòng điện trong mạch kín nhờ vào tương tác của nam châm. Một năm sau, nhà vật lý học người Anh Michael Faraday mới thực hiện cuộc thí nghiệm kinh điển về hiện tượng cảm ứng điện từ.
Cha Zantedeschi chào đời vào ngày 20.8.1797 tại đô thị Dolcé thuộc tỉnh Verona ở Ý, cách Venice khoảng 120 km về hướng tây. Thời gian đầu, ngài chỉ đảm nhận công tác giảng dạy môn thần học, nhưng không mất nhiều thời gian để vị linh mục khám phá rằng mình thật sự say mê vật lý và đã được bề trên ủng hộ. Sau khi lần lượt đứng lớp tại một số trường trung học Công giáo ở Milan, Brescia và Venice, ngày 14.7.1849, cha trở thành giáo sư vật lý ở Venice. Cũng trong năm này, cha Zantedeschi được mời giảng dạy tại Ðại học Padua trên cương vị giáo sư, và sau đó đứng lớp truyền thụ kiến thức cho các sinh viên chuyên ngành dược. Trong thời gian ở Ðại học Padua cho đến khi từ chức vào năm 1853, ngài đã tăng cường trang bị các công cụ khoa học chất lượng cao cho phòng thí nghiệm của đại học, không những phục vụ cho công tác giảng dạy mà còn hỗ trợ tốt nỗ lực nghiên cứu của vị linh mục.
Nhà khoa học đam mê thí nghiệm
Là một người đam mê nghiên cứu, cha Zantedeschi đã áp dụng những phương pháp chưa từng thấy để nâng xác suất thí nghiệm lên mức cao nhất. Vào thời điểm mới gia nhập Ðại học Padua, ngài lập tức tìm đến phòng thí nghiệm, và nhanh chóng phát hiện nơi này trong tình trạng tệ hại, thiếu thốn đủ thứ và không hề phù hợp với tiêu chuẩn cũng như yêu cầu cần phải có nếu muốn giảng dạy vật lý ở bậc đại học. Cần nhớ rằng các phòng thí nghiệm đóng vai trò vô cùng quan trọng trong lĩnh vực khoa học, nhất là trong bối cảnh của thế kỷ 18, khi mà các kết quả nghiên cứu và chứng minh thực nghiệm rất cần thiết nếu muốn thu thập kiến thức. Các chuyên ngành về lịch sử tự nhiên và vật lý càng cần phải có phòng thí nghiệm để giảng dạy cho sinh viên, chưa kể đến hoạt động nghiên cứu của các giáo sư.
Một ấn bản nghiên cứu khoa học của vị linh mục |
Tuy nhiên, không phải đợi đến Ðại học Padua, vị linh mục mới bắt đầu mua sắm trang thiết bị, mà đây là điều cha thường làm khi dạy học ở các trường cấp 3 Công giáo trước đó, chẳng hạn như trường trung học Thánh Caterina. Vì mối quan tâm của cha Zantedeschi khá rộng, nên ngài luôn tìm cách làm cho phòng thí nghiệm ở trường mình giảng dạy có đa dạng thiết bị. Có lần cha đề nghị mua thiết bị chụp ảnh, nhưng vấp phải sự phản đối của hiệu trưởng. Thế nhưng cha Zantedeschi không vội bỏ cuộc mà tìm cách thuyết phục để nhà trường trang bị những món cần thiết khác để làm phong phú dụng cụ dạy học.
Tình trạng trên một lần nữa tái diễn vào năm 1846, vì kinh phí không đủ để vị linh mục mua thêm thiết bị nghiên cứu cho khoa lịch sử tự nhiên. Những nỗ lực sau đó vẫn không đủ trang trải cho nhu cầu của phòng thí nghiệm, buộc cha phải nghĩ ra cách khác. Thậm chí, ngài không ngần ngại đệ đơn thỉnh nguyện trực tiếp cho hoàng đế Áo và Hungary Franz Joseph. Trong thư, cha nói với nhà vua rằng phòng thí nghiệm của Ðại học Padua đang trong tình trạng thiếu thốn, đồng thời đề nghị được cấp thêm máy móc cơ khí dùng cho nghiên cứu về ánh sáng, nhiệt, điện từ và âm thanh.
Thí nghiệm về từ trường và ánh sáng
Cha Zantedeschi là một nhà khoa học làm việc cần mẫn và giỏi viết lách. Trong suốt quá trình thực hiện thí nghiệm, ngài tổng cộng viết được 325 mục hồi ký và thư tín cho Thư viện Italiana (Ý) và Thư viện Ðại học Geneve (Thụy Sĩ). Vào năm 1829 và một lần nữa trong năm 1830, cha Zantedeschi công bố các báo cáo về sự sản sinh dòng điện trong các mạch điện kín thông qua tác động của nam châm, từ đó đi trước thí nghiệm kinh điển của nhà vật lý học người Anh Michael Faraday vào năm 1831. Trong lúc tiến hành nghiên cứu quang phổ mặt trời, vị linh mục thuộc nhóm khoa học gia đầu tiên nhận ra hiện tượng khí quyển Trái đất hấp thu ánh sáng đỏ, vàng và xanh.
Năm 1838, vị linh mục đam mê vật lý cho rằng đã phát hiện tác động của từ trường trên các thanh kim sắt trong môi trường ánh sáng cực tím. Dù hiệu ứng này không được công nhận, một điều thú vị là cha Zantedeschi có lẽ đã phát hiện ra mối liên hệ giữa ánh sáng và từ trường nhiều năm trước khi nhà vật lý người Scotland James Clerk-Maxwell thực hiện cuộc thí nghiệm giúp đưa ra lý thuyết điện từ của ánh sáng vào năm 1867. Các cuộc thí nghiệm và báo cáo của vị linh mục về hiệu ứng của trường điện từ đối với lửa cũng thu hút sự quan tâm đông đảo của dư luận thời đó. Sau này, cha Zantedeschi cũng viết một cuốn hồi ký hiện vẫn còn lưu khữ trong văn khố của Viện hàn lâm Verona.
Cha Zantedeschi công tác tại Ðại học Padua cho đến khi về hưu năm 1853 vì lý do sức khỏe. Ngài qua đời ở Padua vào ngày 29.3.1873.
HỒNG HOANG