10 quốc gia đông tín hữu Công giáo nhất thế giới
10 quốc gia đông tín hữu Công giáo nhất thế giới
Qua 2 thiên niên kỷ, Giáo hội đã phát triển rộng khắp thế giới với số lượng tín hữu hiện hơn 1,3 tỷ người. Trải qua nhiều thăng trầm, nhưng đức tin vẫn luôn hiện diện mạnh mẽ trong cuộc sống các Kitô hữu. Dưới đây là 10 quốc gia có số lượng giáo dân đông nhất thế giới:
1. Brazil (126.880.000 tín hữu)
Thánh lễ đầu tiên được cử hành tại Brazil vào Chúa nhật Phục Sinh năm 1500 và giáo phận đầu tiên được thành lập vào năm 1551. Trong suốt thời kỳ thực dân, các vị thừa sai Công giáo phản đối quyết liệt chính sách bóc lột người bản địa của chính phủ Bồ Ðào Nha, dẫn đến sự đàn áp đối với dòng Tên vào thế kỷ 18. Khi đất nước giành được độc lập vào thế kỷ 19, cộng đồng Công giáo Iberia đã có mặt tại đây với phần lớn là dân di cư đến từ Ý, Ba Lan và Ðức. Hiện Brazil là quốc gia có đông tín hữu nhất trên thế giới, người Công giáo chiếm 61% dân số nước này.
2. Mexico (98.820.000 tín hữu)
Công giáo được truyền bá tại Mexico vào đầu thế kỷ 16 bởi các thừa sai Tây Ban Nha. Một linh mục trong đội viễn chinh của Hernan Cortes đã đến bán đảo Yucatan vào năm 1519. Ðến năm 1524, 12 linh mục dòng Phanxicô cũng đã đến Mexico. Dòng Ðaminh có mặt vào năm 1526, và sau đó là dòng Augustinô đến đây năm 1533.
3. Philippines (85.470.000 tín hữu)
Các nhà truyền giáo đã đưa đức tin Công giáo đến Philippines vào đầu thế kỷ 16 ở Cebu. Ngày nay, quốc đảo này là quốc gia có số lượng tín hữu Công giáo đông nhất châu Á. Theo báo cáo gần đây, có khoảng 81.4% dân số Philippines theo Công giáo.
4. Mỹ (71.000.000 tín hữu)
Công giáo du nhập vào Mỹ qua những người Tây Ban Nha đến Florida, Georgia, California. Thánh Junipero Serra dòng Phanxicô là người đi tiên phong trong việc truyền giáo tại đây. Sau đó, các thừa sai người Pháp thực hiện sứ mệnh tại Louisiana, Alabama, Arkansas, Illinois, Michigan vào thế kỷ 18. Ðức tin tiếp tục phát triển ở miền đông bắc bởi những người di cư Ý và Ireland vào thế kỷ 19 và 20, cũng như những người mới đến từ Ðông Âu như cộng đồng Latino và Filipino ngày nay.
5. Ý (50.474.000 tín hữu)
Kitô giáo đặt chân đến Ý vào thế kỷ thứ nhất bởi các thương nhân và lính La Mã. Lá thư của thánh Phaolô gởi đến những người La Mã cho thấy sự hiện diện của Kitô giáo đã có mặt từ thuở đầu tại đây. Thánh Phêrô và thánh Clement (sau này trở thành vị Giáo hoàng đầu tiên người Ý) đã viết một lá thư cho cộng đồng Kitô hữu ở Corinth vào năm 96.
6. Pháp (44.000.000 tín hữu)
Tương truyền bà Mary Bethany cùng chị gái là thánh Martha, em trai Lazarus và những người đồng hành bị đàn áp tại Ðất Thánh, đã băng qua Ðịa Trung Hải, vào miền nam nước Pháp, gần Arles. Người dân vùng Provence khẳng định chính Ðức Lazarus là vị Giám mục đầu tiên của Marseille – cũng thuộc miền nam nước này. Tuy nhiên, những ghi chép sớm nhất về Giáo hội Pháp là vào thế kỷ thứ 2, khi thánh Irenaeus đã mô tả chi tiết cái chết của vị giám mục 90 tuổi Pothinus của Lugdunum và các vị tử đạo khác ở Lyon.
7. Colombia (36.000.000 tín hữu)
Công giáo hiện diện tại quốc gia này vào năm 1508, giáo phận đầu tiên được thành lập năm 1534. Giống như các thuộc địa khác của Tây Ban Nha tại châu Mỹ, Giáo hội Công giáo không chỉ được hình thành mà còn phụ trách hầu hết các tổ chức cộng đồng về giáo dục (trường học, thư viện…), y tế (bệnh viện, nhà trẻ, trại phong…). Ngày nay, Colombia có 52 giáo phận và hơn 120 tổ chức thuộc Công giáo.
8. Ba Lan (33.037.017 tín hữu)
85.8% dân số Ba Lan theo Công giáo. Công giáo tại Ba Lan khởi đầu sau khi Vua Mieszko I – triều đại Piast được Rửa tội vào thứ Bảy Tuần Thánh năm 966. Thế kỷ 13, Công giáo trở thành tôn giáo chính, phát triển rộng rãi khắp đất nước. Ba Lan là nơi đã sinh ra các vị thánh như: thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, thánh Faustina Kowalska, thánh Maximilian Kolbe…
9. Tây Ban Nha (32.364.000 tín hữu)
Kitô giáo ở Tây Ban Nha có từ rất lâu, tương truyền thánh Phaolô cũng muốn đến nước này nhưng vẫn chưa xác định được ngài đã đến hay chưa. Còn thánh Giacôbê, con trai của Zebedee, đã rao giảng Tin Mừng quanh bán đảo Iberia.
10. Cộng hòa dân chủ Congo (28.700.000 tín hữu)
Ðất nước này chưa bao giờ bình yên, khi chiến tranh và nội chiến diễn ra liên tục. Giáo hội đã hoạt động rất tích cực trong việc xây dựng trường học, bệnh viện, cũng như đóng vai trò trung gian hòa giải giữa chính phủ và các phe đối lập. Kitô giáo là tôn giáo chính ở Congo, chiếm 93.7% dân số, trong đó tín hữu Công giáo chiếm khoảng 29.7%.