5 Điều cần biết về đất nước Mông Cổ trước chuyến tông du của ĐTC Phanxicô
Mông Cổ là một trong những quốc gia không giáp biển lớn nhất thế giới, nằm giữa các nước láng giềng rộng lớn và hùng mạnh hơn nhiều là Trung Quốc và Nga. Nơi đây có một trong những cộng đoàn Kitô giáo nhỏ bé nhất trên thế giới – dù chỉ với một cộng đoàn như thế nhưng vẫn được khích lệ bởi chuyến tông du sắp tới của Đức Thánh Cha Phanxicô, dự kiến diễn ra từ ngày 31/8 đến ngày 04/9/2023.
Trước chuyến đi lịch sử của Đức Thánh Cha Phanxicô, đây là một số thông tin quan trọng cần biết về nước Mông Cổ.
1) Mông Cổ chỉ có vài nghìn Kitô hữu.
Về mặt chính thức, Mông Cổ chỉ có 1.300 người Công giáo, điều đáng nói là con số này chỉ chiếm không tới 1% trong tổng số 3,3 triệu dân của đất nước này. Con số này tuy nhỏ nhưng vào đầu những năm 1990, đất nước này hầu như không có người Công giáo bản địa nào. Điều này chủ yếu là do chế độ độc tài của quốc gia này tồn tại từ những năm 1920 cho đến năm 1990 đã đàn áp mọi hình thức tôn giáo, đặc biệt là Phật giáo Tây Tạng với sức ảnh hưởng to lớn.
Các nhà truyền giáo đã trở lại đất nước này để bắt đầu xây dựng lại cộng đoàn Công giáo ngay sau khi chế độ độc tài chấm dứt, và Tòa Thánh Vatican đã tái lập quan hệ ngoại giao với đất nước này vào năm 1992. Năm 2003, Nhà thờ Chánh tòa Thánh Phêrô và Phaolô được xây dựng; vào năm 2016, vị linh mục bản xứ đầu tiên của thời hiện đại đã được thụ phong.
Mặc dù có dân số nhỏ bé, nhưng Kitô giáo ở Mông Cổ đã hiện diện từ thế kỷ VII hoặc VIII khi những người theo phái Nestoriô (những người Kitô hữu gốc Ba Tư với lòng nhiệt thành truyền giáo) lần đầu tiên đến viếng thăm khu vực này. Các nhà truyền giáo Công giáo thuộc Dòng Phanxicô cũng đã rao giảng cho người Mông Cổ ngay từ thế kỷ XIII.
Theo CIA World Factbook, hơn một nửa dân số của đất nước này được xác định là Phật tử, cùng với người Hồi giáo chiếm 3,2%, người theo tín ngưỡng Shaman 2,5%, Kitô hữu 1,3% và khoảng 40% tuyên bố là không theo hệ phái tôn giáo – tín ngưỡng nào.
Hạt Phủ doãn Tông tòa Ulaanbaatar, một khu vực truyền giáo không có đủ người Công giáo để thành lập một giáo phận, có quyền hạn đối với toàn bộ nước Mông Cổ. Nơi này được dẫn dắt bởi Đức Hồng Y Giorgio Marengo, 49 tuổi, ngài là vị Phủ doãn Tông tòa và là vị hồng y trẻ nhất thế giới. Ngài được Đức Thánh Cha Phanxicô vinh thăng hồng y vào tháng 8 năm 2022.
2) Nhìn chung, dân số của Mông Cổ không nhiều: Đây là quốc gia có mật độ dân số thấp nhất thế giới.
Ba triệu người nghe có vẻ là một con số lớn, nhưng đối với một đất nước rộng lớn như Mông Cổ thì không phải vậy. Mật độ dân số chỉ với hai người trên mỗi km2 đã khiến nơi đây trở thành nơi vắng vẻ nhất trên thế giới. Phần lớn đất nước Mông Cổ bao gồm môi trường thảo nguyên khô cằn và trống trải, nơi chăn thả gia súc và dân cư chủ yếu là số ít những người du mục. Mặc dù vậy, thủ đô Ulaanbaatar lại là nơi sinh sống của khoảng một nửa dân số cả nước và là một thành phố tương đối lớn và đông đúc với 1,6 triệu người.
3) Thời tiết tháng 9 ở Ulaanbaatar nhìn chung dễ chịu, nhưng Mông Cổ lại nổi tiếng với khí hậu khắc nghiệt.
Tọa lạc trên vùng cao nguyên, nhiệt độ ở mức cao trung bình ở Ulaanbaatar vào tháng 9 là 66oF (19oC), trong khi nhiệt độ thấp nhất là 36oF (2oC). Tuy nhiên, nhìn chung, Ulaanbaatar là thủ đô lạnh lẽo nhất trên trái đất. Cả nước nhìn chung có khí hậu nhiều gió, lạnh, khô và dễ thay đổi, một nơi ngày càng trở nên khắc nghiệt và khó dự đoán hơn với hiện tượng thay đổi khí hậu toàn cầu; đây là nguyên nhân khiến nhiều người buộc phải di cư đến khu vực thủ đô với mật độ dân số ngày càng đông để tìm kiếm sinh kế sinh nhai.
4) Hầu hết các biện pháp xã hội ở Mông Cổ không được vận hành tốt.
Phần lớn cư dân của đất nước sống bằng nghề chăn nuôi du mục, một nghề mà như đã đề cập trước đây, ngày càng trở nên khó khăn. Một phần điều này là do khí hậu thay đổi nhưng cũng do sự tàn phá các vùng đất chăn thả để gia tăng việc chăn nuôi dê lấy len (cashmere) ở những khu vực trước đây dành riêng cho chăn nuôi gia súc.
Tình trạng quá đông đúc ở thủ đô, cũng như những khó khăn khác như mức độ ô nhiễm cao, đã dẫn đến sự gia tăng nghèo đói, nghiện rượu và tình trạng ngược đãi trong gia đình nơi nhiều nhóm người từng theo nghề chăn nuôi súc vật trước đây. Những người Kitô hữu đôi khi bị nhìn dưới ánh mắt ngờ vực, và Mông Cổ còn phải đối mặt với sự gia tăng các hệ tư tưởng bài ngoại nơi công dân của mình đối với những người đến từ nước láng giềng lớn hơn của họ là Trung Quốc.
5) Lịch trình chuyến thăm đầy đủ của Đức Thánh Cha Phanxicô đã được công bố.
Trong số các hoạt động khác, Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ có chuyến thăm xã giao với Tổng thống Ukhnaagiin Khürelsükh, gặp gỡ ngắn gọn với Chủ tịch Quốc hội Khural, tức Quốc hội Mông Cổ, và thăm Thủ tướng Oyun-Erdene Luvsannamsrai. Ngài cũng sẽ gặp gỡ các giám mục, linh mục, nhà truyền giáo, tu sĩ và nhân viên mục vụ tại Nhà thờ Chánh tòa Thánh Phêrô và Phaolô của Hạt Phũ doãn Tông tòa Ulaanbaatar.
Sau đó, Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ tham dự một cuộc gặp gỡ đại kết và liên tôn tại Nhà hát Hun ở Ulaanbaatar và ngài cũng sẽ cử hành Thánh lễ tại sân vận động Steppe Arena cũng ở Ulaanbaatar.
Jonah McKeown
Chuyển ngữ: Phil. M. Nguyễn Hoàng Nguyên
Nguồn: Catholic News Agency (28/8/2023)