ĐIỀU KIỆN ĐỂ THEO CHÚA
17.2 Thứ Sáu Thứ Sáu trong tuần thứ Sáu Mùa Quanh Năm
St 11:1-9; Tv 33:10-11,12-13,14-15; Mc 8:34; Mc 9:1
ĐIỀU KIỆN ĐỂ THEO CHÚA
Bất cứ ai muốn thành công về một lãnh vực nào đều phải trải qua một giai đoạn gọi là “thử thách”để tiến tới mục tiêu của mình. Lời Chúa hôm nay cũng mời gọi mỗi người lên đường, bước theo Đức Ki-tô, vì Ngài là hạnh phúc đích thực dẫn đưa chúng ta tới Nước Thiên Chúa. Vậy, làm thế nào để có thể thành công trong việc đi theo Ngài? Tin mừng thánh Mac-cô thuật lại: “Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo”(c.34).
Sau khi nghe Phêrô nói lên sự thật: “Thầy là Ðức Kitô”, thì Chúa Giêsu xác định rõ hơn thế nào là Kitô theo quan điểm của Thiên Chúa. Chúa Giêsu không ngần ngại minh định tư cách Kitô của mình, đó là một Ðấng Kitô theo hình ảnh của Người Tôi Tớ Yavê như được nhắc đến trong sách Tiên tri Isaia. Ngài sẽ không là Ðấng Kitô theo ý riêng của mình, nhưng hoàn toàn theo ý Thiên Chúa Cha như đã được tiên báo nơi hình ảnh người tôi tớ Thiên Chúa và ngày càng được mạc khải rõ hơn nơi Người Con yêu dấu của Thiên Chúa; Thiên Chúa muốn Ngài hoàn thành kế hoạch bằng chính đau khổ và cái chết của Ngài. Mạc khải ấy lẽ ra phải được các môn đệ đón nhận với cảm thông và chia sẻ. Phêrô đã đại diện các Tông đồ để tuyên xưng: “Thầy là Ðức Kitô”, nhưng chỉ tiếc liền sau đó, ông đã không hoàn toàn cảm nghĩ theo cách thức Thiên Chúa, nhưng đã theo cách thức nhân loại. Phêrô phản đối thái độ vâng phục của Chúa Giêsu, và một cách vô tình, ông đã lôi kéo Ngài ra khỏi tư cách Kitô.
Chúa Giêsu chẳng những quở trách Phêrô, Ngài còn đưa ra một giáo huấn quan trọng: “Ai muốn theo Ta, hãy từ bỏ mình, vác thập giá mình mà theo Ta”. Từ nay cả Phêrô lẫn những ai muốn làm môn đệ Chúa đều phải sống thân phận tôi tớ như Chúa. Nhưng Ngài còn thêm: “Ai muốn cứu mạng sống mình thì sẽ mất”. Làm tôi tớ Thiên Chúa, từ bỏ chính mình, vác thập giá, đồng nghĩa với chấp nhận hy sinh mạng sống mình vì Tin Mừng. Nếu có bao giờ con người cảm thấy ngại ngùng với những yêu sách đó, thì cần phải nhớ một lời cảnh giác của Chúa cũng như trong bối cảnh đó: “Ai hổ thẹn chối Ta và các lời Ta, thì Con Người cũng sẽ hổ thẹn chối nó, khi Ngài đến trong vinh quang Cha Ngài với các thánh thiên thần.”
Nói đến từ bỏ, dù chỉ là một thói quen không tốt nho nhỏ, cũng không mấy ai ưa thích. Vì nói đến“từ bỏ”là đụng chạm đến “hy sinh”, mà hy sinh thì phải chịu đau đớn, thiệt thòi, mất mát…. Cũng như nói đến “tình yêu”thì đụng đến “tự do”, mà muốn được tự do thì phải dấn thân, mạo hiểm… Chính sự mạo hiểm này nói lên sự bấp bênh trong chọn lựa của chúng ta, nhưng càng bấp bênh bao nhiều thì sự hy sinh và từ bỏ chính mình càng cao quý bấy nhiêu, nhất là khi chúng ta “từ bỏ chính mình” cho một lý tưởng, một tình yêu nào đó hoặc cho một Ai đó rất đặc biệt, rất quan trọng trong cuộc đời của chúng ta. Chúa đã từng nói:“Ai liều mất mạng sống mình vì tôi và vì Tin Mừng, thì sẽ cứu được mạng sống ấy”là vậy (x.Mc 8,35). Tuy nhiên, từ bỏ chính mình để theo Đức Giêsu không phải chỉ quyết tâm một lần là đủ, mà là một thái độ luôn sẵn sàng từ bỏ trong từng phút giây của cuộc sống.
Như thế, việc “từ bỏ chính mình”vì Chúa, thì chúng ta chẳng thua lỗ tí nào. Trái lại, chúng ta từ bỏ cái mau qua để có được sự sống vĩnh hằng; từ khước cái tương đối để được cái Tuyệt Đối là chính Đức Kitô; và từ bỏ cái thân xác tội lỗi để có được sự sống đời đời.
Đối với các tín hữu Do Thái ngày xưa, thập giá chính là án tử hình nặng nhất, nhục nhã và khủng khiếp nhất của luật hình La mã. Những tín hữu đã bị bắt bớ và lãnh án xử tử thập giá, thì quả là một chuyện khủng khiếp đối với họ. Vậy mà Đức Giêsu lại mời gọi chúng ta vác cái ô nhục đó để đi theo Ngài!
Lời mời gọi của Đức Giêsu xem ra là một nghịch lý cho cuộc đời, nhưng đối với Thiên Chúa, đó không phải là một ô nhục hay là sự điên rồ mà họ lầm tưởng; trái lại, đó là một dấu chỉ chiến thắng của tình yêu mà chính Đức Kitô đã đón nhận đau khổ trên thập giá bằng một giá rất đắt, một thái độ vâng phục và phó thác cho thánh ý Chúa Cha để trở nên máng chuyển thông ơn cứu độ cho loài người chúng ta. Vì vậy, khi nhìn lên cây thánh giá có Chúa Giêsu hiện diện, nhắc nhở chúng ta ý nghĩa của sự đau khổ mà Chúa Giêsu đã chịu để chúng ta được tham dự vào mầu nhiệm cứu độ và phục sinh vinh quang của Người. Ước gì tình yêu thập giá chiếu sáng những ai muốn làm môn đệ của Chúa Giêsu vác lấy mà đi theo Người.
Phải vác thập giá, phải từ bỏ mình, nguy cơ to lớn như vậy không phải là sự thiệt thòi, mất mát đâu. Trái lại, đó chính là một mối lợi. Thật là điều nghịch lý: người môn đệ lấy Đức Kitô làm con bài chủ trong cuộc chơi của mình, người ấy là kẻ thắng cuộc. Mất, chính là được với điều kiện là sự mất mát này là vì Chúa Giêsu và vì Phúc âm. Một cuộc sống chịu thiệt thòi ví Chúa Giêsu và vì Phúc âm như thế được coi như một sự thất bại xét về mặt hoàn toàn trần thế giống như cuộc đời của Chúa Giêsu vậy; nhưng nó lại là một sự hoàn bị, đạt tới mức tròn đầy, bởi lẽ đó là một cuộc đời hoàn toàn quy hướng về Chúa. Trong chiều hướng ngược lại, con người chỉ tìm tán dương, tâng bốc, đề cao cái “tôi” của mình, chỉ muốn giữ mạng sống mình cho riêng mình thôi, người ấy có thể chắc chắn đánh mất cuộc sống ấy, không đạt được đích là sự thăng hoa đích thực. Và cho dù có giầu sang bạc ngàn bạc triệu, người ấy cũng sẽ không có thể dùng tiền mua được cho mình sự sống của Thiên Chúa.
Chúa Giêsu đặt nét chấm phá cho bức họa chân dung người môn đệ bằng một câu nhấn mạnh đến tầm quan trọng của chứng từ: không hổ thẹn vì Chúa Giêsu. Lòng tin của người môn đệ không phải là một chuyện riêng tư; đức tin ấy đòi hỏi được biểu lộ và khẳng định công khai cho dù gặp phải những khó khăn. Lòng tin không phải là chiếc áo, vui thì mặc vào, còn khi gặp phiền hà rắc rối thì rũ bỏ.
Chúng ta có là môn đệ của Chúa Kitô không? Để trả lời câu hỏi này, chúng ta cần tự hỏi mình xem ta cảm nghĩ thế nào, có tâm tình gì khi người ta nói đến đạo Chúa, Giáo hội, Chúa Kitô… khi ta đang làm việc, ở trong gia đình, hay trong mối quan hệ xã hội bạn bè. Chúng ta có dám đứng về phía Chúa Giêsu Kitô, không ba hoa. khoa trương, nhưng kiên quyết và xác tín? Đối với người môn đệ, việc bày tỏ và khẳng định niềm tin của mình không phải là chuyện tùy tiện.