20 Câu Trả Lời Của Đức Thánh Cha Phanxicô Về Truyền Giáo
“Không có chúa Giêsu chúng ta không làm được gì”.
20 câu trả lời của Đức Thánh Cha Phanxicô về việc truyền giáo được trích từ “Cuộc phỏng vấn của Gianni Valente với Đức Thánh Cha”, Hãng Thông tấn Fides thực hiện.
Nhân cuối Tháng Truyền Giáo Ngoại Thường năm ngoái, Hãng Thông tấn Fides trích dẫn một số đoạn trong cuốn sách dài ghi lại cuộc phỏng vấn của Gianni Valente thuộc Hãng tin Fides với Đức Thánh Cha Phanxicô, trong đó Đức Thánh Cha nhấn mạnh, “Giáo Hội truyền giáo hoặc không phải là Giáo Hội”. Cuốn sách này đã được Thư viện điện tử Vatican và nhà xuất bản Thánh Phaolô phát hành; đã có mặt trong các nhà sách kể từ ngày 5 tháng 11, 2019.
“Niềm vui Tin Mừng tràn ngập tâm hồn và cuộc đời của tất cả những ai gặp gỡ Chúa Giêsu”. Đó là lời mở đầu cho Tông huấn Niềm Vui Tin Mừng của Đức Thánh Cha, công bố tháng 11 năm 2013, tám tháng sau mật nghị bầu giáo hoàng mà ngài được chọn làm Giám mục Rôma, kế vị thánh Phêrô. Bản văn phác thảo chương trình triều đại giáo hoàng của ngài đã mời gọi tất cả mọi người tái dung hòa mỗi hành động, suy tư và sáng kiến mang chiều kích Giáo Hội với “việc loan báo Tin Mừng trong thế giới hôm nay”. Sáu năm sau, Đức Thánh Cha tổ chức Tháng Truyền Giáo Ngoại Thường vào tháng 10 năm 2019, đồng thời, triệu tập Nghị Trình Đặc Biệt của Thượng Hội Đồng Giám Mục Tại Rôma liên quan đến Vùng Amazon với ý hướng tìm ra những đường lối mới cho việc loan báo Tin Mừng tại vùng “lá phổi xanh” vốn đang bức tử bởi sự khai thác cùng kiệt bạo hành và gây thương tổn cho bao “anh chị em và chị trái đất của chúng ta”.
Trong thời gian này, Đức Thánh Cha cũng đã đề cập đến những mối bận tâm khẩn thiết liên quan đến bản chất đặc thù sứ vụ truyền giáo của Giáo Hội trong thế giới ở các huấn từ công khai của ngài. Chẳng hạn, ngài đã lặp đi lặp lại rất nhiều lần rằng, loan báo Tin Mừng không phải là “cải đạo người khác” nhưng Giáo Hội phát triển nhờ “sự cuốn hút” bởi “chứng tá”, đó là một chuỗi cách thức diễn tả hướng đến đề nghị của ngài là làm sao liên kết động lực của từng việc tông đồ với cội nguồn của nó.
Đức Thánh Cha nói đến tất cả những điều này, và nhiều hơn nữa, trong cuộc phỏng vấn được viết thành sách, cuốn sách dài có tựa đề “Không có Ngài, chúng ta không làm được gì”: Một Cuộc Đối Thoại Về Việc Trở Nên Những Nhà Truyền Giáo Trong Thế Giới Hôm Nay.
DƯỚI ĐÂY LÀ 20 CÂU HỎI VÀ TRẢ LỜI ĐƯỢC TRÍCH ĐOẠN
1. Thưa Đức Thánh Cha, Đức Thánh Cha nói, hồi trẻ, Đức Thánh Cha muốn đi truyền giáo Nhật. Vậy chúng con có thể nói, Đức Thánh Cha chưa bao giờ trở thành nhà truyền giáo?
Tôi không biết, tôi vào Dòng Tên vì được đánh động bởi ơn gọi truyền giáo của họ, đánh động bởi việc họ luôn luôn đi đến những vùng biên giới. Lúc đó tôi không thể đến Nhật, nhưng tôi luôn cảm thấy rằng, để loan báo Chúa Giêsu và Tin Mừng của Ngài, thì nhất định phải đi ra, và tiến về phía trước.
2. Đức Thánh Cha không ngừng nhắc đến “Một Giáo Hội lên đường”. Nhiều người đã mượn cách diễn tả này và đôi khi, xem ra, nó trở thành một khẩu hiệu gây nhàm chán, ngày càng được nhiều người nại đến để trách cứ Giáo Hội về cái mà Giáo Hội nên và không nên.
“Một Giáo Hội lên đường” không phải là cách nói mang tính thời thượng do tôi phát minh; nó là lệnh truyền của Chúa Giêsu, Đấng trong Tin Mừng Marcô, đã kêu gọi những ai theo Ngài tiến vào giữa lòng thế giới và loan báo Tin Mừng “cho mọi loài thọ tạo”. Giáo Hội hoặc là lên đường hoặc không còn là Giáo Hội; Giáo Hội hoặc là truyền giáo hoặc không còn là Giáo Hội. Nếu không lên đường, Giáo Hội sẽ mục ruỗng và trở thành một thứ gì đó.
3. Giáo Hội sẽ là gì nếu không loan báo Tin Mừng và không lên đường?
Giáo Hội sẽ trở thành một hiệp đoàn tâm linh, một tổ chức đa quốc gia nhằm đưa ra những phát kiến và những thông điệp mang tính đạo đức và tôn giáo. Điều này chẳng có gì sai, nhưng đó không phải là Giáo Hội. Đây là một nguy cơ đối với bất cứ một cơ cấu tĩnh nào trong Giáo Hội. Rốt cuộc, chúng ta sẽ chế ngự Chúa Kitô; các bạn sẽ chẳng còn là chứng tá cho những gì Ngài làm, nhưng thay vào đó là nói thao thao bất tuyệt thay cho một ý tưởng nào đó của Chúa Kitô; một ý tưởng mà các bạn đã cải biến và thuần hóa cho phù hợp với mình. Các bạn tổ chức điều này, điều kia, các bạn trở thành những nhà quản lý hẹp hòi của đời sống Giáo Hội, nơi mà mọi việc phải xảy ra theo một kế hoạch đã lập sẵn, mọi thứ phải tuân theo các chỉ thị; thế nhưng, ở đó, không bao giờ xảy ra cuộc gặp gỡ với Chúa Kitô, một cuộc gặp gỡ vốn đã chạm đến cõi lòng các bạn từ thuở ban đầu.
4. Thưa Đức Thánh Cha, việc truyền giáo tự nó có phải là một liều thuốc giải cho mọi vấn đề không? Liệu ước muốn và nỗ lực “ra đi” truyền giáo có đủ để tránh khỏi những sự méo mó này?
Truyền giáo, “Giáo Hội lên đường”, không phải là một chương trình, một ý hướng được thực hiện duy bởi sức mạnh của ý chí nhưng chính Chúa Kitô là Đấng làm cho Giáo Hội ra khỏi chính mình. Trong sứ vụ rao giảng Tin Mừng, các bạn lên đường vì lẽ Chúa Thánh Thần đang đẩy và đang mang các bạn đi. Và khi đến nơi, các bạn nhận ra rằng, Ngài đã ở đó trước rồi, Ngài đang chờ đợi các bạn. Thần Khí Chúa đã đến trước, Ngài đã dọn sẵn lối cho các bạn và Ngài đang sẵn sàng hoạt động.
5. Trong cuộc gặp gỡ Các Hội Giáo Hoàng Truyền Giáo, Đức Thánh Cha đã đề nghị các thành viên đọc Công Vụ Tông đồ như một bản văn thường xuyên được dùng để cầu nguyện; thưa Đức Thánh Cha, tại sao lại là một trình thuật thời kỳ đầu của Giáo Hội mà không phải là một thủ bản chiến lược truyền giáo “hiện đại”?
Nhân vật chính trong Công Vụ Tông Đồ không phải là các tông đồ mà là Chúa Thánh Thần. Các tông đồ là những người đầu tiên nhận ra Thánh Thần và làm chứng cho Ngài. Khi thông truyền những quyết định được Công Đồng Giêrusalem ấn định cho cộng đoàn ở Antiôkia, các ngài viết, “Thánh Thần và chúng tôi đã quyết định”. Các ngài chân nhận rằng, chính Chúa Giêsu, Đấng mỗi ngày, làm cho họ có thêm “những người được cứu”, chứ không phải những nỗ lực thuyết phục của con người.
6. Và từ đó tới nay cũng như vậy? Chẳng có gì thay đổi sao, thưa Đức Thánh Cha?
Kinh nghiệm của các tông đồ như một kiểu mẫu luôn có giá trị. Chỉ cần nghĩ đến những gì đã xảy ra cùng lúc trong sách Công Vụ Tông Đồ, chúng không hề bị gò ép. Đó là một câu truyện của con người; ở đó, các môn đệ luôn đến sau, khi họ đến thì Thánh Thần đã hoạt động rồi. Ngài chuẩn bị và hoạt động trong các tâm hồn; Ngài đảo lộn các kế hoạch của họ. Chính Ngài đồng hành, hướng dẫn và an ủi họ trong mọi cảnh huống mà họ thấy mình còn sống sót. Khi các vấn đề và các cơn bách hại xảy đến, Thánh Thần cũng hoạt động ở đó theo một cách thế thậm chí còn kinh ngạc hơn, bằng sự xoa dịu, ủi an của Ngài như những gì đã xảy ra sau cuộc tử đạo tiên khởi của Thánh Têphanô.
7. Điều gì xảy ra sau đó thưa Đức Thánh Cha?
Thời kỳ bách hại nổi lên, nhiều môn đệ trốn khỏi Giêrusalem, họ đến miền Giuđêa và Samaria. Ở đó, trong khi bị phân tán và lẩn trốn, dẫu cho lẻ loi và không có sự hiện diện của các tông đồ vốn đang ở lại Giêrusalem, họ vẫn bắt đầu loan báo Tin Mừng. Họ được rửa tội và Thánh Thần cũng ban cho họ dũng khí tông đồ. Ở đó, lần đầu tiên chúng ta nhận ra rằng, chỉ cần phép rửa là đủ để trở thành người rao giảng Tin Mừng. Và đó là truyền giáo; truyền giáo là hoạt động của Chúa Thánh Thần. Chẳng có gì gây kích động, cũng chẳng cần phải tổ chức, phải gào thét; chẳng cần quảng cáo hay mưu mẹo gì cả. Tất cả những gì chúng ta cần làm là cầu xin cho có thể lặp lại kinh nghiệm ấy ngay hôm nay; cái kinh nghiệm khiến chúng ta có thể nói, “Thánh Thần và chúng tôi đã quyết định”.
8. Thưa Đức Thánh Cha, nếu không có kinh nghiệm này, những lời kêu gọi cổ võ cho việc truyền giáo sẽ có ý nghĩa gì?
Không có Chúa Thánh Thần, ước muốn truyền giáo sẽ trở thành một cái gì đó hoàn toàn khác. Tôi có thể nói, đó là một kế hoạch chinh phục, với cớ là chúng ta đang chinh phục một điều gì đó; một chinh phục đạo đức, hay có thể, một chinh phục ý thức hệ, vốn có thể được thực hiện, thậm chí, với những ý hướng ngay lành. Nhưng đó là một điều gì khác, chứ không phải truyền giáo.
9. Trích dẫn lời Giáo Hoàng Bênêđictô XVI, Đức Thánh Cha thường lặp đi lặp lại rằng, Giáo Hội phát triển nhờ sự cuốn hút. Ý của Đức Thánh Cha là gì? Ai cuốn hút? Ai bị cuốn hút?
Chúa Giêsu nói điều đó trong Tin Mừng Gioan, “Khi Tôi được giương lên khỏi mặt đất, Tôi sẽ kéo mọi người lên với Tôi”; cũng trong Tin Mừng Gioan, Ngài còn nói, “Không ai có thể đến được với Tôi nếu Chúa Cha, Đấng đã sai Tôi, không lôi kéo người ấy”. Giáo Hội đã luôn luôn nhận ra rằng, đây là một mẫu thức đặc thù của mọi hoạt động vốn đem chúng ta đến gần Chúa Giêsu và Tin Mừng hơn. Đó không phải là một sự thuyết phục, một sự giải thích hợp lý, cũng không phải là việc có được một chỗ đứng nào đó; không phải là một áp lực hay một sự cưỡng ép. Nhưng nó luôn luôn là một sự cuốn hút; ngôn sứ Giêrêmia đã nói rồi, “Ngài quyến rũ con, lạy Chúa, và con đã để cho ngài quyến rũ”. Và điều này đúng với các tông đồ, các nhà truyền giáo và cũng đúng với công việc của họ.
10. Nhưng làm thể nào để những gì Đức Thánh Cha vừa mô tả có thể xảy ra?
Đó chính là sự ủy nhiệm ra đi và loan báo Tin Mừng của Chúa Giêsu vốn đến từ bên trong, bằng việc phải lòng vì yêu mến, bằng sức cuốn hút của tình yêu. Người ta không bước theo Chúa Kitô, ngay cả, khó trở thành một người loan báo Tin Mừng, vì một quyết định được đưa ra từ bàn tròn, hoặc do hoạt động của chính người đó. Ngay cả động lực truyền giáo cũng chỉ có thể có kết quả nếu nó xảy ra trong sự cuốn hút này và nhờ cuốn hút, nó mới có sức truyền đến những người khác.
11. Những lời này có ý nghĩa gì cho sứ mạng và việc loan báo Tin Mừng thưa Đức Thánh Cha?
Nó có nghĩa là nếu các bạn được cuốn hút bởi Chúa Kitô, nếu các bạn lên đường và làm điều này điều kia vì được cuốn hút bởi Chúa Kitô, thì những người khác sẽ chú ý đến nó mà không cần phải tốn công; chẳng cần phải chứng tỏ thế này, thế kia, ‘hữu xạ tự nhiên hương’. Ngược lại, bất cứ ai cho mình là nhân vật chính hay là người quản lý việc truyền giáo dù với tất cả ý hướng tốt lành nhất và những mục đích được kê ra, thì thông thường, rốt cuộc chẳng cuốn hút được ai.
12. Trong Tông huấn Niềm Vui Tin Mừng, Đức Thánh Cha nhìn nhận rằng, tất cả sự cuốn hút này có thể khiến chúng ta choáng ngợp. Nó giống như những người trầm mình xuống đại dương mà không lường trước những gì sẽ xảy đến; Đức Thánh Cha muốn đề nghị điều gì qua hình ảnh này? Những lời này có liên quan đến việc truyền giáo không?
Sứ mạng truyền giáo không phải là một kế hoạch được thử nghiệm của một công ty, cũng không phải là màn trình diễn đại chúng được tổ chức để huênh hoang, hầu xem có bao nhiêu người tham gia nhờ vào việc quảng cáo của chúng ta. Chúa Thánh Thần làm việc như Ngài muốn, khi Ngài muốn và nơi Ngài muốn; và điều này có thể khiến chúng ta choáng ngợp. Vậy mà cao điểm của sự tự do chính xác nằm ở chỗ, một người để cho mình được mang đi bởi Chúa Thánh Thần, người ấy từ chối sự cần thiết phải tính toán và kiểm soát mọi sự. Đây chính xác là cách thức chúng ta nên giống chính Chúa Kitô, Đấng trong mầu nhiệm phục sinh của Ngài đã học được cách ở lại trong sự dịu hiền của vòng tay Chúa Cha. Hoa trái mầu nhiệm của việc truyền giáo không hệ tại ở những ý hướng, phương pháp, sức đẩy, và những sáng kiến của chúng ta, nhưng nó nằm chính xác ở sự choáng ngợp này: sự choáng ngợp mà chúng ta nhận thức khi nghe những lời này của Chúa Giêsu, “Không có thầy, anh em chẳng làm gì được”.
13. Đức Thánh Cha cũng thường lặp lại, Giáo Hội phát triển “bằng chứng tá”. Khi tập trung sự chú ý vào điều này, Đức Thánh Cha muốn nói gì?
Thực ra, chính sự cuốn hút làm cho chúng ta trở thành những chứng nhân. Chứng tá này chứng thực những gì Chúa Kitô và Chúa Thánh Thần đã thực sự hoàn tất trong cuộc sống mỗi người. Sau khi phục sinh, chính Chúa Kitô đã mặc khải chính mình cho các tông đồ. Chính Ngài làm cho các ông trở thành những chứng nhân; thêm vào đó, chứng tá này không dành cho riêng mình, chúng ta là những chứng nhân cho các công trình của Thiên Chúa.
14. Một điều khác mà Đức Thánh Cha cũng thường nhắc lại; ở đây, xem ra có vẻ tiêu cực: Giáo Hội không phát triển bằng việc cải đạo người khác, và sứ mạng của Giáo Hội cũng không phải là cải đạo. Tại sao Đức Thánh Cha lưu ý điều này nhiều đến thế? Liệu có phải là để duy trì mối tương quan tốt với các Giáo Hội khác và dễ dàng đối thoại với các truyền thống tôn giáo khác?
Vấn đề cải đạo, thực ra, không chỉ đi ngược với tiến trình đại kết và đối thoại liên tôn, nhưng thuyết cải đạo còn xuất hiện ở bất cứ nơi nào có ý định làm cho Giáo Hội phát triển bằng cách giảm trừ việc nhấn mạnh đến sức cuốn hút về phía Chúa Kitô và hoạt động của Chúa Thánh Thần; để rồi, tập trung mọi việc vào bất cứ loại hình “diễn từ khôn ngoan” nào. Vì thế, chủ nghĩa cải đạo tiên vàn gạt Chúa Kitô và Chúa Thánh Thần ra khỏi sứ mạng truyền giáo của Giáo Hội, cả khi chúng ta tuyên bố mình nói và làm nhân danh Chúa Kitô. Thuyết cải đạo tự bản chất luôn luôn là bạo lực, cả khi nó được che giấu hay được thực hành với các cách thế xem ra trong sạch. Nó không chấp nhận tự do và khoan dung mà qua đó, đức tin có thể được thông truyền từ người này sang người khác nhờ ân sủng. Đây là lý do tại sao thuyết cải đạo không chỉ là một điều gì đó thuộc quá khứ, thuộc về thời thực dân đã qua, hoặc những trường hợp cải đạo do ép buộc hay mua bán, hứa hẹn về những lợi lộc vật chất. Ngày nay chủ nghĩa cải đạo cũng có thể tồn tại ngay trong các giáo xứ, các cộng đoàn, các phong trào và các dòng tu.
15. Vậy truyền giáo có nghĩa là gì, thưa Đức Thánh Cha?
Truyền giáo có nghĩa là công bố chứng tá của mình về Chúa Kitô bằng những từ ngữ cụ thể và giản dị như các tông đồ đã làm, không cần phải tạo ra những huấn từ mang tính thuyết phục. Việc loan báo Tin Mừng thậm chí có thể bị dể duôi, nhưng nó luôn vượt qua mãnh lực của cớ vấp phạm thập giá; nó luôn phù hợp với con đường được chỉ ra trong thư Thánh Phêrô, vốn đơn thuần hàm chứa trong những ‘lý do được cung cấp’ về một niềm hy vọng của người này dành cho người khác, một niềm hy vọng vẫn luôn là cớ vấp phạm và dại khờ trong con mắt người đời.
16. Làm sao chúng ta nhận ra một Kitô hữu truyền giáo, thưa Đức Thánh Cha?
Một đặc tính cụ thể để nhận ra là người ấy hành động như những người dẫn dắt, chứ không là những người kiểm soát của đức tin. Việc tạo điều kiện, làm cho mọi sự nên dễ dàng, không đặt ra những ngăn trở đối với mong muốn của Chúa Giêsu để ôm lấy, chữa lành hết thảy mọi người; không đặt ra sự chọn lọc, không áp đặt những “giá cả mục vụ”, không đóng vai người canh gác kiểm soát những ai có quyền vào cửa. Tôi nhớ đến các cha xứ và những cộng đoàn ở Buenos Aires, vốn đã thiết lập nhiều sáng kiến để làm cho việc tiến tới Bí tích Rửa tội được dễ dàng. Trong những năm gần đây, họ nhận thấy con số những người không được rửa tội gia tăng vì nhiều lý do, thậm chí là do những lý do xã hội học, và họ muốn nhắc nhở mọi người rằng, được rửa tội là một điều gì đó bình thường, mọi người đều có quyền đòi hỏi, cho chính họ và cho con cháu. Đường hướng mà các cha xứ và các cộng đoàn ấy đã làm có chung một mục tiêu: không đặt thêm gánh nặng, không đưa ra những yêu sách, xoá bỏ bất cứ khó khăn nào mang tính văn hóa, tâm lý hay thực tiễn vốn có thể khiến người ta trì hoãn hay loại bỏ ý muốn rửa tội cho con cái mình.
17. Ở châu Mỹ, trong những buổi đầu truyền giáo, các thừa sai đã tranh luận về việc ai “xứng đáng” nhận phép rửa. Những cuộc tranh cãi ấy đã chấm dứt như thế nào thưa Đức Thánh Cha?
Đức Thánh Cha Phaolô III đã bác bỏ lý thuyết của những người tuyên bố rằng, lẽ tự nhiên, người da đỏ Bắc Mỹ vốn dĩ “không có khả năng” đón nhận Tin Mừng và ngài cũng bác bỏ việc các thừa sai chọn lựa để xác định ai sẽ là người dễ dàng đến với phép rửa của họ. Chúng có vẻ là chuyện của quá khứ; song, ngay cả hiện nay, cũng có những nhóm và những người tự cho mình được ơn soi sáng, và thậm chí, họ cô lập việc loan báo Tin Mừng bằng những lý luận méo mó của họ vốn chia tách thế giới thành những người “văn minh” và những kẻ “chưa được khai hóa”. Điều khiến họ cáu gắt và tức giận là có người cho rằng, có thể, Chúa cũng ưu ái những người “cầu bơ cầu bất”. Họ đánh giá một phần lớn gia đình nhân loại như thể những người này thuộc về một tầng lớp thấp kém hơn, vốn không thể đạt được trình độ phù hợp trong đời sống tri thức lẫn thiêng liêng theo những tiêu chuẩn của họ. Trên nền tảng này, những ai bị coi là tầng lớp thứ yếu sẽ ngày càng bị khinh miệt. Tất cả chuyện này cũng đã nổi cộm trong suốt Thượng Hội đồng Giám mục về khu vực Amazon.
18. Một số người có khuynh hướng nhắm đến một sự phân biệt rạch ròi giữa việc loan báo đức tin và công tác xã hội. Họ nói, chúng ta không được giản lược sứ mạng truyền giáo bằng một hình thức hoạt động xã hội. Điều đó có đáng để bận tâm không, thưa Đức Thánh Cha?
Tất cả những gì nằm trong phạm vi của các mối phúc và thực thi lòng thương xót thì đều phù hợp với sứ mạng truyền giáo, tất cả đã là loan báo Tin Mừng, là truyền giáo rồi. Giáo Hội không phải là một tổ chức phi chính phủ; nhưng Giáo Hội là điều gì khác hoàn toàn, Giáo Hội là một bệnh viện dã chiến, nơi tất cả mọi người được đón chào, như họ là họ, nơi mà những vết thương của mọi người được chữa lành. Và đó là một phần sứ mạng của Giáo Hội; mọi sự đều phụ thuộc vào tình yêu vốn làm động lòng những ai thực thi sứ mạng. Nếu một thừa sai giúp đào một cái giếng ở Mozambique vì người ấy ý thức rằng, những người mà anh ta rửa tội và giảng phúc âm cần đến nó, thì làm sao có thể nói rằng công việc đó không liên quan gì đến việc phúc âm hoá?
19. Thưa Đức Thánh Cha, đâu là những mối quan tâm và sự nhạy bén cần thực thi trong những tiến trình hướng đến việc làm cho công cuộc loan báo Tin Mừng trổ sinh hoa trái giữa bối cảnh văn hóa xã hội đa dạng ngày nay?
Kitô giáo không chỉ khư khư giữ lấy một mô hình văn hóa kiểu mẫu nào đó. Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã quả quyết, “Trong khi giữ vững vẹn toàn chân lý cho chính mình, với lòng trung thành không thể lay chuyển để loan báo Tin Mừng và truyền thống của Giáo Hội, thì Kitô giáo cũng sẽ phản chiếu những khuôn mặt khác của các nền văn hóa và dân tộc mà ở đó, Kitô giáo được đón nhận và bén rễ”. Chúa Thánh Thần tô điểm Giáo Hội, bằng những ngôn ngữ mới của những cá nhân và cộng đồng đón nhận Tin Mừng. Vậy Giáo Hội, bằng cách mặc lấy những giá trị của các nền văn hóa khác nhau, trở nên “Tân nương điểm trang lộng lẫy” như ngôn sứ Isaia đã loan báo. Trên thực tế cũng có những nền văn hóa đã liên kết, gần gũi với việc rao giảng Tin Mừng và sự phát triển của tư tưởng Kitô giáo. Nhưng trong thời đại chúng ta, việc Giáo Hội nhớ rằng, sứ điệp mặc khải không được định hình bởi một nền văn hoá cụ thể nào lại càng trở nên khẩn thiết hơn. Và khi gặp gỡ những nền văn hóa mới, hay những nền văn hoá vốn đã không chấp nhận việc truyền giáo, thì chúng ta càng không được tìm cách áp đặt một hình thái văn hoá cứng nhắc nào bên cạnh việc phúc âm hoá. Cũng thế, trong sứ mạng truyền giáo ngày nay, việc không đem theo bao bị cồng kềnh thậm chí còn quan trọng hơn chính việc truyền giáo.
20. Về sứ mạng truyền giáo và tử đạo, Đức Thánh Cha có ý gì khi thường gợi lại mối liên hệ mật thiết thống nhất hai thực tại này?
Trong đời sống Kitô hữu, thực tế tử đạo và phúc âm hoá có chung một gốc gác, một nguồn mạch: khi tình yêu của Thiên Chúa rót vào tâm hồn chúng ta bằng việc Chúa Thánh Thần ban sức mạnh, lòng can đảm và sự ủi an. Tử đạo là cách diễn tả cực đại của sự nhận biết Chúa Kitô và làm chứng cho Ngài, vốn biểu trưng cho việc chu toàn sứ mạng và hoàn tất sứ vụ tông đồ. Tôi luôn nghĩ đến các anh em tu sĩ chính thống Coptic bị thảm sát tại Lybia, những người không ngừng thầm thĩ danh thánh Chúa Giêsu khi họ bị chém đầu. Tôi nghĩ đến những nữ tu của mẹ Têrêxa bị giết tại Yêmen, khi họ đang săn sóc các bệnh nhân Hồi Giáo trong một mái ấm dành cho những người già yếu tật nguyền. Các nữ tu ấy vẫn đang mặc những chiếc tạp dề lao động bên ngoài bộ tu phục khi bị sát hại; họ đều là những người chiến thắng chứ không phải các nạn nhân. Và cuộc tử đạo của họ, đến mức đổ máu, soi sáng cho cuộc tuẫn giáo mà mọi người có thể phải chịu trong đời sống, bằng việc làm chứng cho Chúa Kitô mỗi ngày. Chúng ta có thể thấy được điều ấy khi thăm viếng các nhà truyền giáo cao niên tại các nhà hưu dưỡng; họ thường bị hao mòn bởi cuộc đời đã trải qua. Một thừa sai kể với tôi rằng, nhiều người trong họ đã mất trí nhớ và chẳng còn nhớ một chút nào về những việc lành họ đã làm, “Nhưng điều ấy chẳng hề gì”, ngài nói với tôi, “Bởi vì Chúa nhớ rất kỹ”.
Nguồn: [https://www.vaticannews.va/]
Chuyển ngữ: Lm. Minh Anh, Tgp. Huế