2020
“Chúa ơi, xin Chúa thức dậy!”: Tiếng kêu của Đức Phanxicô tại Quảng trường Thánh Phêrô
Trong bài suy niệm về phép lạ xin hạ cơn giông bão của Đức Phanxicô trong buổi cầu nguyện chiều thứ sáu 27 tháng 3, ngài nói: “Trong cơn giông bão của đại dịch coronavirus, Chúa mong chúng ta “thức tỉnh và khơi dậy đức tin phục sinh của chúng ta.”
Một mình trên Quảng trường Thánh Phêrô, Đức Phanxicô khen ngợi lòng dũng cảm của “những người bình thường” trong giai đoạn khủng hoảng này: “Có biết bao nhiêu người cầu nguyện, dâng hiến, xin cầu bàu để cho tất cả mọi người được bình an!”
Được mái hiên che mưa, một mình ở sân trước của Đền thờ Thánh Phêrô và trước một quảng trường không bóng dáng tín hữu, Đức Phanxicô cử hành buổi cầu nguyện dài một giờ. Trong dịp ngoại thường cầu nguyện cho đại dịch, tượng Đức Mẹ Phần rỗi của thành phố Rôma ở Đền thờ Đức Bà Cả và cây Thánh giá Nhiệm mầu ở nhà thờ San Marcello được đem về để cầu nguyện bên cạnh các hàng đuốc thắp sáng dưới cơn mưa ở quảng trường rộng mênh mông.
Thắp lên hy vọng và đoàn kết
Đức Phanxicô nói: “Giữa cơn giông bão, Thiên Chúa kêu gọi chúng ta, mời chúng ta tỉnh thức và khơi dậy tình đoàn kết và hy vọng để mang lại ổn định, nâng đỡ trong lúc này, khi mọi sự tưởng như bị sụp đổ.” Trong khi chúng ta đang ở trong vùng biển sóng gió, sợ hãi và lạc lối, Chúa thức dậy “để thức tỉnh và khơi dậy đức tin phục sinh của chúng ta.”
“Các ông kinh ngạc vì một cơn bão bất ngờ và dữ dội ập tới”
“Các ông kinh ngạc vì một cơn bão bất ngờ và dữ dội ập tới.” Đức Phanxicô suy niệm: “Chúng ta tiếp tục con đường của mình, không bị xáo trộn, nghĩ rằng mình lành mạnh trong một thế giới bệnh hoạn. Bây giờ chúng ta ở trong biển động, chúng ta kêu nài: “Lạy Chúa, xin Chúa thức dậy!”. Cơn bão vạch trần sự bấp bênh của con người và cho thấy các an toàn giả tạo và phù phiếm mà mỗi người chúng ta xây các dự án và thói quen của mình.
Đức Phanxicô cầu nguyện trước tượng Đức Bà Cứu rỗi
Đức Phanxicô giải thích, “nhờ cơn bão này, các tô điểm của các khuôn mẫu bị rơi xuống, nó cho thấy không ai có thể tự đủ cho mình. Tín hữu kitô cần Chúa, vì một mình, họ đắm tàu. Với Chúa, chúng ta có neo: nhờ thập giá của Ngài, chúng ta được cứu rỗi. Chúng ta có guồng lái: nhờ thập giá của Ngài, chúng ta được cứu chuộc. Chúng ta có một hy vọng: nhờ thập giá của Ngài, chúng ta được sửa mình, được ôm ấp để không có gì, không có ai tách chúng ta ra khỏi tình yêu cứu chuộc của Ngài.”
Các diễn viên vô hình viết lịch sử
Trong giây phút cầu nguyện ngoại thường này, Đức Phanxicô ca ngợi “những người bình thường”, những người thường bị lãng quên nhưng lại nâng đỡ cuộc sống hàng ngày của cộng đoàn: “Bác sĩ, y tá, nhân viên bán hàng, nhân viên bảo vệ, người chăm sóc tại gia, người vận chuyển, lực lượng an ninh, tình nguyện viên, linh mục, nữ tu và rất nhiều người khác.”
Ngài nhấn mạnh, các diễn viên vô hình này không ở trang Nhất các báo, cũng không xuất hiện trong các màn trình diễn thời trang mới nhất. Vậy mà, “ngày hôm nay họ đang viết các sự kiện quyết định cho lịch sử chúng ta.” Theo Đức Phanxicô, họ hiểu “không ai có thể tự mình cứu mình.”
“Xin phép lành Chúa tuôn xuống trên chúng con như một vòng ôm an ủi.”
Đức Phanxicô khen ngợi: “Có bao nhiêu người cha, người mẹ, người ông, người bà, các cô thầy giáo, bằng những cử chỉ đơn giản hàng ngày, đã biết đối diện, vượt qua cơn khủng hoảng, thích ứng với thói quen làm thế nào để đối phó và vượt qua khủng hoảng bằng cách điều chỉnh thói quen, ngước mắt nhìn lên và khuyến khích cầu nguyện. Có biết bao nhiêu người cầu nguyện, dâng hiến để cho tất cả mọi người được bình an!”
“Đức tin của chúng con yếu đuối và chúng con sợ hãi”
Đức Phanxicô kết thúc: “Từ nơi nói lên đức tin vững chắc như đá tảng này của Thánh Phêrô, chiều nay tôi muốn phó dâng tất cả anh chị em cho Chúa, qua lời cầu bàu của Đức Mẹ, phần rỗi của dân Mẹ, là sao biển trong cơn bão, xin các Đấng che chở Rôma và toàn thế giới, xin tuôn xuống trên chúng con như vòng ôm an ủi, như phép lành của Chúa”.
Đức Phanxicô cầu nguyện trước tượng Thánh giá Nhiệm mầu
Đức Phanxicô nài xin Chúa: “Lạy Chúa, xin ban phép lành cho thế giới, ban sức khỏe cho cơ thể và an ủi tâm hồn chúng con. Chúa xin chúng con đừng sợ. Nhưng đức tin chúng con yếu đuối và chúng con sợ hãi. Nhưng xin Chúa đừng để chúng con bị cơn bão cuốn đi. Xin Chúa tiếp tục nói: ‘Các con đừng sợ’. Và cùng với Thánh Phêrô, chúng con dâng lên Chúa nỗi lo âu của chúng con, vì Chúa chăm sóc chúng con.”
Ban phép lành urbi et orbi
Sau bài suy niệm này, Đức Phanxicô lần lượt đến tượng Đức Mẹ và thánh giá cầu nguyện. Sau đó ngài cầu nguyện trước Thánh Thể ở trong Đền thờ Thánh Phêrô, ngài đọc kinh cầu bằng tiếng la-tinh để cầu nguyện cho thế giới bị nạn dịch hoành hành.
Tiếp theo ngài ban phép lành urbi et orbi bằng mặt nhật Thánh Thể trên thềm Đền thờ Thánh Phêrô trong tiếng chuông vang ngần. Buổi cầu nguyện kết thúc với bài hát laudato si trong khi một linh mục đem Thánh Thể về nhà tạm đi qua Đền thờ Thánh Phêrô gần như trống, khi chiều rơi xuống thành phố Rôma.
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch
2020
ĐTC Phanxicô tạ ơn Chúa vì tình liên đới trong đại dịch
Sáng thứ Sáu, trong Thánh lễ phát trực tiếp từ Nhà nguyện Thánh Marta, Đức Thánh Cha bày tỏ lòng biết ơn đối với những ai biết nghĩ đến người khác, trong giai đoạn đặc biệt khó khăn này.
Bắt đầu Thánh lễ, Đức Thánh Cha nói: “Trong những ngày này, tin tức cho chúng ta biết nhiều người đang có những quan tâm lo lắng chung: nghĩ đến người khác, nghĩ đến các gia đình không đủ những điều kiện để sống trong hoàn cảnh khó khăn này, nghĩ đến người già cô đơn, nghĩ đến các bệnh nhân đang ở trong bệnh viện; và họ cầu nguyện, tìm cách giúp đỡ những người đang gặp khó khăn. Chúng ta cùng tạ ơn Chúa vì đã khơi dậy những những tình cảm trong tâm hồn các tín hữu”.
Trong bài giảng, Đức Thánh Cha giải thích về nội dung của bài đọc I trích từ Sách Khôn ngoan: “Bài đọc I mô tả hầu như tất cả những gì sẽ xảy đến với Chúa Giêsu, đó là một lời ngôn sứ. Một sự mô tả mang tính lịch sử về những gì sẽ xảy ra sau này. Chúng ta nghĩ đến lời của những người kết án Chúa trong cuộc Khổ Nạn và kế hoạch hành động của họ: ‘Chúng ta hãy gài bẫy hạ nhục và tra tấn nó, để biết nó hiền hoà làm sao’. Chính lời ngôn sứ này đã xảy ra và người Do Thái tìm cách giết Chúa Giêsu, họ tìm cách bắt Người; nhưng chẳng có ai tra tay bắt, vì giờ của Người chưa đến. Kế hoạch hành động của những kẻ xấu này là muốn gài bẫy hại Chúa”.
Đức Thánh Cha giải thích thái độ này của những người Do Thái: “Đây không đơn giản là một sự căm thù, không phải là một kế hoạch xấu của một đảng phái này chống lại đảng kia, mà nó được gọi là một sự giận dữ kịch liệt, dai dẳng. Ma quỷ đứng đằng sau kiểu giận dữ này, tìm cách phá hủy bằng mọi cách. Ma quỷ có thể đừng đằng sau một cuộc tranh luận hoặc sự thù nghịch. Vì thế, khi có sự giận dữ chúng ta không nghi ngờ có sự hiện diện của ma quỷ, nó rất tinh vi. Tôi đã nghe một số giám mục ở các quốc gia có chế độ độc tài cai trị kể lại về những cuộc bách hại đến từng chi tiết: Ở trường, các giáo viên hỏi học sinh, các em ăn gì vào sáng thứ Hai Phục Sinh và em nào trả lời rằng ăn trứng thì ngay lập tức bị bách hại, vì bị gán cho là Kitô hữu”.
Tiếp theo, Đức Thánh Cha đưa ra lời khuyên khi giận dữ: “Khi chúng ta giận dữ, chúng ta làm gì? Chúng ta làm làm hai điều: tranh luận với người chúng ta giận, không thể được, nhưng chúng ta có thể làm điều chính Chúa Giêsu đã thực hiện: im lặng. Trước sự giận dữ chỉ có im lặng. Điều này cũng có giá trị cho những giận dữ nhỏ hàng ngày, khi chúng ta nghe một ai đó nói xấu, hãy im lặng. Chúng cầu xin Chúa ban cho chúng ta ân sủng chiến đấu chống lại tinh thần xấu”.
Ngọc Yến
2020
ĐTC Phanxicô cám ơn Cộng đồng thánh Egidio đã giúp người nghèo giữa cơn đại dịch
Đức Thánh Cha chân thành cám ơn các tình nguyện trợ giúp người nghèo ngay cả trong tình trạng khẩn cấp đáng sợ của virus corona.
Sáng ngày 26/03, Đức Thánh Cha đã tiếp ông Marco Impagliazzo, Chủ tịch Cộng đồng thánh Egidio. Trong cuộc trò chuyện, Đức Thánh Cha muốn cảm ơn rất nhiều tình nguyện viên, những người trong những ngày đại dịch này tiếp tục giúp đỡ những người rốt cùng nhất, và trong một số trường hợp, họ đã tăng cường công việc hỗ trợ “cho người nghèo, người vô gia cư, người già và tất cả những người yếu đuối”.
Ngay cả trong thời gian bị đình chỉ và cách ly hàng loạt do Covid-19, Cộng đồng thánh Egidio vẫn tiếp tục duy trì hoàn toàn các hoạt động của mình – với sự quan tâm đúng mức và tuân thủ đầy đủ các quy tắc chống lây nhiễm – mạng lưới liên đới, bắt đầu từ các nhà ăn và nhà trọ qua đêm.
Cộng đoàn cũng cộng tác nhiệt thành với Tòa thánh và đặc biệt là với Đức Hồng y Konrad Krajewski, Chánh Sở từ thiện của Đức Thánh Cha: một trong những hoạt động mang tính biểu tượng tại Palazzo Migliori, chỉ cách hàng cột đền thờ thánh Phêrô vài mét, nơi mà Đức Thánh Cha Phanxicô muốn dành để tiếp đón những người nghèo.
Đức Thánh Cha đã tặng cho ông Impagliazzo một bức ảnh thánh Giuse dẫn Chúa Giêsu chạy trốn sang Ai Cập, một biểu tượng cho sự dấn thân của Cộng đồng thánh Egidio trong việc tiếp đón những người tị nạn. Đằng sau bức ảnh có một lời cầu nguyện nhắc lại chủ đề được chọn cho Ngày Thế giới người Di dân và Tị nạn năm nay: “Giống như Chúa Giêsu Kitô, họ buộc phải chạy trốn”. (La Stampa 26/03/2020)
Hồng Thủy
2020
Giám mục duy nhất người Mông Cổ qua đời
Giám mục duy nhất người Mông Cổ, Đức cha Giuse Mã Trọng Mục (Ma Zhongmu) đã qua đời hôm 25/3/2020 vừa qua, hưởng thọ 101 tuổi.
Đức cha Mã Trọng Mục là giám mục Ninh Hạ (Ningxia), một giáo phận bao gồm một phần miền tự trị Ninh Hạ, và một phần miền bắc tỉnh Thiểm Tây (Shaanxi), và một phần miền bắc tỉnh Nội Mông. Ngài được Tòa Thánh bổ nhiệm nhưng không được Nhà Nước Trung Quốc công nhận, nên họ chỉ coi ngài như một linh mục.
Đức cha Giuse Mục sinh năm 1919, tại thị trấn Thành Xuyên (Chengchuan), tỉnh Nội Mông, Trung Quốc, học thần học tại Đại Đồng (Datong), tỉnh Sơn Tây (Shanxi) và thụ phong linh mục năm 1947. Sau vài năm học tại Đại học Công giáo Phụ Nhân (Fu Ren), hồi đó còn đặt tại Bắc Kinh, cha Mã Trọng Mục làm việc mục vụ tại Trung Vệ (Zhongwei) và tại Hohhot. Năm 1958, cha Mục từ chối không gia nhập Hội Công giáo yêu nước Trung Quốc, nên bị Nhà Nước kết án lao động khổ sai vì tội “phản động”. 11 năm sau đó (1969), cha được trả tự do và trở về nguyên quán, làm việc như một công nhân tại một trung tâm bảo trì nước.
10 năm sau, cha Mã Trọng Mục được phục hồi và trở lại với công việc mục vụ từ năm 1980. Năm 1983, Cha thụ phong giám mục Công giáo thầm lặng và coi sóc giáo phận Ninh Hạ cho đến khi về hưu năm 2005, tại Thành Xuyên và qua đời tại đây.
Đức cha Mã Trọng Mục đã dịch sách lễ Roma ra tiếng Mông Cổ và gửi về Bộ Phụng tự ở Roma để xin phê chuẩn, nhưng rất tiếc tại Tòa Thánh không có ai biết tiếng Mông Cổ nên sách lễ chưa được phê chuẩn.
- Trần Đức Anh, O.P.