2020
ĐTC Phanxicô: Hãy bỏ tảng đá trong trái tim để sống cuộc đời mới
Trong buổi đọc kinh truyền tin hôm Chúa Nhật Thứ Năm Mùa Chay, Đức Thánh Cha Phanxicô đã kêu gọi các tín hữu bỏ tảng đá trong trái tim mình, và để Lời Chúa đem sự sống vào nơi chết chóc.
Khởi đi từ đoạn Tin Mừng thánh Gioan, tường thuật về việc Chúa Giêsu làm Lazarô sống lại, Đức Thánh Cha nói:
Anh chị em thân mến, chào buổi sáng!
Tin Mừng của Chúa nhật thứ năm Mùa Chay là Tin Mừng về sự phục sinh của anh Lazarô (x. Ga 11: 1-45). Lazarô là anh em trai của Marta và Maria; họ rất thân với Chúa Giêsu. Khi ngài đến Bêtania, Lazarô đã chết được bốn ngày; Marta chạy đến gặp Người và nói: “Thưa Thầy, nếu có Thầy ở đây, em con đã không chết.” (câu 21). Và Chúa Giêsu trả lời: “Anh ấy sẽ sống lại” (câu 23); và Người thêm rằng: “Chính Thầy là sự sống lại và là sự sống. Ai tin vào Thầy, thì dù đã chết, cũng sẽ được sống.” (câu 25).
Khi Maria cùng những người khác đến, tất cả đã khóc. Còn Chúa Giêsu, Người “thổn thức trong lòng, … và Người đã khóc.” (câu 33,35). Với sự thổn thức xao xuyến ấy, Người đi tới mộ, dâng lời tạ ơn Chúa Cha – Đấng hằng nghe lời Người cầu khẩn. Người cho mở ngôi mộ ra và kêu lớn tiếng: “Anh La-da-rô, hãy ra khỏi mồ!” (c.43). Và Lazarô bước ra, “chân tay còn quấn vải, và mặt còn phủ khăn” (c.44).
Chúa Giêsu là sự sống và là Đấng ban sự sống
Ở đây, chúng ta có thể chạm tay tới thực tại rằng Thiên Chúa là sự sống và là Đấng ban sự sống, nhưng Người vẫn muốn mang lấy bi kịch của cái chết.
Chúa Giêsu đã có thể tránh cho Lazarô, bạn của mình khỏi chết, nhưng Người muốn chia sẻ nỗi đau khổ của chúng ta khi mất đi những người thân yêu. Và trên tất cả, Người muốn tỏ cho thấy sự thắng vượt của Thiên Chúa đối với cái chết.
Giữa đau buồn, hãy tiếp tục vững tin
Trong Tin Mừng, chúng ta thấy rằng đức tin của con người và sự toàn năng của tình yêu Thiên Chúa tìm nhau và cuối cùng cũng gặp nhau. Chúng ta thấy điều ấy trong tiếng khóc của Marta và Maria, và của tất cả chúng ta cùng với họ: “Nếu Thầy ở đây, thì…!” Và câu trả lời của Chúa không phải là một bài phát biểu, không phải là một bài diễn văn, nhưng là chính Người: “Thầy là sự sống lại và là sự sống.”
Hãy có niềm tin! Giữa lúc đau buồn than van, hãy tiếp tục vững tin, ngay cả khi cái chết dường như đã chiến thắng. Hãy bỏ tảng đá khỏi trái tim của anh chị em! Hãy để Lời Chúa đem sự sống vào nơi chết chóc.”
Hãy bỏ tảng đá khỏi trái tim mình
Và hôm nay, Chúa Giêsu cũng nhắc lại với mỗi chúng ta: “Hãy bỏ tảng đá ra.” Thiên Chúa không tạo dựng chúng ta để dành cho huyệt mộ, nhưng Người tạo dựng chúng ta vì sự sống, vẻ đẹp, tốt lành và niềm vui. Nhưng như sách Khôn Ngoan đã nói: “sự chết xâm nhập vào thế gian vì ma quỷ ganh tị, và những ai về phe nó đều phải nếm mùi cái chết.” (Kn 2,24). Còn Chúa Giêsu Kitô, Người đã đến để giải thoát chúng ta khỏi sự sợ hãi.
Vì thế, chúng ta được mời gọi gỡ bỏ tảng đá của tất cả những thứ có mùi của cái chết: sống đức tin cách giả hình là cái chết; chỉ trích phá hoại người khác là cái chết; vu khống là cái chết; loại bỏ người nghèo là cái chết. Chúa yêu cầu chúng ta loại bỏ những viên đá này khỏi trái tim mình, và Người sẽ làm cho sự sống đâm hoa kết trái nơi chúng ta.
Chúa Kitô sự sống đích thực
Cũng như buổi cầu nguyện vào thứ sáu vừa qua tại quảng trường thánh Phê-rô, Đức Thánh Cha một lần nữa nhấn mạnh: chỉ nơi Chúa Giêsu, người Kitô hữu tìm thấy sự sống.
Chúa Kitô hằng sống, và những ai đón nhận Người, những ai vâng lời Người, những ai bước theo Người sẽ bước vào tương quan với sự sống. Không có Chúa Kitô, hoặc những gì ngoài Chúa Kitô, sẽ không chỉ không có sự hiện diện của sự sống, mà thậm chí, còn rơi vào cái chết.
Sống trắc ẩn như Chúa Giêsu
Sự phục sinh của Lazarô cũng là một dấu chứng của sự tái sinh diễn ra nơi những người tin ngang qua Bí tích Rửa tội, cùng với mầu nhiệm Vượt Qua của Chúa Kitô. Nhờ hoạt động và sức mạnh của Chúa Thánh Thần, Kitô hữu là người bước đi trong sự sống như một thụ tạo mới: một thụ tạo dành cho sự sống.
Và Đức Thánh Cha kết thúc với lời nguyện:
Xin Đức Trinh Nữ Maria giúp chúng ta trở nên những người biết trắc ẩn như Chúa Giêsu, Con Một Chúa Cha. Người đã mang lấy nơi mình, đã chia sẻ nỗi đau của chúng ta. Mỗi chúng ta hãy gần gũi với những ai đang gặp thử thách, hãy trở nên một phản ảnh của tình yêu và sự ân cần dịu dàng của Thiên Chúa, Đấng giải thoát chúng ta khỏi sự chết, và làm cho sự sống giành chiến thắng.
Trần Đỉnh, SJ – Vatican
2020
Một thị trấn nhỏ ở Ý đối diện với cái chết ở tầm mức quy mô
Khi làm linh mục, cha Mario Carminati biết mình sẽ đối diện với cái chết, nhưng không đối diện với tầm mức quy mô này.
Một linh mục địa phương làm phép cho các quan tài xếp lớp trong nhà thờ vì có quá nhiều người chết, trước khi được xe tải chở đi. Quận Seriate, Ý, 28 tháng 3 năm 2020. REUTERS / Flavio Lo Scalzo
Bây giờ, vì dịch bệnh lan tràn, các quan tài đến mỗi ngày được đặt trên sàn đá cẩm thạch lạnh của Nhà thờ Thánh Giuse.
Linh mục Carminati, 64 tuổi ở Seriate cho biết, nhà chức trách địa phương không biết đặt quan tài ở đâu. Seriate là thị trấn ven sông thuộc tầng lớp trung lưu yên tĩnh với 25.000 cư dân ở miền bắc nước Ý.
Khi “số lượng đủ”, cha và các linh mục khác vội vã làm phép rồi một chiếc xe nâng đưa quan tài lên xe tải của quân đội để chở đến các nghĩa trang hoặc các nhà thiêu. Các cuộc tụ họp đã bị cấm trên khắp nước Ý nên không thể tổ chức tang lễ ở nhà thờ.
Quận Seriate ở tỉnh Bergamo, nơi bị ảnh hưởng nặng nề nhất nước Ý ở miền bắc vùng Bologna và là tâm chấn của dịch bệnh. Nước Ý phải chiến đấu để ngăn chặn lây lan của bệnh Covid-19. Với số lượng người chết trên 9.000 trên toàn quốc vào ngày thứ sáu 27-3, nước Ý đã phải chịu số người chết gần gấp đôi so với bất kỳ quốc gia nào khác.
Linh mục Carminati nói điều đáng buồn nhất là nhiều giáo dân chết một mình, không có người thân, vì không ai được vào thăm để ngăn chận lây lan.
Cùng với một linh mục trẻ, linh mục Marcello Crotti làm phép cho 40 quan tài trước nhà thờ, cha nói: “Chúng ta thường nói về những người cần thiết nhất, thì đây là những người cần thiết nhất.”
Cha Carminati nói: “Họ là những người cần thiết nhất dù họ không còn sống. Không ai còn thì giờ hay dịp để chăm sóc họ, nên tôi quyết định mở nhà Chúa cho họ.”
Đây là một thời gian ngắn. Ngày thứ bảy 28-3, sau khi linh mục Carminati và linh mục Crotti làm phép cho một loạt quan tài mới nhất, các quân nhân trong y phục bảo vệ đã chở lên năm chiếc xe tải được bao bằng các tấm bạt để ngụy trang.
Tiếng chuông vang lên khi đoàn xe rời nhà thờ và người dân từ cửa sổ và ban công ngậm ngùi làm dấu thánh giá.
Khi đoàn xe đi qua một ngã tư, một cảnh sát thị trấn mang khẩu trang và đeo găng tay trắng dừng lại đứng nghiêm chào.
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch
2020
ĐTC Phanxicô cầu nguyện cho những người đói khổ
Sáng thứ Bảy, trong Thánh lễ phát trực tiếp từ Nhà nguyện Thánh Marta, Đức Thánh Cha tiếp tục mời gọi mọi người cầu nguyện cho những người đang phải đối diện với cái đói đang đến.
Đức Thánh Cha nói: “Trong những ngày này, ở một số nơi trên thế giới, người ta đã thấy những hậu quả của đại dịch; một trong số đó là cái đói. Chúng ta bắt đầu thấy những người bị đói, vì họ không thể làm việc, không có công việc ổn định. Chúng ta đã bắt đầu thấy những gì sẽ đến sau, nhưng nó đã bắt đầu tại thời điểm này”.
Trong bài giảng Thánh lễ, Đức Thánh Cha tập trung vào thái độ xét đoán của những người Pharisêu được Thánh Gioan thuật lại trong bài Tin Mừng theo ngày. Đức Thánh Cha chỉ ra mối bất hòa, sự rạn nứt đã có từ xa xưa giữa những người được coi là thành phần ưu tú trong xã hội và dân chúng, giữa những người đã bị “mất ký ức mình thuộc về một dân tộc” và “dân trung thành của Thiên Chúa”. Đây là bi kịch của giáo sĩ trị, một sự rạn nứt mà chúng ta có thể thấy trong thời điểm đại dịch.
“Trong mấy ngày qua, tôi đã nghe một số người nói rằng: Tại sao các nữ tu và các linh mục khỏe mạnh lại đi đến với người nghèo, trao cho họ thức ăn. Các nữ tu và linh mục này có thể bị nhiễm virus? Và những người này nói với giám mục không cho phép các linh mục đi ra ngoài, các linh mục chỉ để cử hành bí tích, công việc giúp người nghèo là bổn phận của chính phủ”.
Đức Thánh Cha nói tiếp: “Dân chúng bị xem là tầng lớp thứ hai. Chúng ta nghĩ mình là tầng lớp lãnh đạo, chúng ta không được để cho đôi tay bị dơ bẩn vì người nghèo. Nhiều lần tôi nghĩ: các linh mục, nữ tu là những người tốt, nhưng không có can đảm ra đi phục vụ người nghèo. Có một điều gì đó thiếu”.
Sau những suy tư này, ngay lập tức Đức Thánh Cha nói về sự rạn nứt giữa những người theo Chúa Giêsu và nhóm luật sĩ từ chối Chúa vì theo họ Chúa không tuân theo lề luật: “Nhóm luật sĩ này khinh bỉ Chúa. Nhưng họ cũng coi thường dân chúng, những người kém hiểu biết. Dân thánh trung thành của Thiên Chúa tin vào Chúa Giêsu, đi theo Người; và nhóm những người được cho là ưu tú, nhóm luật sĩ, tự tách mình ra khỏi dân chúng và không đón nhận Chúa Giêsu”. Đức Thánh Cha nhấn mạnh: “Đó là những người thuộc thành phần ưu tuyển nhưng họ có một lỗ hổng lớn, họ đã mất ký ức về việc mình thuộc về một dân tộc”.
Đức Thánh Cha tiếp tục: “Sự rạn nứt giữa giới thượng lưu, các nhà lãnh đạo tôn giáo và dân chúng là một bi kịch đã có từ xa xưa. Dân Chúa có một ân sủng lớn lao, biết được ở đâu có Thánh Thần. Dân chúng cũng tội lỗi, nhưng họ biết đường dẫn đến ơn cứu độ. Vấn đề của thành phần giáo sĩ ưu tú là họ đã trở nên tinh vi, họ đã chuyển sang một tầng lớp xã hội khác, cảm thấy mình là những người lãnh đạo”.
Đức Thánh Cha mời gọi mọi người nghĩ đến rất nhiều người nam nữ tốt lành đang phục vụ Thiên Chúa. Những người này cũng đã ra đi phục vụ người nghèo, rất nhiều linh mục và tu sĩ không tách rời khỏi dân chúng. Đức Thánh Cha đưa ra một mẫu gương mà ngài thấy qua một bức ảnh: Một cha xứ ở trên núi, mặc dù tuyết lạnh, vị linh mục này vẫn mang Mặt nhật Mình Thánh Chúa đi chúc lành cho dân chúng.
Đức Thánh Cha mời gọi: “Mỗi người hãy suy nghĩ xem mình đang ở thành phần nào? Tôi là thành phần đang do dự; hay ngược lại, tôi là thành phần thuộc về dân trung thành của Chúa; hoặc tôi là thành phần ưu tú tách rời khỏi dân Chúa, thành phần giáo sĩ trị”.
Đức Thánh Cha kết thúc bài giảng và đưa ra lời khuyên mà Thánh Phaolô đã trao cho môn đệ Timôthê, vị giám mục trẻ: “Con hãy nhớ đến mẹ và bà của con”. Thánh Phaolô đã khuyên điều này là bởi vì Thánh nhân biết rõ mối nguy hiểm có thể xảy đến cho thành phần ưu tú lãnh đạo”.
Ngọc Yến
2020
Nỗi buồn của các linh mục Ý trước hàng dài những quan tài
Nỗi buồn của các linh mục Ý trước hàng dài những quan tài
Khi trở thành linh mục 40 năm trước, Cha Mario Carminati biết mình sẽ đối diện với cái chết, nhưng ngài không bao giờ có thể nghĩ đến một ngày ngài phải đối diện với một hàng dài các quan tài như thế này.
Tất cả những người chết mà ngài đang làm thánh lễ an táng tập thể cho họ đều là những anh chị em giáo dân trong giáo xứ mà cha quen biết tại giáo xứ Thánh Giuse ở Seriate, trong tỉnh Bergamo, cách Milan 50km về phía Đông Bắc.
Quan tài của các giáo dân quá cố không còn được khiêng một cách long trọng vào những chiếc xe tang bóng loáng như bình thường. Cũng chẳng có người thân nào trong đám tang kinh hoàng này ngoài cha Carminati, một người giúp lễ, một người quay phim chụp ảnh, và các binh sĩ đang đứng chờ để khi các nghi thức được cử hành xong sẽ khiêng lên những chiếc xe nhà binh đang chờ sẵn ở cửa nhà thờ.
Quân đội chở các quan tài đến và dùng một chiếc xe nâng đưa các quan tài từ các xe nhà binh vào trong nhà thờ.
Bây giờ, vì sự bùng phát của coronavirus, các quan tài nhiều đến mức phải đặt trên sàn đá cẩm thạch lạnh của Nhà thờ Thánh Giuse.
“Các nhà chức trách muốn mọi sự diễn ra trong sự kính trọng những người quá cố nhưng họ không còn biết đặt các quan tài ở đâu,” Cha Carminati, 64 tuổi, cha sở Nhà thờ Thánh Giuse, ở thành phố Seriate, một miền đất vốn thanh bình của 25,000 người dân trung lưu bên bờ dòng sông Serio hiền hòa.
Khi các quan tài đã được đưa vào nhà thờ, ngài và các linh mục khác cử hành các nghi thức một cách vội vã. Sau đó, một chiếc xe nâng lại đưa các quan tài lên các xe nhà binh chở đến các nghĩa trang để hỏa táng.
Các cuộc tụ họp đã bị cấm trên khắp nước Ý vì lệnh cách ly toàn quốc nên không thể tổ chức tang lễ nhà thờ.
Seriate nằm ở tỉnh Bergamo, nơi bị ảnh hưởng nặng nề nhất ở vùng Ý miền bắc vùng Bologna và là tâm chấn của vụ dịch.
Cha Carminati nói điều đáng buồn nhất đối với ngài là nhiều giáo dân đã chết cô đơn, không có người thân, tại bệnh viện cũng như tại nhà thờ và nghĩa trang, vì lệnh cách ly tại chỗ để ngăn chặn sự lây lan của virus không cho phép các thành viên gia đình đến những nơi này.
“Trong các kinh nguyện, chúng tôi thường đề cập đến những linh hồn ‘cần đến lòng Chúa thương’, và trong các bài giảng, chúng tôi nói về những người cần đến lời cầu nguyện của chúng ta nhất. Đây chính là những người này,” cha Marcello Crotti, một linh mục trẻ nói sau khi vừa làm lễ an táng tập thể cho 40 người.
Tiếng chuông vang lên khi những chiếc xe tải rời khỏi nhà thờ và cư dân nhìn xuống từ cửa sổ và ban công nhà mình làm dấu thánh giá.
Khi đoàn xe băng qua một ngã tư, một cảnh sát đeo mặt nạ y tế và găng tay trắng đứng nghiêm giơ tay chào.
Đặng Tự Do
(vietcatholic 28.03.2020)