2020
Bạo lực chống Kitô hữu và tín đồ Ấn giáo tiếp tục gia tăng tại Pakistan
Bạo lực chống lại các nhóm thiểu số tôn giáo, bao gồm Kitô giáo và Ấn Độ giáo, tiếp tục gây lo ngại ở Pakistan và gây nên sự phẫn nộ trong xã hội dân sự. Các hành động bạo lực diễn ra trong khi các tổ chức đang tranh luận về Ủy ban tôn giáo thiểu số mới được thành lập trong chính phủ.
Trong những ngày vừa qua, một mục sư Tin Lành và gia đình đã bị đánh đập và buộc phải rời khỏi nơi sinh sống ở thành phố Rahim Yar Khan, bang Punjab. Trước đó, 7 người Hồi giáo có vũ khí đã tấn công nhà thờ Chúa Ba Ngôi ở quận Sheikhupura, cách Lahore, thủ phủ bang Punjab 56 cây số. Họ hô các khẩu hiệu đốt nhà thờ và các Kitô hữu sống ở vùng xung quanh. Họ phá vỡ tường sau của nhà thờ, cửa chính và Thánh giá ở lối vào. Mục sư đã gọi điện cho cảnh sát can thiệp.
Cũng tại bang Punjab, một nghĩa trang Kitô giáo có từ 100 năm cũng bị một số người Hồi giáo muốn chiếm đoạt mảnh đất, phá hủy một số ngôi mộ. Một sự kiện đáng lo ngại khác liên quan đến luật sư Công giáo Khalil Tahir Sindu, thành viên của Hội đồng tỉnh của bang Punjab, người từ lâu đã dấn thân bảo vệ luật pháp và bảo vệ cộng đồng Kitô giáo. Nhà của ông ở Lahore đã bị bốn tay súng tấn công và nổ súng vào nhà.
Trong khi đó, bang Sindh ở miền nam Pakistan là tâm điểm của bạo lực chống các tín đồ Ấn giáo. Một số người Hồi giáo đã đốt nhà các tín hữu, đánh đập đàn ông, phụ nữ và trẻ em Ấn giáo. 21 ngôi nhà ở làng Talados bị quân đội đốt và nhiều trẻ em đã bị thương. (Fides 01/06/2020)
Hồng Thủy – Vatican News
2020
Giáo hội Hoa Kỳ cử hành Tuần lễ tự do tôn giáo: Cầu nguyện và hành động cho tự do
“Cầu nguyện và hành hành động cho tự do”. Với mục tiêu này Hội đồng Giám mục Hoa Kỳ đang chuẩn bị cho toàn thể Giáo hội cử hành “Tuần lễ tự do tôn giáo” sẽ diễn ra từ 22-29/6/2020.
Mỗi ngày trong thời gian này, các Giám mục mời gọi các tín hữu cầu nguyện theo các ý chỉ cầu nguyện khác nhau:
Ngày 22/6, các tín hữu được mời gọi cầu nguyện cho tất cả những ai đang chăm sóc người bệnh và những người dễ bị tổn thương. Đặc biệt cầu nguyện cho các bệnh viện Công giáo luôn kiên trì bảo vệ trước các vụ kiện liên quan đến việc kiên quyết từ chối triệt sản hoặc phá thai. Các Giám mục nhấn mạnh: “Thật không thể tưởng tượng được sứ vụ chữa lành của Giáo hội lại bị tổn hại bằng cách phá hủy sự sống của những trẻ thơ vô tội và gây thiệt hại cho những người mà Giáo hội được kêu gọi để chăm sóc”.
Hướng đến mọi tín đồ của các tôn giáo, ngày 23/6 được dành riêng để cầu nguyện cho mọi người được tự do thực hành thờ phượng, không lo sợ bị tấn công và làm phiền. Các Giám mục cho rằng sự gia tăng đáng lo ngại các vụ tấn công chống lại các nơi thờ phượng thể hiện một cuộc tấn công vào tự do tôn giáo. Hơn thế nữa nhiều linh mục bị giết trong khi cử hành Thánh lễ. Đây chính là những cuộc tấn công không thể dung thứ, vì đã tấn công vào chính hình ảnh của Thiên Chúa.
Tiếp đến, các tín hữu ở Trung Quốc và các nhóm tôn giáo thiểu số nói chung là trung tâm của ý chỉ cầu nguyện trong ngày 24/6. Các Giám mục mời gọi mọi người cầu nguyện để các tín đồ thuộc các tôn giáo ở Trung Quốc có thể tự do thực hành tôn giáo không bị nhà nước kiểm soát.
Ngày 25, các tín hữu được mời gọi nhớ đến các trẻ mồ côi và nhắc lại rằng chăm sóc trẻ em là một lệnh truyền của Tin Mừng. “Chúng ta cầu nguyện và hành động để trẻ em luôn được ưu tiên”.
Không quên các Giáo hội nằm ở phía nam biên giới Mỹ, nơi các bức tường chống nhập cư đang được xây dựng, các Giáo hội Hoa Kỳ dành ngày 26 cầu nguyện cho những người di cư. Các Giám mục khẳng định: “Tự do của Giáo hội có nghĩa là Giáo hội không thể bị quyền lực dân sự cản trở sứ vụ và sứ vụ này bao gồm cả việc dành cho những người phải chạy trốn khỏi bạo lực và nghèo đói”.
Ngày kế tiếp 27/6 được dành để cầu nguyện cho các trường Công giáo, với lời khẳng định “không thể tưởng tượng được nếu một nước Mỹ không có trường Công giáo”, để các trường được tự do dạy sự thật về Thiên Chúa và công trình sáng tạo.
Sau ngày cầu nguyện cho Cộng hòa Trung phi 28/6; ngày 29 ngày cuối cùng, các tín hữu được mời gọi cầu nguyện, xin Chúa ân sủng để mọi người biết nhìn nhận phẩm giá của tất cả mọi người. Theo các Giám mục, ngày nay, trong thế giới chính trị có nhiều tiếng nói khác nhau, đối thoại với một ngôn ngữ cứng nhắc. Điều mọi người cần đó là một cuộc đối thoại trung thực. Nghĩa là chúng ta phải tôn trọng phẩm giá mọi người và lắng nghe họ. (CSR_4091_2020)
Ngọc Yến – Vatican News
2020
Giáo hội Brazil chống lan truyền tin giả chống Giáo hội trong thời đại dịch
Thời gian phong tỏa trong đại dịch Covid-19 ở Brazil đã gia tăng việc loan truyền các tin tức giả trên internet, và phần lớn trong số đó là nhằm chống lại Giáo hội, nhiều lần bởi những người tự xưng là Công giáo. Trong số các chiến lược chống lại các tin giả gây hại này, Giáo hôi phát triển về truyền thông, giáo dục các tín hữu và hành động pháp lý.
Một trong những sự kiện gây ra làn sóng mới các tin giả mạo chống lại Hội đồng Giám mục Brazil (CNBB) đó là quyết định đề nghị ngưng tất cả các cử hành phụng vụ có giáo dân để ngăn chặn sự lây lan của virus. Từ tháng 3, hầu hết các giáo phận và giáo xứ trên khắp Brazil đã ngưng cử hành các Thánh lễ có giáo dân. Các nhóm truyền thống đã phát động các chiến dịch trực tuyến để gây áp lực lên các giám mục, để các ngài thay đổi quyết định. Điều này đã dẫn đến một cuộc tấn công internet vào các khuynh hướng bị xem là cánh tả của Giáo hội Brazil. Mỗi bài đăng trên Facebook của Hội đồng giám mục Brazil sẽ có một số bình luận cáo buộc các giám mục về việc bỏ bê đời sống tinh thần của người Brazil và thích tham gia hoạt động chính trị cánh tả.
Có hai loại tin giả chống Giáo hội Brazil do hai nhóm cực đoan bảo thủ và chống cộng sản. Những lời nói căm thù và nội dung lừa đảo được các nhóm đó sử dụng như một phần của chiến lược và được sản xuất bởi các chuyên gia, gây bối rối cho các tín hữu không có nền tảng Công giáo vững chắc. Các giám mục Brazil hiện đang thực hiện các bước khởi đầu để giải quyết vấn đề một cách thỏa đáng.
Cần có tổ chức chuyên nghiệp về truyền thông xã hội
Trước hết, Giáo hội ý thức cần một tổ chức chuyên nghiệp về truyền thông xã hội của Giáo hội. Các ủy ban mục vụ truyền thông của các cộng đoàn và giáo xứ không chỉ phát các Thánh lễ trực tuyến nhưng cũng gần gũi với giáo dân và cải thiện sự tham gia của họ vào Giáo hội.
Gia tăng sự hiện diện của Giáo hội trên các mạng truyền thông
Một trong những chiến lược trung tâm của Giáo hội chống lại các tin giả là gia tăng sự hiện diện trên các mạng truyền thông và thêm sự hiện diện tại các lãnh vực phổ biến. Khi Giáo hội gia tăng sự hiện diện trong các cuộc tranh luận thì không có nhiều chỗ cho những kẻ cơ hội. Nhiều người tiếp cận được với các tư tưởng của Giáo hội thì sẽ bớt quan tâm đến ý tưởng của những kẻ tấn công. Một điều cần thiết là cải thiện việc giáo dục cho các tín hữu Công giáo, vì “nhiều người dân không biết những điều căn bản về Giáo hội và đó là lý do họ tin vào các tin không đúng.”
Hành động pháp lý
Và một bước ngoặt quan trọng trong chiến dịch của Giáo hội trong những năm vừa qua, đó là Giáo hội và các nhân vật quan trọng của Giáo hội đã khởi kiện những trường hợp phỉ báng nghiêm trọng. Nhiều lời tố cáo vượt mọi giới hạn và Giáo hội phải hành động. Trước hết, Giáo hội sẽ làm rõ những tin đồn và có hành động pháp lý khi nó liên quan đến một tội ác. (Crux 02/06/2020)
Hồng Thủy – Vatican News
2020
Niềm vui ngày Bảo tàng Vatican mở cửa lại
Ngày 01/06/2020 là một ngày hội đối với Bảo tàng Vatican, ngày Bảo tàng mở cửa lại cho các du khách sau 80 ngày đóng cửa vì đại dịch Covid-19.
Vào lúc 10 giờ sáng, những du khách đầu tiên sau gần 3 tháng, đã đăng ký trước, đeo khẩu trang, trở lại Bảo tàng Vatican.
1.600 du khách, đặc biệt là các gia đình ở Roma và miền Lazio, đã lợi dụng những ngày này khi Bảo tàng không có quá đông người, để có thể chiêm ngưỡng các tác phẩm nghệ thuật tuyệt tác. Bà Barbara Jatta, giám đốc bảo tàng, cho biết số người đăng ký cũng rất nhiều trong những ngày sắp tới.
Trong những năm gần đây số du khách thăm Bảo tàng Vatican mỗi ngày đến khoảng 20.000. Do đó, Bảo tàng lúc nào cũng đông người và du khách không có cơ hội chiêm ngưỡng các tác phẩm cách thoải mái như thời gian này.
Các nhóm du khách không được quá 10 người, phải tuân theo các quy tắc vệ sinh.
Bà Jatta khuyến khích các công dân Roma hãy lợi dụng cơ hội này để thăm Bảo tàng và biết chi tiết hơn. Bà Marta, cùng chồng và các con trong số những du khách của ngày đầu Bảo tàng mở cửa lại, nói: “Chúng tôi đã quyết định tận dụng cơ hội này, tránh những hàng dài thường có. Và chúng tôi ở Roma, làm sao mà không tận dụng nó?” Ông Fabrizio, chồng bà Marta, cũng nói: “Hoàn cảnh tiêu cực này đã cho chúng tôi cơ hội cho các con thấy nhà nguyện Sixtine và các bảo tàng cách thoải mái.”
Hồng Thủy – Vatican News