2020
Nền thần học tại Đức ngày nay đi xuống
Nền thần học tại Đức ngày nay đi xuống
Dư luận Công Giáo tại nhiều nơi tỏ ra lo ngại vì trào lưu của nhiều người Công Giáo, kể cả nhiều vị trong hàng Giáo Phẩm tại Đức, muốn đi con đường riêng, số người xin ra khỏi Giáo Hội ngày càng gia tăng và cả chất lượng nền thần học tại nước này cũng đi xuống.
Cựu chủ tịch và tân chủ tịch Hội đồng giám mục Đức
Ngày 20-7-2020, Bộ giáo sĩ đã công bố Huấn Thị dài 28 trang, gồm 11 chương, về các giáo xứ với tựa đề: ”Hoán cải mục vụ cộng đoàn giáo xứ để phục vụ sứ mạng truyền giáo của Giáo Hội”, nhắm mục đích khích lệ các xứ đạo đẩy mạnh sứ mạng loan báo Tin Mừng của Giáo Hội, đồng thời điều chỉnh những sai trái hoặc cản trở sứ mạng này. Đặc biệt trong 5 chương sau cùng, Huấn thị nhắc lại các qui luật hiện hành của Giáo Hội, và nhắm điều chỉnh những áp dụng không đúng đắn các qui luật đó làm cho việc chu toàn sứ mạng loan báo Tin Mừng bị trì trệ, ví dụ việc gộp các giáo xứ tại những nơi thiếu linh mục.
Phản ứng tiêu cực đối với Văn kiện Tòa Thánh
Tuy Huấn Thị được ĐTC phê chuẩn, nhưng trong thời gian qua, nhiều GM tại Đức phê bình Huấn thị của Bộ giáo sĩ, nhất là các điều khoản tái khẳng định chỉ có LM mới có thể làm cha sở, giáo dân có thể cộng tác vào việc điều hành giáo xứ; để giảng trong thánh lễ phải là LM hoặc là phó tế, giáo dân có thể diễn giải và phát biểu trong các buổi phụng vụ khác.
Trước những phản ứng đó, ĐHY Benjamin Stella, Tổng trưởng Bộ giáo sĩ, tuyên bố sẵn sàng gặp các GM Đức, để giải thích và trao đổi về Huấn thị này. Hôm 24-8, sau cuộc họp của Ban thường vụ, HĐGM Đức cho biết chấp nhận lời mời của Bộ giáo sĩ, và sẽ đến Roma để đối thoại, nhưng sẽ có một số đại diện giáo dân đi theo.
Số người Công giáo Đức rời bỏ Giáo Hội gia tăng
Tình trạng khó khăn của Giáo Hội Công Giáo tại Đức trong thời gian gần đây được dư luận Công Giáo thế giới đặc biệt quan tâm, như thống kê công bố ngày 26-6 năm nay cho thấy: dân Đức ngày càng bỏ đạo Kitô: trong năm 2019, 27 giáo phận Công Giáo tại Đức mất 272.771 tín hữu, tức là tăng 26% so với năm 2018 trước đó. 20 Giáo Hội Tin Lành ở Đức mất khoảng 270 ngàn tín hữu, tức là tăng khoảng 22,7% so với năm trước đó.
Số tín hữu Công Giáo hiện chiếm 27,2% dân Đức tức là 22 triệu 600 ngàn người, còn Tin lành chiếm 25%, tức là 20 triệu 700 ngàn người.
Sa sút về thần học
Cùng với sự sa sút về số tín hữu, nhiều chuyên gia cũng nhận xét có sự giảm sút chất lượng trong ngành thần học Công Giáo tại Đức: ”Thần học tại Đức đang bị khủng hoảng, ngoại trừ một số ít trường hợp ngoại lệ!”. Đó là kết luận của một giáo sư thần học người Đức, Ulrich Lehner, tại Đại học Notre Dame bang Indiana Hoa Kỳ. Ông đã đậu tiến sĩ thần học tại Đại học Regensburg nam Đức và đậu thêm bằng hậu tiến sĩ (Habilitation) về sử học tại Đại học Trung Âu. Ông cũng là tác giả của nhiều cuốn sách.
Cách hành động thiên vị
Trong cuộc phỏng vấn dành cho hãng tin CNA tiếng Đức, Giáo sư Lehner không những phê bình chất lượng suy kém của thần học Đức, nhưng còn phê bình cách hành động thiên vị của một số giáo sư thần học tại nước này. Ông nói: ”Tôi đã theo dõi nhiều bổ nhiệm giáo sư thần học tại Đức và chỉ có thể nói: trình độ tầm thường thì luôn mướn những giáo sư tầm thường. Theo ông, một số giáo sư vận động bổ nhiệm cựu sinh viên của mình vào các ghế giáo sư, dù khả năng yếu kém của những người này. Điều đáng nói là đặc biệt những ứng viên trung thành với Giáo Hội, thì chẳng bao giờ có cơ may được bổ nhiệm, vì họ đã bị gạt ra ngoài từ trước.”
Giáo sư Ulrich Lehner trưng dẫn ví dụ: một nữ thần học gia có 3 người con, bị loại trong tiến trình bổ nhiệm vì các giáo sư trong ban tuyển chọn khám phá thấy bà đi dự lễ hằng ngày. Bà coi trọng đức tin của mình nhưng ban tuyển chọn quan niệm bà ta quá nghiêm túc trong việc sống đạo, nên không thể làm giáo sư. Một vụ khác: một ứng viên có 5 người con cũng bị loại. Có nhiều trường hợp, các ứng viên giáo sư bị bác không phải theo tiêu chuẩn nghiên cứu giảng dạy, nhưng thường theo các tiêu chuẩn khác của ban quản trị đại học.
Ông Lehner nói: ”Giả sử những người ở ngoài giới đại học biết các giáo sư ở Đức sáng chế ra những tiêu chuẩn hoặc lèo lái để việc thu nhận những người Công Giáo sùng đạo không thể tiến hành, thì thần học sẽ mất luôn cả những tiếng tăm ít ỏi còn lại.”
Chất lượng nền thần học đi xuống
Trong một bài đăng ngày 3-8-2020 trên trang mạng của HĐGM Đức (katholisch.de) một nhà đạo đức xã hội Bernhard Emunds, thuộc Học viện thánh George về triết và thần học của dòng Tên ở Frankfurt, được trích dẫn nói rằng thần học tại các nước nói tiếng Đức ”có tiếng tăm và tầm quan trọng của họ được ca ngợi trên thế giới”!
Giáo Sư Lehner không đồng ý với lời quả quyết đó và nói rằng: ”Thần học Đức ngày nay không như cách đây 25 năm nữa. Khác với thời đó, thần học Đức hiện thời không còn ảnh hưởng trên thế giới”.
Như một bằng chứng, giáo sư Lehner trưng dẫn sự khan hiếm bản dịch các tác phẩm thần học tiếng Đức sang các thứ tiếng Anh, Pháp, hoặc Tây Ban Nha. Ngược lại sự nghiên cứu của thế giới thu hút rất ít sự chú ý của các giáo sư thần học ở Đức. Điều này có nghĩa là họ bị tách rời khỏi sự nghiên cứu thế giới. ”Tuy người ta còn học tiếng Đức trong chương trình tiến sĩ ở Mỹ, nhưng tôi nhận xét rằng.. các sinh viên ban tiến sĩ ở Đức không thể đọc những văn bản dài bằng tiếng Anh. Các nhà thần học Đức phần lớn chỉ trích dẫn nhau.”
Thiếu thần học gia tại Đức
Theo trang mạng katholisch.de, hiện nay chỉ có gần 200 đại chủng sinh ở Đức đang học để chuẩn bị làm linh mục. Chưa bao giờ ít như vậy!
Trong số tất cả các sinh viên thần học ở Đức – trong đó có 18.251 người thuộc niên khoa 2018-2019, những người chọn học trọn giờ ở ban thần học là một tỷ lệ nhỏ, chỉ có 2.549 người trong năm 2018. 15.700 người còn lại chỉ học thần học như một phần trong học trình của họ để lấy bằng hầu có thể dạy môn tôn giáo ở các trường trung học.
Tuy có ít sinh viên thần học trọn giờ ở Đức, tại nước này vẫn còn nhiều nơi giảng dạy thần học. Có tổng cộng 19 phân khoa thần học, hơn 30 ghế giáo sư thần học Công Giáo, nhiều học viện nghiên cứu, 3 học viện cấp bằng về ”giáo dục tôn giáo và hoạt động giáo dục của Giáo Hội” cũng như một bằng thần học trực tuyến, theo Văn phòng Tổng thư ký HĐGM Đức.
Tuy nhiên mức độ ”sản xuất” thần học vẫn ở mức độ thấp. Như văn phòng thống kê Đức cho biết trong năm 2019 chỉ có 8 người đậu bằng hậu tiến sĩ (habilitation) là văn bằng cần có để làm giáo sư thần học Công Giáo tại một đại học. Ông Lehner nói: ”Xét vì nhiều phân khoa nhỏ, hầu như không có sinh viên, nhưng có nguồn tài chánh nhiều, lẽ ra phải có những nghiên cứu thần học mới mẻ sâu rộng, nhưng thực tế chỉ có một ít số xuất bản có chất lượng về thần học. Vì thế tôi không hiểu các giáo sư thần học ở Đức làm gì cả ngày. (CNA 9-8-2020)
Trần Đức Anh OP
2020
Cha Henryk Sawarski – nhà truyền giáo Ba Lan chăm sóc tù nhân ở Madagascar
Cha Henryk Sawarski – nhà truyền giáo Ba Lan chăm sóc tù nhân ở Madagascar
Vào Chúa Nhật sau Lễ Phục Sinh, Giáo Hội cử hành Lễ Lòng Chúa Thương Xót. Đây là một sứ điệp đã trở thành hoạt động trong cuộc đời của cha Henryk Sawarski, nhà truyền giáo người Ba Lan, đã làm việc trên đảo Madagascar hơn 40 năm. Cha là nhân viên mục vụ tại nhà tù Port-Bergé từ năm 2015. Cha đã nhiều lần chứng kiến Chúa chạm vào linh hồn của các tù nhân và giúp họ bắt đầu một cuộc sống mới.
Cha Henryk Sawarski chưa bao giờ đặt chân đến nhà tù trước khi bắt đầu làm việc mục vụ ở đó. Cha được chuyển đến giáo phận Port-Bergé vào năm Đức Thánh Cha Phanxicô tuyên bố là Năm Thánh Lòng Thương Xót đặc biệt. Cha nói: “Đức Giáo hoàng đã đưa ra lời kêu gọi thực thi các hoạt động thương xót cả về thể lý và tinh thần. Khi tôi biết rằng nhà tù không có giáo sĩ nào, tôi chợt nhận ra rằng đây là nơi tôi có thể truyền bá lòng thương xót của Chúa một cách tốt nhất. Hôm nay tôi biết rằng tôi đã được Chúa Giêsu Nhân từ soi sáng về điều này.”
Chúa Giêsu Nhân từ đã nói chuyện với họ
Cha Henryk vô cùng xúc động trước điều kiện sống tồi tệ cha nhìn thấy tại nhà tù. Trước tiên, cha bắt đầu bằng cách cung cấp các nhu cầu vật chất thiết thực của họ: cha cung cấp thực phẩm, quần áo và thuốc men cho các tù nhân, cải thiện điều kiện vệ sinh và trừ vi khuẩn. Cha kể: “Các tù nhân đã rất ngạc nhiên và tự hỏi, ‘tại sao “Vazaha” (người da trắng) này lại làm điều này? Tại sao ông ấy lại tiêu nhiều tiền và dành nhiều thời gian cho chúng ta? Có phải ông ấy đang cố mua chuộc để cải đạo chúng ta không?’ Nhưng tôi không nói gì về cầu nguyện và tôn giáo, tôi im lặng và Chúa Giêsu Nhân từ đã nói chuyện với họ. Đó là điều ngạc nhiên đẹp đẽ nhất mà tôi từng có khi một ngày nọ họ hỏi tôi: ‘Thưa cha, khi nào chúng ta sẽ cầu nguyện và khi nào cha sẽ cử hành Thánh Lễ?”
Chỉ có khoảng một chục trong số hơn 200 tù nhân tại nhà tù là người Công giáo. Phần lớn trong số họ theo thuyết vật linh, một số theo Tin lành hoặc Hồi giáo. Cha Henryk chia sẻ: “Tôi đối xử với tất cả họ như những đứa con của mình.” Tất cả các tù nhân đã tham dự Thánh lễ Giáng sinh đầu tiên do Đức cha Georges Varkey cử hành, được tổ chức ngoài trời và trong cái nóng gay gắt.
Lòng thương xót Chúa viết thẳng vào những dòng quanh co của cuộc đời
Họ xưng tội trong sân của nhà tù. Cha Henryk kể: “Khi các tù nhân khác nhìn thấy một trong số họ quỳ ở đó, họ tự hỏi: ‘Họ đang làm gì ở đó?’ Nhưng những tù nhân đó đã nhìn thấy gương sáng họ nêu lên và, hãy tưởng tượng, ngay cả những người theo đạo Tin lành cũng đã làm theo, và những người có thiện cảm với Công giáo cũng đến để xin được chúc lành. Họ nói về tội lỗi của mình và thật choáng ngợp khi thấy lòng thương xót của Thiên Chúa viết thẳng vào những dòng quanh co trong cuộc đời đầy phức tạp của một người như thế nào. Đó là một bước tiến lớn trên con đường hướng tới sự thay đổi nội tâm và hoán cải, nhưng đòi hỏi thời gian và sự kiên nhẫn. Điều quan trọng là các phạm nhân ăn năn về những gì họ đã làm, mong muốn sửa chữa lại con đường của mình và hứa rằng sẽ không bao giờ trở lại con đường cũ sau khi được ra tù ”.
Kiên nhẫn lắng nghe chia sẻ của tù nhân
Theo cha Henryk, các cuộc trò chuyện đóng một vai trò thiết yếu. “Điều quan trọng là phải kiên nhẫn lắng nghe khi họ nói về những tình huống phức tạp này. Đôi khi tôi nói với họ rằng tôi không thể giúp họ sửa chữa nhanh chóng, nhưng các tù nhân nói ‘cảm ơn cha đã lắng nghe con!'” Lời cầu nguyện cha Henryk đọc trên họ và dấu Thánh Giá cha ghi trên trán của họ, việc ban phép lành với nước thánh và dấu Thánh Giá với tro vào Thứ Tư Lễ Tro là những điều quan trọng đối với các tù nhân. Giáo lý, đọc Kinh Thánh cũng như dàn hợp xướng nam nữ cũng được đưa vào chương trình chăm sóc mục vụ của nhà tù; tuy nhiên, cũng có các các hoạt động thiết yếu khác là các khóa học xóa mù chữ, thể thao và công việc thủ công như đan rổ, vì những điều này cũng thể hiện một bước quan trọng trên con đường hướng tới một cuộc sống mới.
Nhà tù là “một loại bệnh viện đặc biệt”
Cha Henryk tin rằng nhà tù là “một loại bệnh viện đặc biệt”. Những người bị giam giữ ở đó là những người bị vùi dập về tình cảm và tinh thần, suy sụp về mặt đạo đức, không được giáo dục về mặt trí tuệ, như nhiều người đã không thể đi học, ngay cả học tiểu học, và bị tổn hại về thể chất. Cha giải thích: “Cần phải đầu tư rất nhiều thời gian và công sức để thu hoach được bất cứ loại trái nào, nhưng trên trời sẽ vui hơn vì một tội nhân ăn năn hơn là một người công chính…”.
Câu chuyện hoán cải cuộc sống
Cha Henryk kể về một tù nhân đã được tự do và bắt đầu một cuộc sống mới. “Jean đã phải ngồi tù vì đã bán thịt gia súc ăn trộm. Trong tù, anh mong gặp vợ và những đứa con của anh, những người không còn được đến trường vì thiếu tiền. Tôi thường nói chuyện với anh ấy và anh ấy nói với tôi, ‘Cha ơi, khi con ra khỏi đây và làm việc trở lại, con sẽ tìm việc khác để làm, để không còn bán thịt gia súc ăn trộm nữa, con sẽ không còn lừa dối khách hàng của mình bằng cách sử dụng cân giả, để không phải vào tù nữa. Con sẽ nuôi dạy các con trở thành người tốt và con hứa sẽ nhiệt thành cầu nguyện’. Anh ấy là một người theo đạo Tin lành. Và anh ta nói, ‘Khi con đến Port-Bergé, con sẽ mang cho cha và các tù nhân một thứ gì đó.” Và đó là những gì đã xảy ra. Thỉnh thoảng anh ấy mang thịt đến và khi tôi hỏi anh ấy, ‘Jean à, thịt này không phải của gia súc ăn trộm phải không?’, anh ấy sẽ trả lời, ‘Không, không!’ Thỉnh thoảng anh ấy cũng mang theo một ít gạo hoặc trái cây. Đây chẳng phải là một ví dụ tuyệt vời về một người đã sửa đổi lối sống của mình và đang sống những ngày của lòng thương xót sao?”
Lòng Chúa Thương Xót là một yếu tố quan trọng trong quá trình thay đổi và hoán cải
Nhờ sự đóng góp của tổ chức bác ái Trợ giúp các Giáo hội đau khổ, nhà tù hiện có một nhà nguyện và một thư viện nhỏ dành cho việc chăm sóc mục vụ. Cha Henryk rất biết ơn về điều này. Cha nói: “Chính Chúa Ki-tô đã dạy trong Tin Mừng: ‘Ta ở trong tù, các con đến thăm Ta'” (Mt 25,36). Việc tôn kính Lòng Chúa Thương Xót là một yếu tố quan trọng và hiệu quả trong quá trình thay đổi và hoán cải. Nhà nguyện của chúng tôi phục vụ mục đích này. Nó ở dưới sự bảo trợ của thánh Dismas, người trộm lành trên thập tự giá, người là một ví dụ về sự thay đổi và hoán cải cá nhân. Không có gì bị mất – bạn có thể được cứu, ngay cả vào giây phút cuối cùng, như từ Thánh Giá Chúa Ki-tô đã hứa với người trộm: “Hôm nay, ngươi sẽ ở trên thiên đàng với Ta” (Lc 23,43).
Hồng Thủy
2020
Quý Cha – quý Thầy Dòng Chúa Cứu Thế vùng Tây Nguyên tĩnh tâm năm
QUÝ CHA – QUÝ THẦY DÒNG CHÚA CỨU THẾ VÙNG TÂY NGUYÊN
TĨNH TÂM NĂM
“Anh em hãy vào nơi hoang vắng để cầu nguyện”, hay nói cách khác là tìm nơi, tìm dịp để tĩnh tâm đó là điều “chính đáng và phải đạo” cho mọi tín hữu đặc biệt là tu sĩ linh mục thì lại cần thiết hơn sau chuỗi ngày dài hoạt động. Với tu sĩ linh mục, chuyện tĩnh tâm không dừng lại ở việc làm đạo đức thiêng liêng trong đời thánh hiến mà còn là nghĩa vụ và bổn phận nữa.
Với tâm tình đó, dẫu Cô Vy hay cô gì có đến đi chăng nữa thì tu sĩ linh mục cũng phải tĩnh tâm. Chuyện quan trọng là uyển chuyển ngày giờ và nơi chốn phù hợp nhất cho những ngày ở lại bên Chúa cách mật thiết.
Từ sáng sớm thứ Tư, 26 tháng 8 năm 2020 cho đến đầu giờ chiều ngày thứ Bảy, 29 tháng 8 năm 2020, quý Cha quý Thầy Dòng Chúa Cứu Thế đang phục vụ vùng Tây Nguyên đã ở lại bên nhau và nhất là ở lại bên Chúa cách sâu lắng và hiệu quả. Từ khung cảnh đến nơi ăn chốn ở Chúa dùng những người phục vụ đặc biệt cũng như hết sức âm thầm và lặng lẽ để trợ giúp anh em trong những ngày Tĩnh tâm.
Bên cạnh 2 nhóm là Nhà Pleiku phục vụ cho anh chị em sắc tộc Jrai và cộng đoàn Mang Yang phục vụ cho cộng đoàn dân Chúa Bahnar tại giáo phận Kontum còn có cộng đoàn Dòng Chúa Cứu Thế phục vụ cho cộng đoàn dân Chúa người Kinh và sắc tộc ở giáo phận Buôn Ma Thuột cũng đến với nhau trong tuần tĩnh tâm này.
Đến để chia sẻ cũng như hướng dẫn cho tuần tĩnh tâm quý cha quý Thầy vùng Tây Nguyên lần này là Cha NicolaVũ Ngọc Hải thuộc dòng Anh em hèn mọn Phanxico. Cha Nicola đã nhiều năm gắn bó đời mình với anh chị em sắc tộc tại giáo phận Kontum.
Với cung cách nhẹ nhàng và khiêm tốn kín múc từ dòng Thánh Phanxico, từ ngày khởi sự cho đến khi kết thúc, Cha Nicola đã chia sẻ cho anh em những ý tưởng quan trọng cho đời thánh hiến, cho sứ vụ loan báo Tin mừng. Với cung giọng thật nhỏ nhẹ và khiêm tốn, cha nói : “Tất cả những gì con nói trong những ngày này không phải là của con. Con góp nhặt từ các tông huấn của Đức Thánh Cha, của các thánh và đặc biệt của Đức Tổng Giám Mục Fulton J. Sheen …”. Từ cung cách đến giọng điệu của Cha Nicola nếu ai bắt gặp đều có thể ví như “này cô em Bắc Kỳ nho nhỏ”.
Thật thế, từ nơi Cha Nicola, quý Cha quý Thây đã kín múc được nguồn mạch thiêng liêng trân quý qua các đề tài :
- Lời mời gọi nên thánh
- Hoạt động và cầu nguyện
- Cầu nguyện trong hoạt động
- Tinh thần thế tục
- Cuộc chiến ngọt ngào
- Đời độc thân vì Nước Trời
Trong tuần tĩnh tâm, theo truyền thống Nhà Dòng, các Thánh Lễ kính Chúa Thánh Thần, Thánh Tổ Anphongso, Cha Thánh Clemente được cử hành cách sốt sắng. Và, với Dòng Chúa Cứu Thế thì không thể nào thiếu Mẹ của mình là Mẹ Hằng Cứu Giúp.
Cứ lần lượt, các Cha bề trên cộng đoàn Mang Yang, trưởng Vùng Cheo Reo, Vùng Pleikly và bề trên Nhà Pleiku chủ tế Thánh Lễ.
Trong những ngày tĩnh tâm, thời khắc được thực hiện dựa theo thời khóa biểu Tĩnh tâm năm 2020 của Tỉnh Dòng. Cạnh giờ nghe giảng, cộng đoàn cùng nhau lần chuỗi Mân Côi, Viếng Thánh Thể, thinh lặng và dĩ nhiên Kinh chung và cơm chung với nhau.
Ngày thứ Sáu, sau giờ cầu nguyện riêng buổi sáng, cộng đoàn cùng nhau thành tâm ăn năn sám hối và lãnh bí tích Hòa Giải để trở về với Chúa và với nhau.
Đặc biệt, sau giờ điểm tâm sáng thứ Bảy, tất cả các thành viên tham dự kỳ tĩnh tâm này ngồi lại với nhau. Ngồi lại với nhau không phải lượng giá kỳ tĩnh tâm mà ngồi lại với nhau để cùng nhau tạ ơn Chúa, cảm ơn Mẹ Nhà Dòng và nhất là mỗi người cần nhìn lại mình.
Trong giờ trao đổi, dường như anh em cảm thấy trăn trở, bứt rứt vì còn đó nhiều việc cần phải suy nghĩ, thực hiện để phục vụ anh chị em các sắc tộc thiểu số. Những ước muốn anh em đề ra hoàn toàn đi theo con đường chỉ dẫn của Hội Thánh qua các Huấn Thị Giáo Lý, về việc huấn giáo theo con đường Kerygma và Lectio Divina, đó vẫn là cung cách từ xưa đến nay và mãi đến bây giờ anh em Dòng Chúa Cứu Thế vẫn thứ thi để sống sứ mạng loan báo Tin Mừng.
Anh em thống nhất với nhau sẽ có nhiều cuộc gặp gỡ để tĩnh tâm, tĩnh huấn và nhất là ở với Chúa và với nhau để có được sức sống của Chúa và sự đồng hành với nhau.
Còn và còn rất nhiều thao thức về đào tạo Giáo lý Viên, Giáo dân thừa sai cũng như về việc quảng bá và nuôi dưỡng ơn gọi cho các bạn trẻ người sắc tộc thiểu số.
Tưởng nghĩ tất cả những điều đó thì quý Cha quý Thầy sẽ không có con đường nào khác là cứ đi và để cho Thiên Chúa chỉ dẫn vì anh em xác tín rằng tất cả mọi chuyện là Chúa làm chứ không phải anh em làm như Chúa đã làm suốt 50 năm qua.
Thánh Lễ tạ ơn kết thúc kỳ Tĩnh tâm được dâng kính Mẹ Hằng Cứu Giúp như là tâm tình của những người con quây quần quanh Mẹ để tâm sự với Mẹ. Đặc biệt, cùng tham dự Thánh lễ còn có những anh em Ako Khul thuộc giáo xứ Plei Chuet. Sáng thứ bảy hàng tuần anh em cùng quy tụ để cầu nguyện, học hỏi. Sáng nay thay vì ra về sau khi kết thúc ngày sinh hoạt thì anh em cùng ở lại hiệp dâng Thánh lễ với Cộng đoàn.
Trước khi ban phép lành cuối lễ, Cha Máccô Bùi Duy Chiến ngỏ lời cảm ơn sự hiện diện, cộng tác của anh em trong kỳ Tĩnh tâm cũng như xin anh em bỏ qua những thiếu sót trong việc tổ chức. Và rồi những tấm hình lưu lại sau những ngày hồng phúc được ghi lại để ghi nhớ tình nghĩa với nhau và với Chúa.
Sau khi chụp hình, cộng đoàn cùng dùng chung với nhau bữa cơm thân tình. Sau bữa cơm, có người ngả lưng nhưng cũng có người về ngay vì đường còn xa quá!
Tạ ơn Chúa, cảm ơn Mẹ Maria, cảm ơn Cha Thánh Anphong và các Thánh trong Dòng đã thương đổ muôn vàn ân phúc trên Tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế Việt Nam, trên anh em thừa sai vùng Tây Nguyên. Tất cả là hồng ân và chỉ biết nói rằng: tất cả là hồng ân.
Anh em Dòng Chúa Cứu Thế Tây Nguyên cũng chỉ biết hiệp nguyện với cả Tình Dòng để thưa với Chúa : Tất cả chúng con xin hết lòng hân hoan tạ ơn Chúa. Chúa đã thương trồng cây nho bé mọn Dòng này. Bao lần, Chúa đã mạnh tay quét sạch khó khăn, dẹp hết chướng ngại. Chúa đã khẩn hoang bốn bề quang đãng để nó bén rễ sâu và lan rộng khắp các lục địa. Chúa cũng đã cho bóng nó rợp các núi non, nhánh nó vươn dài đến các đại dương, chồi nó nảy lên mạnh mẽ. Chúa lại ban cho nó một tương lai hứa hẹn. Nguyện xin Chúa tiếp tục bảo vệ cây nho tay phải, Chúa đã vun trồng, xin cho nó vươn lên mãi, lá xanh, hoa tốt để mang lại cho thế giới những chùm quả ơn cứu chuộc chứa chan nơi Chúa. Amen.
Xin Chúa tiếp tục gìn giữ anh em Dòng Chúa Cứu Thế trên toàn thế giới, tại Tỉnh Dòng Việt Nam và nơi vùng loan báo Tin Mừng Tây Nguyên này.
2020
Giáo hội Ethiopia tiếp tục dấn thân chống đại dịch
Giáo hội Ethiopia tiếp tục dấn thân chống đại dịch
Với sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế, Giáo hội Công giáo tiếp tục tăng cường các hoạt động chống virus corona. Cụ thể, đã phân bổ thêm 324 ngàn đô la để mua thêm các thiết bị bảo vệ cá nhân.
Theo các con số mới nhất, hiện ở Ethiopia các ca nhiễm virus corona tiếp tục tăng, 42 ngàn người bị nhiễm và 692 trường hợp tử vong. Vào cuối tháng 5, số người bị nhiễm ít hơn 600 ca.
Với sự hỗ trợ của các đối tác quốc tế, như Dịch vụ Cứu trợ Công giáo (CRS), tổ chức bác ái của các Giám mục Hoa Kỳ, Ủy ban Phát triển Giáo hội Ethiopia đã phân bổ thêm 324 ngàn đô la để mua áo choàng, khẩu trang bảo hộ và găng tay phẫu thuật cho 87 cơ sở y tế trong cả nước.
Ông Bekele Moges, Giám đốc điều hành Ủy ban Phát triển xã hội của Giáo hội Công giáo Ethiopia, cho biết khoản viện trợ mới sẽ mang lại lợi ích cho 1,5 triệu người.
Cho đến nay, Giáo hội đã phân bổ tổng cộng gần 800 ngàn đô la cho các chương trình nâng cao nhận thức chống lây nhiễm, đào tạo nhân viên y tế và mua thiết bị bảo vệ cá nhân.
Cha Teshome Fikre, Tổng thư ký của Ủy ban Phát triển cho biết thêm, mỗi năm, Giáo hội Ethiopia hỗ trợ cho 7 triệu người, cung cấp các dịch vụ giáo dục, y tế và nước sạch cho những người dễ bị tổn thương nhất và bị gạt ra ngoài lề xã hội. Trong khi thi hành các hoạt động bác ái, Giáo hội không phân biệt tín ngưỡng, người nhập cư hay người hồi hương.
Số người Công giáo ở Ethiopia chiếm ít hơn 1% dân số, so với khoảng 18% người theo Tin lành, 33% Chính thống Copte và 40% Hồi giáo. Tuy nhiên, thiểu số Công giáo đã có những đóng góp được đánh giá cao cho sự phát triển của đất nước. (CSR_6145_2020).
Ngọc Yến