2024
NIỀM TIN VÀO SỰ SỐNG ĐỜI SAU
30.6. Chúa Nhật thứ Mười Ba Mùa Quanh Năm
Kn 1:13-15,2; Tv 30:2-4,5-6,11-12-13; 2 Cr 8:7,9,13-15; Mc 5:21-43; Mc 5:21-24,35-43
NIỀM TIN VÀO SỰ SỐNG ĐỜI SAU
Sống vui, sống mãi và sống hạnh phúc, nhất là chiến thắng cái chết, không chỉ trong tư tưởng, nhưng là một khát vọng của con người ở mọi nơi mọi thời. Sự sống lại của Chúa Giêsu khẳng định, khát vọng ấy thực sự có thể, vì cái chết không phải là một phần cấu trúc sáng tạo, về nguyên lý là không thể đảo ngược, Chúa là Sự Sống: “Thiên Chúa không tạo dựng sự chết, chẳng vui mừng khi người sống phải chết…” (Kn 1,13).
Bởi ác quỉ ghen tương nên tử thần đột nhập vào thế gian (x. Kn 1, 13-15), nhưng Thiên Chúa “sẽ không thí bỏ mạng tôi cho âm phủ” (Tv 16,10). Lời Thánh Vịnh trên được Chúa Giêsu là Đầu và là Trưởng Tử hoàn tất khi sống lại từ trong cõi chết. Sự chết dẫn Người xuống mồ, nhưng không tiêu tan. Người đã chiến thắng sự chết. Chỉ có Lời quyền năng của Thiên Chúa Tình Yêu mới đủ mạnh để phá đổ những rào cản của sự chết.
Thế giới ngày hôm nay đang cần đến câu trả lời của cá nhân mỗi người chúng ta đối với lời truyền của Chúa Giêsu là Chúa sự sống : “Thầy truyền cho con: trỗi dậy đi!” Chúng ta thấy Chúa Giêsu đã đến gặp gỡ con người trong trong những hoàn cảnh khó khăn và đau đớn nhất. Phép lạ phục sinh cho con gái ông Giairô cho chúng ta thấy rõ quyền lực của Thiên Chúa trên sự dữ và sự chết. Ngài là Chúa của sự sống, và là Đấng chiến thắng sự chết.
“Tôi tin xác loài người ngày sau sống lại” là lời tuyên xưng vào sự hiện hữu thực sự của Thiên Chúa, cho phép chúng ta hát vang lời Alleluia ở giữa một thế giới, bóng tối tử thần đang đe dọa chúng ta.
Đoạn Tin Mừng thánh Marcô hôm nay như một dạng “phóng sự” được thánh Phêrô trực tiếp chứng kiến những sự kiện, chúng ta cần đọc với cái nhìn đơn giản mới thấy được sự phong phú của nó.
Điều mà Giairô mong đợi nơi Chúa Giêsu là “đến đặt tay lên em bé để nó được khỏi và được sống” (Mc 5, 23). Thái độ của Giairô thật là ấn tượng. Đường đường là trưởng hội đường Do Thái, vậy mà ông “sụp lạy và van xin” Chúa Giêsu (Mc 5, 22), ông quên đi nhân cách, địa vị của mình trước đám đông nhiều người biết ông, ông tiên phong tin cậy vào Chúa Giêsu. Tất nhiên, vì cô gái diệu, ông làm tất cả.
Chúng ta cũng thế, trong lúc ốm đau bệnh tật, vô phương cứu chữa, hy vọng tiêu tan, thì lời kêu cầu vang lên tới Chúa thật tha thiết. Lời van xin của người cha: “Xin Ngài đến…để nó được khỏi và được sống !” Chúa Giêsu không nói một lời nào, lời trấn an Giairô cũng không. Đôi lúc Chúa vẫn im lặng đối với lời van xin của chúng ta, khi nhận lời chúng ta cầu nguyện. Chúa đồng hành và ở với chúng ta, ngay cả khi chưa nhận lời chúng ta.
Một câu hỏi cất lên giữa đám đông khiến các môn đệ sửng sốt “Thầy coi đám đông chen lấn Thầy tứ phía, vậy mà Thầy còn hỏi: Ai chạm đến Ta?” (Mc 5, 31) Thì ra “có một người đàn bà bị bệnh” (Mc 5, 25) đã đi lẫn vào trong đám đông đến sau Người. Có thể bà sợ đến với Chúa trước nhiều người. Sợ họ biết việc mình làm. “Mười hai năm trời sống với bệnh xuất huyết” (Mc 5, 25), nghe nói về Chúa Giêsu, Đấng đã chữa lành những bệnh hoạn tật nguyền trong dân, cơ hội tuyệt vời đã đến, bà quyết định chạm tới áo Chúa.
Phản ứng của Chúa Giêsu không làm bà ngạc nhiên và xấu hổ. Không ai đụng đến áo Chúa mà Chúa không biết. Trước mặt Chúa, chúng ta không phải là người vô danh, mất hút giữa đám đông. Chúa thấy chúng ta kêu cầu, cả lúc chúng ta không thể hiện công khai. Chúa biết tất cả vì Người là Đấng toàn tri, là sức mạnh của Thiên Chúa, là Sự Sống. Người đàn bà đã nhận lại được sự sống qua việc chữa lành nhờ đụng chạm tới áo Chúa Giêsu (x. Mc 5, 33). Bởi trong chính cuộc đối thoại với người đàn bà nhút nhát đang tuyệt vọng này, từ việc chữa lành thể xác Chúa ban cho bà ơn cứu độ, bình an và sức khỏe xác hồn.
Dù đến với Chúa thế nào đi chăng nữa, lời thánh Phaolô nhắn nhủ chúng ta: “Bạn có biết sự hào phóng, ân hạn, nhưng không của các món quà của Chúa Giêsu Kitô” (2Cr 8, 9).
Những “người nhà” Giairô là những người tốt. Với sự thận trọng, họ sẽ gặp người cha và báo cho ông biết về cái chết của con gái ông: “Con gái ông chết rồi, còn phiền Thầy làm chi nữa ?” (Mc 5, 35). Nói thế, không phải họ thiếu lòng tin, nhưng là họ không thể tưởng tượng được một tình huống đã chết rồi có thể sống lại được.
Thoáng nghe lời họ nói, Chúa Giêsu bảo: “Con bé không chết đâu, nó đang ngủ đó” (Mc 5, 39). Họ thấy nực cười, vì chính lúc Giairô vắng nhà thì con gái ông trút hơn thở lần cuối. Chúa mời gọi ông Giairô: “Ông đừng sợ, hãy cứ tin” (Mc 5, 36). Giairô đã tin vào quyền năng chữa bệnh của Chúa. Ông được mời đi xa hơn sự tin tưởng là sống niềm tin vào Chúa.
Chúa Giêsu muốn chúng ta có một niềm tin sắt đá, một đức tin chuyển núi rời non, vượt trên sự chết. Kẻ có tội không bao giờ chết trước mặt Thiên Chúa. Người ấy có thể sống lại nhờ ân sủng Thiên Chúa trao ban, vì Chúa là Sự Sống. “Thiên Chúa không vui mừng khi người sống phải chết” (Kn 1,13).
Chúng ta đừng quên rằng, nguyên nhân gốc rễ của sự dữ, của bệnh tật, của sự chết, là chính tội lỗi dưới mọi hình thức. Trong trái tim của từng người nói riêng và nhân loại nói chung tàng ẩn một căn bệnh ảnh hưởng đến tất cả mọi người đó là tội lỗi. Tội lỗi cá nhân, ngày càng bén rễ sâu vào trong tâm thức con người, nó làm cho con người mất đi ý thức về chính Chúa. Đúng thế, chúng ta đừng đánh mất ý thức về Thiên Chúa trong con người chúng ta. Đừng làm suy giảm nhận thức về Thiên Chúa trong chúng ta. Bởi con người không thể lấy cái thiện vượt cái ác nếu không tác động của Thiên Chúa. Thiên Chúa luôn mời gọi chúng ta kín múc lấy ân sủng, và sự sống từ chính Ngài, để chống lại tội lỗi và sự chết.
2024
THỬ THÁCH VÀ NIỀM TIN
- 6Chúa Nhật thứ Mười Hai Mùa Quanh Năm
G 38:1,8-11; Tv 107:23-24,25-26,28-29,30-31; 2 Cr 5:14-17; Mc 4:35-41
THỬ THÁCH VÀ NIỀM TIN
Trong đời ta gặp nhiều trường hợp giả vờ rất đáng yêu. Chẳng hạn bà mẹ trẻ giả vờ trốn đứa con nhỏ, để nó phải lo âu đi tìm. Và khi thấy nó đã lo âu đến độ tuyệt vọng, sắp khóc đến nơi, bấy giờ bà mẹ mới xuất hiện. Vừa thấy bà mẹ xuất hiện, đứa trẻ vui mừng khôn xiết. Và nó càng yêu mến, càng bám chặt lấy mẹ nó hơn nữa.
Chúa Giêsu cũng có nhiều lần giả vờ như thế. Lần giả vờ được minh nhiên ghi lại trong Tin Mừng là khi Người cùng hai môn đệ đi trên đường Emmaus. Khi đã đến nơi, Người giả vờ muốn đi xa hơn, làm cho các môn đệ phải tha thiết nài nỉ Người mới chịu ở lại. Khi Người ở lại, các môn đệ vui mừng khôn xiết. Và niềm vui lên đến tuyệt đỉnh khi các môn đệ nhận ra Người lúc bẻ bánh.
Hôm nay tuy Tin Mừng không minh nhiên ghi lại, nhưng ta có thể đoán biết Chúa Giêsu đang giả vờ. Vì sóng to gió lớn dập vùi làm cho thuyền chòng chành nghiêng ngả, nước tràn vào đến nỗi thuyền có nguy cơ bị chìm đắm, trong khi đó các tông đồ xôn xao chạy ngược chạy xuôi, hò hét nhau tìm cách tát nước ra. Giữa khung cảnh như thế, làm sao có thể nằm ngủ ngon lành được. Chỉ có thể là giả vờ. Việc giả vờ của Chúa phát xuất do tình yêu.
Con thuyền của các môn đệ trong bài Tin Mừng hôm nay chính là hình ảnh cuộc đời chúng ta. Thực vậy, cuộc đời chúng ta với bao nhiêu phong ba bão táp, đó là những thất bại của bản thân, những khó khăn của cuộc sống, của xã hội, những khổ đau của những người xunh quanh, làm cho chúng ta nhiều lúc chán nản tuyệt vọng.
Tại sao lại có những sóng gió trong cuộc đời? Phải chăng Thiên Chúa đã bỏ rơi chúng ta? Có người cho rằng chính Thiên Chúa thử thách để rèn luyện và củng cố niềm tin nơi chúng ta. Có người lại cho rằng do trình độ hạn chế của con người trước sức mạnh của thiên nhiên. Nhưng có lẽ nguyên nhân trực tiếp nhất vẫn là do cách đối xử của con người đối với con người trong cuộc sống.
Thực vậy, chính thái độ vô trách nhiệm của những người làm cha làm mẹ đã dẫn đến tình trạng tuổi trẻ lang thang, bụi đời. Chính sự ích kỷ tàn nhẫn của một số người đã tước đoạt đi những phương tiện sống và phẩm giá của những người khác.
Nghịch cảnh và sóng gió như vẫn tồn tại song song với số phận và lịch sử con người. Các môn đệ cũng như chúng ta phải đương đầu, phải đối phó với cuồng phong. Thế nhưng chúng ta sẽ tìm thấy niềm an ủi nơi Thiên Chúa bởi vì dưới bàn tay quyền năng và yêu thương của Ngài, sóng gió cũng phải khuất phục và sự bình an sẽ trở lại với chúng ta.
Sự dữ tuy tràn lan, nhưng ơn sủng của Ngài vẫn dư đầy, bởi vì Ngài luôn yêu thương chúng ta, Ngài không hề bỏ rơi con người. Bằng chứng là Đức Kitô đã đến, Ngài tìm mọi phương cách, thậm chí cả đến cái chết của mình để cho chúng ta thêm xác tín vào tình thương của Ngài. Một vị Thiên Chúa nhân lành như vậy, nhất định sẽ không bao giờ muốn cho con người phải đau khổ, nhất định Ngài sẽ cứu chúng ta.
Làm sao chúng ta có thể thất vọng và chán nản khi Ngài vẫn ở bên chúng ta và vẫn yêu thương chúng ta. Mặc dù ngày nay Thiên Chúa không còn trực tiếp làm phép lạ để truyền cho sóng gió phải yên lặng, nhưng Ngài dùng bàn tay của những người nhiệt tâm làm vơi giảm những nghịch cảnh, những bất công trong cuộc sống. Và cũng không ít những con người đang đấu tranh cho công bằng xã hội. Nhiều khi họ cũng đã phải trả giá cho những đấu tranh ấy bằng chính mạng sống của mình.
Đọc kỹ bản văn Mátthêu, chúng ta thấy có sáu lần Chúa Giêsu dạy chúng ta đừng quá lo lắng đến mất tin cậy vào Thiên Chúa. Khi nói thế, Ngài muốn chúng ta đừng tìm bảo đảm vào của cải nay còn mai mất, mà phải tìm cái cốt yếu cho cuộc đời trước đã, rồi mọi sự khác sẽ được thêm cho. Lo lắng quá cũng chẳng giải quyết được gì: “Dù có lo lắng đi nữa, hỏi có ai trong các con kéo dài đời mình thêm được một vài gang tấc không?” Tín nhiệm hoàn toàn vào Thiên Chúa không có nghĩa là sống trong thụ động, mà là cộng tác với công việc của Thiên Chúa tùy ơn gọi của mỗi người: hãy giúp mình rồi trời sẽ giúp cho.
Đừng quá lo lắng về những nhu cầu của cuộc sống thể xác (của ăn, áo mặc, tuổi thọ), vì đã có Chúa lo cho ta những thứ đó. Điều cần lo trước hết là tìm kiếm Nước Thiên Chúa và sự công chính của Ngài.
Sở dĩ con người lo lắng thái quá mà mất đi cả hạnh phúc trong cuộc sống, là vì con người không tin ở sự hiện diện và quan phòng của Thiên Chúa. Chim trời không gieo vãi mà vẫn có ăn, hoa cỏ đồng nội không canh cửi mà vẫn xinh đẹp rực rỡ. Con người còn hơn chim trời cũng như hoa cỏ đồng nội bội phần. Nếu con người biết tin ở tình yêu quan phòng của Thiên Chúa, biết đón nhận từng giây phút hiện tại Ngài ban cho, thì con người sẽ tìm được niềm vui và hạnh phúc cho cuộc sống của mình. Ngược lại, con người sẽ phải vất vả cực nhọc và cuối cùng, cũng chỉ là người bắt bóng.
Đời sống không thể thiếu thử thách. Hãy biết rằng Chúa cho phép thử thách vì yêu thương ta, để rèn luyện ta nên người. Hơn nữa Chúa luôn ở bên ta. Vì thế ta hãy vững tin, hãy cậy trông phó thác và hãy biết tận dụng những khó khăn để đức tin thêm vững mạnh. Thử thách rồi sẽ qua đi. Nhưng cách ta phản ứng trước thử thách lại tồn tại và tạo thành giá trị đời ta. Ước gì mọi thử thách ta gặp trong đời đều biến thành cơ hội cho ta được thêm lòng, lòng cậy và lòng mến Chúa.
2024
ĐỨC TIN CHỈ CẦN BẰNG HẠT CẢI THÔI
16.6Chúa Nhật thứ Mười Một Mùa Quanh Năm
Ed 17:22-24; Tv 92:2-3,13-14,15-16; 2 Cr 5:6-10; Mc 4:26-34
ĐỨC TIN CHỈ CẦN BẰNG HẠT CẢI THÔI
Qua đoạn Tin Mừng vừa nghe chúng ta cùng nhau dừng lại ở hình ảnh hạt cải.
Nước Thiên Chúa giống như hạt cải nhỏ xíu, nhưng nó có thể lớn lên thành cây to cho chim trời tới đậu. Qua dụ ngôn này Chúa Giêsu như muốn xác định lại lời rao giảng lúc ban đầu: Thời giờ đã mãn và Nước Thiên Chúa đã đến gần. Chính Ngài là người gieo hạt giống đầu tiên để hạt giống đó âm thầm phát triển. Ngài nói điều đó với tất cả niềm xác tín, bởi vì đó chính là sự nghiệp của Chúa Cha.
Hơn nữa, nếu đem so sánh những lời giảng của Chúa Giêsu với cả thế giới bao la bát ngát này, thì có lẽ nó còn nhỏ bé hơn cả một hạt cải. Thế nhưng, Tin Mừng vẫn đứng vững và lớn lên từng ngày, đồng thời có biết bao nhiêu người đã được nâng đỡ và ủi an.
Trong niềm tin, chúng ta xác tín rằng Nước Thiên Chúa đang ở giữa chúng ta, mặc dù trên thế giới ngày hôm nay vẫn còn biết bao nhiêu những bất công và tội lỗi. Lời Chúa đem lại cho chúng ta niềm hy vọng. Vấn đề được đặt ra ra cho mỗi người, là chúng ta phải trở nên những hạt giống, được gieo vãi vào lòng cuộc đời, qua những việc làm nhỏ bé và khiêm tốn, nhưng không kém phần hiệu quả.
Hình ảnh người gieo giống gợi lên hình ảnh Chúa Giêsu. Ngài so sánh hoạt động của Người rao giảng Nước Trời với hoạt động của ông chủ trại, bằng lòng đợi ngày mùa thu hoạch. Sở dĩ như thế là vì Ngài muốn đề cao sức mạnh của công trình rao giảng của Ngài, một công trình không thể không đem lại kết quả. Khi gieo hạt giống vào những tâm hồn sẵn sàng đón nhận. Đức Kitô ban cho họ sức mạnh để đáp trả và sinh hoa kết quả.
Vả lại, ở đây cũng muốn gợi lên sự cần thiết của thời gian, của hạn kỳ Thiên Chúa hoạt động trong lịch sử, Ngài quan tâm tới sự trưởng thành nhờ tác đợng của thời gian. Khi đó, người gieo giống trở thành thợ gặt. Và dĩ nhiên thợ gặt ở đây được đồng nhất với con người.
Dụ ngôn hạt cải cũng tạo được niềm phấn khởi lạc quan. Sự lớn lên kỳ diệu của hạt cải gợi lên sự phát triển của Nước Thiên Chúa. Dùng dụ ngôn này, Đức Kitô muốn tạo niềm tin tưởng nơi các môn đệ, có lẽ lúc bấy giờ đang dao động trước những khó khăn buổi đầu của công trình rao giảng của chính Chúa Giêsu. Do đó, Ngài không ngại tưởng tượng cái không-như-thật trong cách trình bày của Ngài, khi bảo rằng hạt cải mọc lên lớn hơn các thứ rau, cành lá xum xuê đến nỗi chim trời có thể làm tổ dưới bóng. Nhưng điều không như thật trên bình diện khoa học đó lại là như thật trên bình diện giáo huấn của Ngài. Thiên Chúa thích cho thấy sức mạnh của Ngài trong cái yếu đuối, mong manh của buổi ban đầu.
Để kết luận, Chúa Giêsu cho thấy rằng dụ ngôn hàm chứa trong chính nó cả một sự phong phú về mặt gợi ý và ứng dụng. Trong một hoàn cảnh có nhiều khó khăn, trong đó một số tấn công bất nhân nào đó của môi trường chung quanh hay một số suy thoái nào đó về ý thức tôn giáo, làm che khuất các cố gắng khiêm tốn, kín đáo cua những tâm hồn cao thượng, như hoàn cảnh ta đang sống, các dụ ngôn về sự tăng trưởng và phát triển của Nước Thiên Chúa mang lại một bầu khí phấn chấn, trong lành. Cũng giống như các môn đệ của Chúa Giêsu hay những người đương thời với Ngài, nhiều khi chúng ta cũng dễ dàng tỏ ra thiếu kiên nhẫn và dễ nghi ngờ sự phát triển của Giáo Hội. Thiết tưởng chúng ta nên đọc kỹ lại các dụ ngôn trên để củng cố niềm tin vào sự lớn mạnh của Giáo Hội nhất là giữa cảnh bão bùng giông tố, bởi sức phát triển bất khuất đó không do sức mạnh của con người, mà là do sức mạnh của Thiên Chúa.
Sự khẳng định kiên vững đó của đức tin sẽ hâm nóng lại niềm hy vọng của chúng ta, mang lại đà tiến cho lòng chúng ta cũng như cho phép chúng ta tiếp tục can đảm dấn thân cho Nước Thiên Chúa. Niềm hy vọng đó sẽ làm nẩy nở ước muốn của chúng ta, dạy cho chúng ta biết kiên nhẫn, biết thán phục công trình của Chúa mà nhiều khi mới nhìn thoáng qua, chúng ta không nhận ra hết được cái sức mạnh kỳ diệu của nó. Niềm hy vọng đó cũng sẽ không ngừng kích thích chúng ta trông chờ mọi sự ở Thiên Chúa bằng cách đặt mình trong thế sẵn sàng thực hiện thánh ý của Ngài.
Chắc hẳn ai trong chúng ta cũng đã biết cuộc đời thánh nữ Têrêsa Hài Đồng Giêsu. Cuộc đời ấy cũng như cuộc đời của biết bao nhiêu người khác. Thế nhưng nó mang đậm giá trị Tin Mừng, nên Giáo Hội đã tôn phong chị lên ngang bằng những vị đại thánh khác. Mẹ Têrêsa thành Calcutta, người phụ nữ nhỏ bé và mảnh khảnh, nhưng lại lớn mạnh trong cả thế giới qua những hành động bác ái yêu thương, giúp đỡ những kẻ nghèo túng và bất hạnh. Và còn biết bao nhiêu người khác nữa chung quanh chúng ta, họ đang âm thầm làm việc, phục vụ cho những kẻ bất hạnh trong mọi lãnh vực của cuộc sống.
Chúng ta hoàn toàn có cơ sở để tin rằng Nước Thiên Chúa đã, đang và sẽ còn âm thầm lớn lên, không phải theo nghĩa một lực lượng đối đầu với nước thế gian, như chính Chúa Giêsu đã xác quyết: Nước tôi không thuộc về thế gian này, nhưng là những thực tại: kẻ què được đi, người mù được thấy, người điếc được nghe và kẻ chết được sống lại, người nghèo khó được rao giảng Tin Mừng.
Ai cũng biết rằng việc gầy dựng một gia đình đòi hỏi nhiều kiên nhẫn và phó thác. Thực vậy, cha mẹ không thể lúc nào cũng có mặt bên cạnh con cái. Vì thế họ phải tin tưởng và phó thác vào chúng. Nếu như thỉnh thoảng sự tin tưởng ấy bị phản bội, thì lúc đó các ngài vẫn tiếp tục tha thứ và tin tưởng vào con cái mình. Hơn nữa, đôi khi cha mẹ thấy con cái mình chậm phát triển, chậm trưởng thành. Vậy phải làm gì? Họ càng phải yêu thương đứa bé hơn và tiếp tục kiên nhẫn đối với nó.
Chúng ta cũng hãy tin tưởng và kiên nhẫn như thế, bởi vì sẽ có ngày Nước Chúa sẽ trồi lên từ tâm hồn chúng ta và phát triển thành một thực tại vinh quang mà muôn đời chúng ta sẽ phải cảm tạ Chúa luôn mãi. Tóm lại, Thiên Chúa đã trồng hạt giống Nước Trời trong tâm hồn chúng ta vào ngày chúng ta lãnh nhận bí tích Rửa Tội. Bổn phận của chúng ta hôm nay là phải nuôi dưỡng nó với lòng tin tưởng và kiên nhẫn, qua việc cầu nguyện và lãnh nhận các bí tích, để rồi đức tin sẽ nẩy mầm, lớn lên và đem lại hoa trái cho cuộc đời chúng ta.
Hãy tin vào Chúa Giêsu, là người gieo giống, đồng thời cũng là hạt giống đầu tiên được ươm trồng trên mảnh đất nhân loại này.
2024
GIA ĐÌNH THIÊNG LIÊNG
9.6 Chúa Nhật thứ Mười Mùa Quanh Năm
St 3:9-15; Tv 130:1-2,3-4,5-6,7-8; 2 Cr 4:135; Mc 3:20-35
GIA ĐÌNH THIÊNG LIÊNG
Trong xã hội có nhiều mối liên hệ. Rộng nhất là mối liên hệ đồng loại, rồi đến chủng tộc màu da. Hẹp hơn là mối liên hệ đồng bào. Nhỏ hơn là mối liên hệ đồng hương liên kết những người chung nơi chôn nhau cắt rốn. Cuối cùng là mối liên hệ họ hàng huyết tộc nảy sinh do sự đồng một dòng máu di truyền. Ngoài ra còn có mối liên hệ đồng môn, đồng nghiệp, đồng chí, đồng cảnh ngộ và bạn kết nghĩa…
Trong các mối liên hệ ấy, mối liên hệ họ hàng huyết tộc là phổ biến nhất, cụ thể nhất và xét trong lãnh vực tự nhiên thường là bền chặt nhất. Thế mà, khi đề cập đến mối liên hệ này, Đức Giêsu đã đặt vấn đề: “Ai là mẹ, là anh em ta ?”. Mẹ và anh em theo nghĩa thường thì một em bé còn bế ngửa cũng biết và cảm nhận được ! Sao Chúa lại hỏi vậy ?
Ở đây, Đức Giêsu đang mạc khải một mối liên hệ, đối với Ngài, mật thiết nhất và bền vững vĩnh cửu mà mối liên hệ máu huyết đứng bên sẽ trở nên quá nhỏ bé. Đó là mối liên hệ họ hàng thiêng liêng phát sinh do đức Tin, phát triển nhờ đức Ái và kiên trì nhờ đức Cậy trông. Chất lượng của mối dây liên kết họ hàng thiêng liêng này hệ tại mức độ của sự thực hành lời Chúa. Một người con càng thương cha mẹ thì càng dễ vâng lời và càng vâng lời thì tình nghĩa con cái với cha mẹ càng thêm chất lượng. Cũng vậy, một người chỉ thực sự là con cái Chúa khi biết đón nhận thánh ý Chúa và càng thực thi thánh ý Chúa thì tình nghĩa với Chúa càng thêm chất lượng. Đức Giêsu gọi người đó là mẹ và là anh em của Ngài.
Trong Cựu Uớc, Thiên Chúa là Đấng sáng tạo và điều khiển vũ trụ (Hc 43: 16; Tv 29: 5), vì thế làm theo ý muốn của Thiên Chúa là điều con người phải ước muốn ưu tiên hàng đầu: “Con thích làm theo thánh ý và ấp ủ Luật Chúa trong lòng” (Tv 40: 9). Chúa Giê-su cũng đã nhiều lần nhấn mạnh đến việc lắng nghe Lời Người và đem ra thực hành, chẳng hạn như “Ai đến với Thầy, và nghe những lời Thầy dạy mà đem ra thực hành…người ấy ví được như một người khi xây nhà, đã cuốc, đã đào sâu và đặt nền móng trên đá. Nước lũ có dâng lên, dòng sông có ùa vào nhà, thì cũng không lay chuyển nổi” (Lc 6: 47-48).
“Người ấy là anh chị em tôi, là mẹ tôi”. Trong một xã hội mà gia đình đóng một vai trò quan trọng đặc biệt, thì ý tưởng về một gia đình đức tin có tác dụng làm tương đối hóa những mối liên hệ huyết thống, đây mới thực sự là gia đình của Đức Giê-su không căn cứ trên huyết thống hay chủng tộc nhưng trên việc thực thi thánh ý Thiên Chúa. Tác giả không nhằm phê phán Đức Ma-ri-a cũng như anh chị em của Người, nhưng có chủ ý cho thấy các tín hữu, tức là những người môn đệ ở cùng nhà và chia sẻ đời sống với Đức Giê-su, không chỉ như những người “ở với Người và để Người sai đi” (x. 3: 14), nhưng còn như những thành viên của cùng một gia đình, gia đình của Thiên Chúa, Cha của Đức Giê-su Ki-tô. Chúa Giê-su cho hiểu rằng những người đang quây quần chung quanh Người được nối kết với Người một cách sống động và thực sự: Người thuộc về họ và họ thuộc về Người. Tuy nhiên, sợi dây liên kết này không căn cứ trên căn bản huyết thống, những trên mối quan hệ của họ với Thiên Chúa. Họ là những người liên kết với Đức Giê-su cách mật thiết nhất, bởi vì họ thi hành ý muốn của Thiên Chúa.
Qua những lời này, Chúa Giê-su cho hiểu rằng trong kế hoạch của Thiên Chúa, “sống theo ý muốn của Thiên Chúa” mới thật sự trở nên gia đình của Người chứ không là mối liên hệ huyết thống. Như vậy, gián tiếp Người cho hiểu rằng Đức Ma-ri-a có một vị trí cao quý tột bậc không phải vì là “thân mẫu của Người” cho bằng đã “sống theo ý muốn của Thiên Chúa”. Những thân nhân huyết thống của Đức Giê-su cũng không bị loại khỏi mối hiệp thông với Người, nếu họ sẵn sàng thi hành ý muốn của Thiên Chúa.
Khi Đức Giêsu đưa tiêu chuẩn xác định họ hàng dựa trên việc biết nghe và thực hành lời Chúa thì đồng thời Ngài cũng mặc nhiên cảnh báo có những trường hợp ngỡ là gần Chúa mà thật ra lại xa Ngài vời vợi. Quả thế, những người có họ hàng máu huyết với Chúa, biết rõ về Chúa, gặp gỡ Chúa thường xuyên nhưng không bước theo Chúa bằng việc thực thi đường lối Chúa chỉ dạy vẫn mãi mãi là kẻ xa lạ với Chúa.
Cuộc đời Đức Giêsu diễn tả cho ta thấy một Thiên Chúa mê say con người: Ngài quên ăn quên nghỉ vì phần rỗi anh em (x. Ga 4, 5-34); Ngài nỗ lực đẩy lui Satan, không để cho ma quỷ tác oai tác quái nơi thế giới con người như kẻ “múa gậy vườn hoang”. Ai không đồng cảm với Chúa, không cùng Ngài trên một chiến tuyến chống lại Satan bằng việc nói không với Satan và nói có với Ngài trong đời sống… người đó luôn là kẻ xa lạ, thậm chí chống lại Ngài dù bề ngoài xem ra họ rất gần Ngài. Kết cục, có lắm người phải ngã ngửa khi nghe Ngài kết luận: “Ta không hề biết các ngươi, xéo đi cho khuất mắt Ta, hỡi bọn làm điều gian ác !”. Trong số đó có người là đồng hương, quá gần gũi với Chúa và có cả những kinh sư, luật sĩ, những người vẫn mang danh là chuyên viên trong đạo.
Lời của Chúa Giêsu trong Tin Mừng hôm nay, thoạt nghe người ta dễ hiểu lầm là từ khi bắt đầu đời công khai, Chúa Giêsu đã đánh mất gia đình và người thân của mình. Thật vậy, khi Chúa đang ngồi giảng giữa một đám đông, có kẻ nói với Ngài: “Thưa Thầy, có mẹ và anh em Thầy đang tìm Thầy”. Chẳng những Chúa Giêsu không ra gặp mẹ, mà Ngài còn nói: “Ai là mẹ Ta, ai là anh em Ta? Chính những ai thi hành ý muốn của Thiên Chúa, người ấy là mẹ Ta và là anh em Ta” (x. Mc 3, 32-35).
Thật ra, qua câu nói này, Chúa Giêsu gián tiếp khen ngợi Mẹ Ngài, bởi vì Mẹ là người hoàn toàn tuân theo ý Chúa. Mẹ đã hiểu rõ sứ mạng của Chúa Giêsu, con của Mẹ. Như thế câu nói của Chúa Giêsu cho thấy Ngài đặt quan hệ tình nghĩa trên nền tảng đức tin, thể hiện niềm tin của mình bằng việc thực thi thánh ý Chúa.
Chúa Giêsu là Con Một Thiên Chúa, đồng bản tính với Chúa Cha; còn chúng ta được trở nên con cái Thiên Chúa nhờ Chúa Giêsu trong Chúa Thánh Thần, và nhờ tình yêu Chúa, chúng ta được liên kết với nhau trong một quỹ đạo mới, một tình nghĩa mới, cao đẹp hơn tình nghĩa cha mẹ, anh chị em ruột thịt.
Với lời khẳng định : “Đây là mẹ tôi và anh em tôi” (Mc 3, 33). Chúa Giêsu loan báo về gia đình mới của Ngài. Có những người thân yêu cùng máu mủ đứng ngoài kia. Có một gia đình mới đang ngồi trong này. Đức Giêsu không coi thường hay loại bỏ gia đình ruột thịt. Nhưng Ngài cho thấy Ngài còn có một gia đình lớn hơn nhiều, một gia đình gồm những người rất khác nhau về nhiều mặt, nhưng lại có một mẫu số chung, một điểm giống nhau, đó là cùng muốn thi hành ý Thiên Chúa trong cuộc sống.
Thật hạnh phúc cho chúng ta, vì Chúa Giêsu đã khai mở một đại gia đình mới cho mọi người : “Bất cứ ai thi hành ý muốn của Thiên Chúa người ấy là mẹ tôi, là anh em và chị em tôi” (Mc 3, 35). Khi thực thi ý Thiên Chúa muốn, người kitô hữu chúng ta vui sướng được thuộc về gia đình Chúa, có Đức Maria làm Mẹ suốt đời tín trung sống ý Chúa, có Đức Giêsu là Anh Trưởng, người Con luôn sống đẹp lòng Chúa Cha, và có bao anh chị em khác đã dám đặt ý Chúa lên trên mạng sống.