2020
Tiên báo về tương lai của Thánh Phêrô
29.5.2020
Thứ Sáu
Ga 21, 15-19
TIÊN BÁO VỀ TƯƠNG LAI CỦA THÁNH PHÊRÔ
Trang Tin Mừng hôm nay nói về Chúa gọi Phêrô và chọn ông làm thủ lãnh Giáo Hội, thường gợi lên những câu hỏi như: “Tại sao Chúa báo cho Phêrô hai lần hãy chăn dắt chiên mẹ và một lần hãy chăn dắt chiên con?” Như vậy, có phải là chăn chiên mẹ khó hơn chăn chiên con hay không?
Và rồi giả sử như chăn chiên con không quan trọng bằng, vì con ngoan hay hư là tại mẹ, nên chỉ cần chăn dắt chiên mẹ đi đúng đường rồi chiên con đi theo là đủ. Ở đây không đi vào chi tiết về chiên mẹ hay chiên con, nhưng qua trang Tin Mừng trên mà chúng ta thấy được nhiều quí giá về bài học lãnh đạo trong Giáo Hội rất đáng chúng ta quan tâm.
Chúa Giêsu long trọng phúc chuẩn sứ mệnh tông đồ đặc biệt của Phêrô: thủ lãnh giáo hội, kèm theo điều kiện duy nhất cũng rất đặc biệc: tình yêu. Và như thế, có thể nói: Chúa Giêsu chọn Phêrô để gởi cho ông một mệnh lệnh đặc biệt: mệnh lệnh của Trái Tim, từ Trái Tim, trong Trái Tim và nhờ Trái Tim. Hơn ai hết, thánh Phêrô đã hiểu và cảm được sức nặng cũng như tính cấp thiết của mệnh lệnh này. Vị tông đồ đã dốc tâm vẹn lòng, trung thành đi theo Thầy trên lộ trình mục tử và đã hoàn tất đẹp đẽ sứ mệnh được giao.
Trước hết, Chúa Giêsu hỏi ba lần: “Này anh Simon con ông Joan, con có yêu mến Thầy không? Và ba lần Phêrô đáp con yêu mến Thầy” (Ga 21,15-17), và cũng ba lần Chúa Giêsu nói: “Hãy chăm sóc chiên con của Thầy”. Ðiều đó cho chúng ta biết rằng tình thương không chỉ biểu lộ trong lòng mà con biểu lộ trong lời nói và hành động.
Và rồi đặc biệt đối với chúng ta, tình yêu với Thiên Chúa cần phải được thường xuyên hâm nóng và xác quyết bằng chính lời nói thành thực và sinh động trong chúng ta. Mỗi lần nghe giảng, đọc sách thiêng liêng, mỗi lần đọc kinh Lạy Cha hay kinh Tin Kính, đó là chúng ta xác quyết lại sự thần phục, sự hiện diện và biểu lộ lòng yêu mến của chúng ta đối với Thiên Chúa.
Chúa Giêsu hỏi ba lần “con có yêu mến Thầy không?”, đáp lại ba lần “có” cũng là để bù lại ba lần chối Thầy. Trước thái độ ba lần từ chối của Phêrô, Chúa không đòi hỏi Phêrô ba lần xin lỗi hay để trừng phạt, song ba lần Chúa muốn được nghe Phêrô nói “con yêu mến Thầy”. Như trước đây với Madalêna, lần này là Phêrô và sau này là mỗi người chúng ta, Chúa Giêsu như muốn nói: “Con yêu nhiều thì sẽ được tha thứ nhiều và ngược lại, con được tha thứ nhiều vậy con hãy yêu mến nhiều”.
Ta thấy tiếng gọi lãnh đạo của Chúa là tiếng gọi tình yêu, Chúa Giêsu đã không hỏi Phêrô con đã có chìa khóa lãnh đạo cao cấp chưa? Hay có bằng cấp gì? Tốt nghiệp đại học nào chưa? Song như có lần Chúa Giêsu nói: “Ai yêu mến Ta thì hãy giữ lề luật của Ta” thì bây giờ Ngài nói: “Con yêu mến Thầy thì hãy chăm sóc chiên con của Thầy”.
Chúa Giêsu quan niệm về lãnh đạo là yêu thương, là phục vụ, rửa chân cho những người mình lãnh đạo, Chúa Giêsu không quan niệm nền tảng và phương pháp lãnh đạo là thao tác bắt người ta làm theo ý mình, song bằng tình yêu giúp nhau thực hiện ý Chúa. Như trong trường hợp của Phêrô, tình thương của Chúa đối với Phêrô và của Phêrô đối với Chúa, tình thương ấy xóa bỏ hận thù, xóa bỏ lỗi lầm xưa và đưa người yếu kém kia trở lại sống trong tình yêu của Chúa.
“Anh em yêu mến Thầy thì hãy chăm sóc chiên của Thầy”. Lời mời gọi ấy nhắm vào hàng giáo sĩ thê 1nhưng suy cho cùng thì ta thấy đó cũng là lời mời gọi đối với mỗi người chúng ta, tất cả chúng ta đều có trách nhiệm liên đới đến vận mệnh phần rỗi của anh em mình, về phận sự chăn dắt, nuôi nấng và đưa anh em về đàn chiên và gìn giữ họ an toàn trong Ðức Tin. Hãy vì yêu mến Chúa mà làm phận sự chăn dắt và yêu người, tức là làm việc Tông Ðồ truyền bá Tin Mừng và làm cho anh em mình nhận biết và phụng thờ Thiên Chúa.
Chúa Giêsu vẫn thiết tha gọi mời ta ở lại trong Tình Yêu của Người, bằng cách đón nghe Lời Người và lãnh nhận Thánh Thể Người, để con tim nhân loại của ta có khả năng đón nhận sức yêu vô biên của Người: nó biết yêu đời yêu người, cầm niềm tin đi thắp nụ cười cho những vầng môi héo vì phận đời trôi nổi; biết quảng đại hiến dâng thời giờ, sức khỏe, tài năng Chúa ban mà ân cần phục vụ anh chị em, nhất là những người nghèo hèn bé nhỏ, những chiên bạn, chiên anh, chiên chị khác còn ở xa đàn …
Hôm nay là cơ hội thuận tiện, là thời điểm ân sủng để ta tái thâm tín và tuyên xưng niềm tin của mình vào Tình Yêu vô biên và Trái tim nhân hậu thẳm sâu của Thiên Chúa tỏ lộ nơi Con Một Người. Mỗi người chúng ta cùng khẩn nài Thánh Thần giúp ta biết phải làm gì, ngay hôm nay, để thực thi mệnh lệnh yêu thương của Đấng Phục Sinh. Và dĩ nhiên, chớ gì ta sẵng sàng thưa vâng và mau mắn xin Chúa giúp ta thực thi điều Chúa bảo làm.
Người Kitô hữu chúng ta cũng được mời gọi họa lại cuộc đời Chúa Giêsu như Thánh Phêrô. Và ngày mỗi ngày, ta có biết bao cơ hội để sống chức vụ mục tử theo gương Chúa Giêsu bằng đời sống phục vụ, hy sinh và quảng đại góp phần mình xây dựng giáo hội, giáo xứ, giáo họ, hội đoàn, …
2020
Thứ Sáu Tuần VII – Mùa Phục Sinh
Thứ Sáu Tuần VII – Mùa Phục Sinh
Ca nhập lễ
Kh 1,5-6
Đức Ki-tô đã yêu thương chúng ta, và lấy máu mình thanh tẩy chúng ta sạch tội lỗi, làm cho chúng ta thành vương quốc và tư tế, để phụng sự Thiên Chúa là Cha của Người. Ha-lê-lui-a.
Lời nguyện nhập lễ
Lạy Chúa, Chúa đã tôn vinh Ðức Kitô và tuôn đổ ánh sáng Thánh Thần, hầu mở đường cho chúng con vào cuộc sống vĩnh cửu. Chúa đã ban ơn trọng đại này cho chúng con, xin cũng làm cho chúng con thêm lòng tin kính để phụng sự Chúa tận tình. Chúng con cầu xin …
Bài đọc 1
Cv 25,13b-21
Đức Giê-su đã chết mà ông Phao-lô quả quyết là vẫn sống.
Bài trích sách Công vụ Tông Đồ.
13b Hồi ấy, vua Ác-ríp-pa và bà Béc-ni-kê đến Xê-da-rê chào mừng ông Phét-tô. 14 Vì hai người ở lại đó nhiều ngày, ông Phét-tô mới đem vụ ông Phao-lô ra trình bày với nhà vua. Ông nói : “Ở đây có một người tù ông Phê-lích để lại. 15 Khi tôi tới Giê-ru-sa-lem, các thượng tế và các kỳ mục Do-thái đến kiện và xin tôi kết án người ấy. 16 Tôi đã trả lời họ rằng người Rô-ma không có lệ nộp bị cáo nào, trước khi đương sự ra đối chất với nguyên cáo, và được cơ hội biện hộ về lời tố cáo. 17 Vậy họ cùng đến đây với tôi, và không chút trì hoãn, ngày hôm sau tôi ra ngồi toà và truyền điệu đương sự đến. 18 Đứng quanh đương sự, các nguyên cáo đã không đưa ra một tội trạng nào như tôi tưởng. 19 Họ chỉ tranh luận với ông ta về một số vấn đề liên quan đến tôn giáo riêng của họ, và liên quan đến một ông Giê-su nào đó đã chết, mà Phao-lô quả quyết là vẫn sống. 20 Phần tôi, phân vân trước cuộc tranh luận về những chuyện ấy, tôi hỏi xem ông ta có muốn đi Giê-ru-sa-lem để được xử tại đó về vụ này không. 21 Nhưng Phao-lô đã kháng cáo, xin dành vụ này cho Thánh Thượng xét xử, nên tôi đã ra lệnh giữ ông ta lại cho đến khi giải lên hoàng đế.”
Đáp ca
Tv 102,1-2.11-12.19-20ab (Đ. c.19a)
Đ.Chúa đặt ngai báu trên trời cao thẳm.
1Chúc tụng Chúa đi, hồn tôi hỡi,
toàn thân tôi, hãy chúc tụng Thánh Danh !2Chúc tụng Chúa đi, hồn tôi hỡi,
chớ khá quên mọi ân huệ của Người.
Đ.Chúa đặt ngai báu trên trời cao thẳm.
11Như trời xanh trổi cao hơn mặt đất,
tình Chúa thương kẻ thờ Người cũng trổi cao.12Như đông đoài cách xa nhau ngàn dặm,
tội ta đã phạm, Chúa cũng ném thật xa ta.
Đ.Chúa đặt ngai báu trên trời cao thẳm.
19Chúa đặt ngai báu trên trời cao thẳm,
quyền đế vương bá chủ muôn loài.20abChúc tụng Chúa đi, hỡi muôn vì thiên sứ,
bậc anh hùng dũng mãnh thực hiện lời Người.
Đ.Chúa đặt ngai báu trên trời cao thẳm.
Tung hô Tin Mừng
Ga 14,26
Ha-lê-lui-a. Ha-lê-lui-a. Thánh Thần sẽ dạy anh em mọi điều, và sẽ làm cho anh em nhớ lại mọi điều Thầy đã nói với anh em. Ha-lê-lui-a.
Tin Mừng
Ga 21,15-19
Hãy chăn dắt chiên của Thầy.
✠Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Gio-an.
15 Sau khi dùng bữa với các môn đệ tại Biển Hồ Ti-bê-ri-a, Đức Giê-su Phục Sinh hỏi ông Si-môn Phê-rô : “Này anh Si-môn, con ông Gio-an, anh có yêu mến Thầy hơn các anh em này không ?” Ông đáp : “Thưa Thầy có, Thầy biết con thương mến Thầy.” Đức Giê-su nói với ông : “Hãy chăm sóc chiên con của Thầy.” 16 Người lại hỏi : “Này anh Si-môn, con ông Gio-an, anh có yêu mến Thầy không ?” Ông đáp : “Thưa Thầy có, Thầy biết con thương mến Thầy.” Người nói : “Hãy chăn dắt chiên của Thầy.” 17 Người hỏi lần thứ ba : “Này anh Si-môn, con ông Gio-an, anh có thương mến Thầy không ?” Ông Phê-rô buồn vì Người hỏi tới lần thứ ba : “Anh có thương mến Thầy không ?” Ông đáp : “Thưa Thầy, Thầy biết rõ mọi sự ; Thầy biết con thương mến Thầy.” Đức Giê-su bảo : “Hãy chăm sóc chiên của Thầy. 18 Thật, Thầy bảo thật cho anh biết : lúc còn trẻ, anh tự mình thắt lưng lấy, và đi đâu tuỳ ý. Nhưng khi đã về già, anh sẽ phải dang tay ra cho người khác thắt lưng và dẫn anh đến nơi anh chẳng muốn.” 19 Người nói vậy, có ý ám chỉ ông sẽ phải chết cách nào để tôn vinh Thiên Chúa. Thế rồi, Người bảo ông : “Hãy theo Thầy.”
Lời nguyện tiến lễ
Lạy Chúa, xin ghé mắt nhân từ nhìn đến của lễ chúng con dâng và sai Thánh Thần đến thanh tẩy chúng con cả xác hồn, khiến của lễ này đáng được Chúa Cha vui nhận. Chúng con cầu xin …
Lời tiền tụng Thăng Thiên
Lạy Chúa là Cha chí thánh, là Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, chúng con tạ ơn Chúa mọi nơi mọi lúc, nhờ Ðức Ki-tô, Chúa chúng con, thật là chính đáng, phải đạo và đem lại ơn cứu độ cho chúng con. Sau khi sống lại, Người đã hiện ra tỏ tường với tất cả môn đệ, và đã được đem lên trời trước mặt các ông/ để cho chúng con được thông phần thần tính của Người.
Vì thế, với niền hân hoan chứa chan trong lễ Phục Sinh, toàn thể nhân loại trên khắp địa cầu đều nhảy mừng. Cũng vậy, các Dũng thần và các Quyền thần không ngừng hát bài ca chúc tụng vinh quang Chúa rằng:
Thánh! Thánh! Thánh! …
Lời nguyện hiệp lễ
Lạy Chúa, Chúa mời gọi chúng con dự tiệc thánh để thanh tẩy và bồi dưỡng chúng con; xin cho hồng ân chúng con vừa lãnh nhận đem lại cho chúng con sự sống đời đời. Chúng con cầu xin …
Ca hiệp lễ
Ga 16,13
Chúa nói : “Khi nào Thần Khí sự thật đến,
Người sẽ dẫn anh em tới sự thật toàn diện.”
Ha-lê-lui-a.
2020
5 đoạn Kinh thánh giúp chúng ta những khi gặp khủng hoảng
5 đoạn Kinh thánh giúp chúng ta những khi gặp khủng hoảng
Những khi cuộc sống phải đối diện với khủng hoảng và khó khăn, các bài đọc Kinh thánh đưa ra câu trả lời trước những sợ hãi và bất an, mở ra cho chúng ta những chân trời hy vọng.
Vài tháng sau cuộc khủng hoảng do coronavirus gây ra, nhân loại gần như đang nếm trải những hậu quả nặng nề như : bệnh tật, tử vong, buồn phiền, đau đớn về thể xác cũng như tinh thần. Nền kinh tế toàn cầu cũng đang run rẩy. Nếu đi tìm một điểm tựa giúp chúng ta tự tin hơn trong thời khắc đầy lo lắng này, thì các bài đọc Kinh thánh sẽ giúp chúng ta tìm được điều đó. Các bạn có Kinh thánh ở nhà không? Mở ra nhé!.
Dưới đây là 5 đoạn Kinh thánh có thể mang lại tia sáng cho hoàn cảnh cá nhân hoặc gia đình của các bạn. Những đoạn Kinh thánh này được trích từ sách Cựu ước, cụ thể từ các sách khôn ngoan của các tiên tri: Êdêkien, Hôsê, Isaia và Thánh vịnh.
Những bản văn này được viết từ nhiều thế kỷ trước, nhưng thông điệp của nó chạm đến con tim của nhân loại hôm nay.
Thánh vịnh 8
“Lạy ĐỨC CHÚA là Chúa chúng con,
lẫy lừng thay danh Chúa trên khắp cả địa cầu!
Uy phong Ngài vượt quá trời cao.
Ngắm tầng trời tay Chúa sáng tạo,
muôn trăng sao Chúa đã an bài,
thì con người là chi, mà Chúa cần nhớ đến,
phàm nhân là gì, mà Chúa phải bận tâm?” (Tv 8,2;4-5).
Thánh vịnh 23
“CHÚA là mục tử chăn dắt tôi, tôi chẳng thiếu thốn gì.
Trong đồng cỏ xanh tươi, Người cho tôi nằm nghỉ.
Người đưa tôi tới dòng nước trong lành
và bổ sức cho tôi.
Người dẫn tôi trên đường ngay nẻo chính
vì danh dự của Người.
Lạy Chúa, dầu qua lũng âm u
con sợ gì nguy khốn, vì có Chúa ở cùng.
Côn trượng Ngài bảo vệ, con vững dạ an tâm.
Chúa dọn sẵn cho con bữa tiệc ngay trước mặt quân thù.
Đầu con, Chúa xức đượm dầu thơm,
ly rượu con đầy tràn chan chứa.
Lòng nhân hậu và tình thương CHÚA
ấp ủ tôi suốt cả cuộc đời,
và tôi được ở đền Người
những ngày tháng, những năm dài triền miên” (Tv 23, 2-6).
Isaia 49, 15-16
“Có phụ nữ nào quên được đứa con thơ của mình,
hay chẳng thương đứa con mình đã mang nặng đẻ đau?
Cho dù nó có quên đi nữa,
thì Ta, Ta cũng chẳng quên ngươi bao giờ.
Hãy xem, Ta đã ghi khắc ngươi trong lòng bàn tay Ta,
thành luỹ ngươi, Ta luôn thấy trước mặt” (Isaia 49, 15-16).
Êdêkien 36
“Này các ngươi, hỡi núi non Ít-ra-en, các ngươi sẽ trổ cành, đơm trái cho dân Ta là Ít-ra-en, bởi vì nó sắp trở lại. Này Ta đến với các ngươi, Ta quay mặt lại với các ngươi; các ngươi sẽ được trồng cấy và gieo hạt. Ta sẽ tăng số dân cho các ngươi, hỡi toàn thể Ít-ra-en. Các thành thị sẽ có người cư ngụ và các nơi điêu tàn sẽ được tái thiết. Ta sẽ tăng số người và súc vật cho các ngươi. Chúng sẽ nên đông đúc và sinh sôi nẩy nở. Ta sẽ cho các ngươi được cư ngụ như ngày trước, sẽ ban cho các ngươi nhiều ân huệ hơn thuở xưa. Bấy giờ các ngươi sẽ nhận biết chính Ta là ĐỨC CHÚA” (Ed 36, 8-10).
Hôsê 2
“Bởi thế, này Ta sẽ quyến rũ nó,
đưa nó vào sa mạc, để cùng nó thổ lộ tâm tình.
Từ nơi đó, Ta sẽ trả lại vườn nho của nó,
biến thung lũng A-kho thành cửa khẩu hy vọng.
Ở đó, nó sẽ đáp lại như buổi thanh xuân,
như ngày nó đi lên từ Ai-cập.
Vào ngày đó – sấm ngôn của ĐỨC CHÚA –
ngươi sẽ gọi Ta: “Mình ơi”, chứ không còn gọi “Ông chủ ơi” nữa.
Ta sẽ lập với ngươi một hôn ước vĩnh cửu,
Ta sẽ lập hôn ước với ngươi trong công minh và chính trực,
trong ân tình và xót thương;
Ta sẽ lập hôn ước với ngươi trong tín thành,
và ngươi sẽ được biết ĐỨC CHÚA” (Hs 2, 16-22).
Thánh vịnh 8
“Lạy ĐỨC CHÚA là Chúa chúng con,
lẫy lừng thay danh Chúa trên khắp cả địa cầu!
Uy phong Ngài vượt quá trời cao.
Ngài cho miệng con thơ trẻ nhỏ
cất tiếng ngợi khen đối lại địch thù,
khiến kẻ thù quân nghịch phải tiêu tan.
Ngắm tầng trời tay Chúa sáng tạo,
muôn trăng sao Chúa đã an bài,
thì con người là chi, mà Chúa cần nhớ đến,
phàm nhân là gì, mà Chúa phải bận tâm?
Chúa cho con người chẳng thua kém thần linh là mấy,
ban vinh quang danh dự làm mũ triều thiên,
cho làm chủ công trình tay Chúa sáng tạo,
đặt muôn loài muôn sự dưới chân:
Nào chiên bò đủ loại, nào thú vật ngoài đồng,
nào chim trời cá biển, mọi loài ngang dọc khắp trùng dương.
Lạy ĐỨC CHÚA là Chúa chúng con,
lẫy lừng thay danh Chúa trên khắp cả địa cầu!” (Tv 8, 2-10)
Dolors Massot/aleteia
Giuse Hoàng Bình Vương.
2020
Chúa Giêsu Thăng Thiên và Đức Maria Lên Trời khác nhau thế nào?
Chúa Giêsu Thăng Thiên và Đức Maria Lên Trời khác nhau thế nào?
- Võ Tá Hoàng chuyển ngữ từaleteia
Không chỉ thay đổi về mặt từ ngữ, mà về cơ bản ý nghĩa của nó cũng khác nhau.
Lịch phụng vụ của Giáo hội Công giáo trình bày hai lễ này với những tên gọi giống nhau và có ý nghĩa tương đồng, nhưng thực chất rất khác nhau: Lễ Chúa Giêsu Thăng Thiên được mừng kính sau lễ phục sinh 40 ngày, và lễ Đức Mẹ Lên Trời được cử hành vào ngày 15 tháng 8.
Trong tiếng La tinh từ Ascensione “Thăng thiên” chỉ dành riêng cho Chúa Giêsu Kitô, nó có nghĩa là “đi lên”: Ngài đã lên trời, đã thăng thiên, tự thân, nghĩa là nhờ quyền năng của Ngài với tư cách là Thiên Chúa.
Với Đức Maria, từ Asumptione, muốn nói rằng : Mẹ “được đưa lên”, “được Thiên Chúa mang đi”. Mẹ được Chúa đưa về trời, không do khả năng của mình mà nhờ quyền năng của Thiên Chúa.
Tín điều Đức Mẹ Lên Trời minh xác rằng: Đức Maria, Mẹ Thiên Chúa, đã được tôn vinh trọn cả xác hồn, và được đưa về trời sau khi kết thúc cuộc đời trần thế của Mẹ.
Tông hiến Munificentissimus Deus của Đức Giáo hoàng Piô XII ban hành vào ngày 1 tháng 11 năm 1950, đã trình bày cho chúng ta về chân lý đức tin này: “Đức Maria vô nhiễm, Mẹ Thiên Chúa, trọn đời đồng trinh, sau khi chấm dứt dòng đời dưới thế, đã được cất về vinh quang trên trời cả xác hồn”.
Lễ Chúa Giêsu Thăng Thiên
Lễ Chúa Thăng Thiên được cử hành sau lễ Phục sinh 40 ngày, dù thực tế, tại nhiều Giáo hội địa phương, lễ này được chuyển sang ngày Chúa nhật, vì lý do mục vụ, để các Kitô hữu có thể tham dự thánh lễ dễ dàng.
Kinh thánh nói gì
“Nói xong, Người được cất lên ngay trước mắt các ông, và có đám mây quyện lấy Người, khiến các ông không còn thấy Người nữa. Và đang lúc các ông còn đăm đăm nhìn lên trời phía Người đi, thì bỗng có hai người đàn ông mặc áo trắng đứng bên cạnh và nói: “Hỡi những người Ga-li-lê, sao còn đứng nhìn lên trời? Đức Giê-su, Đấng vừa lìa bỏ các ông và được rước lên trời, cũng sẽ ngự đến y như các ông đã thấy Người lên trời” (Cv 1,9-11).
Ý nghĩa
Trong Lễ Thăng Thiên, một phần của Mùa Phục sinh, Chúa Giêsu rời bỏ các tông đồ, nhưng chỉ theo nghĩa hữu hình : dù vậy, giờ đây Ngài vẫn luôn sẵn sàng tiếp bước với Giáo hội; Chúa vẫn tiếp tục hiện diện, cách vô hình, để hành động nơi Giáo hội. Hơn nữa, sự ‘chia ly’ chỉ là tạm thời, bởi vì Chúa Giêsu sẽ trở lại.
Trở về với Cha, Chúa Giêsu kết thúc sự tồn tại dưới phương diện nhân loại, đồng thời Ngài vượt qua sự phân chia giữa Trời và Đất: Ngài rời đi, nhưng chính xác là Ngài về Thiên đàng trước chúng ta, qua đó xác nhận rằng Thiên đàng là đích điểm của chúng ta. Bản tính con người, được Ngôi Lời nhập thể trong thân phận nghèo khó đưa về Trời và được tôn vinh.
Nguồn lịch sử
Các Tin mừng nói rất ít về sự kiện Chúa Thăng thiên: Tin mừng Matthêô và Gioan kết thúc các trình thuật bằng cuộc hiện ra của Chúa Giêsu sau Phục sinh; Thánh Marcô dành đoạn văn cuối cùng để nói về sự kiện này, trong khi Luca mô tả rất rõ ràng, chủ yếu trong sách Công vụ Tông đồ. Trong sách này, thánh sử Luca cho biết về con số 40 ngày sau Phục sinh – một con số rất tượng trưng trong toàn bộ Kinh thánh – Chúa Giêsu đưa các tông đồ đến Bêtania, lên núi Cây dầu, Ngài chúc lành cho họ và nói chuyện với họ trước khi về Trời. Trong diễn từ này Chúa Giêsu xác nhận lời hứa ban Chúa Thánh Thần, Ngài sẽ không để các ông mồ côi, và báo trước sự trở lại lần thứ hai của mình vào ngày sau hết.
Nguồn gốc của lễ trọng
Sử gia Eusebio thành Cesarea và Egeria đã làm chứng rằng : Lễ Thăng Thiên được mừng kính trong Giáo hội vào những thế kỷ đầu. Ngay từ đầu, lễ này được cử hành cùng với lễ Ngũ Tuần, nhưng chúng ta biết rằng, giữa thế kỷ V và VI hai lễ này đã được tách ra, bởi vì có những bài giảng của thánh Gioan Crisostomo và thánh Augustinô dành riêng cách đặc biệt cho lễ Thăng Thiên.
“Bên hữu Chúa Cha”
Trong các Tin mừng có những đoạn trong đó Chúa Giêsu cho biết trước những gì sẽ xảy ra trong ngày Ngài về Trời. Chẳng hạn, trong đêm Tiệc ly, Chúa nói rằng : “sẽ về cùng Cha”.
Thành ngữ “bên hữu Chúa Cha” ám chỉ đến vị trí danh dự của Con Thiên Chúa, bên cạnh vinh quang vĩnh cửu của Cha. Nếu Chúa Giêsu không trở về với Cha thì sẽ không có ơn cứu chuộc nào dành cho con người : bằng cách trở về với Cha, Ngài hoàn tất sự Phục sinh và gửi Thánh Thần An ủi đến cho thế giới.