2020
Chúa nhật XII TN A
Chúa Nhật XII thường niên A
Dẫn vào thánh lễ
Anh chị em thân mến! Các bài đọc trong phần Phụng vụ Lời Chúa của Chúa nhật XII hôm nay, nhắc nhở chúng ta hãy vững tâm, đừng sợ hãi, cho dù trong sứ mạng làm “Tông đồ của Chúa Kitô”, làm “Sứ giả của Tin Mừng” sẽ có những hiểu lầm, chống đối và đôi khi cả thất bại nữa. Hiệp dâng Thánh lễ hôm nay, chúng ta cầu xin Chúa tăng thêm niềm tin cho chúng ta, để chúng ta thoát khỏi nỗi sợ hãi, mạnh mẽ làm chứng cho Đức Kitô trong đời sống thường ngày của mình.
Ca nhập lễ
Chúa là mãnh lực của dân Người, là chiến luỹ bảo vệ mạng sống người Chúa đã xức dầu. Lạy Chúa là phần rỗi tôi, xin cứu sống dân Chúa, và chúc phúc cho phần gia nghiệp Chúa, xin hãy chăn dắt họ đến muôn đời.
Lời nguyện nhập lễ
Lạy Chúa, xin cho chúng con hằng trọn niềm tôn kính và ái mộ Thánh Danh, vì những ai được Chúa cho khăng khít với Chúa, Chúa sẽ chẳng bỏ rơi bao giờ. Chúng con cầu xin…
Bài Ðọc I: Gr 20, 10-13
“Người đã cứu thoát mạng sống người bất hạnh khỏi tay kẻ dữ”.
Trích sách Tiên tri Giêrêmia.
Ta đã nghe nhiều người thoá mạ và chế nhạo rằng: “Người này gieo khủng bố khắp nơi: Hãy tố cáo nó, chúng ta hãy tố cáo nó”. Tất cả bạn hữu tôi rình tôi vấp ngã mà nói rằng: “Ước gì nó bị lừa dối để chúng ta thắng nó và sẽ trả thù nó”. Nhưng Chúa ở cùng tôi như người lính chiến hùng dũng; vì thế, những kẻ bắt bớ tôi sẽ ngã quỵ và kiệt sức: Chúng sẽ thất bại bẽ bàng, chuốc lấy sự hổ nhục muôn đời, không bao giờ quên được. Còn Chúa, lạy Chúa các đạo binh, Ðấng xét xử người công chính, thấu suốt tâm can, lạy Chúa, ước gì con sẽ được thấy Chúa trả thù nó cho con, vì con đã tỏ bày công việc con cho Chúa. Hãy hát mừng Chúa, hãy ca tụng Chúa, vì Người đã cứu thoát mạng sống người bất hạnh khỏi tay kẻ dữ.
Ðó là lời Chúa.
Đáp Ca: Tv 68, 8-10. 14 và 17. 33-35
Ðáp: Lạy Chúa, xin nhậm lời con theo lượng cả đức từ bi (c. 14c).
Xướng: Sở dĩ vì Chúa mà con chịu nhục, và thẹn thò làm nhơ nhuốc mặt con. Con bị những người anh em coi như khách lạ, bị những người cùng con một mẹ xem như kẻ ngoại lai. Sự nhiệt tâm lo việc nhà Chúa khiến con mòn mỏi, điều tủi nhục người ta nhục mạ Chúa đổ trên mình con. – Ðáp.
Xướng: Nhưng, lạy Chúa, con dâng lời nguyện cầu lên Chúa, ôi Thiên Chúa, đây là lúc biểu lộ tình thương. Xin nhậm lời con theo lượng cả đức từ bi, theo ơn phù trợ trung thành của Chúa. Lạy Chúa, xin nhậm lời con vì lòng khoan nhân trắc ẩn, theo lượng cả đức từ bi xin nhìn đến tấm thân con. – Ðáp.
Xướng: Các bạn khiêm cung, hãy nhìn coi và hoan hỉ, các bạn tìm kiếm Chúa, lòng các bạn hãy hồi sinh: vì Chúa nghe những người cơ khổ, và không chê bỏ con dân Người bị bắt cầm tù. Hãy ngợi khen Chúa, hỡi trời và đất, biển khơi và muôn vật sống động bên trong. – Ðáp.
Bài Ðọc II: Rm 5, 12-15
“Không phải như tội phạm thế nào, thì ơn ban cũng thế ấy đâu”.
Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Rôma.
Anh em thân mến, cũng như do một người mà tội lỗi đã nhập vào thế gian, và do tội lỗi mà có sự chết, và thế là sự chết đã truyền tới mọi người, vì lẽ rằng mọi người đã phạm tội. Trước khi có lề luật, đã có tội trên thế gian; nhưng tội không bị bắt lỗi, khi không có lề luật. Nhưng từ Ađam cho đến Môsê, sự chết ngự trị cả trên những kẻ không phạm tội giống như sự lỗi phạm của Ađam, hình ảnh của người đến sau.
Nhưng không phải như tội phạm thế nào, thì ơn ban cũng thế ấy đâu, vì nếu do tội của một người mà nhiều người phải chết, thì ơn nghĩa của Thiên Chúa và ân huệ ban do ơn một người là Ðức Giêsu Kitô, làm cho nhiều người được ơn dư đầy hơn bội phần.
Ðó là lời Chúa.
Alleluia: Ga 17, 17b và a
Alleluia, alleluia! – Chúa phán: “Lời Cha là chân lý; xin hãy thánh hoá chúng trong sự thật”. – Alleluia.
Phúc Âm: Mt 10, 26-33
“Các con đừng sợ những kẻ giết được thân xác”.
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các Tông đồ rằng: “Các con đừng sợ những người đó, vì không có gì che giấu mà không bị thố lộ; và không có gì kín nhiệm mà không hề hay biết. Ðiều Thầy nói với các con trong bóng tối, hãy nói nơi ánh sáng; và điều các con nghe rỉ tai, hãy rao giảng trên mái nhà.
“Các con đừng sợ những kẻ giết được thân xác, nhưng không thể giết được linh hồn: Các con hãy sợ Ðấng có thể ném cả xác lẫn hồn xuống địa ngục. Nào người ta không bán hai chim sẻ với một đồng tiền đó sao? Thế mà không con nào rơi xuống đất mà Cha các con không biết đến. Phần các con, tóc trên đầu các con đã được đếm cả rồi. Vậy các con đừng sợ: các con còn đáng giá hơn chim sẻ bội phần.
“Vậy ai tuyên xưng Thầy trước mặt người đời, thì Thầy sẽ tuyên xưng nó trước mặt Cha Thầy, là Ðấng ngự trên trời. Còn ai chối Thầy trước mặt người đời, thì Thầy sẽ chối nó trước mặt Cha Thầy, là Ðấng ngự trên trời”.
Ðó là lời Chúa.
Lời nguyện tín hữu
Chủ tế: Anh chị em thân mến! Tin tưởng vào sự quan phòng kỳ diệu của Thiên Chúa và hiên ngang sống trọn vẹn niềm tin, phải là điều mà mỗi người kitô hữu cần ghi nhớ, và thực hiện trong đời sống thường ngày. Chúng ta cùng dâng lời cầu xin :
- “Chúa ở cùng tôi như người lính chiến hùng dũng” Xin cho mỗi người trong Hội Thánh khi làm việc tông đồ, biết đón nhận mọi nghịch cảnh trong niềm tin và phó thác trọn vẹn nơi Thiên Chúa, như tiên tri Giêrêmia.
- “Sự chết đã truyền tới mọi người, vì lẽ rằng mọi người đã phạm tội”,- Xin cho thế giới biết đón nhận ơn giao hòa mà Đức Kitô là Adam mới đã lập được nhờ sự chết của Người.
- “Các con đừng sợ những người đó”.- Xin cho các tông đồ giáo dân luôn trung thành can đảm hiên ngang loan báo Tin Mừng, khi thuận lợi cũng như lúc không thuận lợi để tuyên xưng Danh Chúa cho trần gian.
- Ngày nay rất nhiều Kitô hữu chúng ta mất đức tin vì hiểu biết Giáo lý quá ít,- Xin cho cộng đoàn giáo xứ chúng ta luôn biết ham mê đào sâu Giáo lý, nhờ đó đức tin của chúng ta ngày càng mạnh mẽ và trưỏng thành hơn.
Chủ tế: Lạy Chúa, làm chứng cho đức tin là việc rất khó đối với chúng con. Xin Chúa ban Thánh Thần xuống trên chúng con, để chúng con luôn vững bước theo Chúa và mạnh mẽ tuyên xưng niềm tin. Chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con.
Lời nguyện tiến lễ
Lạy Thiên Chúa từ bi, chúng con hiến dâng những lễ vật này để tạ tội và ngợi khen Chúa; cúi xin Chúa vui lòng chấp nhận, và dùng của lễ này mà thanh tẩy chúng con, hầu chúng con có thể dâng lên những tâm tình làm đẹp lòng Chúa. Chúng con cầu xin…
Lời Tiền Tụng Chúa Nhật Thường Niên
Lạy Chúa là Cha chí thánh, là Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, chúng con tạ ơn Chúa mọi nơi mọi lúc, nhờ Ðức Ki-tô, Chúa chúng con, thật là chính đáng, phải đạo và đem lại ơn cứu độ cho chúng con.
Vì thương xót nhân loại lỗi lầm, Người đã chấp nhận sinh ra bởi Ðức Trinh Nữ, đã chịu khổ hình thập giá/ để cứu chúng con khỏi chết muôn đời. Và từ cõi chết sống lại, Người đã ban cho chúng con được hưởng phúc trường sinh.
Vì thế, cùng với các Thiên thần và tổng lãnh Thiên thần, các Bệ thần và Quản thần, cùng toàn thể đạo binh thiên quốc, chúng con không ngừng hát bài ca chúc tụng vinh quang Chúa rằng:
Thánh! Thánh! Thánh!…
Ca hiệp lễ
Lạy Chúa, muôn loài để mắt cậy trông vào Chúa, và Chúa ban lương thực cho chúng đúng theo giờ.
Hoặc đọc:
Chúa phán: “Ta là mục tử tốt lành, và Ta thí mạng sống Ta vì các chiên Ta”.
Lời nguyện hiệp lễ
Lạy Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, Chúa đã cho chúng con rước Mình và Máu Con Chúa để đổi mới chúng con, xin cho chúng con được chắn chắn hưởng ơn cứu độ, nhờ mầu nhiệm cử hành trong thánh lễ này. Chúng con cầu xin…
2020
Xin cho Trái Tim ta nên như Trái Tim Mẹ
XIN CHO TA HÃY NÊN GIỐNG TRÁI TIM MẸ
Ta thấy rong các lễ nhớ dành riêng cho Mẹ Maria liên quan tới lễ Đức Mẹ Lộ Đức, có lễ Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ Maria. Kiểu nói ”trái tim vô nhiễm” mới có sau này, và trở thành thông dụng sau khi Đức Giáo Hoàng Piô IX công bố tín lý Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội năm 1854. Trước đó có các kiểu nói thông dụng như ”trái tim rất thanh sạch”, hay ”trái tim rất vẹn tuyền”, hoặc ”trái tim rất thánh” Đức Mẹ Maria…
Và rồi việc tôn sùng Trái Tim Vô Nhiễm Đức Mẹ được dựa trên nền tảng Phúc Âm: “Maria ghi nhớ những điều này và suy niệm trong lòng” (Lc 2, 19), và “Còn Mẹ Ngài thì ghi nhớ những điều này trong lòng” (Lc 2, 51). Trong Cựu Ước, trái tim được xem là biểu tượng thẳm sâu trong tâm lòng con người, là trung tâm của mọi chọn lựa và cam kết. Còn đối với nhân loại thì đó là biểu tượng của tình yêu. Trong sách Đệ Nhị Luật ta đã nghe rằng: “Ngươi hãy yêu mến Chúa, Thiên Chúa ngươi, hết tâm lòng, hết sức lực và trí khôn ngươi.” (Đnl 6,5). Trong Tin Mừng theo thánh Máccô thì khi các biệt phái chất vấn Đức Kitô về giới răn nào là trọng nhất, Ngài đã nhắc lại đoạn Kinh Thánh này để trả lời cho họ (Mc 12, 29-33).
Chính Trái Tim Mẹ đã đáp trả bằng tiếng “Xin vâng” với Thiên Chúa khi được sứ thần Gabrien truyền tin. Do sự ưng thuận vì tình yêu, Mẹ Maria trước hết đã cưu mang Đức Giêsu trong trái tim mình và rồi cũng cưu mang trong cung lòng của Mẹ.
Theo lịch sử, việc tôn sùng Trái Tim Đức Mẹ được tìm thấy đầu tiên vào thế kỷ 12 với nhiều sử gia như Thánh Anselm (1109) và Thánh Bernard thành Clairvaux (1153) là thánh viết rất tài tình về việc tôn sùng thánh thiện này.
Thánh Bernadine thành Siena (1380-1444) đã được gọi là Tiến Sĩ về lòng sùng kính Trái Tim Mẹ vì những trước tác về Trái Tim Mẹ. Ngài viết, “từ trái tim Mẹ, như lò lửa của Tình Yêu Rất Thánh, Đức Trinh Nữ Maria đã nói lên ngôn ngữ tuyệt vời nhất của một tình yêu mãnh liệt.” Thánh John Eudes (1601-1680) qua các bài viết của Ngài đã giúp khơi lại lòng sùng kính này. Đức Thánh Cha Lêô XIII và Piô X gọi ngài là “cha, thầy dạy và là tông đồ phụng vụ lòng sùng mến Thánh Tâm Chúa Giêsu và Mẹ Maria”. Thánh John Eudes và những người theo ngài đã dành ngày 8 tháng 2 trong khoảng năm 1643 để kính nhớ Trái Tim Vẹn Sạch Đức Mẹ. Về sau, Đức Piô VII cho mở rộng ngày mừng kính này để các giáo xứ hoặc hội đoàn nào muốn tôn sùng thì cũng được phép.
Việc tôn sùng Trái Tim Mẹ Maria có một truyền thống đẹp đẽ hơn nữa qua tấm ảnh đeo của Thánh Catarina Laboure năm 1830 và việc hiện ra của Đức Mẹ tại Fatima từ ngày 13 tháng 5 đến 13 tháng 10 năm 1917. Mẹ đã hiện ra với 3 trẻ là Jacinta, Phanxicô và Luica tại Fatima, Bồ Đào Nha. Trong ngày 13 tháng 7, Mẹ đã cho các trẻ này biết rằng ”để cứu những người tôi lỗi, Thiên Chúa đã ước ao thiết lập việc sùng kính Trái Tim Vô Nhiễm của Mẹ”. Toàn bộ lời nhắn nhủ của Mẹ là một lời cầu nguyện, thống hối và bằng những việc hy sinh, đền bù phạt tạ Thiên Chúa về những xúc phạm đến Ngài.
Vào năm 1942, kỷ niệm 25 năm biến cố Đức Mẹ hiện ra ở Fatima, Đức Thánh Cha Piô XII đã dâng thế giới cho Trái Tim Vô Nhiễm Đức Mẹ. Cũng vào năm ấy, ngài đã chọn mừng lễ này vào ngày 22 tháng 8, một tuần sau lễ Đức Mẹ Hồn Xác Về Trời. Ngày 4 tháng 5 năm 1944, ngài loan báo mở rộng lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm cho Giáo Hội hoàn vũ. Với những cải cách về phụng vụ trong Công Đồng Vatican II, lễ kính Trái Tim Vô Nhiễm Mẹ được dời về một ngày ngay sau Lễ Kính Thánh Tâm Chúa Giêsu, chính là ngày thứ bảy sau chúa nhật thứ hai sau Lễ Hiện Xuống.
Thiên Chúa đã chọn Mẹ Maria để cưu mang Đấng Cứu Thế, để cộng tác cho công trình cứu chuộc của Người. Công trình này xuất phát từ tình yêu của Thiên Chúa. Đức Maria đã cộng tác với Thiên Chúa để mang tình yêu của Người cho nhân loại. Chúa cũng mời gọi sự cộng tác của mỗi người chúng ta. Mỗi người đều có một vai trò và vị trí đặc biệt trong kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa. Điều Thiên Chúa cần nơi mỗi người chúng ta là noi gương Mẹ Maria, luôn sẵn sàng vâng phục thánh ý của Chúa.
Qua trang Tin Mừng hôm nay, Tin Mừng thuật lại rằng năm Chúa Giêsu lên 12 tuổi, Thánh Gia cũng trẩy lễ Vượt Qua như các năm trước. Lễ Vượt Qua kép dài suốt bảy ngày. Ngày cuối cùng, khi mọi người phải ra về, Chúa Giêsu đưa Mẹ vào một cuộc thị kiến chí năng; giác quan Mẹ không còn cảm thấy gì xảy ra chung quanh nữa. Còn Thánh Giuse, Chúa nâng lên chiêm ngắm cao xa, trầm tư mặc tưởng những sự trên trời, cứ tin chắc rằng Chúa Giêsu đi với Mẹ Maria.
Trong khi đó, ở ngay cửa thành, Chúa Giêsu đã rời khỏi cha mẹ mà ở lại, không về. Tại Do Thái thời đó có tục là trong cuộc kính viếng Đền Thờ ấy, lúc ra về, nam giới đi riêng một ngả, và nữ giới cũng đi riêng một ngã; còn trẻ con muốn đi với ai cũng được.
Lúc thôi trầm mặc, không thấy Chúa Giêsu đi với mình, Thánh Giuse nghĩ rằng Chúa đi với Mẹ Maria, vì tin thật rằng Chúa và Mẹ không thể rời nhau được bao giờ. Còn Mẹ, khi ra khỏi thị kiến, không thấy Chúa Giêsu, lại nghĩ rằng Chúa tặng cho Bạn Thánh của mình được cái vui đồng hành, với niềm tin đó, cả hai đều bình thản mà đi suốt một ngày đường, như thánh ký Luca đã thuật lại. Nhưng khi tới nơi đã định gặp nhau trước để qua đêm, Mẹ và Thánh Giuse mới chết lịm vì Chúa chẳng đi với ai cả.
Và như thế thế là lạc mất Chúa rồi. Mẹ và Thánh Cả đau đớn qúa không sao nói được lên lời, ai cũng nhận là tại lỗi mình mà lạc mất Chúa. Đôi Bạn liền trở lại Thành Thánh ngay, hỏi han khắp nơi về Chúa. Không một ai đã gặp Ngài. Mỗi lúc đau đớn một tăng thêm, Mẹ đành hỏi thăm các Thiên Thần hầu cận các vị này trả lời một cách lững lờ không dứt khoát, làm lòng Mẹ càng thêm đoạn trường trăm khúc, nước mắt càng tuôn chảy tran hòa. Mẹ tự hỏi không biết có phải là Vua Arkêlau đã dò ra tung tích Chúa mà bắt giam rồi không; có lúc lại ngờ rằng Chúa đã vào sa mạc thăm Gioan tiền sứ của Ngài rồi. Mẹ nức nở trong lòng, than van những lời ảo não: “Ôi Con là Tình Yêu tha thiết của Mẹ, Mẹ biết tìm Con ở đâu bây giờ? Con lại muốn chia lìa Mẹ để Mẹ chết hay sao? Con hãy cho Mẹ biết phải làm gì để đáng tìm được con đi! Con đi đâu, Mẹ cũng muốn theo đến sống ở đó, dầu là nơi rừng thiên nước độc, dầu là nơi giáo nhọn gươm trần, dầu là chỗ ấy đầy đau thương khốn cực. Lúc con che khuất mắt Mẹ Thần Tính của Con, Mẹ còn được thấy ít là Nhân Tính của Con. Nhưng bây giờ, cả Thần Tính và Nhân Tính của con, Mẹ cũng không thấy. Mẹ chỉ biết sợ hãi khóc than thôi, Con ơi!”.
Ta thấy nỗi đau khổ của Mẹ trong những ngày ấy thật cao vượt hơn hết tất cả những khổ hình các vị tử đạo đã phải chịu. Nhưng một điều lạ lùng là Mẹ không bao giờ Mẹ mất sự bằng an trong tâm hồn, không ngớt ca tụng Thiên Chúa và trông cậy ở Ngài. Sau ba ngày tìm tòi uổng công, không ăn, không ngủ, không cả nghỉ ngơi, Mẹ có ý tưởng đi vào sa mạc tìm Chúa, nhưng các Thiên Thần ngăn cản lại. Mẹ liền định đi Bêlem, nghĩ rằng có thể Chúa Giêsu trở lại thăm nơi sinh hạ. Các Thiên Thần cũng khuyên Mẹ đừng đi thế là Mẹ phải quay về Giêrusalem. Vừa đi vừa hỏi thăm người ta, và tả ra dáng hình dung mạo Con mình.
Mẹ Maria và Thánh Cả Giuse không hiểu được lời nói mầu nhiệm đó. Có như vậy là vì Mẹ và Thánh Cả đến quá muộn, nên không hiểu được mối liên lạc giữa lời nói ấy với bài dài Chúa nói trước. Ngoài ra, còn vì Mẹ và Thánh Cả được tràn ngập trong hạnh phúc tìm lại được con mình; và sau cùng, vì tấm màn che khuất không cho Mẹ nhìn thấy nội tâm Con Mẹ, nội tâm mà một ít lâu sau mới được tỏ ra. Dầu vậy, khi Mẹ được ở một mình với Chúa, Mẹ đã ẵm hôn Chúa mà nói: “Con của Mẹ, nếu Mẹ đã lạc mất con vì lỗi của Mẹ, xin con tha cho Mẹ. Rồi, xin con từ nay đừng bắt Mẹ phải vắng mặt con nữa”. Chúa Giêsu thoả lòng nhận lời Mẹ xin, và hứa sẽ là Thầy dạy, là Bạn thiết của Mẹ suốt trong thời gian còn lại cho tới khi vâng ý Chúa Cha. Lúc Thánh Gia đã ra khỏi Giêrusalem một quãng xa, nơi cánh đồng vắng vẻ Mẹ mới xấp mình mình xuống xin Chúa ban phép lành cho, vì lúc còn trong thành Mẹ chưa làm việc ấy. Chúa nâng Mẹ dậy cách nhân từ, mà mở tâm hồn ra cho Mẹ xem. Mẹ đã thấy tất cả những gì xảy ra trong suốt ba ngày Chúa vắng mặt và trong cuộc đàm luận với các luật sĩ. Sau một lát nghỉ ngơi, ăn uống chút ít, thánh gia lại lên đường, vừa đi Chúa vừa nói lại cho Mẹ nghe tất cả những gì Chúa đã nói với các luật sĩ, điều mà, Chúa vừa mới cho Mẹ nhìn thấy trong Linh Hồn mình. Chúa và Mẹ, trong cuộc trở về Nagiarét này cũng cải thiện một số lớn tội nhân và chữa lành nhiều người bệnh tật, theo thói quen vẫn có khi đi đường.
Và sau khi trở về nhà, Chúa Giêsu luôn luôn tùng phục Mẹ Maria và Thánh Cả Giuse. Thiên Chúa đã ban xuống cho Mẹ Maria nhiều ân sủng đặc biệt, dàn dụa linh hồn Mẹ, tràn sang cả Thánh Giuse, Người Cha Đồng Trinh của Ngôi Lời Nhập Thể, để hai Đấng có đủ khả năng chỉ huy một Người Con cao trọng duy nhất trong loài người. Về phía Mẹ, Mẹ đáp lại sự Chúa tuân phục Mẹ bằng một đức khiêm nhượng, một lòng biết ơn, một sự mau mắn, một niềm tỉ mỉ và một tình yêu mến tế nhị làm Tâm Hồn Chúa phải ngây ngất. Chúa có thể sẽ ban cho Mẹ tràn ngập những khoái vui còn lớn lao hơn nữa, Nếu Chúa chỉ nghe theo có xu hướng lòng yêu vô cùng của mình. Nhưng Chúa lại không muốn sự tràn ngập ấy ngăn cản Mẹ lập đầy những công nghiệp Chúa đã định cho Mẹ, nên Chúa không tỏ cho Mẹ hết mọi thoả nguyện như lòng Chúa mong muốn.
Mẹ Maria dù đau khô nhưng vân vui lòng đón nhận tất cả. Xin Mẹ cho mỗi người chúng ta biết nhìn lên Mẹ để học gương chịu đón nhận những đau khổ như Mẹ để mai ngày được hưởng Nhan Thánh Chúa
2020
Lễ nhớ Trái Tim Vô Nhiễm Đức Mẹ
Trái Tim Vô Nhiễm Đức Mẹ
lễ nhớ bắt buộc
Ca nhập lễ
Tv 12,6
Lạy Chúa, được Ngài cứu độ,
lòng con sẽ vui mừng.
Con sẽ hát bài ca dâng Chúa
vì phúc lộc Ngài ban.
Lời nguyện nhập lễ
Lạy Thiên Chúa chí thánh, Chúa đã làm cho Trái Tim Ðức Trinh Nữ Ma-ri-a nên cung điện xứng đáng của Chúa Thánh Thần, vì lời Ðức Trinh Nữ chuyển cầu xin thương giúp chúng con cũng trở nên đền thờ Chúa ngự. Chúng con cầu xin …
Bài đọc 1
Is 61,9-11
Tôi mừng rỡ muôn phần nhờ Đức Chúa.
Bài trích sách ngôn sứ I-sai-a.
9 Có lời Đức Chúa phán với dân Người :
“Dòng dõi các ngươi sẽ nức tiếng giữa chư dân,
và giống nòi các ngươi sẽ lừng danh giữa muôn nước.
Tất cả những ai thấy các ngươi sẽ biết rằng
các ngươi là một dòng dõi được Đức Chúa ban phúc lành.
10Tôi mừng rỡ muôn phần nhờ Đức Chúa,
nhờ Thiên Chúa tôi thờ, tôi hớn hở biết bao !
Vì Người mặc cho tôi hồng ân cứu độ,
choàng cho tôi đức chính trực công minh,
như chú rể chỉnh tề khăn áo,
tựa cô dâu lộng lẫy điểm trang.
11Như đất đai làm đâm chồi nẩy lộc,
như vườn tược cho nở hạt sinh mầm,
Đức Chúa là Chúa Thượng cũng sẽ làm trổ hoa công chính,
làm trổi vang lời ca ngợi trước mặt muôn dân.”
Đáp ca
1 Sm 2,1.4-5.6-7.8abcd (Đ. x. 1a)
Đ.Tâm hồn con hỷ hoan vì Chúa, là Đấng cứu độ con.
1Tâm hồn con hoan hỷ vì Chúa,
nhờ Chúa, con ngẩng đầu hiên ngang.
Con mở miệng nhạo báng quân thù :
Vâng, con vui sướng vì được Ngài cứu độ.
Đ.Tâm hồn con hỷ hoan vì Chúa, là Đấng cứu độ con.
4Cung nỏ người hùng bị bẻ tan,
kẻ yếu sức lại trở nên hùng dũng.5Người no phải làm mướn kiếm ăn,
còn kẻ đói được an nhàn thư thái.
Người hiếm hoi thì sinh năm đẻ bảy,
mẹ nhiều con lại ủ rũ héo tàn.
Đ.Tâm hồn con hỷ hoan vì Chúa, là Đấng cứu độ con.
6Chúa là Đấng cầm quyền sinh tử,
đẩy xuống âm phủ rồi lại kéo lên.7Chúa bắt phải nghèo và cho giàu có,
Người hạ xuống thấp, Người cũng nhắc lên cao.
Đ.Tâm hồn con hỷ hoan vì Chúa, là Đấng cứu độ con.
8abcdKẻ mọn hèn, Chúa kéo ra khỏi nơi cát bụi,
ai nghèo túng, Người cất nhắc từ đống phân tro,
đặt ngồi chung với hàng quyền quý,
tặng ngai vinh hiển làm sản nghiệp riêng.
Đ.Tâm hồn con hỷ hoan vì Chúa, là Đấng cứu độ con.
Tung hô Tin Mừng
- Lc 2,19
Ha-lê-lui-a. Ha-lê-lui-a. Đức Trinh Nữ Ma-ri-a thật diễm phúc, vì Mẹ hằng ghi nhớ Lời Thiên Chúa, và suy đi nghĩ lại trong lòng. Ha-lê-lui-a.
Tin Mừng
Lc 2,41-51
Đức Ma-ri-a hằng ghi nhớ tất cả những điều ấy trong lòng.
✠Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Lu-ca.
41 Hằng năm, cha mẹ Đức Giê-su trẩy hội đền Giê-ru-sa-lem mừng lễ Vượt Qua. 42 Khi Người được mười hai tuổi, cả gia đình cùng lên đền, như người ta thường làm trong ngày lễ. 43 Xong kỳ lễ, hai ông bà trở về, còn cậu bé Giê-su thì ở lại Giê-ru-sa-lem, mà cha mẹ chẳng hay biết. 44 Ông bà cứ tưởng là cậu về chung với đoàn lữ hành, nên sau một ngày đường, mới đi tìm kiếm giữa đám bà con và người quen thuộc. 45 Không thấy con đâu, hai ông bà trở lại Giê-ru-sa-lem mà tìm.
46 Sau ba ngày, hai ông bà mới tìm thấy con trong Đền Thờ, đang ngồi giữa các bậc thầy, vừa nghe họ, vừa đặt câu hỏi. 47 Ai nghe cậu nói cũng kinh ngạc về trí thông minh và những lời đối đáp của cậu. 48 Khi thấy con, hai ông bà sửng sốt, và mẹ Người nói với Người : “Con ơi, sao con lại làm cho cha mẹ như thế ? Con thấy không, cha con và mẹ đây đang phải cực lòng tìm con !” 49 Người thưa : “Sao cha mẹ lại tìm con ? Cha mẹ không biết là con có bổn phận ở nhà của Cha con sao ?” 50 Nhưng ông bà không hiểu lời Người vừa nói.
51 Sau đó, Người đi xuống cùng với cha mẹ, trở về Na-da-rét và hằng vâng phục các ngài. Riêng mẹ Người thì hằng ghi nhớ tất cả những điều ấy trong lòng.
Lời nguyện tiến lễ
Lạy Chúa, nhân ngày lễ kính Ðức Trinh Nữ Ma-ri-a, Thánh mẫu của Ðức Kitô, Con Chúa, chúng con dâng tiến Chúa lời cầu nguyện và lễ vật này. Xin Chúa thương chấp nhận, và đưa chúng con đến gần Chúa hơn nữa. Chúng con cầu xin …
Lời Tiền Tụng Ðức Mẹ
Lạy Chúa là Cha chí thánh, là Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, chúng con tạ ơn Chúa mọi nơi mọi lúc, thật là chính đáng, phải đạo và đem lại ơn cứu độ cho chúng con.
Trong ngày lễ nhớ Trái Tim Vô Nhiễm của Ðức Ma-ri-a diễm phúc trọn đời đồng trinh, chúng con cùng ca ngợi, chúc tụng và tung hô Chúa.
Bởi phép Ðức Chúa Thánh Thần, Ðức Maria đã thụ thai Con Một Chúa, và đã chiếu giãi vào thế gian ánh sáng vĩnh cửu là Ðức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng con.
Nhờ Người, các Thiên thần ca ngợi, các Quản thần thờ lạy, các Quyền thần kính sợ uy linh Chúa. Các tầng trời cùng với các đạo binh thiên quốc, cùng với các thần Sốt mến đồng hân hoan chúc tụng Chúa. Xin cho chúng con đồng thanh với các ngài thành khẩn tuyên xưng rằng:
Thánh! Thánh! Thánh! …
Ca hiệp lễ
Lc 2,19
Đức Ma-ri-a hằng ghi nhớ mọi điều ấy
và suy đi nghĩ lại trong lòng.
Lời nguyện hiệp lễ
Lạy Chúa, Chúa vừa cho chúng con tham dự vào mầu nhiệm Thánh Thể, nhân ngày kính nhớ Ðức Trinh Nữ Ma-ri-a, cúi xin Chúa nhận lời chúng con khẩn cầu cho chúng con được đầy tràn ân sủng và được thấm nhuần ơn cứu độ muôn đời. Chúng con cầu xin …
2020
Trái tim không ngủ yên
19.6.2020 Thứ Sáu
Thánh Tâm
Lc 2, 41-52
TRÁI TIM KHÔNG NGỦ YÊN
Thứ Sáu sau lễ Mình Máu Thánh Chúa Kitô, Phụng vụ Giáo hội mời gọi chúng ta cử hành lễ kính Thánh Tâm Chúa Giêsu với lòng biết ơn sâu xa đối với Chúa là Đấng có Trái Tim đầy lòng thương xót đối với tội nhân. Chính Trái Tim Cực Thánh Chúa Giêsu khi còn trên Thánh Giá đã bị đâm thâu vì tội lỗi chúng ta (Ga 19, 31-37). Hôm nay cũng là ngày cầu nguyện cho ơn thánh hóa các linh mục. Chúng ta hãy xin với Chúa Ba Ngôi, cho Giáo hội có thêm nhiều ơn gọi thánh thiện. Đời nọ tới đời kia, Thánh Tâm Chúa vẫn hằng nuôi dưỡng ý định cứu dân Người khỏi tay thần chết và nuôi sống trong cảnh cơ hàn
Giáo Hội mừng kính trọng thể lễ Thánh Tâm Chúa Giêsu, một trái tim con người của Đấng là Con Thiên Chúa, qua đó, Giáo Hội mời gọi con cái mình hướng về Thánh Tâm Chúa Giêsu, để chiêm ngưỡng dấu chỉ tình yêu của Thiên Chúa dành cho nhân loại. Đồng thời, hơn bao giờ hết, chúng ta được mời gọi nhìn ra thế giới để thấy được thực trạng vô cảm đáng báo động của nhân loại hiện nay, từ đó, người Kitô hữu sẽ trở nên chứng nhân của trái Tim nhân hậu Chúa Giêsu trong thế giới hôm nay.
Vì quá yêu thương Thánh Tâm Chúa đã lo lắng, trăn trở vì chúng ta, và Ngài chỉ mong muốn những kẻ tội lỗi sớm quay đầu ăn năn để được ơn cứu độ mà thôi. Trong Cựu Ước Chúa đã dùng miệng ngôn sứ Êgiekiel mà nói rằng: “Ta không muốn kẻ gian ác phải chết , nhưng Ta muốn nó ăn năn và được sống” (Ed 18, 23). Như vậy khi người tội lỗi biết thống hối ăn năn, thì cả triều thần thiên quốc đều hớn hở vui mừng. Điều này nói lên tầm quan trọng của sự sống đời sau: “Được lời lãi cả thế gian mà mất linh hồn thì nào được ích chi.”
Trái tim của Chúa Giêsu đã không dửng dưng đối với những người đang khao khát Lời Chân Lý, thế nên, Ngài đã lên tiếng giảng dạy họ (Mt 5, 1-12). Ngài cũng không thể không rung động trước sự đói khát của đám dân bần hàn, nên đã hóa bánh ra nhiều để nuôi dân chúng (Mc 8,1-10). Ngài cũng không thể ngoảnh mặt làm ngơ trước cảnh đám đông đem chôn một người con trai duy nhất của bà hóa thành Naim, vì thế, Ngài đã cho anh ta sống lại (Lc 7,11-17). Ngài cũng đã rơi lệ khi thấy Mátta và Maria khóc thương Lazarô chết (Ga 11,1-45).
Hơn nữa, trái tim của Chúa Giêsu luôn hướng tới những người tội lỗi để xót thương họ. Điều này đã được chính Chúa Giêsu minh định: “Người khoẻ mạnh không cần thầy thuốc, người đau ốm mới cần. Tôi không đến để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi” (Mc 2,17). Thế nên, chúng ta không lạ gì khi Chúa Giêsu thể hiện hành động cảm thông cho người phụ nữ ngoại tình và nói: “Tôi không kết án chị đâu” . Ngài muốn cho chị có cơ hội làm lại cuộc đời “chị hãy về và từ nay đừng phạm tội nữa” (Ga 8,11). Hay với Giakêu và Mátthêu, hai ông bị liệt vào tội bán nước hại dân ngang hàng với gái điếm, ấy vậy mà trái tim của Ngài đã đoái thương, nên đã chọn và gọi họ làm môn đệ.
Nguyên nhân chính yếu dẫn đến sự vô cảm, dửng dưng này chính là con người đã không cảm nghiệm được lòng thương xót, nhân hậu của Thiên Chúa trên cuộc đời của mình, từ đó, họ cũng không biết xót thương ai…
Chúa muốn chúng ta thực hiện hôm nay là phải luôn ý thức rằng Thánh Tâm Chúa Giêsu hằng yêu thương chúng ta bằng một tình yêu vô bờ bến. Bởi thế, chúng ta phải biết trân trọng tình thương của Ngài mà sống một cuộc sống đúng với tâm tình con thảo. Và nhờ đó chúng ta được có sự sống đời đời, để công trình cứu chuộc của Ngài không trở thành vô ích nơi chúng ta.
Là môn đệ của Thánh Tâm Chúa Giêsu không thể đứng chỉ tay năm ngón, hay dửng dưng không can hệ đến nỗi đau khổ của con người, hoặc coi thường khinh bỉ những người tội lỗi. Không bao giờ chúng ta được phép tự cho mình có những hành vi ấy, mà ngược lại, phải hiểu rằng: “Vui mừng và hy vọng, ưu tư và lo âu của con người ngày nay, nhất là của người nghèo và những người đau khổ, cũng là vui mừng và hy vọng, ưu tư và lo âu của cộng đồng môn đệ Đức Kitô”
Được Chúa xót thương tìm kiếm và tha thứ, được Chúa thông cảm và yêu thương, chúng cần phải mang trái tim của Chúa, biết chạnh thương với anh chị em chung quanh. Đừng bao giờ cố tình hay quá vô tình hắt hủi, xua đuổi, hoặc vì quá khắt khe, nghi kị, thiếu cảm thông khiến cho anh em mình phải xa đàn đến độ lạc đàn bỏ Chúa, bỏ Giáo hội. Hãy dùng ngôn ngữ và hành động do sự thúc đẩy của trái tim yêu thương để đối xử với nhau trong gia đình, với xóm giềng. Đừng để trái tim của mình trở lên lạnh lùng vô cảm hoặc khô cứng trước những nỗi đau của anh chị em.
Hôm nay cũng là ngày thế giới xin ơn thánh hóa các linh mục. Ảnh hưởng của vật chất, khoa học công nghệ, đã biến một số linh mục trở nên như những người máy, vô hồn, vô cảm. Nếp sống tiêu cực của xã hội cũng đang ảnh hưởng trên các linh mục, khiến cho một số linh mục không còn là hình ảnh rõ nét của Thánh Tâm Chúa Giêsu. Ta cầu nguyện thật nhiều cho các linh mục luôn biết để cho Chúa Giêsu huấn luyện, uốn nắn để các ngài trở nên giống Chúa Giêsu mục tử hơn. Xin cho các linh mục có được trái tim, đôi mắt và tâm hồn chạnh thương của Chúa, để các Ngài không mệt mỏi yêu thương, phục vụ và tìm kiếm dân Chúa. Amen.