2023
Bức Tượng ”Đức Mẹ Đen”
Bức Tượng ”Đức Mẹ Đen”
Câu chuyện xảy ra tại thành phố Hal nằm dọc theo kênh đào Charleroi. Hal chỉ cách Bruxelles – thủ đô vương quốc Bỉ– khoảng vài cây số. Tại đây có nhà thờ Công Giáo kiểu gô-tích tôn kính bức tượng ”Đức Mẹ Đen”. Bức tượng tạc từ thế kỷ XIII và nổi tiếng vì làm nhiều phép lạ.
Tại thành phố Hal cạnh con kênh Charleroi đã xảy ra tai nạn thảm thương. Một bà mẹ góa sống với đứa con trai duy nhất. Một ngày, cậu bé chơi với bạn cạnh con kênh. Không hiểu hai cậu bé rượt đuổi nhau thế nào mà cậu trai con bà góa trượt chân rớt xuống kênh. Cậu bạn hoảng hốt chỉ biết gào lên kêu cấp cứu. Bà mẹ càng hoảng hốt hơn và cũng chỉ biết hét lên những lời kêu cứu thảm thiết.
May mắn vào ngay lúc đó có một thanh niên đi về hướng này. Nghe tiếng kêu chàng đoán ngay sự việc. Chàng tức tốc nhảy xuống kênh và lặn sâu dưới dòng nước. Mấy phút sau chàng vớt được cậu bé và mang lên bờ, trước đôi mắt đẫm lệ của bà mẹ. Người ta xúm lại cấp cứu cậu bé. Cậu từ từ hồi tỉnh. Cậu thoát chết nhờ hành động mau mắn và dũng cảm của người thanh niên lạ mặt.
Trước công ơn to tát như thế, làm sao cám ơn cho đủ người đã cứu mạng sống con mình? Bà mẹ góa lại quá nghèo! Nghĩ lui nghĩ tới bà thấy không gì quý hơn là tặng chàng trai, ảnh đeo có hình Đức Mẹ Đen của nhà thờ gô-tích thành phố Hal. Bà đưa tặng chàng và nói:
– Chắc chắn Đức Mẹ MARIA nghe lời tôi cầu cứu nên đưa đẩy cậu đến và cứu vớt kịp thời con trai tôi bị nạn.
Chàng thanh niên lúng túng trả lời:
– Tôi không biết là có đúng như thế không, bởi vì, thú thật với bà, tôi là người không tin!
Tuy nói thế nhưng trước cái nhìn khẩn thiết của bà mẹ chàng chấp nhận ảnh thánh Đức Mẹ MARIA. Chàng cũng hứa sẽ mang ảnh như lời bà xin để ghi nhớ cuộc gặp gỡ với cậu bé con bà ..
Gần mấy chục năm trôi qua .. chàng thanh niên dũng cảm năm xưa, nay là người đàn ông lớn tuổi. Ông bị bệnh nặng và được điều trị tại một nhà thương bên Thụy Sĩ. Nhà thương do các nữ tu điều khiển. Cùng vào thời kỳ đó, tại vùng này, có vị Linh Mục người Bỉ về đây nghỉ ngơi.
Thỉnh thoảng Cha đến thăm viếng các bệnh nhân theo lời xin của các nữ tu. Một ngày, Cha đang trên đường gần nhà thương thì thấy một nữ tu chạy đến xin Cha tới giúp một bệnh nhân đang hấp hối. Chị nói:
– Xin Cha đến mau! Ông ta đang mê sảng!
Khi vị Linh Mục đến bên giường, Cha hiểu rằng người bệnh nói tiếng Flamand. Ông muốn bịt tai và xua đuổi tất cả những gì có liên hệ đến tôn giáo. Bằng tiếng Flamand vị Linh Mục nói vào tai người bệnh:
– Xin ông an tâm, không ai dám làm trái ý ông! Chúng tôi chỉ cầu nguyện cho ông thôi!
Nói xong vị Linh Mục thoáng thấy nơi cổ bệnh nhân có lấp lánh ảnh đeo Đức Mẹ MARIA. Không giữ được bình tĩnh Cha ngạc nhiên nói:
– Ông mang một ảnh đẹp như vậy mà ông lại không muốn tôi nói với ông về Đức Chúa GIÊSU KITÔ và về Đức MARIA, Mẹ của Ngài và cũng là Mẹ của chúng ta sao?
Người hấp hối bỗng chốc như hồi tỉnh. Bằng từng câu rời rạc, ông kể lại câu chuyện vớt một cậu bé và lời hứa với bà mẹ cậu bé, là sẽ mang ảnh Đức Mẹ MARIA suốt đời, để ghi dấu cuộc gặp gỡ. Và ông đã giữ lời hứa.
Vị Linh Mục thật cảm động. Ngài cúi xuống cầm tay người bệnh và nói:
– Chú bé mà ông cứu sống chính là tôi! Mẹ tôi vẫn kể lại câu chuyện ấy và nhắc tôi nhớ đến ông luôn. Chúng tôi suốt đời ghi ơn ông .. Và ông không thấy là chính Đức Mẹ MARIA đưa tôi đến đây gặp lại ông để giúp ông trong giây phút trọng đại cuối đời sao?
Người bệnh cũng cảm động không kém vị Linh Mục. Ông bỗng trở nên an bình hơn. Ông chấp nhận xưng tội và xin rước Mình Thánh Đức Chúa GIÊSU làm của ăn đàng. Sau đó, ông nhắm mắt an nghỉ trong vòng tay trìu mến ghi ơn của vị Linh Mục.
(Albert Pfleger, ”FIORETTI DE LA VIERGE MARIE”, Mambré Éditeur 1992, trang 57-58)
2023
Để nuôi dưỡng đức tin của con cái
Để nuôi dưỡng đức tin của con cái
Đức tin là một phần quan trọng trong cuộc hành trình tâm linh của chúng ta trên trái đất này để đạt tới quê hương vĩnh cửu. Theo Sách Giáo lý của Giáo hội Công giáo, Đức tin là sự đáp trả của chúng ta đối với Thiên Chúa, Đấng tỏ mình ra và hiến mình cho chúng ta, đồng thời Đức tin mang lại ánh sáng dồi dào giúp chúng ta tìm kiếm ý nghĩa tối hậu của cuộc đời mình. Hơn nữa, Đức tin không chỉ đơn thuần là tin một cách lý thuyết rằng Thiên Chúa là Đấng sáng tạo, là Chủ nhân và là Vua của chúng ta, mà còn đòi hỏi chúng ta thể hiện Đức tin trong cuộc sống qua những lựa chọn hàng ngày để trung thành làm theo ý Chúa và hướng tới cứu cánh của cuộc đời của chúng ta.
Do đó, là bậc cha mẹ, chúng ta có trách nhiệm chia sẻ đức tin của mình cho con cái và dạy dỗ chúng theo đường lối của Thiên Chúa. Nói cách khác, một phần của việc trở thành cha mẹ Công giáo tốt liên quan đến việc vun trồng và nuôi dưỡng đức tin của con cái.
Nhưng liệu chúng ta thực hiện việc này như thế nào?
Dưới đây là một vài gợi ý:
1. Đọc những câu chuyện trong Kinh Thánh
Lời Chúa là nguồn khôn ngoan tốt lành để đào sâu sự hiểu biết của con cái về đức tin. Hãy biến việc đọc Kinh thánh thành một phần trong các hoạt động của trẻ. Có vô số câu chuyện trong Kinh Thánh về những người đã vượt qua những thử thách lớn bằng đức tin. Chẳng hạn, trong Cựu ước, có thể kể đến câu chuyện về Đavít và Gôliát. Trong 1Sm 17 cho thấy Đavít, dù là một cậu bé nhưng đã trở thành nhà vô địch khi đánh bại tên không lồ Gôliát của dân Philitin. Cậu bé Đavít đã chiến thắng Gôliát bằng một chiếc ná với vài cục đá nhờ vào niềm tin kiên định vào Thiên Chúa.
Trong Tân Ước, câu chuyện Chúa Giêsu dẹp tan cơn bão khi đang ở trên thuyền với các tông đồ, như được tường thuật trong Tin Mừng Mt 8, 23-27. Câu chuyện này là một lời nhắc nhở tuyệt vời về sự quyền năng của Thiên Chúa, không có gì là không thể đối với Thiên Chúa, và Ngài là chủ tể mọi sự, ngay cả sức mạnh tự nhiên.
Tin Mừng Mt 9, 20-22 cũng kể về một người đàn bà bị băng huyết đã 12 năm, nhưng nhờ đức tin mạnh mẽ, bà đã được Chúa Giêsu chữa lành chỉ bằng cách chạm vào áo choàng của Người.
Từng bước một, chúng ta hãy để cho trẻ tưởng tượng chính mình đang trò chuyện với Chúa Giêsu trong một số sự kiện nhất định trong Phúc âm hoặc sau khi đọc một đoạn Phúc âm nào đó.
Ngoài Kinh thánh, còn có những câu chuyện về Hạnh các Thánh cũng là nguồn phong phú giúp trẻ dần trải nghiệm sự lớn mạnh của Đức tin và đời sống thánh thiện.
2. Chia sẻ những trải nghiệm cá nhân
Cha mẹ có thể dạy con cái tốt nhất bằng cách làm gương. Đừng chỉ dừng lại ở việc đọc những câu chuyện về đức tin, hãy chia sẻ những kinh nghiệm cá nhân trong đó đức tin của chúng ta được thử thách và củng cố như thế nào. Chẳng hạn như, khi còn trẻ, kinh nghiệm sớm nhất của chúng ta về việc đức tin của mình bị thử thách là gì? Chúng ta trau dồi đức tin cá nhân của mình như thế nào?
Trong thực tế, chúng ta cần phải là những tấm gương sống động về đức tin cho trẻ và một cách để làm điều này là trung thành sống theo các mệnh lệnh của Thiên Chúa.
3. Cầu nguyện mỗi ngày
Cầu nguyện là một phần quan trọng trong hành trình đức tin của chúng ta. Cách tốt nhất để dạy con bạn cách cầu nguyện là cầu nguyện với chúng.
Trong thư 1 Tx 5, 17, chúng ta được thánh Phaolo nhắc nhở phải “Cầu nguyện không ngừng”. Chúng ta cần dạy trẻ rằng, cầu nguyện không chỉ là cầu xin Chúa ban cho chúng ta điều chúng ta muốn. Nhưng còn là mở rộng tâm hồn ra với Ngài, luôn biết ơn đối với các ơn lành mà chúng ta đã nhận được, và đơn sơ bày tỏ những mối quan tâm dù là đơn sơ, nhỏ bé nhất của mình với Cha trên trời.
Hãy dạy trẻ rằng Thiên Chúa của chúng ta là Thiên Chúa hằng sống. Ngài quan tâm đến chúng ta và muốn chúng ta ngày càng đến gần Ngài hơn. Giống như việc cần thường xuyên giữ liên lạc với những người thân yêu của mình, chúng ta cũng cần thường xuyên liên lạc với Thiên Chúa, và chúng ta chỉ có thể làm được điều này nếu biết dành đủ thời gian cho việc cầu nguyện.
4. Hỗ trợ ước mơ của trẻ
Mỗi đứa trẻ đều có những ước mơ và với tư cách là cha mẹ và người giám hộ, chúng ta có trách nhiệm hỗ trợ những ước mơ đó. Khi khuyến khích ước mơ của trẻ, chúng ta đang cho chúng một minh chứng đơn giản về ý nghĩa của việc tin tưởng. Đồng thời, chúng ta cũng đừng quên nhắc nhở trẻ rằng các phúc lành và cơ hội đến từ Thiên Chúa, nên cùng với sự tin tưởng, cần có sự khiêm tốn và biết ơn.
5. Suy gẫm những câu Kinh Thánh
Chúng ta có thể nuôi dưỡng đức tin của trẻ bằng cách tập cho chúng suy ngẫm những câu Kinh Thánh. Một cách cụ thể, chúng ta khuyến khích trẻ tập thói quen đọc và suy ngẫm các câu Kinh Thánh khoảng vài phút mỗi ngày sau khi thức dậy hoặc trước khi đi ngủ.
Dưới đây là một và câu Kinh Thánh về đức tin để giúp chúng ta bắt đầu:
– “Vì thế, Thầy nói với anh em: tất cả những gì anh em cầu nguyện và xin, anh em cứ tin là mình đã được rồi, thì sẽ được như ý” (Mc 11, 24)
– “Xin Thiên Chúa là nguồn hy vọng, ban cho anh em được chan chứa niềm vui và bình an nhờ đức tin, để nhờ quyền năng của Thánh Thần, anh em được tràn trề hy vọng” (Rm 15, 13)
– “Nhưng người ấy phải cầu xin với lòng tin không chút do dự, vì kẻ do dự thì giống như sóng biển bị gió đẩy lên vật xuống” (Gc 1, 6)
Trên hành trình đức tin, chúng ta hãy kiên nhẫn hướng dẫn, đồng hành và nâng đỡ đỡ trẻ, như lời dạy khôn ngoan của sách Châm ngôn:
“Hãy dạy đứa trẻ đi con đường nó phải đi,
để đến tuổi già, nó vẫn không lìa bỏ”. (Cn 22, 6)
Nt. Anna Ngọc Diệp, OP
Dòng Đa Minh Thánh Tâm
Tác giả: Nt. Anna Ngọc Diệp, OP (Chuyển ngữ)
Nguồn tin: Daily bread.com
2023
Lời chứng về Chúa
23.3 Thứ Năm Thứ Năm trong tuần thứ Tư Mùa Chay
Xh 32:7-14; Tv 106:19-20,21-22,23; Ga 5:31-47
Lời chứng về Chúa
Sau khi Chúa Giêsu chữa lành một người trong ngày Sabát, những người Pharisêu chất vấn Ngài về thẩm quyền thần linh của Ngài và việc Ngài tự xưng mình là Con Thiên Chúa. Trả lời cho họ, Chúa Giêsu nêu lên các chứng cứ cụ thể và rõ ràng để làm chứng cho Ngài.
Lời chứng thứ nhất là lời chứng của Gioan Tẩy giả. Ông là ngọn đèn cháy sáng, ông làm chứng về ánh sáng thật là Chúa Giêsu (x.Ga 1,8-9). Ông đã công khai giới thiệu Chúa Giêsu là đấng Thiên Sai khi Thánh Thần ngự xuống trên Ngài : “Đây tôi đã thấy và làm chứng rằng Người là Con Thiên Chúa” (Ga 1,34). Nhưng người Pharisêu đã không đón nhận lời chứng ấy. Lẽ ra họ phải lấy làm lạ khi một người vĩ đại và thánh thiện như Gioan lại làm chứng rằng Chúa Giêsu là Đấng Kitô. Chúa Giêsu nhắc nhở họ về sự nghịch lý này : Dường như những người Pharisêu đều cho rằng ông Gioan là một ngôn sứ, nhưng họ lại không tin vào lời sấm quan trọng nhất của ông !
Lời chứng thứ hai là những công việc Chúa Cha giao mà Chúa Giêsu đã hoàn thành. Chúa nói : “Chính những việc tôi làm đó làm chứng cho tôi”. Những việc Ngài làm, không chỉ về chính Ngài, nhưng chỉ về quyền năng của Thiên Chúa hoạt động trong và qua Ngài. Lẽ ra người Pharisêu phải suy nghĩ khi thấy đám đông dân chúng lũ lượt tìm kiếm Ngài. Lẽ ra ra người Pharisêu phải thắc mắc khi thấy những người tội lỗi đã thay đổi đời sống và đi theo Ngài rất đông.
Lời chứng cuối cùng là lời chứng của Chúa Cha. Chúa Giêsu nói : “Cha tôi, Đấng đã sai tôi, cũng đã làm chứng về tôi”. Chúa Cha làm chứng bằng những lời của Người trong Kinh Thánh (c.39). Nhưng họ không giữ lời Chúa Cha ở trong lòng, nên chẳng tin, cũng chẳng muốn đến với Đấng được Chúa Cha sai (c.38. 40).
Sau những lời chứng biện hộ của Chúa Giêsu, ta thấy khung cảnh như đảo ngược lại. Chúa Giêsu, người bị chất vấn buộc tội nay trở thành Đấng cáo tội : “Các ông không có lòng yêu mến Thiên Chúa. Tôi đã đến nhân danh Cha Tôi, nhưng các ông không đón nhận. Nếu có ai khác nhân danh mình mà đến, thì các ông lại đón nhận.” Người bị đưa ra trước toà giờ đây lại trở thành thẩm phán chất vấn lại chính những người đã đưa mình ra toà : “Các ông tôn vinh lẫn nhau và không tìm kiếm vinh quang phát xuất từ Thiên Chúa duy nhất, thì làm sao các ông có thể tin được ?”
Có nhiều chứng từ về Chúa Giêsu. Nhưng có ít người tin vào Ngài. Trước khi chúng ta đứng lên phán xét sự vô tín của người đời, có lẽ chúng ta nên kiểm điểm chính mình. Ngoài những chứng từ vào thời Chúa Giêsu, chúng ta còn có Tân Ước, có hơn hai ngàn năm lịch sử Kitô giáo, có chứng từ của một Hội Thánh sống động trong ân sủng Chúa Thánh Thần, có chứng từ của những con người thánh thiện qua mọi thế hệ vẫn nỗ lực phác họa hình ảnh Thiên Chúa nơi chính đời sống của mình. Thế nhưng, chúng ta vẫn không nhận ra hình ảnh của Chúa Giêsu nơi tâm hồn chúng ta và nơi những người chung quanh. Biết bao lần chúng ta suy nghĩ và hành động như thể Chúa Giêsu vắng mặt, như thể Ngài chẳng liên quan gì đến cuộc sống của chúng ta.
Lời cáo tội của Chúa Giêsu đối với những người Pharisêu cũng có thể dành cho chúng ta: Khi chúng ta không tìm vinh quang Thiên Chúa mà chỉ đi tìm hư danh cho bản thân mình. Khi chúng ta sống đạo chỉ nhắm đến tôn vinh mình mà không thực tâm mến Chúa. Khi chúng ta tôn vinh những gì thuộc về trần thế và bám vào nó như là cứu cánh. Khi chúng ta không thoát khỏi những thành kiến để đón nhận lấy sự thật. Khi chúng ta không dám ra khỏi những ích kỷ để tin vào tình yêu Thiên Chúa, để ra khỏi cái tôi chật hẹp để sống cho tha nhân. Lời mời gọi của Chúa Giêsu : “Hãy tin vào Ngài, Đấng được Cha sai” đang là lời mời gọi thúc bách mỗi tín hữu. Hãy đến với Ngài để được sống và sống tròn đầy.
Qua Kinh thánh, Chúa Cha cũng làm chứng cho Chúa Con một cách đặc biệt. Đây là một chứng từ có tính cách trực tiếp và có giá trị đối với người Do Thái, vì mọi người Do Thái đều công nhận Kinh thánh là lời của Thiên Chúa .
Trong khi toàn bộ Kinh thánh Cựu ước đều loan báo về sự xuất hiện của Đấng Cứu thế, nhưng vì thiếu đức tin và lòng đạo đức chân thành, các người Do Thái đã không thực sự nhìn thấy Thiên Chúa và lắng nghe lời Ngài qua khuôn mặt và lời nói của Chúa Giêsu và do đó không đón nhận Ngài như Đấng được Thiên Chúa sai đến. Và không phải Chúa Giêsu là người sẽ tố cáo họ về tội bất trung này, nhưng là chính Mô sê. Bởi vì qua lề luật, Môsê đã nói về Đấng Mêsia tức là về Chúa Giêsu, vậy mà về điểm căn bản này, họ cũng đã từ chối không chịu tin theo lời dạy bảo của ông.
Như vậy, điều cốt yếu để được cứu độ là tin vào Chúa Giêsu nhận ra hình ảnh và lời nói của Chúa Cha nơi Ngài. Có tin vào Chúa Giêsu, lời Thiên Chúa mới ở trong chúng ta. Trong Mùa chay này, chúng ta hãy để cho Lời Chúa lưu lại trong chúng ta bằng cách năng suy gẫm Lời Chúa, để giữa cuộc sống của chúng ta và Lời Chúa biểu lộ khuôn mặt, tinh thần và tình yêu của Thiên Chúa cho mọi người. Chúng ta hãy xin Chúa ban cho chúng ta một tình yêu nồng nàn để có thể nhận ra và lắng nghe được tiếng nói của Chúa và luôn sống trong đường lối của Ngài.
2023
Thứ năm tuần IV mùa chay
Thứ năm tuần IV mùa chay
Ca nhập lễ
Tâm hồn những ai tìm Chúa hãy vui mừng. Hãy tìm kiếm Chúa thì sẽ được sức mạnh, hãy luôn luôn tìm kiếm thánh nhan Chúa.
Lời nguyện nhập lễ
Lạy Chúa, nhờ ơn Chúa giúp chúng con mới biết hy sinh hãm mình, để tránh xa tội lỗi đồng thời biết thi hành bác ái, để thánh hoá xác hồn. Xin cho chúng con được trung thành giữ điều răn Chúa và trở nên người mới hầu xứng đáng mừng lễ Vượt Qua. Chúng con cầu xin…
Bài Ðọc I: Xh 32, 7-14
“Xin Chúa tỏ lòng khoan dung đối với tội lỗi dân Chúa”.
Trích sách Xuất Hành.
Trong những ngày ấy, Chúa phán cùng Môsê rằng: “Ngươi hãy đi xuống; dân mà ngươi dẫn ra khỏi đất Ai-cập đã phạm tội. Chúng đã sớm bỏ đường lối Ta đã chỉ dạy cho chúng, chúng đã đúc tượng bò con và sấp mình thờ lạy nó; chúng đã dâng lên nó của lễ hiến tế và nói rằng: “Hỡi Israel, này là Thiên Chúa ngươi, Ðấng đã đưa ngươi ra khỏi đất Ai-cập”. Chúa phán cùng Môsê: “Ta thấy rõ dân này là một dân cứng cổ. Ngươi hãy để Ta làm, Ta sẽ nổi cơn thịnh nộ với chúng và sẽ huỷ diệt chúng, rồi Ta sẽ làm cho ngươi trở nên tổ phụ một dân tộc vĩ đại”.
Môsê van xin Chúa là Thiên Chúa của ông rằng: “Lạy Chúa, tại sao Chúa nổi cơn thịnh nộ với dân mà Chúa đã dùng quyền lực và cánh tay hùng mạnh đưa ra khỏi đất Ai-cập? Xin Chúa đừng để cho người Ai-cập nói rằng: “Người đã khéo dẫn họ đến đây, để giết họ trên núi và huỷ diệt họ khỏi mặt đất”. Xin Chúa nguôi cơn giận và tỏ lòng khoan dung đối với tội lỗi dân Chúa. Xin Chúa nhớ đến Abraham, Isaac, và Israel tôi tớ Chúa, vì chính Chúa đã thề hứa rằng: “Ta sẽ làm cho con cháu các ngươi sinh sản ra nhiều như sao trên trời, Ta sẽ ban cho con cháu các ngươi toàn cõi xứ này như lời Ta đã hứa, và các ngươi sẽ chiếm hữu xứ này mãi mãi”. Chúa đã nguôi cơn giận, không thực hiện điều dữ mà Người đe doạ phạt dân Người.
Ðó là lời Chúa.
Ðáp Ca: Tv 105, 19-20. 21-22. 23
Ðáp: Lạy Chúa, xin nhớ chúng con khi gia ân huệ cho dân Ngài
Xướng: Họ đã đúc con bò tại Horeb, và lễ bái thần tượng đã đúc bằng vàng. Họ đem vinh quang của mình đánh đổi lấy hình tượng con bò ăn cỏ.
Xướng: Họ đã quên Thiên Chúa là Ðấng cứu độ mình, Ðấng đã làm những điều trọng đại bên Ai-cập, Ðấng đã làm những điều kỳ diệu trên lãnh thổ họ Cam, và những điều kinh ngạc nơi Biển Ðỏ.
Xướng: Chúa đã nghĩ tới chuyện tiêu diệt họ cho rồi, nếu như Môsê là người Chúa chọn, không đứng ra cầu khẩn với Ngài, để Ngài nguôi giận và đừng tiêu diệt họ.
Câu Xướng Trước Phúc Âm
Chúa phán: “Ta không muốn kẻ gian ác phải chết, nhưng muốn nó ăn năn sám hối và được sống”.
PHÚC ÂM: Ga 5, 31-47
“Có người tố cáo các ngươi, đó là Môsê, người mà các ngươi vẫn tin tưởng”.
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.
Khi ấy, Chúa Giêsu nói với dân Do-thái rằng: “Nếu chính Ta làm chứng về Mình, thì chứng của Ta sẽ không xác thực. Có một Ðấng khác làm chứng về Ta, và Ta biết chứng Người làm về Ta thì xác thực. Các ngươi đã sai người đi hỏi Gioan, và Gioan đã làm chứng cho sự thật. Phần Ta, Ta không cần chứng của loài người, nhưng Ta nói những điều này để các ngươi được cứu thoát. Gioan là cây đèn cháy sáng. Các ngươi cũng muốn vui hưởng ánh sáng đó một thời gian. Nhưng Ta có một bằng chứng hơn chứng của Gioan: vì công việc Chúa Cha đã giao cho Ta hoàn thành, là chính công việc Ta đang làm. Các việc đó làm chứng về Ta rằng Chúa Cha đã sai Ta. Và Chúa Cha, Ðấng đã sai Ta, chính Người cũng làm chứng về Ta. Nhưng chưa bao giờ các ngươi được nghe tiếng Người, chưa bao giờ nhìn thấy mặt Người, và lời Người, các ngươi cũng chẳng giữ lại được, vì các ngươi không tin Ðấng Người đã sai đến. Các ngươi tra cứu Sách Thánh, vì tưởng rằng trong đó các ngươi sẽ tìm thấy sự sống muôn đời; chính Sách Thánh lại làm chứng về Ta, vậy mà các ngươi vẫn không chịu đến với Ta để được sống.
Ta không tìm vinh quang nơi loài người. Nhưng Ta biết các ngươi không có lòng yêu mến Thiên Chúa. Ta đến nhân danh Chúa Cha, nhưng các ngươi không chịu đón nhận. Nếu có một người nào khác nhân danh mình mà đến, các ngươi sẽ đón nhận nó. Các ngươi là những người nhận vinh quang lẫn nhau mà không tìm vinh quang do một Thiên Chúa, thì làm sao các ngươi có thể tin được? Các ngươi đừng tưởng rằng Ta sẽ tố cáo các ngươi với Chúa Cha. Kẻ tố cáo các ngươi là Môsê, tức là người mà các ngươi vẫn tin tưởng. Vì nếu các ngươi tin Môsê, thì có lẽ các ngươi cũng đã tin Ta, bởi vì chính Môsê đã viết về Ta. Nhưng mà nếu các ngươi không tin điều Môsê đã viết, thì làm sao các ngươi tin lời Ta được?”
Ðó là lời Chúa.
Lời nguyện tiến lễ
Lạy Thiên Chúa toàn năng, xin cho lễ tế này nâng đỡ đức tin yếu hèn của chúng con, giúp chúng con vững bước trên con đường công chính. Chúng con cầu xin…
Lời Tiền Tụng
Lạy Chúa là Cha chí thánh, là Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, chúng con tạ ơn Chúa mọi nơi mọi lúc, thật là chính đáng, phải đạo và đem lại ơn cứu độ cho chúng con.
Chúa đã muốn chúng con dùng việc hãm mình mà tạ ơn Chúa, để nhờ đó, chúng con là những người tội lỗi, giảm bớt được tính kiêu căng, và khi giúp nuôi dưỡng những kẻ túng thiếu, chúng con trở nên những người biết noi theo lòng nhân hậu của Chúa.
Vì thế, cùng với vô số thiên thần, chúng con đồng thanh tôn vinh Chúa mà ca tụng rằng:
Thánh! Thánh! Thánh!…
Ca hiệp lễ
Chúa phán: Ta sẽ đặt lề luật Ta trong đáy lòng chúng, và sẽ ghi nó trong tâm hồn chúng, Ta sẽ là Chúa của chúng, và chúng sẽ là dân Ta.
Lời nguyện hiệp lễ
Lạy Chúa, chúng con vừa được phúc chia sẻ bánh bởi trời; xin giải thoát chúng con khỏi vòng tội lỗi, để từ đây không còn bị lương tâm cắn rứt, chúng con vui mừng hưởng ân huệ dồi dào Chúa ban. Chúng con cầu xin…