2020
Tình trạnh bách hại người Công Giáo gia tăng tại Bosnia và Herzegovina
Tình trạnh bách hại người Công Giáo gia tăng tại Bosnia và Herzegovina
Bosnia và Herzegovina đã từ lâu không được nhắc đến trên báo chí. Chính thức, cuộc nội chiến tàn bạo ở Nam Tư cũ đã kết thúc với Hiệp định Dayton năm 1995. Tuy nhiên, những vết thương của chiến tranh vẫn còn tiếp tục rỉ máu – đặc biệt là trong sự phân biệt đối xử đối với người Công Giáo. Khi cuộc xung đột đang diễn ra, ít nhất nửa triệu người Công Giáo đã bị xua đuổi khỏi quốc gia này.
Bosnia-Herzegovina ngày nay được chia thành ba nhóm dân tộc: Bosnia, Serb và Croats. Mặc dù trên giấy tờ họ được xem là bình đẳng, nhưng trong thực tế sự thất vọng được nhân lên bội phần vì đại dịch coronavirus kinh hoàng đang thúc đẩy các lực lượng ly tâm nguy hiểm: Người Bosnia Hồi giáo đang ngày càng hướng về Thổ Nhĩ Kỳ và thế giới Hồi giáo; đa số người Serb theo Chính Thống Giáo thì hướng về Nga, trong khi người Công Giáo, là nhóm nhỏ nhất đang nghiêng về Liên Hiệp Âu Châu. Một cuộc xung đột nội bộ đang gia tăng có nguy cơ ảnh hưởng tai hại đến tương lai của đất nước và làm phức tạp thêm việc gia nhập vào Liên Hiệp Âu Châu.
Đức Hồng Y Vinko Puljic, là tổng giám mục Vrhbosna, đã báo động về số phận của người Công Giáo trong nước, phần lớn là người Croatia. Khoảng 10, 000 người Công Giáo đang phải di tản ra nước ngoài mỗi năm.
Đức Hồng Y cho biết trong chiến tranh và ngay sau đó, hầu hết người Công Giáo bị trục xuất khỏi nhà cửa của họ và có rất nhiều những vụ phá hoại và cướp bóc đã xảy ra. Sau chiến tranh, họ không nhận được sự hỗ trợ về mặt chính trị hay tài chính để quay trở lại. Các điều khoản của hiệp định Dayton đã không được thực hiện trong thực tế, và những người phải chịu đựng nhiều nhất là những người Công Giáo Croatia thiểu số. Họ gặp nhiều khó khăn để bảo vệ các quyền cơ bản của mình. Hiện nay tình trạng mất an ninh ngày càng đáng báo động, một số người Công Giáo Croatia đã phải rời khỏi đất nước vì lý do này. Họ quan tâm đến tương lai của con cái họ.
Đức Hồng Y cho tổ chức Trợ Giúp Các Giáo Hội Đau Khổ biết:
“Giáo hội ở Bosnia và Herzegovina đang cố gắng hoạt động như thể mọi thứ đều bình thường; chúng tôi đang cố gắng mang lại cảm giác tự tin và hy vọng cho tương lai. Điều này đang được thực hiện thông qua công việc mục vụ và bác ái của chúng tôi và cũng thông qua hệ thống trường học của chúng tôi. Chúng ta phải là muối đất trong tình huống bi thảm này và tiếp tục đứng thẳng lên trong các vấn đề về nhân quyền.”
Đặng Tự Do
2020
ĐTC bổ nhiệm hai phụ nữ cho Cơ quan Thông tin Tài chính và Thư viện Vatican
ĐTC bổ nhiệm hai phụ nữ cho Cơ quan Thông tin Tài chính và Thư viện Vatican
Sáng thứ Sáu 12/6, Đức Thánh Cha đã bổ nhiệm nữ tiến sĩ Antonella Sciarrone Alibrandi, Phó hiệu trưởng trường Đại học Công giáo Thánh Tâm là thành viên của Cơ quan Thông tin Tài chính (AIF); và nữ tiến sĩ Raffaella Vincenti vào vị trí đứng đầu Thư viện Vatican.
Như vậy, sau bổ nhiệm đầu tiên (15/01/2020) nữ tiến sĩ Francesca Di Giovanni làm Thứ trưởng ngoại giao Tòa Thánh phụ trách về các quan hệ đa phương, nay Đức Thánh Cha tiếp tục bổ nhiệm hai phụ nữ vào hai vị trí quan trọng khác của Vatican.
Nữ tiến sĩ Antonella Sciarrone Alibrandi
Bà Antonella Sciarrone Alibrandi tốt nghiệp chuyên ngành luật năm 1987. Bà từng là giảng viên Luật Kinh tế của Khoa khoa học Ngân hàng Tài Chính và Bảo hiểm Công giáo, thành viên của Luật sư đoàn Milan, chủ tịch Hiệp hội các giảng viên Luật Kinh tế và thành viên của Liên minh các Luật gia Công giáo. Nữ tiến sĩ được Bộ Đại học và Nghiên cứu và Liên minh châu Âu tài trợ cho các nghiên cứu trong các lĩnh vực: điều hành thị trường châu Âu, thương mại công bằng và liên đới như một mô hình hợp tác quốc tế mới. Trước khi được Đức Thánh Cha bổ nhiệm bà là Phó Hiệu trưởng trường Đại học Công giáo Thánh Tâm.
Trong một cuộc phỏng vấn gần đây của tạp chí San Paolo Credere, bà Sciarrone Alibrandi cho biết bà được lớn lên trong môi trường giáo xứ và tham gia các hoạt động tông đồ, nhờ đó bà có được những trải nghiệm về Giáo hội. Tiếp đến, trong môi trường đại học với chuyên ngành nghiên cứu về luật kinh tế tài chính đã giúp bà có cái nhìn thực tế về chuyên ngành này. Theo bà, chuyên ngành này không phải luôn luôn là một ngành khoa học của những con số nhưng là một thế giới thực tế của các công tay và do đó là “những người lao động bằng xương bằng thịt”.
Vào năm 2010, Đức Nguyên Giáo hoàng Biển Đức XVI đã thành lập Cơ quan Thông tin Tài chính. Cơ quan này giám sát tài chính và tìm cách ngăn chặn, chống rửa tiền hoặc tài trợ cho khủng bố. Vào năm 2013 Đức Thánh Cha Phanxicô đã củng cố thêm thực thể này của Vatican, qua việc cơ quan này trở thành thành viên của Tập đoàn Egmont, một mạng lưới các đơn vị tình báo tài chính ở cấp độ toàn cầu. Hiện Cơ quan đang tập hợp các tổ chức thông tin tài chính của 152 quốc gia và các cơ quan pháp lý khác, để chia sẻ các quy tắc, cộng tác, thực hành và trao đổi thông tin quốc tế.
Nữ tiến sĩ Raffaella Vincenti
Bổ nhiệm thứ hai liên quan đến Thư viện Vatican. Nữ tiến sĩ Raffaella Vincenti trước đây là Tổng thư ký của Thư viện Vatican, nay được Đức Thánh Cha bổ nhiệm làm người đứng đầu tổ chức này.
Thư viện Vatican ra đời cách đây 50 năm như một “tủ sách” của các Giáo hoàng gồm các tài liệu liên quan đến việc quản trị và các hoạt động mục vụ của các Giáo Hoàng và các tổ chức của Tòa thánh. Mục đích của Thư viện là bảo tồn những cuốn sách và bản thảo, các hoạt động của các Đức Giáo Hoàng và các tổ chức của Tòa thánh, và chuyển giao chúng qua các thế kỷ.
Ngay từ đầu được thành lập, Thư viện Vatican đã mở cửa cho các học giả nghiên cứu. Thư viện hiện đang lưu giữ hơn 80 ngàn bản viết tay tạo thành hạt nhân cho các phát triển tiếp theo của các bộ sưu tập đã được in, hơn một triệu rưỡi tập, trong đó gần 9 ngàn tài liệu được thực hiện vào thế kỷ XV và hơn 100 ngàn bộ sưu tập khác. Thư viện luôn sẵn sàng phục vụ cho các nhu cầu của Tòa thánh và của các chuyên gia trên khắp thế giới. Để tạo điều kiện cho các học giả, trong những năm gần đây đã kỹ thuật số hóa các tài liệu cổ.
Với các bổ nhiệm mới này, Đức Thánh Cha đã thể hiện quyết tâm được ngài bày tỏ trong Thánh lễ 01/01/2019. Theo đó, Đức Thánh Cha đã có ý định năm nay, 2020 là một năm quan trọng cho việc mở ra của Giáo hội đối với nữ giới, cụ thể trong việc trao các trách nhiệm: Phụ nữ “phải tham gia hoàn toàn vào các quá trình ra quyết định”, bởi vì theo Đức Thánh cha “khi phụ nữ có thể đóng góp hồng ân của họ, thế giới có thể được hiệp nhất và bình an hơn” (Tổng hợp)
Ngọc Yến
2020
Cô y tá vô thần xin một linh mục giúp đỡ: “Nếu có Chúa, xin Chúa can thiệp!”
Cô y tá vô thần xin một linh mục giúp đỡ: “Nếu có Chúa, xin Chúa can thiệp!”
Trong tuyến đầu đối diện với cuộc khủng hoảng sức khỏe, các nhân viên chăm sóc và các linh mục đã thường gặp nhau trong bệnh viện từ hai tháng nay. Ở Rôma, linh mục Gerardo Rodríguez đã thành bạn với cô y tá vô thần xin cha can thiệp khi dịch bệnh ở cao điểm.
Cha Gerardo là cha tuyên úy của bệnh viện Spallanzani ở miền nam thành phố Rôma, cha chưa bao đi ở các hành lang, phòng bệnh, phòng chờ bệnh viện nhiều như trong hai tháng vừa qua.
Cha Rodríguez nói với báo Aleteia: “Trong giai đoạn đại dịch, nhân viên chăm sóc rất cần được nâng đỡ. Họ mệt, họ làm việc nhiều giờ không bao giờ dứt, họ về nhà với cảm nhận không bao giờ hết việc .” Chính vì vậy cha làm tất cả những gì để có thể mang bí tích đến cho người bệnh và cả cho các nhân viên chăm sóc. Đó là trường hợp ngày chúa nhật phục sinh 12 tháng 4 vừa qua. Khi đó cô y tá, bình thường không bao giờ đến gặp cha, nhưng hôm đó cô đến gặp cha và nói: “Con không tin ở Chúa, nhưng con virus này một mình con người không thể đánh bại nó. Nếu có một điều gì cao hơn thì điều này phải can thiệp, bởi vì một mình chúng tôi không thể làm được .”
Họ trở thành bạn với nhau
Sau khi hỏi cha Gerardo Rodríguez, cô y tá nói thêm: “Một cách nào đó, tôi ganh với đức tin của nhiều người, bởi vì đức tin đã nâng đỡ họ .” Cha Gerardo trả lời: “Quan trọng là Chúa tin tưởng cô. Cô nên giữ điều này trong lòng .” Cha kể lúc đó cô y tá rất xúc động, cô bật khóc. Nhiều tuần sau cuộc nói chuyện đánh dấu này, cha Gerardo Rodríguez cho biết, hai người đã là bạn với nhau.
“Sự thánh thiện thông qua những người tin ở Chúa, nhưng cũng qua những người dành thời gian, cuộc sống của chính họ, năng lực của chính họ vì lợi ích cho người khác”.
2020
Tình yêu Ba Ngôi
7.6.2020 Chúa Nhật
Chúa Ba Ngôi
Ga 3, 16-18
TÌNH YÊU BA NGÔI
Mầu nhiệm Ba Ngôi được coi như một công thức mà Giáo Hội sử dụng trong tất cả mọi sinh hoạt: từ một dấu thánh giá, một phép lành cho đến một lời thề long trọng hay một bí tích. Tất cả đều bắt nguồn ở công thức duy nhất Chúa Kitô đã dùng để ban truyền mệnh lệnh rửa tội cho muôn dân trước khi Ngài lên trời.
Mầu nhiệm Một Chúa Ba Ngôi là mầu nhiệm quan trọng trong đạo. Mầu nhiệm cao trọng nhất nhưng cũng gần gũi với đời sống của các tín hữu. Chúng ta có thể tuyên xưng mầu nhiệm qua việc làm Dấu Thánh Giá nhiều lần trong ngày. Đã có rất nhiều suy tư thần học về Mầu nhiệm Một Chúa Ba Ngôi, nhưng con người vẫn đắm chìm trong thao thức. Có rất nhiều nhà thần học đã dùng những hình ảnh, tỉ dụ và ẩn dụ để giải thích một chút về Chúa Ba Ngôi; giúp chúng ta dễ hiểu qua các biểu tượng như hình tam giác ba cạnh, ngọn lửa và tia nắng, lá Shamrock, ba thể khí, lỏng và đặc và nhìn xem cây, cành và lá liên kết… Tất cả những giải thích cũng chỉ như giọt nước trong đại dương bao la. Trí khôn con người chỉ còn biết chìm đắm trong nhiệm mầu và quy phục bái lậy tôn thờ.
Trong đời sống một người tín hữu, ngay từ khi chưa chào đời cho đến khi chết rồi, biết bao nhiêu lần công thức ấy đã được đọc trên mình chúng ta kèm với dấu thánh giá hay một nghi thức hoặc cử chỉ nào khác. Nhưng vì là một công thức, cho nên khi nghe đến hay đọc lên, nhất là sau khi đã lặp đi lặp lại nhiều lần, chúng ta không còn cảm thấy gì nữa, công thức ấy đã được nhắc tới một cách máy móc, vô ý thức, đôi khi còn thiếu tôn kính nữa. Vì vậy, chúng ta cần sửa chữa lại điều không tốt đẹp ấy và quyết tâm từ nay mỗi khi làm dấu thánh giá chúng ta sẽ làm một cách ý thức và tôn kính.
Thiên Chúa là Tình Yêu, nghĩa là Ngài không đơn độc một mình. Nếu như Ngài đơn độc một mình thì Ngài sẽ yêu một mình Ngài một cách ích kỷ vô cùng. Nhưng Ngài là 3: Cha, Con và Thánh Thần. Là ba, nhưng cả ba hoàn toàn yêu thương hiến tặng sự sống, hoàn toàn tương quan với nhau, hiệp nhất với nhau: Cha hoàn toàn là của Con, Con hoàn toàn là của Cha và mối tương quan tình yêu và sự sống này giữa Cha và Con là Chúa Thánh Thần.
Tình yêu Thiên Chúa không khép kín lại nơi cộng đồng Ba Ngôi mà còn lan tỏa ra bên ngoài, trên khắp vũ trụ: Thiên Chúa đã yêu thương thế gian đến nỗi đã trao ban cho thế gian quà tặng quý giá nhất của người Con Chí Ái của Ngài, nghĩa là chính sự sống của Ngài. Rồi đến lượt Người Con ấy cũng trao ban Thánh Thần, nghĩa là chính sự sống của Ngài cho thế gian. Chính nơi Người Con ấy, nơi bản thân, cuộc sống, cái chết và sự Phục Sinh của Chúa Giêsu mà chúng ta nhận ra được Thiên Chúa là tình yêu và thế nào là sống như con người được tạo dựng giống hình ảnh của Thiên Chúa: “Ai không yêu thương anh em là không biết Thiên Chúa” (1Ga 4, 8). Còn ai đã biết Thiên Chúa thì phải yêu thương anh em như Ngài đã yêu thương, vì Thiên Chúa là Tình Yêu.
Mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi còn là một lời dạy cho chúng ta ngày hôm nay. Trí khôn con người hữu hạn, làm sao có thể hiểu hoàn toàn về Thiên Chúa vô cùng. Nếu muốn hiểu thì chẳng khác nào muốn đem nước của đại dương mênh mông mà đổ vào trong một lỗ nhỏ, như một trò đùa của em bé mà thánh Augustinô gặp nơi bờ biển. “Thầy còn nhiều điều phải nói với các con, nhưng bây giờ các con không thể lãnh hội được. Khi Thần Chân Lý đến, Người sẽ dạy các con biết tất cả sự thật. Người sẽ đưa các con vào trọn cả trong sự thật.”
Tình thương của Thiên Chúa Cha, Đấng Tạo Hóa đã an bài vũ trụ, nâng đỡ cuộc sống con người và ban cho chúng ta sự sống. Tình thương của Chúa Giêsu Kitô, Đấng mặc lấy thân phận con người đến cứu chuộc chúng ta, để làm sáng tỏ lại hình ảnh Thiên Chúa nơi chúng ta, giúp chúng ta trở về nhà Cha an toàn. Tình thương của Chúa Thánh Thần, Đấng hằng ban ơn soi sáng, nâng đỡ, an ủi, giúp chúng ta sống trọn kiếp sống trần gian.
Lễ Chúa Ba Ngôi không chỉ là một lời ca tụng tình yêu Thiên Chúa, mà còn là một tuyên xưng về phẩm giá con người. Thiên Chúa phú bẩm cho con người khả năng yêu thương; Ngài tỏ mình cho con người để con người cũng nhận ra được phẩm giá cao cả của mình. Mỗi ngày, từ lúc khởi đầu một ngày mới cho đến lúc trở lại giường ngủ, chúng ta không ngừng tuyên xưng mầu nhiệm của tình yêu Thiên Chúa và phẩm giá cao cả của con người. Mầu nhiệm ấy gắn liền với Thập Giá Chúa Giêsu mà chúng ta vẽ trên người.
Chúa Giêsu đã mạc khải cho Nicôđêmô: “Thiên Chúa yêu thương thế gian đến nỗi đã ban Con Một Ngài cho thế gian, để tất cả những ai tin vào Người thì khỏi phải chết. Quả vậy, Thiên Chúa đã đến thế gian không phải để lên án thế gian, nhưng nhờ Con của Ngài mà thế gian được cứu độ, ai tin sẽ được cứu; ai không tin thì đã bị lên án rồi” (Ga 3,16-18).
Qua cái chết trên Thập Giá, không những Chúa Giêsu tỏ bày cho chúng ta mầu nhiệm của Thiên Chúa, Ngài còn vạch ra cho chúng ta con đường đi vào mầu nhiệm ấy, đó là con đường của yêu thương. Chúa Giêsu đã yêu thương và yêu thương cho đến giọt máu cuối cùng; Ngài đã tỏ cho chúng ta thấy bộ mặt của Thiên Chúa; Ngài đã dạy cho chúng ta biết thế nào là yêu thương.
Niềm tin vào Thiên Chúa Ba Ngôi có được là nhờ niềm tin vào Chúa Giêsu Kitô. Mọi giáo huấn về Thiên Chúa đều được chứa đựng trong con người của Chúa. Từ đó việc tin vào Chúa Con dã hàm chứa việc tin vào Chúa Cha và Chúa Thánh Thần, vào Thiên Chúa Ba Ngôi. Vì thế Tin Mừng đã nói: “Phàm ai tin vào Người thì không phải hư đi nhưng được sự sống đời đời”. Sự kiện trong ngày lễ Thiên Chúa Ba Ngôi, Giáo Hội chọn một bản văn có chủ ý nhấn mạnh tầm quan trọng của niềm tin vào Chúa Giêsu Kitô, cho thấy khởi điểm lộ trình và mục đích của niềm tin đã được bao hàm trong việc gắn bó sống động vào Chúa Kitô. Ai đến với Chúa Kitô thì cũng đến với Chúa Cha và được như thế là nhờ ơn Chúa Thánh Thần.
Ba Ngôi là lò lửa tình yêu lúc nào cũng ngùn ngụt cháy. Ba Ngôi là nguồn mạch tình yêu không bao giờ vơi cạn. Cuộc trao đổi cho đi và nhận lãnh làm cho tình yêu của Ba Ngôi Thiên Chúa ngày càng sung mãn dồi dào. Tất cả mọi tình yêu đều bắt nguồn từ Chúa Ba Ngôi. Tất cả mọi tình yêu muốn trung thực và bền vững đều phải học theo khuôn mẫu tình yêu Chúa Ba Ngôi. Hạnh phúc là ta được tham dự vào bầu khí yêu đương của Chúa Ba Ngôi. Hạnh phúc sẽ đến khi mọi người biết yêu thương nhau trong tình yêu của Chúa Ba Ngôi.
Mừng Lễ Thiên Chúa Ba Ngôi, chúng ta được nhắc nhớ rằng, Thiên Chúa Cha, Con, Thánh Thần đã yêu chúng ta và chúng ta được mời gọi để đáp lại tình yêu thương ấy bằng một đời sống trổ sinh nhiều hoa trái tốt, xứng đáng con yêu quí của Thiên Chúa: “Chúng con hãy nên trọn lành như Cha các con ở trên trời là Đấng trọn lành” (Mt 5,48).