2024
11.4 Thứ Năm trong tuần thứ Hai Mùa Phục Sinh
Cv 5:27-33; Tv 34:2,9,17-18,19-20; Ga 3:31-36
Đấng từ trời mà đến
Tin Mừng hôm nay theo thánh Gioan: “Chúa Cha yêu thương người Con và đã giao mọi sự trong tay Người”. Chúa Phục sinh làm tăng thêm lòng tin của con người, khi thân xác trở về với tro bụi thì linh hồn ta vẫn chờ ngày Chúa trở lại phán xét. Thánh Anphongsô từng nói: “Con hãy nhớ, những việc con làm đều có quan hệ đến phần rỗi đời đời. Vì thế, con phải làm hết sức cẩn thận, vì con sẽ phải trả lẽ trước mặt Chúa về các việc con đã làm”. Hay theo Mt16,26 “Lời lãi cả thế gian mà thiệt mất linh hồn mình thì được ích gì?
Chúa Giêsu khẳng định về mình: “Đấng từ trên cao mà đến thì ở trên mọi người”. Người đã nói, đã làm chứng về những gì Người đã thấy nơi Thiên Chúa Cha trên trời. Chúa Giêsu chính là Đấng ấy được sai đến trần gian.
Chúa Giêsu cũng dán tiếp chê trách những người Pharisêu và gọi họ là những kẻ “từ đất mà ra thì thuộc về đất và nói những chuyện dưới đất”. Do vậy khi nói những chuyện trên trời họ chẳng hiểu được.
Chúa Giêsu là người duy nhất đầu tiên được nghe, được thấy những chuyện trên trời mà đem nói lại cho nhân loại. Nhưng tiếc rằng người nghe là những Pharisêu thời đó”. “chẳng ai nhận ra lời chứng của Người”.
Chúa Giêsu càng về cuối Chúa càng khẳng định rõ ràng hơn về con người của mình “: Đấng được Thiên Chúa sai đi thì nói những lời của Thiên Chúa, vì Thiên Chúa ban Thần khí cho Người vô ngần vô hạn. Chúa Cha yêu thương Người Con và đã giao mọi sự trong tay Người”. Đó là quyền năng ban phát quyền sinh, quyền tử mà chẳng có vị thủ lãnh nào ở trần gian này có được: “Ai tin vào người Con thì được sự sống đời đời, còn kẻ nào không chịu tin vào người Con thì không được sự sống, nhưng cơn thịnh nộ của Thiên Chúa đè nặng trên kẻ ấy”.
thánh Gioan trình bày cho chúng ta biết Đức Giê-su chính là Con Thiên Chúa. Đấng rất cao trọng đã từ trời cao mà đến trong thế gian này để mặc khải cũng như làm chứng cho nhân loại biết về những sự ở trên trời mà loài người với trí khôn giới hạn không thể nào hiểu thấu được. Quan trọng nhất: Chúa Giê-su đã khai mở cho nhân loại biết về màu nhiệm một Thiên Chúa, nhưng Ngài có Ba Ngôi. Ngôi Cha, Ngôi Con và Ngôi Thánh Thần. Một Thiên Chúa yêu thương nhân loại, muốn cho loài người được sống trong sự che chở cúa Ngài. Chúa Cha yêu thương loài người nên trao ban Chúa Con và mọi sự trong tay Ngài. Vì thế ai tin vào vào Chúa Con thì được sự sống đời đời, còn kẻ nào cố chấp cứng lòng không tin vào Người Con thì không được sự sống và rồi cơn thịnh nộ của Thiên Chúa sẽ giáng phạt trên kẻ ấy.
Trong các nhân vật lịch sử thế giới, từ cổ chí kim, từ đông sang tây chưa có ai ngoài Chúa Giê-su Đấng từ trời cao mà đến đã phán rằng: “Ta là đường, là sự thật, là sự sáng và là sự sống, ai tin ta thì không đi trong tối tăm, mà đi trong ánh sáng mang lại sự sống đời đời.”
Đôi khi chúng ta trách móc người Do Thái khi xưa rằng đã thấy những sự lạ mà Chúa Giê-su đã thực hiện tỏ tường trước mắt họ nhưng họ vẫn cứng lòng không chịu đặt niềm tin nơi Chúa Giê-su. Nhưng nếu ngày nay, cho dẫu chúng ta có tin Chúa, nhưng chỉ tin thôi mà không thực hành những điều Người dạy thì chúng ta còn đáng trách hơn những người Do Thái năm xưa vậy!.
Thiên Chúa đã yêu thương con người như thế, nhưng con người đã đáp lại lời mời gọi của Ngài như thế nào? Nhân loại đã đón nhận lời Ngài cách tích cực chưa? Chúng ta thấy một thực trạng rằng, rất nhiều người vẫn còn phớt lờ lời Hằng Sống ấy.
Đứng trước bao việc Chúa làm, với một tâm trí ngay thẳng, chúng ta phải khiêm nhường nhìn nhận giới hạn của chúng ta rằng: rất nhiều điều trong cuộc sống này, chúng ta vẫn còn chưa biết đến, vì vũ trụ quá bao la, trong khi khả năng hiểu biết của con người thì quá bé nhỏ hẹp. Nếu con người chưa biết hết được những gì xảy ra dưới đất, làm sao có thể thông suốt những sự trên trời?
Ngôn sứ Isaia cũng đã từng tuyên sấm cho dân Ít-ra-en rằng: “Trời cao hơn đất bao nhiêu thì tư tưởng và đường lối của Ta cũng cao hơn các ngươi bấy nhiêu” (Is 55,9). Vì có sự khác biệt lớn lao như thế, nên con người không thể hiểu những gì từ Thiên Chúa, nếu những điều đó không được mặc khải và soi sáng cho con người. Chúa Giêsu đến để mặc khải cho con người những mầu nhiệm của Thiên Chúa và Chúa Thánh Thần soi sáng cho con người để họ có thể hiểu những chân lý này. Vì vậy Chúa Giêsu mới nói: “Người làm chứng về những gì Người đã thấy đã nghe, nhưng chẳng ai nhận lời chứng của Người. Ai nhận lời chứng của Người, thì xác nhận Thiên Chúa là Đấng chân thật.”
Sở dĩ với dân chúng xưa, cụ thể là người Do thái từ thời Cựu ước đến nay, họ không tin vào Đức Kitô là vì từ trước tới giờ họ chỉ tin có Một Thiên Chúa. Tuy họ biết, theo lời các ngôn sứ, Thiên Chúa sẽ gởi Đấng Thiên Sai đến để cứu chuộc dân; nhưng họ tin Ngài là Đấng sẽ dùng uy quyền mà cứu chuộc và thống trị dân, chứ không phải bằng khiêm nhường chịu đau khổ như Đức Kitô. Chúa Giêsu đến cắt nghĩa cho họ biết về sự liên hệ giữa Thiên Chúa và Ngài, Người được Thiên Chúa sai đến, nhưng họ từ chối không tin vào lời chứng của Người. Chúa muốn nhắc nhở cho họ biết nếu họ chưa thông suốt việc dưới đất, làm sao có thể thông suốt việc trên trời.
Trong Bài đọc I hôm nay, các Tông đồ cũng dạy chúng ta rằng: “Phải vâng lời Thiên Chúa hơn vâng lời người phàm.” Trong Cuộc Thương Khó và Tử Nạn của Đức Kitô, tất cả các Tông-đồ và Thượng Hội Đồng đều chối từ và chống lại Thiên Chúa. Tuy nhiên, Thiên Chúa không kết tội con người, nhưng Ngài muốn con người phải chịu trách nhiệm về những việc mình làm: Nếu họ đã làm sai, hãy có can đảm chấp nhận và tìm cách sửa sai; chứ không thể cứ nhắm mắt và đổ lỗi cho người khác.
Mặc dù các ông đã chối từ và bỏ chạy trong Cuộc Thương Khó, nhưng khi được Chúa Giêsu hiện ra, các ông đã nhận ra tội của mình; và sau khi được củng cố bởi quyền lực của Thánh Thần, các ông mạnh dạn ra đi và làm chứng cho Đức Kitô trước mặt mọi người: Trước tiên, các Tông-đồ tố cáo Thượng Hội Đồng tội giết Đấng Thiên Sai: “Đức Giêsu đã bị các ông treo lên cây gỗ mà giết đi.” Sau đó, các ông vạch ra cho mọi người nhìn thấy uy quyền Thiên Chúa: “Nhưng Thiên Chúa của cha ông chúng ta đã làm cho Người trỗi dậy, và Thiên Chúa đã ra tay uy quyền nâng Người lên, đặt làm thủ lãnh và Đấng Cứu Độ, hầu đem lại cho Israel ơn sám hối và ơn tha tội.”
Tin vào Đức Kitô là sự cần thiết để có được sự sống đời đời. Tuy nhiên, điều quan trọng là biết sống cho niềm tin đó, bằng cách biến đổi cuộc sống theo gương của Chúa Giêsu và thực hành những lời Ngài đã khuyên dạy. Thánh Phaolô đã nói: “Anh em hãy mặc lấy tâm tình của Chúa Kitô”, nghĩa là khi xác định niềm tin yêu và hy vọng vào Chúa, chúng ta sẽ đứng vững trong mọi nghịch cảnh và thử thách của cuộc sống, để rồi chúng ta sẽ cảm nhận được tình yêu thương bao la của Thiên Chúa dành cho chúng ta.
2023
Chia sẻ của Đức Thánh Cha trước khi Đại hội Thượng Hội đồng công bố Thư gửi dân Chúa
Chia sẻ của Đức Thánh Cha Phanxicô
Tôi thích nghĩ về Giáo hội như một Dân trung thành của Thiên Chúa, thánh thiện và tội lỗi, một dân tộc được kêu gọi và quy tụ bằng sức mạnh của các Mối Phúc Thật và của Tin Mừng Mátthêu chương 25. Chúa Giêsu, đối với Giáo hội của Người, đã không áp dụng bất kỳ kế hoạch chính trị nào trong thời của Người: không phải Pharisêu, cũng không phải Sađốc, cũng không phải Essenes, cũng không phải phái nhiệt thành. Không phải là “đoàn thể đóng”; nhưng chỉ đơn giản là tiếp nối truyền thống của Israel: “Các ngươi sẽ là dân của Ta và Ta sẽ là Thiên Chúa của các ngươi”.
Tôi thích nghĩ về Giáo hội như một dân tộc đơn sơ và khiêm nhường bước đi trước sự hiện diện của Chúa (Dân trung thành của Thiên Chúa). Đây là cảm thức tôn giáo về dân trung thành. Và tôi nói dân trung thành để tránh rơi vào nhiều cách tiếp cận và hệ tư tưởng làm giảm đi thực tế của Dân Chúa. Cách đơn sơ là dân trung thành, hay cũng là “dân thánh trung thành của Thiên Chúa” bước đi, thánh thiện và tội lỗi. Và Giáo Hội là như thế.
Một trong những đặc điểm của dân trung thành này là tính không thể sai lầm của họ; vâng, dân trung thành không thể sai lầm trong đức tin. (Trong đức tin họ không thể sai lầm, Lumen Gentium 9). Trong đức tin, không thể sai lầm. Và tôi giải thích điều đó như thế này: khi bạn muốn biết Mẹ Thánh Giáo Hội tin gì, hãy đến Huấn Quyền, bởi vì chính Huấn quyền là người chịu trách nhiệm giảng dạy điều đó cho bạn, nhưng khi bạn muốn biết Giáo Hội tin như thế nào, hãy đến với dân trung thành.
Một hình ảnh hiện lên trong tâm trí tôi: các tín hữu tụ họp ở lối vào nhà thờ chính tòa Êphêsô. Lịch sử (hoặc truyền thuyết) kể rằng dân chúng đứng hai bên đường hướng về nhà thờ trong khi các giám mục trong đoàn rước vào, và dân chúng đồng thanh lặp lại: “Mẹ Thiên Chúa”, trong khi yêu cầu Phẩm trật Giáo hội tuyên bố rằng sự thật này là tín điều mà họ đã ôm ấp với tư cách là dân Chúa (Một số người nói rằng họ có gậy trong tay và đưa cho các giám mục xem). Tôi không biết đó là lịch sử hay truyền thuyết, nhưng hình ảnh này thật có giá trị.
Dân trung thành, dân thánh trung thành của Thiên Chúa, có linh hồn, và vì có thể nói về linh hồn của một dân tộc nên chúng ta có thể nói về một lối diễn giải, một cách nhìn thực tại, một lương tâm. Dân trung thành của chúng ta ý thức được phẩm giá của mình, họ rửa tội cho con cái họ, họ chôn cất những người đã chết.
Các thành viên của hàng giáo phẩm đến từ dân này và đã nhận được đức tin từ dân này, nói chung là từ mẹ và bà của họ, “mẹ của anh và bà của anh”, Thánh Phaolô nói với Ti-mô-thê như thế, một đức tin được truyền tải bằng tiếng địa phương được sử dụng bởi người nữ, giống như mẹ của anh em nhà Mác-ca-bê, người đã nói với các con của mình “bằng phương ngữ”. Và ở đây tôi muốn nhấn mạnh rằng, trong số dân thánh trung thành của Thiên Chúa, thì đức tin được truyền tải bằng phương ngữ, và nói chung bằng tiếng địa phương được người nữ sử dụng. Điều này không chỉ vì Giáo hội là mẹ và chính phụ nữ là những người phản ánh điều tốt nhất (Giáo hội là nữ), mà bởi vì chính phụ nữ biết chờ đợi, biết khám phá những nguồn lực của Giáo hội, của dân trung thành, những người vượt quá giới hạn, có lẽ đầy sợ hãi nhưng can đảm, và lúc một ngày mới đang bắt đầu nửa sáng nửa tối, họ đến gần một ngôi mộ với trực giác (vẫn không hy vọng) rằng có thể có điều gì đó vẫn sống.
Phụ nữ của dân thánh trung thành của Thiên Chúa là phản ảnh của Giáo Hội. Giáo Hội là nữ, là hiền thê, là mẹ.
Khi các thừa tác viên quá tải trong việc phục vụ và đối xử tệ với dân Chúa, họ làm biến dạng bộ mặt của Giáo hội bằng những thái độ gia trưởng và độc tài. Thật đau lòng khi nhìn thấy “bảng giá” của các việc phục vụ bí tích ở một số văn phòng giáo xứ như trong siêu thị. Hoặc Giáo hội là dân trung thành của Thiên Chúa đang bước đi, thánh thiện và tội lỗi, hoặc cuối cùng Giáo hội trở thành một công ty cung cấp nhiều dịch vụ khác nhau. Và khi các tác nhân mục vụ đi theo con đường thứ hai này, thì Giáo hội trở thành siêu thị cứu độ và các linh mục trở thành nhân viên đơn thuần của một công ty đa quốc gia. Đây là sự thất bại lớn nhất mà chủ nghĩa giáo sĩ trị dẫn chúng ta đến. Và điều này gây ra nhiều nỗi buồn và cớ vấp phạm (chỉ cần đến các tiệm may đồ lễ ở Roma để xem thật là cớ vấp phạm khi các linh mục trẻ đang xúng xính thử áo chùng, mũ, áo cổ col và tua áo).
Chủ nghĩa giáo sĩ trị là một xói mòn, một tai họa, một hình thức thế tục làm vấy bẩn và làm tổn thương dung mạo hiền thê của Chúa; bắt dân thánh trung thành của Chúa làm nô lệ.
Và dân Chúa, dân thánh trung thành của Thiên Chúa, tiến bước với lòng kiên nhẫn và khiêm tốn, chịu đựng sự hoang phí, bị ngược đãi, bị loại trừ bởi chủ nghĩa giáo sĩ trị được thể chế hóa. Và thật tự nhiên khi chúng ta nói về những “ông hoàng của Giáo hội”, hay việc thăng chức giám mục như sự thăng tiến trong nghề nghiệp! Những nỗi kinh hoàng của thế giới, tinh thần thế gian ngược đãi dân thánh trung thành của Thiên Chúa.
2023
ĐTC ban ơn toàn xá cho các tín hữu ở Bán đảo Ả Rập nhân Năm Thánh 1500 năm Thánh Aretas tử đạo
Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ ban ơn toàn xá cho các tín hữu ở Bán đảo Ả Rập nhận dịp Năm Thánh ngoại thường sẽ được cử hành tại hai Hạt Đại diện Tông toà Bắc và Nam Ả Rập, từ ngày 24/10/2023 đến ngày 23/10/2024, nhân dịp kỷ niệm 1500 năm cuộc tử đạo của Thánh Aretas và các bạn tử đạo, bị sát hại trong cuộc đàn áp chống Kitô giáo vào năm 523 tại Najran, ở Ả Rập trước thời kỳ Hồi giáo.
Cuộc tử đạo của Thánh Aretas và các bạn tử đạo
Thánh Aretas, sinh năm 427, là thống đốc của thành phố Kitô giáo cổ Najran ở miền nam Ả Rập. Vua của Himyar (thuộc Yemen ngày nay), Dhu Nuwas, được cho là đã theo đạo Do Thái và tiến hành một cuộc đàn áp có hệ thống đối với những người theo Kitô giáo, đốt nhà thờ, buộc người dân phải cải đạo và xử tử những người không chịu từ bỏ đức tin Kitô giáo.
Sau khi chinh phục Najran, Vua Dhu Nuwas ra lệnh ném các linh mục, phó tế, nữ tu và giáo dân xuống hố và thiêu sống. Đàn ông, đàn bà, già trẻ, bị giết không phân biệt: một đứa trẻ 5 tuổi bị chết khi lao vào vào ngọn lửa để được ở bên mẹ. Thánh Aretas, lúc đó đã 95 tuổi, và một trăm Kitô hữu khác đã bị chặt đầu vào năm 523. Đại diện Tông toà Bắc Ả Rập cho biết đã có hơn 4.000 vị tử đạo trong cuộc đàn áp này, đã bị giết “vì đức tin vững mạnh vào Chúa Kitô bị đóng đinh”.
Mở cửa Năm Thánh
Hai vị Đại diện Tông toà Bắc và Nam Ả Rập, Aldo Berardi và Paolo Martinelli, sẽ mở Cửa Thánh ở Bahrain và Các Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất.
Thánh lễ khai mạc trọng thể Năm Thánh sẽ được Đức cha Aldo Berardi, Đại diện Tông toà miền Bắc Ả Rập, chủ sự lúc 11 giờ giờ địa phương vào ngày 4/11/2023, tại Nhà thờ Đức Mẹ Ả Rập ở Awali, Bahrain, đúng một năm sau chuyến tông du của Đức Thánh Cha Phanxicô đến vùng đất này. Trước Thánh lễ sẽ có nghi thức mở Cửa Thánh.
Vào ngày 9/11/2023, lúc 6 giờ chiều theo giờ địa phương, Cửa Thánh cũng sẽ được Đức cha Paolo Martinelli, Đại diện Tông tòa Nam Ả Rập, mở tại Nhà thờ Thánh Giuse ở Abu Dhabi, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, nơi Đức Thánh cha viếng đã thăm vào tháng 2/2019. Một thánh tích của Thánh Aretas, được Đức Thượng phụ Bartolomeo I của Constantinople tặng, dự kiếnsẽ được đưa đến Bahrain vào tháng 11.
Ơn gọi là một Giáo hội Công giáo ở bán đảo Ả Rập
Đức cha Berardi nói với hãng tin Fides: “Chúng tôi có những vị tiền nhiệm Kitô giáo ở những vùng đất này, những người đã nêu gương cho chúng tôi. Bây giờ đến lượt chúng tôi trở thành những chứng nhân của Đấng Phục Sinh trong thời điểm hiện tại. Được truyền cảm hứng từ các vị tử đạo Ả Rập, các Kitô hữu trên bán đảo Ả Rập ngày nay được kêu gọi trở thành ‘những vị tử đạo hằng ngày’, những người không ngừng làm chứng sống động cho Chúa Kitô và sứ điệp của Chúa trong những điều nhỏ nhặt hàng ngày của cuộc sống họ.”
2023
Châu Á oằn mình trước khủng hoảng khí hậu
Châu Á oằn mình trước khủng hoảng khí hậu
Lục địa lớn nhất và đông dân nhất thế giới đang phải đối mặt với những tác động chết chóc của một mùa hè đầy những sự kiện thời tiết cực đoan, từ sốc nhiệt đến mưa lũ kỷ lục.
Tháng 7, mưa lớn và kéo dài xảy ra ở nhiều vùng của Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc và Ấn Độ, đảo lộn cuộc sống của hàng triệu người và gây nên lũ quét, đất chuồi, mất điện. Nhiệt độ tăng cao kỷ lục cũng dẫn đến những căn bệnh liên quan đến sốc nhiệt, đặc biệt xảy ra cho những cộng đồng dễ bị ảnh hưởng như người cao tuổi.
Philippines |
Thực tế khắc nghiệt
Ngày 16.7, ít nhất 13 người ở thành phố Cheongju, miền trung Hàn Quốc, thiệt mạng vì con sông vỡ bờ gây ngập nặng một đường hầm dài 685m. Nhiều xe cộ bị mắc kẹt bên trong, bao gồm một xe buýt. Trên toàn quốc, ít nhất 41 người tử vong trong những ngày giữa tháng 7 và hàng ngàn người buộc phải được sơ tán khỏi nhà do mưa lớn đổ xuống miền trung và miền nam Hàn Quốc.
Trước tình hình trên, Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol kêu gọi cải tổ hoàn toàn cách tiếp cận của nước này trong việc việc ứng phó thời tiết cực đoan. “Đây là dạng thời tiết cực đoan sẽ trở nên phổ biến. Chúng ta phải chấp nhận một thực tế là biến đổi khí hậu đang xảy ra, và đối mặt với nó”, Yonhap dẫn lời Tổng thống Yoon ngày 17.7.
Ở nước láng giềng Nhật Bản, lượng mưa kỷ lục tại miền tây nam lãnh tổ đã kéo theo nạn lụt nghiêm trọng khiến ít nhất 6 người chết và nhiều người khác mất tích. “Mưa chưa bao giờ lớn đến thế”, Kyodo News dẫn lời người phát ngôn Cơ quan Khí tượng Nhật Bản, và kêu gọi những người ở các vùng bị ảnh hưởng phải cảnh giác ở mức tối đa.
Nhật Bản |
Những gì xảy ra tại Hàn Quốc và Nhật Bản là mô hình diễn ra khắp châu Á, từ Philippines đến Campuchia. Lũ lụt lan rộng dẫn đến tình trạng gián đoạn giao thông các thành phố lớn, bao gồm tại các thủ đô Manila và Phnom Penh, những khu vực phía bắc của Ấn Độ, nơi lượng mưa kỷ lục đẩy một số bang cận kề tình trạng bế tắc và cướp đoạt nhiều mạng sống. Tại thủ đô New Delhi của Ấn Độ, 10.7 là ngày mưa lớn nhất của tháng 7 trong hơn 40 năm. Mưa lớn kéo dài buộc các trường học phải đóng cửa và khiến nhiều người không có nơi trú ẩn.
Các sự kiện cực đoan nối tiếp nhau
Trong khi một số khu vực đối mặt với lượng mưa chết chóc, những nơi khác lại khốn đốn vì nóng. Ngày 17.7, trạm khí tượng ở vùng đông bắc Trung Quốc thuộc Tân Cương ghi nhận nhiệt độ nóng nhất từ trước đến nay là 52,2 độ C. Trong ngày này, hơn 5 trạm khí tượng ở Trung Quốc vượt ngưỡng 50 độ C. Trước đó, thủ đô Bắc Kinh trải qua mùa nè nắng cháy rộp da, với nhiệt độ đầu tháng 7 cao hơn 40 độ C. Giới chức phải kích hoạt cảnh báo nhiệt ở mức cao nhất suốt 2 tuần trong bối cảnh cuộc khủng hoảng nhiệt độ toàn cầu trở nên tồi tệ hơn.
Đợt sốc nhiệt ập đến vào thời điểm ông John Kerry, Đặc phái viên của Tổng thống Mỹ về biến đổi khí hậu, đặt chân tới Bắc Kinh. Đây là chuyến công du Trung Quốc thứ ba của ông Kerry trên cương vị Đặc phái viên, trong nỗ lực thuyết phục Bắc Kinh hợp lực với Washington tìm kiếm biện pháp ứng phó trong điều kiện khí hậu mới. Trung Quốc và Mỹ là hai nước phát thải nhiều số một và số hai trên thế giới, chịu trách nhiệm cho 40% lượng khí phát thải của toàn cầu. Dù sở hữu hai nền kinh tế lớn nhất, nhì thế giới, cả Mỹ lẫn Trung Quốc đều không thoát đợt thiên tai mới nhất. Mưa lũ, sốc nhiệt xảy ra tại nhiều vùng của hai nước. Theo thông tin vừa được công bố, thu hoạch vụ hè ở Trung Quốc giảm lần đầu trong 5 năm, và tình hình của vụ thu không mấy khả quan vì ảnh hưởng từ thời tiết cực đoan. Vụ thu đặc biệt gây quan ngại vì chiếm 75% sản lượng ngũ cốc cả năm của nước này.
Ấn Độ |
Ở Nhật Bản, một số nơi cũng trải qua mùa hè nóng bức cực đoan. Nhiệt độ ngày 17.7 tăng lên 39,7 độ C ở TP Kiryu thuộc tỉnh Gunma trên đảo Honshu, và 39,6 độ C ở thị trấn Hatoyama thuộc tỉnh Saitama. Các trường hợp sốc nhiệt gia tăng trong số những người cao tuổi, nhóm dân hiện chiếm đến 28% dân số toàn Nhật Bản. Thủ đô Tokyo trong những năm gần đây đã ghi nhận mức nóng nguy hiểm, buộc giới hữu trách kêu gọi người dân sử dụng điện hợp lý trong lúc tình trạng thiếu điện gia tăng.
Các nhà khoa học cảnh báo tần suất và cường độ của những sự kiện thời tiết cực đoan sẽ tiếp tục gia tăng trong lúc cuộc khủng hoảng khí hậu do con người gây ra đang tăng tốc. Trong báo cáo thường niên về khí hậu, Tổ chức Khí tượng Thế giới cảnh báo Trái đất đang trên đà phá vỡ ngưỡng tới hạn của khí hậu trong vòng 5 năm tới. Với dân số ước tính 4,4 tỷ người, châu Á đang lâm vào tình trạng vô cùng yếu ớt trước ảnh hưởng của biến đổi khí hậu. Hậu quả kéo theo chính là thiếu nguồn nước, vụ mùa bị thất thu, kinh tế phát triển trì trệ.
Năm ngoái, sau khi hơn 1.700 người chết và hàng triệu người vô gia cư ở Pakistan do lũ lụt, Thủ tướng Shehbaz Sharif vào tháng 9.2022 đã cảnh báo trước Đại hội đồng LHQ: “Một điều vô cùng rõ ràng: chuyện vừa xảy ra cho Pakistan sẽ không dừng lại ở Pakistan, và biến đổi khí hậu sẽ không buông tha bất kỳ nước nào. Định nghĩa về an ninh quốc gia đã thay đổi. Nếu giới lãnh đạo trên thế giới không hợp lực hành động và hành động tức thì theo nghị trình chung đã nhất trí, cả thế giới sẽ thất thủ. Thiên nhiên sẽ đáp trả, và con người hoàn toàn không phải là đối thủ”.
ĐỊNH NGUYỄN