Từ đây người biết thương người
Nội dung
Có một bài hát tưởng chừng như bị cho vào quên lãng hay bị vùi dập không còn tồn tại nữa chỉ vì cái lý do ... hết sức vô duyên mà ít người biết.
"Mùa Xuân Đầu Tiên" ! Tác phẩm tuyệt vời của cố nhạc sĩ Văn Cao. Bài hát bày tỏ tâm tình cũng như ước nguyện đầu năm mới của người nhạc sĩ tài hoa nhưng bị người ta bóp méo và cấm cho sử dụng. Đơn giản bài ca bị cấm ca là vì có dòng chữ "từ đây người biết yêu người, từ nay người biết thương người" thốt lên từ tâm hồn của Văn Cao.
Với ông và có lẽ với cả nhiều người, chả ai thích và muốn chiến tranh cả. Tất cả những "di sản" chiến tranh đều để lại thương tích cũng như đau lòng mà là người bình thường chẳng ai muốn. Điều bi đát nhất đó chính là hòng hận thù, ghen ghét và cả ước muốn trả thù.
Hòa bình lập lại, Văn Cao gửi thao thức của mình : "Từ đây người biết thương người" nhưng bị người ta "hiểu nhầm" và mạ lỵ ông bảo ông thế này thế nọ. Khởi đi từ sự "hiểu nhầm" và phải nói là ác ý để rồi tác phẩm Mùa Xuân đầu tiên của ông bị "nhốt" đến 19 năm sau ngày sáng tác.
Ngày Xuân đang về và gần kề, tôi vẫn cứ nghe đi nghe lại và vẫn thích điệu nhạc cũng như tâm tình của Văn Cao. Và, hơn bao giờ hết tôi thấm thía tâm tình của ông với hoàn cảnh hiện tại.
Ngày nay, với nền kinh tế đang vỡ ra và thị trường phát triển cũng như cạnh tranh. Từ sự phát triển chóng vánh đó, lòng người cũng phát triển nhưng dường như theo chiều hướng xấu hơn là tốt. Con người chạy theo tư lợi cá nhân để rồi vun vén nhiều hơn nữa. Nếu như trước đây nồng độ ích kỷ của con người ở mức bình thường nhưng nay tăng quá vội và tăng gấp bội.
Chả hiểu lý do và cũng chả cần biết lý do. Chỉ biết là sao có nhiều người tìm đến như là chỗ sẻ chia của họ về cuộc đời, về phận người. Tất cả những sẻ chia ấy đều gợi lên lòng tham của con người. Và, điều đau khổ nhất vẫn là từ ngay chính người cùng chung dòng máu, cùng chung huyết thống của mình chứ không đâu xa lạ.
Người con trai cảm thấy đắng lòng khi nói về người mẹ của mình. Vì tham tiền, bà sẵn sàng bỏ đi cái lương tâm trong sáng để vun vén cho mình. Người con trai chính bà mang nặng đẻ đau cùng đứa con dâu cũng chỉ là kẻ làm công cho bà hưởng lợi. Người con trai ấy đau lắm khi phải sống trong cái cảnh bi đát. Anh đau lòng nói : "Thà là người chạy xe ôm mà lòng thanh thản còn hơn là làm công cho mẹ ...". Kèm theo đó, căn nhà anh ky cóp mua nhưng sau khi thấy có lợi, người mẹ đã trấn của anh như kiểu cướp cạn ! Buồn đén độ muốn tìm đến cái chết nhưng sợ tội nên anh ngậm đắng nuốt cay để sống cuộc đời khổ ải.
Người chị ruột đau lòng khi nhìn thấy người em gái duy nhất o ép chị đến độ không chịu nổi. Còn au đau lòng hơn ai khi nói : "Mẹ con mất rồi thì con sẽ không ở chung nữa". Cũng vì còn mẹ nên cam lòng chịu đựng cho yên cửa yên nhà chứ không hề muốn chung đụng với đứa em gái "cùng lổ nẻ". Giả như em gái nghèo khổ hay thiếu thốn để tranh giành nhưng lại quá giàu có với căn nhà mặt tiền đường lớn Sài Gòn và mảnh đất to đùng ỏ ngay trung tâm thành phố Bình Dương. Người chị nói : "Bố coi ! Con nằm xuống thì tất cả cũng để lại cho các cháu thôi nhưng sau nó đối xử với con như vậy ?"
Nhiều và nhiều dòng tâm sự về đồng tiền tấc đất như vậy. Nhiều khi muốn hiểu được tại sao nhưng rồi cũng chả thể nào hiểu nổi. Nằm xuống chẳng mang theo được gì và nhất là gia đình có đạo nhưng xem chừng ra sống thua người biết Chúa. Sự công bằng cũng như lòng bác ái không còn chỗ đứng trong tâm hồn của những con người ích kỷ.
Thử tưởng nghĩ nếu như ta sống trong những gia đình mà niềm vui không có cũng như trống vắng lòng thương mến nhau thì ta sẽ thế nào ?
Thực trạng đau lòng về sự trống vắng lòng thương mến lan tỏa từ trong mái ấm gia đình cho đến xã hội. Con người, có thể nói là lừa nhau được bất cứ điều gì là họ cứ thoải mái. Tình nghĩa với nhau bây giờ xem chừng ra xa sỉ quá !
Với tất cả những gì ta đang sống, ta thấy hình như đâu đâu cũng thấy nỗi tan thương của tình nghĩa gia đình và lối xóm. Người ta dường như chả cần biết ai và quan tâm đến ai, họ chỉ biết có mình mình và không bao giờ quan tâm đến cảm xúc của người đồng loại.
Trước thực tại đau buồn của cuộc sống, tưởng chừng ta lại ao ước cũng như mơ ước "Từ đây người biết thương người, từ đây người biết yêu người" như cố nhạc sĩ Văn Cao. Hẳn nhiên là mình chả làm được gì nhưng ít nhiều gì cũng chung chia chút tâm tư của những ai đang khao khát chữ tình và chữ nghĩa trong gia đình. Thương lắm những mảnh đời đang phải đối diện với cuộc sống mà chỉ biết tiền và tiền từ những người thân. Những ước mong và thật sự là ước cho những ai chỉ vì tiền mà bỏ nghĩa anh em và gia đình thân thích.
Lòng nhủ lòng xin cho lòng của mình đừng ích kỷ cũng như tham sân si như những người mình đã thấy. Lại cứ nghe, ngân nga và ca nguyện "Từ đây người biết thương người, từ đây người biết yêu người".
Chi tiết
- Ngày: 08/01/2021
- Tác giả: Antôn Maria Vũ Quốc Thịnh