Tình liên đới!
Nội dung
Tình liên đới!
Tình cờ tôi đọc được câu chuyện "cái bẫy chuột" :
Một gia đình nông dân nọ mua một cái bẫy chuột và lắp đặt trong nhà. Chuột thấy vậy nên rất lo lắng cho sự an nguy của mình.
Mỗi ngày Chuột lại càng thêm căng thẳng, đến mức gặp ai nó cũng nhờ giúp đỡ.
Một hôm, Chuột tìm đến Gà Mái tìm một lời khuyên bổ ích, nhưng Gà Mái chẳng tỏ vẻ chú ý gì:
“Chuyện bẫy chuột đó là chuyện của cậu, có liên quan gì đến tôi đâu! Tôi còn phải lo đẻ trứng nữa đây.”
Chuột lại tìm đến Lợn, Lợn dửng dưng:
“Rõ ràng cái bẫy chuột là muốn lấy mạng của cậu, đâu có phải là lấy mạng tôi đâu? Cậu nói với tôi làm gì! Tôi còn phải lo ăn để tăng ký đây.”
Chuột đem chuyện nói với Bò, Bò tức giận và bảo:
“Bẫy chuột là để bẫy cậu, nó làm sao gây hại cho tôi được! Thôi đi chỗ khác đi, để tôi một mình, tôi đang cần điều trị bệnh mất ngủ đây...”
Chuột rất hoang mang, vì lo lắng cho tính mạng của mình nên sức khoẻ giảm sút.
Nghe được tin này thì Rắn mừng thầm, nó vốn thích thịt chuột, và lên kế hoạch sẽ tấn công bất ngờ tại tận hang Chuột trong nhà người nông dân, và tranh thủ xem mặt mũi cái bẫy chuột nó ra làm sao.
Nửa đêm hôm đó, người vợ nghe thấy có tiếng sập bẫy, liền vội vàng chạy ra xem. Nhưng hoá ra chiếc bẫy chuột sập vào đuôi của một con rắn. Rắn rất tức giận và cắn vào chân bà chủ nhà.
Người vợ sau khi bị Rắn cắn thì sức khoẻ giảm sút rất nhanh. Người chồng phải giết con Gà Mái để tẩm bổ cho vợ. Nhưng bệnh tình của bà vẫn không khá lên mà ngày một nặng hơn. Rất nhiều bà con, bạn bè đến thăm. Người chồng đành phải giết Lợn để thiết đãi khách, xem như một lời cảm tạ. Cuối cùng, người vợ vẫn không qua khỏi và mất. Người chồng chẳng còn cách nào khác phải bán con Bò để an táng cho vợ. Thế là cả Bò, Lợn và Gà Mái đều bị chết, chỉ vì cái bẫy chuột…
Một chiếc bẫy chuột dường như chẳng liên quan gì đến Gà, Lợn, Bò, nhưng cuối cùng vẫn gây cho chúng những hậu quả nghiêm trọng. Chuyện đáng bàn là nếu Gà, Lợn, Bò giúp đỡ Chuột từ trước thì có lẽ mọi chuyện đã khác. Đó chính là cái giá phải trả cho sự vô tâm, thờ ơ của chúng.
Sống trong một tập thể, chúng ta phải biết quan tâm lẫn nhau, đừng nên có tư tưởng rằng việc đó không liên quan đến mình nên kệ, bởi cuối cùng mình cũng sẽ gặp phải hậu quả giống như Gà, Lợn, Bò mà thôi.
Con người chúng ta cũng vậy, nhất là con người là loài có tri giác, cảm giác nữa. Chúng ta luôn luôn được mời gọi sống chung, sống cùng và sống với nhau. Và cũng có quá nhiều câu nói để đời của ông bà để lại như là : "Một cây làm chẳng nên non, ba cây chụm lại nên hòn núi cao", "một con ngựa đau cả tàu bỏ cỏ" ... Thế nhưng rồi trong thực tế ta lại thấy có nhiều tập thế, đoàn thể, gia đình và cả cộng đoàn tu trì sống chuệch choạc với nhau, mỗi người mỗi phách.
Chả bao giờ tôi phê phán hay chỉ trích ai bởi lẽ con người và bản thân của mình vẫn còn đó những khiếm khuyết. Thế nhưng rồi khi nghĩ đến tình liên đới giữa người với người với nhau ta lại thấy có điều gì đó cho một tập thể, một hội đoàn, một cộng đoàn mà người ta lại hơn thua nhau và phe cánh với nhau.
Dĩ nhiên ai ai cũng biết trong thân phận làm người thì con người không tránh khỏi những khiếm khuyết, thế nhưng rồi khi ta là những người được đóng ấn Kitô hữu, được ghi khắc dấu ấn Ba Ngôi Thiên Chúa trong đời mình thì ta phải sống khác với những người chưa được đóng ấn.
Ngồi nghĩ lại cuộc đời, tất cả rồi cũng buông tay để rồi bỏ lại tất cả. Chẳng ai có thể mang gì đến mộ phần ngoài 2 bàn tay trắng cùng với tất cả những tội trạng hay công trạng mà mình đã sống.
Đẹp và thật đep cho những gương mẫu hiền lành và khiêm nhường khi còn sống ở cạnh và ở cùng ta. Ngược lại, ai ai cũng sợ và ngán cho những con người tự cao tự đại và đánh mất đi sự khiêm nhường trong lòng. Chính vì sự kiêu ngạo, sự tự cao tự đại và không biết quan tâm đến người khác đã để lại bao điều đau khổ cho nhau.
"Cái bẫy chuột" có thể là câu chuyện ngụ ngôn nhưng có lẽ cũng đáng để ta suy nghĩ về phận người. Chẳng ai là một hòn đảo cũng như chẳng có thể ai nào đó tự phát triển đời mình nếu như không có sự chia sẻ, hợp tác của người khác. Vậy cho nên mỗi chúng ta cũng cần nhìn lại bản thân mình, nhìn vai trò của mình trong gia đình, tập thể, cộng đoàn để ta biết quan tâm, chia sẻ với người khác nhiều hơn. Khi và chỉ khi ta cảm được nỗi đau của người khác thì ta mới hành xử một cách nhân lành hơn.
Chi tiết
- Ngày: 10/05/2022
- Tác giả: Lm. Anmai