Thôi xin đừng soi chữ nghĩa nhưng hãy sống
Nội dung

          Có lẽ rắc rối nhất của cuộc đời này đó chính là ngữ nghĩa. Ngữ nghĩa chính là cửa ngõ để con người giao tiếp với nhau, hiểu ý tưởng của nhau. Thế nhưng rồi chính ngữ nghĩa cũng đã làm phân cách giữa người với người ngày một lớn.

          Đâu đó bỉ nhân nghe người ta tranh luận đến mức phản đối gay gắt với cụm từ "truyền giáo". Người bảo vệ ý tưởng của mình thì dùng cụm từ "loan báo Tin Mừng" chứ không dùng truyền giáo.

          Với dòng tranh luận đó thì có người ủng hộ và có người chả thèm nghe. Đơn giản rằng ngôn ngữ cũng chỉ là biểu lộ hay trình bày nội dung nào đó để rồi cần dung hòa và cần nhất là sống chứ không dừng lại ở chuyện loại người này, bỏ người kia hay không dùng ngôn từ nọ.

          Kế đến là từ ngữ "thừa sai" hay nhiều từ nữa để tranh luận.

          Bản thân những người xem ra là tri thức họ nói thẳng : "Con chả hiểu thừa sai là gì cả !". Tri thức còn như thế chứ huống hồ gì là người bình dân. Người tri thức này tham gia ca đoàn nhiều năm cũng như giữ đạo khá chuẩn.

          Với tất cả những điều đó, ta thấy nhiều người thích tranh luận, thích phân tích. Hẳn nhiên là đúng chứ chẳng sai. Thế nhưng rồi sau khi phân tích cho nhau hiểu và đi đến phần áp dụng, phần sống trong thực tại của cuộc sống đó mới là điều quan trọng.

          Hội nhóm này, đoàn thể kia xem ra rất phát triển nhất là khi hội nghị hay họp báo nhưng chính bản thân họ còn không hiểu họ nói gì và làm gì nữa. Điều này không phải là đơn cử nhưng là phổ biết. Có khi họ tham gia hội đoàn vì màu cờ sắc áo mà thôi.

          Và, trở về với thực tại. Truyền giáo xem chừng là điều không đơn giản cũng như không dễ nói như nhiều người nghĩ. Hay chỉ là họ chỉ nói trên lý thuyết còn thực tế thì hoàn toàn ngược hẳn.

          Để sống cùng, sống với người cùng ngôn ngữ, cùng văn hóa, cùng học vị xem ra đã là khó. Ngay cả vợ chồng đôi khi còn không hiểu nhau huống hồ gì những người có văn hóa, ẩm thực, ngôn ngữ hoàn toàn khác với ta. Có chăng là chịu đựng nhau mà sống thôi chứ nếu như chấp nhất nhau thì chấp cả ngày, cả tháng và cả năm.

          Nhiều Cha xứ người cùng sắc tộc và ngôn ngữ cũng đã khổ với giáo dân huống hồ gì người khác ngôn ngữ.  Chính vì vậy, không đơn giản để mà phán điều gì đó khi mà ta chưa đụng, chưa sống và chưa hề biết. Có khi biết nhưng cái biết chỉ nửa vời hay biết một cách hời hợt mà phán xem chừng ra rất thánh.

          Có khi mình nghĩ mình biết và mình hiểu người khác nhưng cái biết và cái hiểu chỉ hạn hẹp trong cái cảm của bản thân mình và khó hơn là bắt người khác hiểu mình. Không đơn giản để hiểu, để cảm một vài người và hơn nữa là một nhóm người.

          Chuyện cần nhất ở đời này đó là sống chứ không phải nói. Ngày hôm nay người ta cần chứng nhân hơn là thầy dạy. Cần muốn điều gì đó hình như trên mạng internet đã trả lời dường như đầy đủ. Điều mà internet không làm thay con người được đó chính là chuyện sống.

          Thế cho nên ngôn ngữ thật sự là cần trong cuộc sống nhưng nó không phải là chuyện căn cốt của cuộc đời này. Con người giao tiếp, yêu thương và hiểu nhau đâu phải cứ là ngôn ngữ. Ngôn ngữ đẹp nhất của con người đó chính là tấm lòng. Khi ta có tấm lòng với người khác rồi thì ngôn ngữ xem chừng ra không phải là điều căn cốt nữa.

          Thiên Chúa yêu thương chúng ta Ngài đâu cần ngôn ngữ. Ngôn ngữ mà Chúa truyền đạt cho chúng ta đó chính là Lời Tình Yêu. Lời Tình Yêu có lẽ người ít học và không được học cũng hiểu, cũng biết và cũng cảm.

          Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một của Ngài. Ai yêu Thiên Chúa thì cũng sẽ cảm nhận được Lời đã đến thế gian. Ta cũng vậy, ta yêu thương anh chị em chúng ta được diễn tả qua hành động chứ không chỉ là ngôn từ.

          Ngôn ngữ ơi ! Xin khép lại dành cho những nhà ngôn ngữ học hay khảo cứu. Hãy để cho hành động lên ngôi để diễn tả tình yêu thương với anh chị em đồng loại cách sống động hơn là lời nói, hơn là những lời hoa mỹ và sáo ngữ.

Chi tiết