SỰ PHỤC SINH CỦA THÂN XÁC
Nội dung

SỰ PHỤC SINH CỦA THÂN XÁC

Lễ Đức Mẹ Hồn Xác Được Lên Trời là một ngày lễ đã được tín hữu Kitô cử hành từ thế kỷ thứ tư, nhưng mãi cho đến năm 1950, ĐGH Piô XII mới tuyên bố việc Đức Mẹ Hồn Xác Được Lên Trời là một tín lý của Giáo Hội Công Giáo La Mã. Giáo Hội Công Giáo dạy rằng Đức Trinh Nữ Maria “đã hoàn tất cuộc đời ở trần thế, và thân xác cũng như linh hồn được đưa vào sự vinh hiển thiên đường.”

Sự dạy bảo của Giáo Hội là kết quả của sự phát triển về Thánh Mẫu Học (Mariology) sau một thời gian dài, chứ sự kiện lên trời của Đức Maria không được ghi nhận trong các Phúc Âm.

Trong tiếng ngoại quốc, có hai chữ khác nhau để phân biệt sự kiện Chúa Giêsu lên trời và Đức Mẹ được lên trời. Với Chúa Giêsu, họ dùng chữ ascensio tiếng Latinh(hay Ascension tiếng Anh) trong khi với Đức Maria, họ dùng chữ assomptio tiếng Latinh (hay Assumption tiếng Anh). Chữ “assomptio” có nghĩa “kết hợp” để diễn tả việc Đức Maria được kết hợp Chúa Giêsu ở trên trời.

Sự phân biệt này thì cần thiết và quan trọng, bởi vì, chữ “ascensio” giúp tín hữu nhận thức rằng Đức Giêsu là Thiên Chúa nên tự mình có thể lên trời. Trong khi chữ “assomptio” ám chỉ rằng Đức Maria là một con người nhưng nhờ đời sống tốt lành và thánh thiện nên được Thiên Chúa đưa lên trời.

Tiếng Việt ngày nay thì không phân biệt rõ hai sự kiện này. Chúng ta có lễ Thăng Thiên để nói về Chúa Giêsu Lên Trời và lễ Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời thì trước đây được gọi là lễ Đức Bà Mông Triệu. Chữ Mông Triệu (蒙 召) là từ Hán Việt có nghĩa: “Được Gọi Về”. Chữ này sát với nghĩa của từ assomptio hơn, nhưng vì ít người hiểu biết về Hán Việt nên Giáo Hội Việt Nam đổi thành lễ Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời, không rõ nghĩa như trước.

Lễ Đức Mẹ Hồn Xác Được Lên Trời là một trong những ngày lễ trọng mà nếu rơi vào Chúa Nhật thì Giáo Hội sẽ cử hành ngày lễ này chứ không phải lễ Chúa Nhật thường lệ. Khi cử hành lễ này, Giáo Hội muốn nói lên sự tin tưởng của Kitô Giáo rằng thân xác loài người sẽ sống lại và Đức Maria là nhân chứng đầu tiên.

Ngay từ thời Đức Giêsu, dân tộc Do Thái cũng không có sự tin tưởng đồng nhất về sự sống lại của thân xác. Một số chịu ảnh hưởng của văn hóa Hy La. Người La Mã và Hy Lạp không tin có đời sau và cho rằng chết là hết nên họ có tục thiêu xác khoảng 600-800 năm trước Tây Lịch.

Trong khi đó, tín hữu Kitô từ chối việc thiêu xác, trước hết để phản đối sự tin tưởng của người Hy Lạp và La Mã là không có đời sau, và thứ hai, để nói lên sự tin tưởng vào sự phục sinh thân xác – được thấy nơi Đức Kitô Phục Sinh.

Dần dà, niềm tin tưởng vào sự phục sinh thân xác trở nên mạnh mẽ đến độ vào thời Trung Cổ, Giáo Hội Công Giáo còn cấm thiêu xác mà phải chôn cất tử tế để sống lại. Tuy nhiên, trên thực tế, có những trận dịch mà người ta phải thiêu xác để ngăn chặn sự lây nhiễm. Ngoài ra, nếu cho rằng cần có thân xác để sống lại, thì đối với những người bị chết ngoài biển khơi, hay bị chết cháy thành tro thì chẳng lẽ những người ấy không thể sống lại?

Cho đến năm 1917, Giáo Hội Công Giáo cho phép hỏa thiêu trong thời gian bệnh dịch lan tràn, hoặc những trường hợp khác mà cần phải giải quyết nhanh chóng. Đến năm 1963, luật này lại được thay đổi để cho phép hỏa thiêu vì nghĩa trang chật chội, vì nguy hiểm về vệ sinh, và vì mục đích kinh tế. Tuy nhiên vẫn buộc phải có nghi thức an táng trước khi hỏa thiêu.

Sau cùng, năm 2016, Tòa Thánh Vatican đưa ra chỉ thị về việc chôn cất kẻ chết và cách giữ tro nếu hỏa thiêu. Nói chung, Giáo Hội vẫn đề cao việc chôn cất theo truyền thống và nếu phải hỏa thiêu, tro phải được cung kính cất giữ ở những nơi xứng đáng như nghĩa trang, nhà thờ, chứ không được để trong nhà, hay làm thành đồ trang sức, hoặc đúc trong các bức tượng, v.v., và Giáo Hội cấm không được rắc tro ở bất cứ đâu, bằng bất cứ cách nào như người đời thường làm.

Người Công Giáo chúng ta tin tưởng vào sự thiêng liêng của thân xác, vì khi còn sống, chúng ta đã lãnh nhận các bí tích nơi thân xác, và theo như lời Thánh Phaolô, “Anh chị em không biết rằng thân xác của anh chị em là một đền thờ của Chúa Thánh Thần, Đấng mà Thiên Chúa đã ban cho anh chị em, và như thế anh chị em không thuộc về mình nữa? Vì anh chị em đã được mua bằng một giá đắt. Bởi thế, hãy tôn vinh Thiên Chúa nơi thân xác anh chị em.” (1 Cor. 6:19-20)

Dù chúng ta chôn xác hay hỏa táng, điều tin tưởng chính yếu là sự Phục Sinh như T. Phaolô đã viết cho tín hữu Côrintô trong bài đọc II hôm nay, “Đức Ki-tô đã chỗi dậy từ cõi chết, mở đường cho những ai đã an giấc ngàn thu. Vì nếu tại một người mà nhân loại phải chết, thì cũng nhờ một người mà kẻ chết được sống lại.”

Thân xác phục sinh của chúng ta sẽ như thế nào? Các Phúc Âm không nói rõ. Các tông đồ nhận ra Chúa Kitô Phục Sinh trong một thân xác mới đến độ ngay lúc đầu họ không nhận ra Người, chỉ sau khi có những cử chỉ, lời nói quen thuộc họ mới biết đó là Chúa Kitô. Chúng ta tin rằng đối với Thiên Chúa thì mọi sự đều có thể. Với những ai bị chết mất xác thì qua linh hồn của họ, Thiên Chúa sẽ ban cho họ một thân xác mới. Linh hồn càng thánh thiện thì thân xác càng xinh đẹp. Có lẽ thân xác phục sinh của chúng ta cũng tùy thuộc vào sự chính trực của đời sống chúng ta.

Trở lại ngày lễ hôm nay, các chi tiết về Đức Maria thì rất ít trong các phúc âm, ngay cả bài đọc một được trích trong Khải Huyền nói về một phụ nữ “mình khoác mặt trời, chân đạp mặt trăng, và đầu đội triều thiên mười hai ngôi sao,” thì trên thực tế không có người nào to lớn đến độ như vậy. Các học giả Kinh Thánh cho rằng tác giả sách Khải Huyền không viết về Đức Maria, không tiên đoán ngày tận thế, mà có lẽ ông ám chỉ về Hội Thánh.

Thánh Mẫu Học (Mariology) là một sự suy diễn về Đức Maria được phát triển theo thời gian. Các tín hữu Kitô từ xưa tin rằng Đức Maria đã được lên trời cả hồn lẫn xác vì sự suy diễn dựa trên các phúc âm và được các giáo phụ tóm lược trong 3 yếu tố sau đây:

Yếu tố I. Đức Maria là người cộng tác mật thiết đầu tiên và trung thành nhất trong công trình cứu độ của Thiên Chúa. Sau biến cố Truyền Tin, Đức Maria đã tin theo lời của thiên sứ và nhắm mắt bước theo con đường của Thiên Chúa, dù không biết tương lai ra sao, việc cứu độ xảy ra như thế nào.

Yếu tố II là hệ quả tất yếu của yếu tố I. Vì được cộng tác mật thiết trong công trình cứu độ với vai trò làm mẹ của Đấng Cứu Thế nên Đức Maria phải được gìn giữ khỏi bị ảnh hưởng của tội nguyên tổ.

Tội nguyên tổ là tội bất phục tùng Thiên Chúa của tổ tông loài người và từ đó truyền lại cho giống người một vết nhơ trong linh hồn. Để xuống thế làm người thì Ngôi Hai Thiên Chúa cần có một người mẹ. Và không thể nào Ngôi Hai Thiên Chúa lại bị hoen ố bởi một người mẹ còn vết tích của tội. Do đó Đức Maria phải được ơn Vô Nhiễm Nguyên Tội.

Hậu quả lớn nhất của tội nguyên tổ là sự chết, nhưng Đức Maria được ơn Vô Nhiễm Nguyên Tội nên người không bị ảnh hưởng bởi sự chết. Các Giáo Hội Đông Phương có ngày lễ tương tự như lễ hôm nay nhưng họ gọi là Giấc Ngủ của Mẹ Thiên Chúa (Dormition of Theotokos).

Yếu tố III. Đức Giêsu trước khi thở hơi cuối cùng trên thập giá, đã trao mẹ của mình cho ông Gioan chăm sóc, và Người nói: “Đây là mẹ của con.” Dựa vào lời này, các giáo phụ coi Đức Maria là một Evà mới của một dân tộc mới của Thiên Chúa. Evà có nghĩa “mẹ của chúng sinh”. Đức Maria là mẹ của tất cả những ai theo Chúa Kitô, và Thánh Phaolô viết, “… Mọi người vì liên đới với A-đam mà phải chết, thì mọi người nhờ liên đới với Đức Ki-tô, cũng được Thiên Chúa cho sống.” Dân tộc mới của Thiên Chúa được hoàn thành khi Đức Kitô tái giáng lâm vào ngày sau hết, đó là ngày thân xác loài người sống lại để được phần thưởng hay chịu hình phạt. Đức Maria là mẹ của dân tộc mới mà giờ đây đã được vinh hiển cả hồn lẫn xác để minh chứng lời Thiên Chúa hứa là sự thật.

Qua ba yếu tố vừa kể, chúng ta tin rằng Đức Maria được lên trời cả hồn lẫn xác bởi vì người đã trung thành với ơn gọi của mình và đã tuyệt đối tin tưởng vào lời hứa của Thiên Chúa. Chúng ta cũng có thể noi gương Mẹ Maria khi trung thành hợp tác với ơn cứu độ của Thiên Chúa bằng sự thay đổi chính mình theo các lời khuyên Phúc Âm, cố gắng sống chính trực, xa lánh tội lỗi và tin rằng một ngày nào đó, chúng ta cũng có một thân xác vinh hiển như Mẹ Maria.

Chi tiết