Phục hưng Thánh Thể là Phương Thuốc Giải độc duy nhất cho Chủ Nghĩa Thế tục hôm nay
Nội dung
Phục hưng Thánh Thể là Phương Thuốc Giải độc duy nhất cho Chủ Nghĩa Thế tục hôm nay
Vào đề
Trong vòng 50 năm qua, nước Hoa Kỳ đã trải qua một sự biến đổi sâu xa từ một xã hội chủ yếu là Kitô giáo sang một xã hội càng ngày càng bị tục hóa. Ngày nay, với đà tiến triển của các phương tiện truyền thông xã hội, ảnh hưởng của nó còn gia tăng gấp bội. Trong khi nhiều người cho rằng sự biến đổi này là do các gương mù trong Hội Thánh và sự lỗi thời của Kitô giáo, thì một điều nghiên kỹ lưỡng hơn tiết lộ một kế hoạch có chủ ý được nêu lên trong Đệ Nhất Cương lĩnh của Chủ Nghĩa Nhân bản (Humanist Manifesto I) năm 1933 (https://americanhumanist.org/what-is-humanism/manifesto1/). Bài này tìm hiểu ảnh hưởng của Chủ nghĩa này đối với xã hội đương thời và lý do sự lung lay đức tin của nhiều Kitô hữu, làm sáng tỏ các chiến thuật lừa đảo của nó và những hậu quả lâu dài mà nó gây ra đối với đức tin, nền giáo dục và các giá trị xã hội, cùng đề ra một liều thuốc giải độc cho nguy cơ này.
Nghệ thuật Lừa đảo Tinh vi của Chủ nghĩa Nhân bản Thế tục
Nếu là người Công giáo, bạn có thể sẽ đồng ý gần như 100% với chủ nghĩa Nhân bản Thế tục khi đọc sách vở hoặc các tài liệu tuyên truyền của chúng. Chúng sử dụng những ngôn từ hấp dẫn để tạo ấn tượng rằng chủ thuyết của chúng phù hợp với Giáo huấn Xã hội của Hội Thánh Công giáo. Các cụm từ rất có sức thuyết phục của chúng, như coi trọng “hạnh phúc con người”, đấu tranh để “hướng tới một thế giới quan tâm và chăm sóc lẫn nhau, không có sự tàn ác”, liên quan đến “hệ sinh thái toàn cầu”, giải quyết những khác biệt “bằng cách hợp tác mà không dùng đến bạo lực”, “dấn thân cho sự đa dạng, và tôn trọng những người có quan điểm khác nhau nhưng nhân đạo…,” có thể làm cho nhiều người nghĩ rằng chúng có nhiều điểm phù hợp với giáo lý Công giáo. Trong mọi hoạt động tuyên truyền, chúng đều dùng những lời lẽ xảo quyệt để thu hút mọi người. Chúng đã ma quái lợi dụng chủ trương khoan dung và nhân ái của Công giáo để đánh lừa nhiều người Công giáo chân thành nhưng nhẹ dạ. Cuối cùng chúng dẫn họ vào cái bẫy ý thức hệ đã được giăng ra cẩn thận. Trong số những người rơi vào cái bẫy này có các tu sĩ, Linh mục, Giám mục và ngay thậm chí một số Hồng y.
Phải hiểu Mục đích Nguyên thuỷ của chúng
Để hiểu được nguồn gốc của Chủ nghĩa Nhân bản Thế tục, cần phải có một hành trình trở lại Đệ Nhất Cương lĩnh của chúng vào năm 1933. Được soạn thảo bởi các tư tưởng gia có ảnh hưởng rất lớn ở Hoa Kỳ như Raymond Bragg, John Dewey (Cha đẻ của nền Giáo dục Hiện đại) và Edwin H. Wilson, bản Cương lĩnh này đã đánh dấu một thời điểm quan trọng trong lịch sử trí tuệ. Nó định vị Chủ nghĩa Nhân bản Thế tục như một tôn giáo có tín điều riêng. Điều 8 của bản Cương lĩnh tuyên bố: “Tôn giáo Nhân bản (Religious Humanism) coi việc nhận thức đầy đủ về nhân cách con người là mục đích cuối cùng của cuộc đời con người và tìm kiếm sự phát triển cũng như viên mãn của nó ở đây và bây giờ”. Điều đáng chú ý, chủ nghĩa này thậm chí còn tự hào về việc có các tuyên uý riêng tại các đại học nổi tiếng như Harvard và MIT. Việc đưa các tuyên uý vào các tổ chức danh tiếng này càng nhấn mạnh tính thể chế hóa và ảnh hưởng của chủ thuyết này trong việc định hướng tương lai của đất nước, đặc biệt là trong lãnh vực giáo dục.
Động lực của Đầu Thế kỷ 20
Đệ Nhất Cương lĩnh của Chủ Nghĩa Nhân bản mở đầu bằng cách thừa nhận những thay đổi về văn hóa và trí tuệ vào đầu thế kỷ 20, khẳng định rằng các niềm tin hữu thần theo truyền thống, chẳng hạn như Kitô giáo, đã lỗi thời và không được trang bị đầy đủ để giải quyết những thách đố hiện đại. Chúng ủng hộ một sự thay đổi mô hình dựa trên lý trí, khoa học và cam kết đối với các giá trị nhân bản. Cương lĩnh tuyên bố rằng “đã đến lúc cần phải thừa nhận rộng rãi những thay đổi tận gốc về niềm tin tôn giáo trên khắp thế giới hiện đại”.
Chấp nhận Thuyết Tự nhiên
Trụ cột cơ bản của Đệ nhất Cương lĩnh Nhân bản là sự bác bỏ dứt khoàt những quan niệm về siêu nhiên. Những người theo chủ nghĩa Nhân bản biện minh cho một vũ trụ hoạt động trong khuôn khổ tự nhiên, không có bằng chứng đáng tin cậy nào chứng minh sự hiện hữu của một vị thần hoặc các thế lực siêu nhiên. Sự từ chối này không những chỉ là một phủ định mà còn là lời kêu gọi đón nhận sự hiểu biết theo khoa học và dựa trên các bằng chứng khoa học về thế giới. Cương lĩnh nhấn mạnh rằng các tôn giáo hữu thần theo truyền thống đã không còn ý nghĩa và bất lực trong việc giải quyết các vấn đề nhân sinh trong thế kỷ 20.
Một nền Đạo đức dựa trên Kinh nghiệm và Nhu cầu của con người
Lập trường đạo đức được nêu rõ trong Cương lĩnh nhấn mạnh đến sự cần thiết của một nền đạo đức hay luân lý dựa trên kinh nghiệm và nhu cầu của con người, khác biệt với các quy tắc luân lý tuyệt đối bắt nguồn từ các điều răn của tôn giáo. Những người theo thuyết Nhân bản Thế tục chối từ một nền luân lý tuyệt đối và ủng hộ một khuôn khổ luân lý đạo đức tương đối ưu tiên cho hạnh phúc cá nhân và xã hội, với những giá trị cốt lõi như lòng nhân ái, sự đồng cảm, sự khoan dung và công lý.
Quyền Tự chủ và Trách nhiệm Cá nhân
Ủng hộ quyền tự chủ của cá nhân, Cương lĩnh bác bỏ chủ nghĩa độc đoán và khuyến khích các cá nhân suy nghĩ độc lập, đưa ra những quyết định sáng suốt và chịu trách nhiệm về hành động của mình. Chúng lập luận rằng la bàn đạo đức và luân lý của các cá nhân cần được dựa trên lý trí, kinh nghiệm và nhận thức sâu xa về hậu quả của hành động của họ đối với chính mình và những người khác. Một cá nhân có quyền làm bất cứ điều gì họ thích miễn là điều ấy không phương hại đến quyền lợi của người khác hay trật tự xã hội.
Sử dụng Giáo dục như một Phương tiện để Thống trị Thế giới
Cương lĩnh coi giáo dục là nền tảng để xâyn dựng một thế Nhân bản Thế tục trong tương lai. Chúng chủ trương một nền giáo dục nuôi dưỡng việc suy nghĩ có phán đoán, có trình độ hiểu biết về khoa học và đặc tính nhân đạo. Chúng cổ võ một hệ thống giáo dục được thiết kế để trang bị cho các cá nhân những công cụ trí tuệ cần thiết ngõ hẩu vượt qua sự phức tạp của thế giới hiện đại. Chúng tuyên bố rằng “tôn giáo phải hình thành những hy vọng và kế hoạch của mình dưới ánh sáng của tinh thần và các phương pháp khoa học.”
Không những chỉ kêu gọi, trong gần 100 năm qua, chúng đã đưa ra những kế hoạch tỉ mỉ để gài người vào các trường đại học, kể cả các đại học và chủng viện Công giáo, để tạo ra một tầng lớp trí thức mới theo mô hình của chúng. Và chúng đã thành công trong việc đào tạo một tầng lớp các nhà giáo mới đang điều hành nến giáo dục ở Hoa Kỳ từ Tiểu học đến Hậu Đại học, trong đó có cả các giáo sư Đại Chủng Viện.
Công Bằng Xã hội và Kinh tế
Cương lĩnh xem xét nghiêm túc các vấn đề về công bằng xã hội và kinh tế, kêu gọi xóa bỏ sự phân biệt đối xử và bất bình đẳng. Nó cổ võ một khuôn khổ xã hội công bằng và hợp tác, ưu tiên cho hạnh phúc của tất cả các thành viên. Nó thúc đẩy cam kết thực hiện một cuộc “cách mạng xã hội” và thiết lập “trật tự kinh tế xã hội hóa và hợp tác”. Chính chủ trương này đã thu hút được nhiều nhà lãnh đạo Công giáo theo chúng.
Ảnh hưởng của Chủ nghĩa Nhân bản Thế tục trong Thế kỷ 21
Các nguyên tắc được ghi trong Cương lĩnh Nhân bản này tiếp tục có ảnh hưởng sâu xa đến xã hội phương Tây trong thế kỷ 21. Chúng hình thành bối cảnh phát triển của kinh nghiệm con người, bác bỏ chủ nghĩa siêu nhiên, đón nhận lý trí và khoa học, đồng thời ủng hộ một nền luân lý đạo đức lấy con người làm trung tâm.
Chúng đã đạt được nhiều thành quả rất đáng kể trong việc thay thế các giá trị tôn giáo truyền thống bằng các học thuyết của chúng. Qua việc đẩy Thiên Chúa ra khỏi các trường học và xã hội, chúng đã thay thế nền luân lý Kitô giáo bằng nền luân lý Nhân bản tương đối trong mọi khía cạnh của đời sống xã hội. Chiến thuật lừa đảo của chúng đã ảnh hưởng rất lớn đến các Kitô hữu và các cơ cấu tôn giáo. Qua việc gài người vào hệ thống giáo dục trên 70 năm qua, chúng đang độc quyền thao túng nền giáo dục và chính trị Hoa Kỳ với một tầng lớp trí thức mới đã được chúng tẩy não.
Chúng đã thành công trong việc biến nhiều nhà trí thức và chính trị gia Công giáo thành những công cụ đắc lực của chúng. Những người này đang lợi dụng sự cởi mở của Hội Thánh Công giáo và địa vị của họ trong các cơ sở giáo dục để bóp méo Thánh Kinh và giáo huấn của Hội Thánh, đặc biệt là Giáo huấn Xã hội, theo chiều hướng của chúng. Chiến thuật này của Ma Quỷ là reo rắc sự lầm lẫn, nghi ngờ về các giáo huấn của Hội Thánh và tìm cách lung lay các tín hữu và chính Huấn Quyền. Những hiểu lầm về những giáo huấn mới nhất gần đây về việc chúc lành cho những cặp hôn nhân đồng tính là bằng chứng rằng làn khói độc hại của chúng đã lan rộng đến tận Rôma.
Phục hưng Thánh Thể là Phương Thuốc Giải độc Duy nhất
Trước khi được bầu làm Giáo Hoàng, Đức Bênêđictô đã cảnh báo trong công nghị rằng “Chúng ta đang tiến đến một chế độ độc tải của thuyết tương đối, là thuyết không nhìn nhận những gì là chắc chắn, và mục tiêu cao hơn của nó là ‘cái tôi và những ước muốn’ của chính con người.” Chủ nghĩa vị kỷ này cũng chính là chủ trương của chủ nghĩa Nhân bản Thế tục.
Trong cuốn tiểu sử được xuất bản bằng Tiếng Đức ngảy 4 tháng 5 năm 2020, Đức Bênêđictô đã cảnh giác về Chủ thuyết Nhân bản Thế tục rằng “Xã hội hiện đại đang trong tiến trình hình thành một tín điều chống lại Kitô giáo, và việc chống lại tín điều này sẽ bị trừng phạt bằng vạ tuyệt thông xã hội." Ngài nói rằng Hội Thánh Công giáo đang bị đe doạ bởi “một chế độ độc tài toàn cầu của những hệ tư tưởng có vẻ nhân bản”. Ngài lấy hôn nhân đồng tính, phá thai và việc “tạo ra con người trong phòng thí nghiệm” làm thí dụ.
Vào tháng 1 năm 2012, ngài đã nhắn nhủ một số Giám mục Hoa Kỳ trong chuyến hành hương ad limina tới Rôma, rằng: “Điều cấp thiết là toàn thể cộng đồng Công giáo ở Hoa Kỳ phải nhận ra những mối đe dọa nghiêm trọng… do một chủ nghĩa thế tục cực đoan càng ngày càng được thể hiện trong các lĩnh vực chính trị và văn hóa… của người Mỹ.” Ngài cảnh báo rằng, những đe doạ này thường “được ngụy trang như một khẳng định về lợi ích của sự đa nguyên.” Nhưng thực ra họ chỉ khoan dung với những gì thích hợp với các tiêu chuẩn suy nghĩ mà họ chủ trương phải áp đặt trên mọi người” - điều mà người Mỹ gọi là “political correctness.” Hậu quả thực sự của nó là xóa bỏ sự khoan dung đối với đức tin Kitô giáo, không cho các Kitô hữu được phép thể hiện đức tin của mình một cách hữu hình nữa.
Để chống lại chủ thuyết này, Đức Bênêđictô đã đưa ra một giải pháp trong Kinh Truyền Tin ngày 26 tháng 6 năm 2011. Ngài nói, “Trong một nền văn hóa càng ngày càng mang tính cá nhân chủ nghĩa, trong đó các xã hội phương Tây đang bị nhận chìm - và đang có xu hướng lan rộng khắp thế giới - Bí tích Thánh Thể là một loại 'thuốc giải độc' hoạt động trong tâm trí và trái tim của các tín hữu và liên tục gieo vào họ luận lý của sự hiệp thông, phục vụ, chia sẻ - nói cách khác, luận lý của Tin Mừng … Từ Bí tích Thánh Thể, Đức Kitô Phục sinh thực sự hiện diện giữa các môn đệ của Người và hoạt động với quyền năng của Chúa Thánh Thần. Và ở các thế hệ tiếp theo qua nhiều thế kỷ, Hội Thánh, bất chấp những hạn chế và lỗi lầm của con người, vẫn tiếp tục là một sức mạnh hiệp thông trên toàn thế giới.”
Kết Luận
Ảnh hưởng của thuyết Nhân bản Thế tục hiện nay có thể được ví như một trận cuồng phong đang bủa vây con thuyền Hội Thánh tứ bề. Với những sảo thuật tinh vi, những kẻ theo chủ thuyết này đã quyến rũ được rất nhiều người trong giới trí thức Công giáo, kể cả một số nhà lãnh đạo các đại học Công giáo lớn như Georgetown và Notre Dame cùng một số nhà lãnh đạo cao cấp của Hội Thánh. Đề cao cảnh giác trước các chiến thuật lừa đảo của Chủ nghĩa Nhân bản Thế tục là điều rất quan trọng, vì chúng được coi là công cụ hữu hiệu nhất trong tay Ma quỷ để chống lại Thiên Chúa trong thời đại chúng ta. Nếu không cảnh giác chúng ta sẽ có nguy cơ rơi vào cạm bẫy của chúng. Chỉ có Chúa Giêsu mới có thể thấy rõ sảo thuật tinh vi của chúng và có quyền năng chống lại chúng. Chúng ta phải bám chặt vào Chúa thì mới sống nổi. Và Chúa luôn hiện diện cùng chúng ta hằng ngày cho đến tận thế trong Bí tích Thánh Thể.
Ý thức được mối nguy hiểm này, Hội đồng Giám mục Công giáo Hoa Kỳ đã và đang thúc đẩy việc Phục hưng Thánh Thể. Nhìn nhận rằng chỉ có Chúa Giêsu Kitô và Chúa Thánh Thần mới có thể dẫn dắt Hội Thánh đến mọi Chân lý, các ngài đã bỏ rất nhiều tâm lực để đề ra kế hoạch Phục hưng Thánh Thể. Trong năm Phục hưng Giáo Xứ này, các Giám mục tha thiết kêu gọi các linh mục đem bốn Trụ Cột của việc Phục hưng Thánh Thể ra thực hành trong giáo xứ của mình. Cử hành phụng vụ cho nghiêm trang và hấp dẫn, tổ chức những buổi học tập về Thánh Thể và Thánh Lễ để giáo dân có thể biết Chúa và yêu Chúa nhiều hơn, tạo những dịp cho giáo dân gặp gỡ Đức Kitô cách cá nhân trong Bí tích Thánh Thể, và cuối cùng đào luyện họ thành những môn đệ truyền giáo để họ đem Chúa Thánh Thể vào thế gian để cho thế gian được sống.
Chúa Giêsu đang kêu gọi bạn tham gia phong trào Phục hưng Thánh Thể và truyền bá Tình yêu đích thực của Người cho toàn thế giới để chống lại các sảo thuật của ma quỷ dưới bất cứ hình thức nào và bằng bất cứ phương tiện nào.
Phaolô Phạm Xuân Khôi
Chi tiết
- Ngày: 02/03/2024
- Tác giả: Lm. Anmai