Năm học mới 2024-2025 lại đến…
Nội dung

Năm học mới 2024-2025 lại đến...

----------------------------

 

 

Mùa hè sắp trôi qua và chỉ còn ít ngày nữa là năm học mới 2024-2025 lại đến. Tôi xin mạn phép chia sẻ một số suy tư, trăn trở khi con em chúng ta sắp sửa quay trở lại học đường trong tâm tình của một phụ huynh và một giáo lý viên tại một giáo xứ ở Hoa Kỳ.

Mặc dù đã xa quê hương hơn 20 năm nhưng tôi vẫn theo dõi tin tức, tình hình đất nước Việt Nam, trong đó có vấn đề giáo dục. Điều làm tôi đau lòng nhất là con em chúng ta bây giờ đi học phải đóng tiền. Những gia đình nghèo hoặc đông con thì làm sao có thể kham nổi tiền học phí. Và như vậy có lẽ rất nhiều trẻ nhỏ đành phải bỏ học. Chưa kể là để vào trường tốt thì cha mẹ lại phải đóng học phí cao hơn. Mà nhiều khi có khả năng đóng học phí nhưng chưa chắc đã được nhận vì phải “tranh giành nhau” xếp hàng hoặc “quen biết” thì mới được. Có lẽ

đó là một trong những lý do mà gần đây báo chí đưa tin ở nhiều nơi các em đã bỏ nộp đơn thi vào lớp 10 hoặc bỏ thi đại học với con số bỏ học cao kỷ lục.

Điều thứ hai là đạo đức của học sinh đã xuống dốc không phanh. Tôi thực sự thấy kinh hoàng khi mấy năm gần đây đã thấy nhiều vụ việc mà trong đó nhiều học sinh bị các bạn đánh hội đồng, lột quần áo ngay trong trường học và đã có những trường hợp dẫn đến chết người. Điều đau đớn hơn là nhiều em đã dửng dưng quay phim đưa lên Facebook mà không đứng ra can ngăn hoặc báo ngay cho thầy cô giáo hoặc người lớn.

Thứ ba là sự bất cập trong hoạch định việc giáo dục đó là việc thay đổi sách giáo khoa xoành xoạch. Như vậy thì làm sao các em có thể có được một nền tảng kiến thức ổn định và nhất quán.

Một điều khác nữa là sự lãng phí tài năng và công sức đào tạo vì sau khi ra trường thì nhiều sinh viên đại học không tìm được việc làm hoặc phải làm việc trái nghề.

Tôi vẫn nhớ ngày xưa khi đi thi từ cấp một lên cấp hai rồi thi vào lớp 10 và vào đại học thì đều là hình thức thi viết và học thuộc lòng, ngoại trừ các môn toán, lý, hóa. Có vẻ cách thi này vẫn được áp dụng đến hôm nay. Nó làm cho các em phải cố gắng học thuộc lòng như con vẹt và không phát huy được sự năng động và thích thú trong học tập. Chưa kể các môn học như văn, sử, đạo đức thì các em phải bị nhồi nhét một chiều những giáo điều và ca ngợi chế độ và những con người quyền lực đang lãnh đạo chính quyền.

Tương phản với những trăn trở đã nêu ở trên của nền giáo dục ở Việt Nam thì con cái chúng tôi ở bên Hoa Kỳ này được hưởng một nền giáo dục tốt đẹp. Từ mẫu giáo cho đến lớp 12 thì mỗi học sinh đều được đi học miễn phí. Các con em gia đình nghèo được chính phủ chu cấp khẩu phần ăn sáng và trưa miễn phí tại trường. Các em ở xa trường học thì có xe bus đến đón tận nhà. Khi vào đại học nếu gia đình khó khăn thì các sinh viên đều có thể mượn được tiền của chính phủ để học cho đến khi ra trường đi làm rồi trả nợ lại.

Các em chẳng có môn học đạo đức như ở Việt Nam nhưng do nền tảng Kitô giáo ăn sâu vào cội rễ của người Mỹ và trong cách giáo dục cùng cách ứng xử của cha mẹ, thầy cô, bạn bè và mọi người đều lấy con người làm gốc và sống trung thực, cùng một hệ thống tư pháp và hành pháp nghiêm ngặt nên mọi người và các em đều sống trung thực và nhân nghĩa. Tôi chưa bao giờ nghe thấy việc các em học sinh đánh hội đồng một em nào đó ở trường học cả. Tất nhiên ở đâu cũng có người xấu, kẻ ác nhưng đó chỉ là một thiểu số quá ít. Một điều đáng nói là sau khi ra trường đại học thì hầu hết mọi sinh viên đều tìm được việc làm phù hợp với bằng cấp và trình độ của mình.

Điều tôi thấy rất tốt cho các em bên Hoa Kỳ này là không hướng các em vào việc học thuộc lòng và nhồi nhét. Họ tìm cách kích thích sự tìm tòi, sáng tạo trong học tập. Các chương trình thi cử đều ở dạng câu hỏi trắc nhiệm ( ngoại trừ toán, lý, hoá) và đều được hội đồng khoa học của tiểu bang hoặc liên bang thẩm định một cách khoa học.

Nói thế không phải để không có những lo lắng, băn khoăn cho con cái chúng tôi khi các em tới trường. Điều tôi quan tâm nhất là xã hội Mỹ quá tự do và tôn trọng ý kiến cá nhân. Vì vậy các em được truyền bá các tư tưởng tự do cá nhân, chẳng hạn như phụ nữ có quyền lựa chọn phá thai, những người đồng tính được lấy nhau và bầy tỏ công khai nơi học đường và nơi công cộng. Các thanh niên, thiếu nữ có thể quan hệ và sống thử trước khi cưới. Mà tôi thấy khuynh hướng này giờ đây cũng lan tràn ra khắp thế giới và cả Việt Nam ta. Tôi nghe nói tỉ lệ các em vị thành niên quan hệ nam nữ và mang thai, phá thai rất cao ở Việt Nam, có thể được xếp vào một trong những nước có tỉ lệ phá thai hàng đầu của thế giới.

Với tư cách là một người Công giáo và làm cha mẹ, cùng với thực trạng nêu trên nên vợ chồng tôi đã quyết định tham dự các sinh hoạt trong giáo xứ Đức  Mẹ Hằng   Cứu             Giúp    ở Garland, Texas, trong đó có việc dạy giáo lý, ban dự bị hôn  nhân và Việt ngữ để giúp truyền tải đức tin và gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam cho con cháu mình. Là một giáo lý viên, tôi nhận thấy rằng gìn giữ đức tin cho các em không hề dễ dàng. Xã hội ngày nay và ma quỷ càng ngày càng tìm cách làm cho người trẻ sống dựa trên những giá trị vật chất và vui thú mà xa rời Thiên Chúa và Giáo hội. Là cha mẹ và đặc biệt là một giáo lý viên, chúng ta trước hết cần phải cầu nguyện và kết hợp mật thiết với chúa Giêsu. Nếu chúng ta không biết về chúa Giêsu và không kết hiệp với chúa Giêsu thì làm sao tao có thể đem Chúa đến cho người khác, đặc biệt là con cái chúng ta. Nơi gia đình, nơi nhà thờ, nơi cộng đoàn, nơi làm việc là chỗ mà chúng ta có thể biểu lộ cho mọi người và nhất là các em gương mặt của chúa Giêsu thế nào. Đó chính là cách loan báo tin mừng hữu hiệu nhất.

Chúng ta cũng cần cùng nhau hợp sức để chung tay xây dựng giáo hội và loan báo tin mừng qua việc tham dự các chương trình giáo dục đức tin, giáo lý, cầu nguyện, học hỏi lời chúa, từ thiện….

Hy vọng trong năm học mới này chúng ta sẽ có thêm nhiều giáo lý viên,giảng viên, thầy cô, bác sĩ, y tá, công nhân, sinh viên, linh mục … đạo đức và thánh thiện ,nhiệt huyết và giỏi giang để mỗi người là một viên gạch góp phần xây nên bức tường vững chắc của giáo hội.

Chúng ta cũng cầu mong có thêm nhiều anh chị em tham gia vào việc giáo dục và gióng lên tiếng nói góp sức xây dựng với chính quyền. Mọi người cũng cần cầu nguyện cho các nhà lãnh đạo của chúng ta và bộ giáo dục và đào tạo để họ có thể có những thay đổi mang tính bước ngoặt để mọi trẻ em Việt Nam có thể đến trường mà không phải lo gánh nặng học phí. Mong sao có những thay đổi tích cực trong hệ thống giáo dục của Việt Nam để việc học không còn mang tính hình thức mà đạt hiệu quả và tính thực tiễn. Ước mong sự đạo đức và đời sống nhân bản của các em ngày càng được lan tỏa mọi nơi ở học đường và tất cả mọi người trong xã hội

Dallas ngày 4 tháng 8 năm 2024

 

Nguyễn Thành Lê

 

 

 

 

 

 

Chi tiết