Mục tử Giêsu
Nội dung

MỤC TỬ GIÊSU

Các bài đọc một, bài phúc âm và thánh vịnh đáp ca hôm nay đưa ra hình ảnh người chăn chiên và con chiên. Hình ảnh này thì xa lạ với người Việt Nam bởi vì chúng ta không nuôi chiên mà nuôi trâu bò, và các đặc tính của chúng thì khác nhau, do đó, để có thể hiểu được ý nghĩa của các bài đọc hôm nay chúng ta phải tìm về đời sống xã hội vùng Địa Trung Hải.

Dân Ít-ra-en thời xưa thường nuôi chiên và dê vì chúng dễ thuần hóa, và được coi là không ô uế để có thể ăn thịt, lấy sữa, lấy lông se kết thành vải may quần áo. Qua các đặc tính tự nhiên của con chiên và con dê, người vùng Trung Đông cho rằng con chiên tiêu biểu cho vinh dự, nam giới, sự hùng mạnh, và sự trầm lặng, trong khi con dê tiêu biểu cho sự xấu hổ, nữ giới, sự yếu đuối, và sự ồn ào, v.v. Chiên được nuôi ở cánh đồng bởi các người chăn chiên là nam giới trong khi dê được nuôi ở nhà bởi nữ giới. Chiên được coi là gia súc khờ dại, cần người chăn, nếu không, chúng có thể nhắm mắt đi theo con đầu đàn mà có thể lao xuống vực thẳm.

Về người chăn chiên, trong Cựu Ước, Thiên Chúa thường được diễn tả là mục tử nhân lành, chăn dắt dân Ít-ra-en như chúng ta nghe trong Thánh Vịnh Đáp Ca hôm nay. “Chúa là mục tử chăn dắt tôi, tôi chẳng thiếu thốn gì. Trong đồng cỏ xanh tươi, Người cho tôi nằm nghỉ. Người đưa tôi tới dòng nước trong lành và bổ sức cho tôi”, v.v.

Hình ảnh mục tử cũng tiêu biểu cho những người lãnh đạo dân Ít-ra-en như chúng ta nghe trong bài đọc một mà Ngôn Sứ Giêrêmia, thay mặt Thiên Chúa, lên tiếng cảnh cáo những người lãnh đạo không chu toàn bổn phận, và tiên báo một Mục Tử xuất phát từ dòng dõi vua Đavít sẽ cứu thoát dân và được gọi là “Chúa-công-bình-của-chúng-ta.”

Nếu nhớ lại các đoạn phúc âm trong các Chúa Nhật trước, chúng ta sẽ thấy Máccô từ từ đưa hình ảnh của Đức Giêsu từ một người thợ tầm thường ở Nagiarét lên vai trò cứu độ cao trọng với những khả năng phi thường như trừ quỷ, chữa lành người đau yếu, làm yên sóng gió và ngay cả ban cho các môn đệ quyền lực trên các thần ô uế. Và trong phúc âm hôm nay, Máccô viết “[Đức Giêsu] thấy đám đông ‘như bầy chiên không người chăn dắt’ nên Người chạnh lòng thương, lên tiếng dạy bảo họ”. Giáo Hội đưa bài đọc một và bài phúc âm này vào Chúa Nhật hôm nay như muốn nói rằng Đức Giêsu là Mục Tử như được Ngôn Sứ Giêrêmia tiên báo, Người sẽ cứu thoát dân Ít-ra-en và là “Chúa-công-bình-của-chúng-ta.”

Với sự hiểu biết trên, chúng ta thử áp dụng các ý nghĩa đó vào đời sống thực tế.

Trước hết, chúng ta thường nghĩ về con chiên là một con thú xinh xắn, mịn màng, yếu đuối như trong các tranh vẽ, nhưng Đức Giêsu nhìn chúng ta “như bầy chiên” có nghĩa Đức Giêsu nhìn thấy chúng ta là những người có vinh dự, có sức mạnh, có thể chịu đựng gian khổ mà không than van.

Đàn chiên thì cần có người chăn dắt, nhưng cũng như thời Cựu Ước, “đàn chiên” của Chúa có thể tan tác vì các mục tử gian ác, bỏ bê trách nhiệm thì chúng ta cũng phải thận trọng có cái nhìn xứng hợp đối với những người lãnh đạo trong Giáo Hội ngày nay. Nhiều khi giáo dân chúng ta rất ưa thích, mến mộ vị lãnh đạo nào đó đến độ thần thánh hóa vị ấy mà quên rằng chính Chúa Giêsu mới là “thần tượng” của chúng ta.

Thông tin trên mạng ngày nay cho thấy có những vị chức sắc cao trong phẩm trật Giáo Hội hoàn vũ nhưng đời sống thực tế của họ lại khác xa với các chân lý phúc âm. Đó là điều đáng buồn, nhưng đó cũng là một nhắc nhở tốt để chúng ta đừng nhìn Thiên Chúa qua hình ảnh của các người lãnh đạo ở trần thế. Một khi là con người, ai cũng có khuyết điểm. Chúng ta không thể mong đợi sự tuyệt hảo nơi các vị lãnh đạo, bởi vì, chính chúng ta cũng không tuyệt hảo.

Khi có cái nhìn bao dung, xác thực về người lãnh đạo tinh thần, chúng ta sẽ nhận ra rằng điều quan trọng của một người theo Chúa Kitô thì không phải các hình thức đạo đức bên ngoài mà là sự sống đạo thực sự.

Một điểm quan trọng khác được nhận thấy trong bài phúc âm hôm nay là sự thân tình với Chúa Giêsu. Đây là điểm được thấy qua lời của Đức Giêsu nói với các tông đồ hôm nay, “Anh em hãy lui vào nơi thanh vắng mà nghỉ ngơi đôi chút”.

Để có thể hiểu được điều này, chúng ta phải trở lại sinh hoạt xã hội vùng Trung Đông thời xưa. Có thể nói, không có sự riêng tư trong xã hội thời bấy giờ bởi vì các thôn xóm hay làng mạc, đông lắm chỉ khoảng hơn một trăm gia đình, và nhà cửa thì không kín cổng cao tường như bây giờ nên hầu như mọi người trong xóm đều biết chuyện của nhau. Con nít thời xưa là những “thám tử” hữu hiệu nhất. Chúng lẻn vào nhà người khác để nghe chuyện, để dò xét và sau đó chúng đi rêu rao khắp xóm! Hơn nữa, người xưa cho rằng chỉ có chuyện xấu mới cần phải giấu giếm, phải giữ bí mật, do đó, người ta không có sự riêng tư nhiều khi cần thiết.

Khi Đức Giêsu nói với các tông đồ hãy đến nơi thanh vắng, đó là để thầy trò có thể tâm sự riêng tư với nhau sau một thời gian xa cách vì các tông đồ được sai “đi rao giảng, kêu gọi người ta ăn năn sám hối” (Mc 6:12). Khi ở riêng với Đức Giêsu, các tông đồ được dạy bảo, được học hỏi, được rèn luyện để trở nên giống Đức Giêsu. Ngày nay cũng vậy, chúng ta cũng cần phải tạm ngưng công việc, dù là việc tông đồ, để có thời giờ riêng tư với Chúa Giêsu và thực sự nhìn lại đời sống hàng ngày của chúng ta trong sự soi sáng của Chúa Thánh Thần và ánh sáng Phúc Âm – điều chúng ta làm có đúng không? Có đem lại niềm vui, bình an cho những người chung quanh hay không?

Có nhiều người muốn đến nhà nguyện để tâm sự với Chúa Giêsu trong Thánh Thể, điều đó rất tốt, nhưng chúng ta cũng đừng quên là chúng ta có thể nói chuyện với Chúa Giêsu ở bất cứ ở đâu và bất cứ khi nào. Điều quan trọng là chúng ta có dành thời giờ để tâm sự với Chúa hay không.

Câu hỏi tiếp theo là làm thế nào để sự thân tình với Chúa Giêsu có lợi cho chúng ta, hay nói cách khác, làm thế nào để biết điều chúng ta làm có đúng, có phải là điều Chúa muốn nói, hay muốn sửa dạy chúng ta hay không? Dĩ nhiên, Thiên Chúa không trực tiếp xuất hiện để dạy bảo chúng ta, nhưng dựa vào câu nói của Chúa Giêsu – “Ta là đường, là sự thật, và là sự sống” – nếu chúng ta yêu mến Chúa thì chúng ta phải yêu quý sự thật, ngay cả những sự thật rất nhỏ bé, rất tầm thường trong đời sống hàng ngày.

Thí dụ, biết thức ăn đó không tốt cho sức khỏe thì chúng ta phải từ bỏ chứ đừng cậy dựa vào thuốc. Biết việc tập thể dục là cần thiết thì chúng ta phải cố gắng vận động cơ thể hàng ngày, đừng nghĩ rằng sống nhàn hạ là sung sướng. Con cái có nói điều gì đúng và sự thật về chúng ta thì phải nhìn nhận và thay đổi. Thấy người khác có điều gì đúng và tốt hơn chúng ta thì cố gắng noi theo. Đó là yêu quý sự thật.

Nhận biết những sự thật nhỏ bé là bước đầu dẫn đến một bước quan trọng hơn, đó là chúng ta sẽ thấy được sự yếu kém của mình. Một việc nhỏ xíu mà chưa làm nổi thì mới thấy chúng ta yếu kém chừng nào. Sự yếu kém đó sẽ giúp chúng ta nhận ra các khuyết điểm của mình. Đây là điều quan trọng, bởi vì một khi nhận biết các khuyết điểm là khi chúng ta bắt đầu thấy được lợi ích của sự khiêm tốn.

Khiêm tốn là nhân đức đầu tiên trong các nhân đức, bởi vì nó đưa chúng ta vào một tình trạng tốt đẹp để có thể đón nhận các chân lý khác về mọi phương diện. Từ các sự thật trong lãnh vực khoa học, xã hội và tôn giáo chúng ta sẽ dần dà nhận ra Thiên Chúa thật. Không dễ để khiêm tốn nếu chúng ta không quyết tâm. Nhưng khiêm tốn sẽ mở đường cho chúng ta vào ơn cứu độ.

Tóm lại, chúng ta tin Chúa Giêsu là Mục Tử Nhân Lành, dẫn đường cho chúng ta đến nguồn sống đời đời, và để có thể “lắng nghe” tiếng nói của Mục Tử Giêsu, chúng ta cần dành thời giờ tâm sự với Người và khiêm tốn nhìn nhận rằng Thiên Chúa sẽ dạy bảo chúng ta qua những người khác – dù đó là những người thấp kém hơn chúng ta.

Chi tiết