Mở lòng trước Thiên Chúa và tha nhân
Nội dung
Ngày 17-1-1995, chỉ trong 20 giây, một vụ động đất lớn đã xảy ra tại thành phố Kobe nước Nhật, làm thiệt hại đến 5.502 mạng người và 99 tỉ đôla tài sản. Sự mất mát nhân mạng này lẽ ra đã có thể giảm bớt nếu ngay từ đầu, chính phủ Nhật Bản đã không từ chối sự trợ lực của khắp hành tinh. Đề nghị giúp đỡ được ào ạt đưa ra từ 76 quốc gia và khu vực, cũng như từ Liên Hiệp quốc và Tổ chức Sức khỏe Thế giới. Nhưng không thể tin được là chính phủ Nhật bác bỏ những đề nghị cứu trợ ấy bằng những thủ tục hành chính rườm rà. Trong khi người ta mất tích hay dẫy chết đâu đó trong đống đổ nát thì các quan chức lại mất cả ngày để cân nhắc đề nghị gởi 20 con chó được huấn luyện của Thụy Sĩ và rồi chỉ chấp nhận có 12 con. Một đội chuyên viên cấp cứu của Pháp cũng được nhận vào rất muộn màng, cuối cùng lại không được phép làm bất cứ việc gì vì họ thiếu vài khả năng y khoa nào đó theo tiêu chuẩn của Nhật. Quân đội Hoa Kỳ ở Nhật đề nghị đưa vào vịnh Kobe hàng không mẫu hạm USS Independence, được trang bị 2.000 giường với nguồn dự trữ dồi dào, đội ngũ y sĩ hùng hậu và mọi loại thiết bị đầy đủ. Tokyo chỉ nhận một số lều và chăn màn, còn thì từ chối tất cả những thứ khác... Thể diện quốc gia, mà lại là một quốc gia siêu cường, đã khiến người ta bịt tai nhắm mắt, bất chấp bao sinh mạng đang khốn khổ.
Sự câm điếc tâm hồn này còn lớn lao nguy hại hơn cả sự câm điếc thể xác được Đức Giêsu chữa trị trong bài Tin Mừng hôm nay. Thật ra bệnh nhân trong câu chuyện chỉ là biểu tượng cho sự câm điếc tâm linh của cá nhân hay tập thể mà Đấng Cứu Thế muốn thực sự chữa khỏi khi đến trần gian này.
Con Người Khép Kín Tâm Trí
Lối mô tả các chặng du hành trong câu mở đầu (hơn 100km!) không ngây ngô như ta tưởng. Hãy cố gắng đặt mình vào địa vị Đức Giê-su một chút. Sau khi hóa bánh ra nhiều (x. Mc 6,31-44) rồi gặp thất bại cuối bài giảng về “Bánh Sự Sống” vì thính giả đồng hương khép kín (x. Ga 6,66) và như thế bị quần chúng bỏ rơi mãi mãi, Đức Giê-su đã rời Ga-li-lê mà “đi ra ngoại quốc”, đến với lương dân tại Phê-ni-xi, nơi có thành Tia và Xi-đôn (x. Mc 7,24-26), bên kia biên giới phía Bắc của nước mình. Nay rời bỏ vùng này, Đức Giêsu không về lại Ga-li-lê mà rẽ sang phía đông hồ Ti-bê-ri-át, ngang qua cao nguyên Go-lan xứ Xy-ri, để đến miền “Thập Tỉnh”, cũng đất dân ngoại, chỗ mở đầu sa mạc dẫn tới I-rak và I-ran, nơi các ống dẫn dầu của vùng Vịnh ngày nay chạy qua.
Là một con người thông minh, Đức Giê-su thích ứng ngay với hoàn cảnh. Biết mình sẽ mất thời giờ với quần chúng, từ đây Người chuyên tâm huấn luyện một nhóm nhỏ môn đệ. Và để làm việc này, ra “ngoại quốc” thì thoải mái hơn. Nhưng tiếng tăm làm phép lạ của Đức Giê-su đã lan khỏi biên giới Pa-lét-ti-na rồi. Cách đây mấy ngày, một phụ nữ Xi-ri Phê-ni-xi đã đến xin chữa lành cho con gái. Bây giờ thì người ta “đem tới một kẻ vừa điếc vừa ngọng”. Tưởng chừng như dân ngoại cởi mở với Đức Giê-su hơn dân Do-thái! Vậy phải chăng họ sẽ có tai để nghe đang khi quần chúng Ga-li-lê đã tỏ ra “điếc” trước lời Người? Phải chăng lương dân sắp được mời vào Bàn tiệc Thiên Chúa, nơi có dọn Bánh Sự Sống mà Ít-ra-en nói chung đã không muốn nhận? Chớ quên rằng Mác-cô đã viết Tin Mừng cho những cộng đoàn Ki-tô hữu đến từ đa thần giáo Hy-La. Nên ông tự nhiên muốn nêu bật sự kiện Đức Giê-su đã đích thân khai mở “việc truyền giáo cho dân ngoại”. Thành thử như trong bài Tin Mừng Chúa nhật trước về “thanh sạch và nhơ uế”, chúng ta gặp lại ý đồ phổ quát của Đức Giê-su: không khép kín trong văn hóa đặc thù của Ít-ra-en nhưng mở các cánh cửa: Giáo Hội của Người sẽ phải mang tính chất “công giáo”, nghĩa là “phổ quát”, “nhiều vẻ”, “mở rộng”. Chúng ta có thật sự như vậy chăng? Hay vẫn giữ óc đặc thù, thói kỳ thị? Nghiệt ngã phê phán những người có sở thích văn hóa khác, cách thức cầu nguyện khác với chúng ta? Phải chăng chúng ta dành một ít chỗ cho kẻ xa lạ trong bàn ăn của mình?
Thiên Chúa Khai Mở Cõi Lòng
Đức Giê-su kéo người câm điếc “ra khỏi đám đông, đặt ngón tay vào lỗ tai anh, và nhổ nước miếng mà bôi vào lưỡi anh”. Tất cả những cử chỉ này không ngẫu nhiên song đầy ý nghĩa. Thiên Chúa ngỏ lời với ta qua chúng. Vậy chúng nói lên điều gì? + Khi đưa kẻ tật nguyền tách khỏi dân chúng, Đức Giê-su tỏ ra khác hẳn mọi tay làm phép lạ, mọi ông thầy phù phép của thế giới Hy-lạp chuyên tìm kiếm cái giật gân. Là “Thiên Chúa mai ẩn”, Đức Giê-su trốn tránh những cái nhìn tò mò, lo sợ những đám đông khao khát điều kỳ lạ, và như muốn bảo ta rằng mình sắp hoàn tất một biến cố siêu việt, Người đã đi ẩn nấp: hoạt động thần linh là “mầu nhiệm”! Ở đoạn cuối, Người sẽ cố gắng xin thiên hạ giữ “bí mật”, chớ nói ra. + Đức Giê-su làm nhiều cử chỉ cụ thể, gần như gai mắt đối với não trạng gọi là duy linh của chúng ta. Ngày nay, lắm kẻ mong muốn tẩy xóa đi hình ảnh này của Người. Xin nhớ rằng các bí tích, các dấu hiệu, của Đức Ki-tô đều là những cử chỉ hữu hình, cụ thể! Thiên Chúa đã có thể thông ban ân sủng của Người cho ta “từ xa”, cách thiêng liêng; trong thực tế, Người đã quyết định đi vào “tiếp xúc” với chúng ta qua nhân tính Ngôi Con “nhập thể” của Người. Sở dĩ ta khó chịu khi đưa tay “đụng đến” thân thể Đức Ki-tô, đó là vì ta đã đánh mất ý thức về phẩm giá của “thể xác”, khí cụ thông giao và khí cụ yêu mến tuyệt hảo. Trong kế hoạch Nhập thể, ân sủng thần linh nhất, thiêng liêng nhất, vô hình nhất vẫn đi qua các cử chỉ “khả giác” khiêm tốn là mọi bí tích của Đức Ki-tô. Anh chàng câm điếc hẳn đã chẳng bận tâm về các lý thuyết duy linh thoát xác của chúng ta, một cảm thấy những cử chỉ tiếp xúc đơn sơ và tự nhiên như thế của Đức Giê-su là dấu chỉ mạc khải lòng âu yếm của Người. Các Giáo phụ đầu tiên đã từng khuyên các Ki-tô hữu là khi hiệp lễ hai hình thì hãy lấy “rượu thánh” còn đọng trên môi mà bôi lên mắt và tai họ, để thánh hóa các phần chi thể ấy! Dĩ nhiên chẳng cần trở lại với các truyền thống ban đầu này. Nhưng ít nhất cũng hãy chấp nhận “cầm lấy Mình Chúa mà ăn” như Người đã dạy. Điều đó thích hợp hoàn toàn với bản tính con người hồn xác của chúng ta.
“Rồi Người ngước mắt lên trời...”. Cử chỉ này cho thấy chính quyền năng Thiên Chúa sắp hành động, chứ không phải là một can thiệp kiểu y tế thông thường. Về tiếng rên của Đức Giê-su (“thở dài”), xem ra không nên giải thích như một biểu hiện thương cảm đối với bệnh nhân, nhưng như chuyển động sâu xa của toàn thể con người Đức Giê-su: Người thở thật sâu để kêu nài Thiên Chúa, vì ý thức đây là một “công việc khó khăn”, một sự đối kháng phải vượt thắng tất cả. Đức Giê-su dự định “làm lại” cuộc sáng tạo của Thiên Chúa! Con người bị hỏng hóc sắp tìm lại được vẻ huy hoàng nguyên thủy của mình. Riêng lời của Đức Giê-su (“Ep-pha-tha”) được Mác-cô trích dẫn trong ngôn ngữ A-ram là tiếng của Người, rồi dịch tiếp sang Hy ngữ cho độc giả. Cũng xin lưu ý: Đức Giê-su không nói với các cơ quan bị bệnh, nhưng với chính người bệnh: “Hãy mở ra!”, hay đúng hơn “Hãy lại mở ra!” Nghi thức Ep-pha-tha này ngày xưa được dùng trong phép rửa: linh mục khi ấy sờ tai và thấm nước miếng lên lưỡi kẻ chịu bí tích.
Việc sử dụng nghi thức đó trong phép rửa cho thấy rằng, từ rất sớm, Giáo Hội đã hiểu phép lạ này theo nghĩa biểu tượng: “loài người có mắt nhưng không thấy, có tai nhưng chẳng nghe...”. Mù, điếc, câm là thân phận con người trước mặt Thiên Chúa! Thánh Mác-cô sắp lặp lại nhiều lần, trong cùng một văn mạch, rằng chính các môn đệ Đức Giê-su mới điếc và câm, vì chẳng hiểu gì cả (x. Mc 6,52; 7,18; 8,18). Qua phép rửa, chính Đức Giê-su đích thân hành động, gặp gỡ một “con người” bị đóng kín trong chính mình, không thể thật sự “thông giao”, để chữa kẻ ấy cách toàn diện: Người khiến đương sự có thể nghe Lời Thiên Chúa mà hiểu, cũng như ban khả năng nói lại lời này cho kẻ khác. Đấy là tất cả vấn đề đức tin. Tình trạng tự nhiên, bẩm sinh của chúng ta, đó là bị cô lập, khép kín trong chính mình, “bưng bít” trước mọi chuyện của Thiên Chúa. Cần phải được Đức Giê-su “mở ra” để đón nhận mầu nhiệm Nước Trời.
Biết bao Ki-tô hữu cho đến hôm nay vẫn còn “khép kín”, phong tỏa trong thế giới nhỏ bé của các thói quen mình, trong mối bận tâm về các quyền lợi của mình. Phải chăng chúng ta thuộc số những kẻ, trong cuộc sống thường ngày, chẳng bao giờ dám nói về Tin Mừng, về Thiên Chúa, về Đức Giêsu? Phải chăng chúng ta đã nhiều lần, dẫu có khả năng, cơ hội và nghĩa vụ, vẫn không dám mở miệng để lên tiếng phê phán những bất công, đàn áp, can thiệp quá đáng đang xảy ra trước mắt? Biết bao cá nhân và tập thể hôm nay vẫn còn khép kín, phong tỏa trong thói ích kỷ, thể diện hão như chính quyền Nhật Bản vụ Kobe nói trên, trong nỗi ám ảnh về quyền lực như các chế độ áp bức độc tài, khiến anh em mình tiếp tục sống trong đau khổ, bất hạnh.
Lời khen ngợi kết thúc bài đọc nối tiếp câu chuyện đầu tiên của sách Sáng thế: “Thiên Chúa thấy mọi sự Người đã làm đều rất tốt lành!” (St 1,31). Qua Đức Giê-su, một cuộc sáng tạo mới bắt đầu: một con người mới được tái tạo, một con người “thông giao”, một con người biết nghe và nói! Nghe Thiên Chúa, nói với Thiên Chúa. Nghe anh em mình, nói với anh em mình.
Chi tiết
- Ngày: 12/09/2021
- Tác giả: Lm. Anmai