Ký ức ngọt ngào của ba mẹ
Nội dung
Ký ức ngọt ngào của ba mẹ
Con cái thường trách ba mẹ không biết tìm hiểu con cái. Thế nhưng có bao giờ con cái nghĩ ngược lại rằng họ đã từng thấu hiểu ba mẹ chưa...
Khi má tôi ở vào tuổi 98, bà bắt đầu lẫn, nhớ nhớ quên quên cả tên của con cháu. Vâng, chỉ tên bà đã không nhớ, nói chi đến tuổi của con cháu. Cùng lúc với sự quên là “sự nhớ” từ ký ức vọng về. Bà hát suốt những bài thánh ca mà hôm nay tôi chưa từng nghe ai hát, trong đó có những câu được má lập đi lập lại mỗi ngày thành quen thuộc: “Xưa các môn đệ nghe Chúa phán/ Bây làm như thể ta đã làm/ Ðây mình ta máu Thánh ta ban/ Nương mà ăn uống luôn chớ nhàm...”. Má tôi cũng thường hát bản “Nỗi buồn hoa phượng” của nhạc sĩ Thanh Sơn. Bà hát câu cuối nghe rất buồn: “Màu hoa phượng thắm như máu con tim/ Mỗi lần hè thêm kỷ niệm/Người xưa biết đâu mà tìm…”. Có khi má còn thòng thêm một câu: “…đi mất mẹ nó rồi còn đâu mà tìm…”.
Ba tôi rất yêu thương má, chiều chuộng hết mức đến ngày cuối cùng của ông. Ba mất khi tôi mới ở độ tuổi như những cô cậu cấp 2 bây giờ. Tuy còn nhỏ, tôi vẫn nhận thức được tình yêu thương của ông dành cho vợ con. Vậy, “người xưa” của má đi đâu để mỗi lần hát đến câu cuối nghe thật nghẹn ngào như vậy? Sau khi má qua đời, tôi vẫn cố tìm hiểu “người xưa” đó. Thế nhưng trong hàng tiền bối dòng họ cũng như hàng xóm, má là người “đi” sau cùng, chẳng còn ai để hỏi. Có vài người nhỏ tuổi hơn bà cũng đã lẫn vì cũng đã vào hàng 9 rồi. Tôi bỗng thấy như có nỗi ân hận tràn ngập trong lòng, tự hỏi sao mình không tỉ tê trò chuyện để nghe bà tâm sự và an ủi bà? Ngày xưa đó, nếu tôi chịu khó hỏi han, lắng nghe, hẳn má đã không cô đơn, che dấu những ký ức ngọt ngào trong tận cùng trái tim. Ðể khi đã đứng ở lằn ranh sống chết, bà mới bật ra những ca từ thật buồn.
Sự tiếc nuối đủ lớn để tôi điện thoại hỏi thăm bạn bè trong mùa dịch Covid-19, không thể gặp nhau. Tôi được biết các bạn cũng như mình, cũng đang sống trong sự tiếc rẻ những ngày tháng ba mẹ còn đã không tìm hiểu để yêu thương đúng nghĩa. Chị bạn Nguyễn Thúy Vân ở Thủ Ðức kể: “Lúc ba tôi còn sống, tôi luôn tự hỏi sao ông rất yêu thương con gái út của tôi. Muốn “xin” ông điều gì cứ nhờ con bé út nói dùm. Ba tôi có của ăn của để. Thời bao cấp, ông sẵn sàng cho con gái tôi một cây vàng mua sữa, có khi cho vài chỉ sắm quần áo, mua đồ chơi. Các cháu trai ông cũng quan tâm nhưng không bằng cô cháu này. Sau khi ông mất đi, chú tôi từ Mỹ về, nhìn thấy con gái tôi, chú kêu lên vì con bé có nét đẹp y chang em gái của hai ông, tức cô ruột tôi. Bà qua đời chỉ mới 5 tuổi do một chứng bệnh thời đó y học không tìm ra nguyên nhân. Tôi ân hận vô cùng… Nhiều lần tôi từ chối không cho con bé đến sống với ông trong những tháng hè. Cũng bởi vì chồng tôi rất yêu thương con bé. Sao tôi không tìm hiểu, hỏi han để chiều ông ít nhất có thể lúc ông còn sống?!”
Có lẽ bất cứ người con nào cũng tự trách mình quá vô tâm không tìm hiểu ba mẹ để yêu thương hơn. Nếu chị Vân hiểu tình cảm và nỗi nhớ thương cô em vắn số của ông, hẳn đã không lợi dụng con bé xin xỏ tiền bạc của ông ngoại. Hơn thế, chị đã có thể cho con bé sống bên ông nhiều hơn, nhất là sau cái chết của mẹ mình, không để ba chị vò võ một mình trong căn nhà rộng thênh thang...
Tôi gọi đến anh bạn Trần Phúc Long ở quận 1, hỏi có những ký ức nào ngọt ngào của ba mẹ mà anh chỉ được biết sau khi họ qua đời không. Anh kể, lúc sinh thời mẹ mình rất thích tác phẩm “Bỉ vỏ” của Nguyên Hồng. Không chỉ thích, bà còn sưu tầm những quyển được xuất bản hoặc mới tái bản, đã vội mua về đọc. Anh Long tự hỏi “Bỉ vỏ” có tái bản nhiều lần cũng chừng ấy nội dung, chỉ khác chút về câu văn ít nhiều được sửa đổi theo nhà xuất bản, sao mẹ cứ như “mắc nợ” Nguyên Hồng để phải mua một quyển sau mỗi lần tái bản. Hên là rất nhiều năm quyển này mới tái bản một lần, nếu mỗi năm, hẳn kệ sách nhà anh không còn chỗ cho những đầu sách khác. Sau khi mẹ qua đời, một lần dọn dẹp đồ đạc, giấy tờ của mẹ, anh Long đã biết tại sao mẹ lại yêu tác phẩm “Bỉ vỏ” đến thế. Thì ra đó là bài giảng đầu tiên của bà trong lần đầu đứng lớp tại trường Nữ Trung Học Gia Long (trường Nguyễn Thị Minh Khai ngày nay), cách đó hơn nửa thế kỷ. Xấp bài soạn vàng ố, gần như mục nát, nét chữ nhòe đi nhưng anh vẫn thấy trong đó sự háo hức, nhiệt tình và đam mê nghề nghiệp của mẹ. Hèn gì mẹ yêu “Bỉ vỏ” đến thế! Một sự ân hận dâng lên trong lòng anh. Nếu anh biết tình yêu và ký ức ngọt ngào của mẹ trong lần đầu đứng lớp thì đã không thi thoảng “cằn nhằn” những lần mẹ cứ “tha” về một quyển vừa tái bản, rồi thức suốt đêm đọc nó như chưa từng đọc bao giờ. Anh Long cứ nói sao mẹ lại mê say tác phẩm mà anh chắc chắn bà như thuộc nằm lòng từng câu chữ trong đó. Khi anh biết được nguyên nhân của tình yêu này là lúc mẹ đã không còn nữa...
Tình yêu sâu lắng kèm theo một ký ức ngọt ngào về một “đối tượng” nào đó của ba mẹ cũng được chị Lê Quỳnh Giao, một người bạn sống cùng quận với tôi chia sẻ. Theo chị kể, mẹ mất khi chị mới được 5 tuổi, ba “ở vậy” chăm lo cho các con, làm giỗ chạp cho mẹ chu đáo. Chị nhớ lại: “Từ nhỏ, tôi không hiểu gia đình mình là Phật tử “nòi” mà sao ba thường đưa tôi đi nhà thờ vào ngày lễ Giáng Sinh. Không những thế, ông còn nấu cho chúng tôi bữa ăn nửa đêm để mừng Chúa ra đời. Lúc nhỏ, tôi còn theo ông đi lễ Giáng Sinh. Lớn lên, chẳng ai đi nữa. Ba có vẻ rất buồn… Chúng tôi cũng không hiểu sao ông đặc biệt thích những người bạn Công giáo của các con. Bọn tôi thường kháo nhau có lẽ kiếp trước ba theo đạo Công giáo...”. Cha chị Giao mất đi ở tuổi 102. Trong một lần thu dọn đồ dùng của ông để xây lại nhà, chị và anh em trong nhà đã hiểu vì sao ông thích đạo Công giáo đến vậy. Những trang nhật ký, những lá thư từ một cô nữ sinh trường Dòng gởi cho ông. Ông thổ lộ trong những trang viết đã phai màu mực theo dòng thời gian nỗi cảm xúc lần đầu tiên thấy cô nữ sinh tên Dung cầu nguyện trước hang đá đêm lễ Giáng Sinh. Hình ảnh thánh thiện, đẹp đẽ đó khiến ông, cậu trai theo bạn bè vào nhà thờ đi chơi vòng vòng đêm Noel như bị lấy mất trái tim. Ông đã làm quen và họ có lẽ trở thành đôi nếu hai gia đình không ngăn cấm với lý do ông phải theo đạo trong khi ông là con trai duy nhất trong dòng họ có nhiệm vụ cúng tế ông bà. Người con gái tên Dung sang Pháp học. Ông lập gia đình. Và phần sau, dù những trang nhật ký dang dở thì chị Giao cũng đã hiểu ra... Chị tâm tình: “Nếu tôi biết điều này sớm hơn, chắc chắn tôi sẽ cảm thông hơn cho cha tôi. Ông đã hy sinh cả đời cho các con mà chúng tôi nhiều lúc vô tâm lắm...”.
Chúng ta, những đứa con luôn trách cha mẹ chẳng tìm hiểu gì về mình để cảm thông những hành động có thể ngô nghê, xốc nổi của tuổi trẻ. Thế nhưng ít có người con nào hỏi han cha mẹ về những ký ức xa xôi nhằm yêu thương ba mẹ nhiều hơn, sống cho ba mẹ sâu sắc hơn, tình cảm hơn. Ðể rồi khi đấng sinh thành không còn nữa, vô tình thấy lại ký ức của mẹ cha, và thật muộn màng khi ta buông những câu: “Phải chi… Nếu …” đầy ân hận và hối tiếc.
SƠN HẠ
Chi tiết
- Ngày: 30/08/2021
- Tác giả: Lm. Anmai