Lòng Tin được thử thách
Nội dung
Ðức tin sống thật có sức mạnh khơi dậy lòng tin đưa ta trở về nhìn nhận và tôn vinh Thiên Chúa. Trên con đường canh tân của Mùa Chay này, chúng ta hãy nhìn lại cuộc sống đức tin của mình. Tôi thật sự đang cố gắng để sống đức tin trong hoàn cảnh cụ thể, hay tôi không còn màng chi đến đức tin nữa? Hoặc tôi chỉ còn là một người có tên gọi, có danh hiệu bên ngoài là người Kitô hữu mà thôi. Nếu như vậy thì có thể chúng ta sống thua xa những anh chị em không tin Chúa Kitô.
Do đó, chúng ta không còn nhậy cảm trước những thực tại thiêng liêng, không còn mộ mến đối với những giá trị đẹp dẫn đưa con người đến cùng Thiên Chúa.
Bài Tin Mừng hôm nay nhắc đến dấu chỉ kỳ diệu Chúa Giêsu thực hiện cho một quan chức ngoại giáo. Ðó là việc Chúa Giêsu chữa lành con của viên chức này, khiến cho ông và toàn thể gia quyến tin nhận Chúa.
Chúa Giêsu chữa lành con trai người quan chức tại Caphacnaum khi Ngài ở Giuđa về Galilê và thánh sử Gioan ghi rõ đây là phép lạ thứ hai Ngài thực hiện tại Cana. Phép lạ thứ nhất là hóa nước thành rượu vào giai đoạn đầu đời rao giảng công khai. Hóa nước thành rượu theo lời đề nghị của Ðức Maria, mẹ Ngài, để cứu vãn danh dự cho gia chủ tiệc cưới. Chữa lành người con một quan chức nhà vua, Chúa Giêsu cho thấy Ngài đến vì mọi người và ở mọi tầng lớp xã hội. Ngài đã ra tay để mang lại hạnh phúc cho mọi người không cần biết họ là ai và điều kiện đón nhận phép lạ là đức tin. Ðức tin của con người cộng với ơn của Thiên Chúa tạo nên phép lạ.
Ðể thử thách lòng tin của người chạy đến với mình, Chúa Giêsu muốn làm nổi bật thái độ sẵn sàng của viên quan chức. Ông mong đợi Chúa Giêsu đáp lại bằng cách đích thân Chúa đến nhà ông để chữa lành người con của ông đang bị đau. Nhưng Chúa Giêsu đã đáp lại bằng cách khác, Ngài chỉ phán một lời: "Ông hãy về đi, con ông đã mạnh khỏe rồi". Liệu chúng ta có sẵn sàng nghe Lời Chúa dạy như viên quan ngoại giáo này không?
Với lòng tin của viên bách quản Caphanaum. Dù chỉ là một người ngoại giáo, dù chưa một lần chứng kiến phép lạ nào của Chúa Giêsu, nhưng ông đã tìm đến để xin Ngài chữa lành cho đứa con của ông, hay đúng hơn là để xoa dịu nỗi đau khổ của người cha phải chứng kiến con mình quằn quại trong đau khổ.
Phép lạ Chúa Giêsu làm hôm nay đã mở đường cho gia đình viên sĩ quan tìm về ơn cứu độ. Trong cuộc đời rao giảng, Chúa Giêsu đã thực hiện những việc tương tự và được rất nhiều người tin theo. Phép lạ ấy vẫn có thể xảy ra trong thời đại chúng ta. Chúng ta không dùng lời để phán nhưng dùng đôi chân để đi đến với những người bất hạnh, dùng đôi tay để nâng đỡ những người túng thiếu chung quanh chúng ta. Chúng ta có dư khả năng để làm phép lạ khi chúng ta bớt những khoản chi tiêu trong gia đình để chia sẻ cho các trại nuôi trẻ mồ côi, người tàn tật, các cụ già yếu neo đơn. Những người này không chìa tay xin chúng ta đâu, nhưng trong tinh thần bác ái Kitô giáo, Giáo Hội mời gọi chúng ta tự nguyện sống khắc khổ để chia cơm sẻ bánh cho họ, không phân biệt lương giáo.
Chúng ta có thể cứu sống một đứa trẻ lâm bệnh không có tiền chữa trị, chúng ta có thể giúp nuôi dưỡng một trẻ em nghèo có điều kiện đến trường, một người tàn tật có công ăn việc làm nhờ vào những khoản tiết kiệm của chúng ta…và còn biết bao việc mà chúng ta có thể làm để thăng tiến đời sống của những người cùng khổ. Đó là những phép lạ mà chúng ta có thể làm trong thời đại hôm nay.
Chúa Giêsu chữa cho con một viên quan chức khỏi chết, vì ông đã tin vào Ngài. Ông đã từ Caphácnaum lên tận Galilê để gặp Chúa Giêsu và xin Ngài thương chữa lành con ông. Chúa Giêsu sẵn sàng thực hiện sứ vụ đó. Vì Ngài được sai đến để giải thoát con người khỏi khổ đau bệnh tật, chết chóc và tội lỗi. Nhưng với một điều kiện duy nhất đòi hỏi nơi chúng ta là lòng tin.
Đau khổ là lửa thử niềm tin con người, đau khổ có thể đưa con người đến thất vọng, chối bỏ, và lộng ngôn, nhưng đau khổ cũng có thể là khởi điểm của tin yêu phó thác. Nguyện xin Đấng là đường, là sự thật và là sự sống củng cố niềm tin chúng ta giữa những đau khổ đè nặng trên thân xác và tâm hồn chúng ta.
Đối với người được đức tin, chính là giờ của Chúa Giêsu. Người đến để cải tạo và làm cho họ trở thành dụng cụ bác ái đối với người lân cận. Biết đón nhận thánh ý Thiên Chúa và những đường lối quan phòng của Ngài trong mọi thứ thử thách như trong bệnh tật, đau khổ về gia đình như xé nát tâm can, trong xao xuyến lo âu về tương lai yêu quý, trong bấp bênh về đời sống kinh tế, đó là sống cái giờ của Chúa Giêsu, và như Chúa Giêsu đã chấp nhận với bao nỗi sầu khổ của thân phận làm người và chỉ mình Người mới có thể làm cho chúng ta cảm nghiệm sâu xa được mầu nhiệm khổ nạn khi vâng theo thánh ý Thiên Chúa như Người đã cảm nghiệm được suốt cuộc đời Người và nhất là lúc bị đóng đinh trên thập giá.
Là người kitô hữu, chúng ta được mời gọi sống lại cuộc tử nạn của Chúa Giêsu bằng chính cuộc sống ấy. Sống lại cuộc tử nạn của Chúa Giêsu không có nghĩa là tự đày đọa mình vào cuộc sống khổ lụy. Đau khổ tự nó không phải là một giá trị để tìm kiếm. Sống lại cuộc tử nạn của Chúa Giêsu chính là mặc lấy tinh thần tin yêu phó thác của Ngài.
Thất vọng, buông xuôi, nổi loạn, trách móc là cơn cám dỗ chung của mọi người. Chúa Giêsu có lẽ cũng không thoát khỏi những giờ phút thử thách ấy. Thế nhưng ý hướng duy nhất của Ngài lúc đó là niềm tín thác và tha thứ. Chỉ có thái độ như thế mới đem lại giá trị cho đau khổ và biến cuộc tử nạn của Ngài thành của lễ đẹp lòng Thiên Chúa.
Trang Tin Mừng hôm nay nhắm vào niềm tin của viên sĩ quan. Lúc đầu là một niềm tin và hy vọng về nhu cầu của mình. Dần dần biến thành tình yêu và kính phục khi nhu cầu được giải quyết cách nhiệm mầu. Cuối cùng, tình yêu đã hoàn toàn làm chủ và quy phục trong đức tin. Đây cũng mẫu gương và là tiến trình trong đời sống của mỗi Kitô hữu.
Người Kitô hữu hôm nay được mời gọi tiếp nối sứ mạng cứu độ của Chúa Giêsu là đem Tin Mừng đến với con người thời đại. Chúng ta không đi con đường nào ngoài con đường Chúa Giêsu đã đi. Muốn được như thế, trước tiên, bản thân chúng ta phải là những người tin. Tin thì không cần có điều kiện, tin là nhắm mắt bước đi theo sự chỉ đường của Thiên Chúa. Con đường ấy không bao giờ phù hợp tâm thức của con người. Đó là con đường hy sinh, cầu nguyện; con đường canh tân, hoà giải; con đường bác ái, sẻ chia mà Giáo Hội nhắc nhở chúng ta hãy thực hành trong Mùa Chay thánh.
Chi tiết
- Ngày: 26/03/2020
- Tác giả: Antôn Maria Vũ Quốc Thịnh
Trả lời