Linh mục Jean – Baptíte Etchrren: Vị ân nhân của Giáo hội Công giáo Việt Nam

Nội dung
Linh mục Jean - Baptíte Etchrren: Vị ân nhân của Giáo hội Công giáo Việt Nam
Khi cuộc chiến tranh mùa Hè đỏ lửa 1972 bùng nổ, người dân ly tán khắp nơi, ngài đã đưa nhiều người dân Quảng Trị rời nơi chôn nhau cắt rốn để vào tá túc định cư tại vùng đất Bình Tuy, Phan Thiết. Sau biến cố 1975, ngài là người nước ngoài nên đã bị trục xuất về Pháp. Nhưng ngài đã chọn Việt Nam là quê hương thứ hai nên ngài vẫn luôn ưu tư trăn trở đến những con chiên của ngài đang ngày đêm vất vả khốn khó về vật chất lẫn tinh thần. Ngài đã thành lập Hội Bảo trợ Việt Nam tại Paris để giúp đỡ cho người dân Việt Nam không điều kiện. Ngài được bầu làm Bề trên Tổng quyền Hội Thừa sai Paris liên tiếp 2 nhiệm kỳ (12 năm) kể từ năm 1998. Trong suốt thời kỳ này, ngài đã vận động để giúp cho các giáo sĩ Á châu, đặc biệt là Việt Nam được cấp học bổng du học tại Học viện Công giáo Paris. Như chia sẻ của Đức nguyên Tổng Giám mục giáo phận Huế Phanxicô Xaviê Lê Văn Hồng trong bài giảng lễ an táng của ngài chiều 22/9/2021: “Phải xác nhận là Giáo hội Việt Nam được nhiều ưu tiên và ưu đãi trong chương trình bảo trợ này. Thực vậy, với tâm huyết của cha là giúp trau dồi tri thức thần học để các linh mục, tu sĩ trưởng thành đức tin và phục vụ Giáo hội. Từ đó, nhiều người đã tốt nghiệp cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ, sau khi trở về Việt Nam đã giữ những chức vụ quan trọng trong Giáo hội như Tổng Đại diện, Giám đốc Đại chủng viện, Bề trên dòng tu. Trong đó có 16 vị Tổng Giám mục và Giám mục Việt Nam xuất thân từ Hội Thừa sai Paris.”
Có một điều mà cho đến bây giờ vẫn rất ít người biết đến là ngài đã lấy tên họ Việt Nam: Gioan Baotixita Hoàng Trung. Vâng, linh mục Gioan Baotixita Hoàng Trung thì ít ai biết nhưng nói đến cha Etcharren thì hầu như giáo phận Huế đều biết đến: đó là một “ông cha Tây” nói tiếng Việt rất chuẩn không khác gì người bản địa trong những bài chia sẻ tại nhà thờ Chính tòa Phủ Cam vào những dịp đại lễ mà ngài được Đức nguyên Tổng Giám mục Stêphanô Nguyễn Như Thể hay Đức nguyên Tổng Giám mục Phanxicô Xaviê Lê Văn Hồng mời ngài giảng lễ. Lại có nhiều giai thoại kể rằng: khi ngài trở lại Việt Nam vào đầu những năm 2.000, ngài đi thăm nhiều tỉnh thành, gặp gỡ nhiều vị khách và cả linh mục. Khi nói chuyện với ngài, họ sử dụng tiếng Pháp để nói chuyện, khi gặp phải những từ ngữ khó chưa kịp dịch ra tiếng Pháp để nói chuyện thì diễn đạt bằng đôi tay. Ngài liền dùng tiếng Việt hết sức chuẩn để nói chuyện thì họ ngạc nhiên và kính phục, từ đó đã để lại một ấn tượng sâu sắc mà không bao giờ quên được.
Theo lời mời của Đức nguyên Tổng Giám mục Tổng giáo phận Huế Stêphanô Nguyễn Như Thể, năm 2010 ngài về nghỉ hưu tại Huế, và đó cũng là nguyện vọng của ngài khi chọn Việt Nam làm quê hương thứ 2. Sau những ngày lâm trọng bệnh vì tuổi già, ngài qua đời lúc 9h15’ thứ Ba, ngày 21/9/2021 tại Đại chủng viện Huế, an táng tại nghĩa trang Thừa sai ngay sau nhà nguyện Đại chủng viện. Như lời linh mục Giuse Hồ Thứ, Giám đốc Đại chủng viện Huế nói: “Đây là nhà của ngài mà, tụi mình chỉ ở nhờ thôi.”
Mặc dù ngài qua đời trong những ngày đại dịch Covid-19 bùng phát khắp nơi, nhưng vì lòng quý mến và tri ân vị ân nhân của Giáo hội, từ giáo phận Ban Mê Thuột và Kon Tum, Đức Giám mục Vinh Sơn Nguyễn Văn Bản và Đức Giám mục Aloisio Nguyễn Hùng Vị đã đi suốt đêm để hôm sau kịp dâng thánh lễ cầu hồn cho ngài và tham dự thánh lễ an táng một vị ân sư.
Chi tiết
- Ngày: 25/01/2025
- Tác giả: linh muc Anton Maria Vũ Quốc Thịnh