Khi Vua Đavít bị… hớ
Nội dung

Khi Vua Đavít bị... hớ

 

Đôi khi trong cuộc đời ta thấy người khác bị hớ. Chớ xem thường. Có khi cái hớ của họ là bài học cho đời ta.

Khuôn mặt của Thánh Vương Đavit trong Kinh Thánh là khuôn mặt mà tôi rất thích dù chả thấy chân dung của ông. Thích vì lẽ nhân cách, cuộc đời, tâm tình, suy nghĩ, ước muốn thánh thiện và kể cả ước muốn phàm tục của ông.

Từ cái ước muốn phàm tục, ông đã vướng vào con đường tội lỗi. Thế nhưng rồi sau khi nghe ngôn sứ Nathan cảnh báo, ông đã trở về với Thiên Chúa.

Trong ngày cận kề Đại Lễ Giáng Sinh, ta bắt gặp ước muốn thánh thiện của Đavit. Đavit sau khi yên bề gia thất cũng như yên nhà yên cửa thì ông nghĩ đến điều này và nói với Nathan : “Ông xem, tôi được ở nhà bằng gỗ bá hương, còn Hòm Bia Thiên Chúa thì ở trong lều vải.” Nghe thế, Ông Nathan thưa với vua : “Tất cả những gì ngài ấp ủ trong lòng, xin ngài cứ đi mà thực hiện, vì Đức Chúa ở với ngài.”

Ý định vừa được gợi lên thì Đức Chúa đã nói với Nathan để Nathan truyền lại cho Đavit : “Ngươi mà xây nhà cho Ta ở sao ? Chính Ta đã cất nhắc ngươi, từ một kẻ lùa chiên ngoài đồng cỏ, lên làm người lãnh đạo dân Ta là Ít-ra-en. Ngươi đi đâu, Ta cũng đã ở với ngươi ; mọi thù địch ngươi, Ta đã diệt trừ cho khuất mắt ngươi. Ta sẽ làm cho tên tuổi ngươi lẫy lừng, như tên tuổi những bậc vĩ nhân trên mặt đất. Ta sẽ cho dân Ta là Ít-ra-en một chỗ ở, Ta sẽ định cư chúng, và chúng sẽ ở luôn tại đó, chúng sẽ không còn run sợ, và quân gian ác cũng không còn tiếp tục áp bức chúng như thuở ban đầu, kể từ thời Ta đặt các thủ lãnh cai quản dân Ta là Ít-ra-en. Ta sẽ cho ngươi được thảnh thơi, không còn thù địch nào nữa, Đức Chúa báo cho ngươi biết là Đức Chúa lập cho ngươi một nhà. Khi ngày đời của ngươi đã mãn và ngươi đã nằm xuống với cha ông, Ta sẽ cho dòng dõi ngươi đứng lên kế vị ngươi -một người do chính ngươi sinh ra-, và Ta sẽ làm cho vương quyền của nó được vững bền. Đối với nó, Ta sẽ là cha, đối với Ta, nó sẽ là con. Trước mặt Ta, nhà của ngươi và vương quyền của ngươi sẽ muôn đời bền vững, và ngai vàng của ngươi sẽ được củng cố đến muôn đời.”

Hóa ra rằng Đavit đã bị hớ dù ông nghĩ tốt.

Khi nhìn lại tâm tình ước muốn thánh thiện của Đavit, tôi trộm nghĩ nếu như Đavit xây Đền để cho Hòm Bia Thiên Chúa vào để thì Đavit có khắc tên mình hay không ? Không biết Đavit có ghi trên Đền Thờ đó dòng chữ : “Đây là quà tặng của Đavit” hay “Công trình này do gia đình Đavit dâng cúng” hay không ?

Tôi nghĩ vu vơ vậy thôi chứ tâm tình thánh thiện của Đavit chắc có lẽ Đavit không hề nghĩ đến chuyện khắc tên trên ngôi đền mà Đavit xây đâu. Tôi nghĩ như thế vì đôi lần dâng Lễ đâu đó, ở góc Bàn Thờ thì thấy có khắc : “Quà tặng của gia đình ...”. Và cũng không lạ lắm khi đến một số Nhà Thờ mà tôi thấy, trong đó có Thánh Đường Tắc Sậy – chỗ Cha Trương Bửu Diệp cũng có thấy tên của những người dâng ghế trong Nhà Thờ.

Và mới hôm qua thôi, vô tình trên các trang mạng, thấy hình quả chuông có khắc tên của người nào đó.

chuong.jpg

Thấy tên trên quả chuông, tôi nghĩ cũng hài ! Khi kéo chuông hay khi đánh chuông không biết tiếng chuông có kêu tên người được khắc trên chuông hay không ? Quả chuông khi hoàn tất sẽ ở trên cao và chắc có lẽ cũng chả có ai có thời gian để trèo lên tháp chuông để nhìn tên của ai đó được khắc trên quả chuông đó.

Chả phải nói nhiều và nghĩ nhiều, cũng thật nhiều tiền và cũng có thiện cảm từ “chủ đầu tư” để rồi tên của người đó được ghi khắc trên tặng phẩm nào đó. Có một người thân quen chia sẻ : “Cha ơi ! Con cũng được ... đề nghị khắc tên con lên quả chuông nhưng con từ chối. Con thấy mình chả là gì hết nên khắc làm chi. Con từ chối rồi Cha ơi !”

Thì ra Anh từ chối nên hôm qua tôi tìm mãi không thấy tên của anh. Anh xứng đáng để khắc lắm chứ ! Anh cho đi quá nhiều đó chứ ! Nhưng rồi Anh lại nhận ra rằng tất cả những gì Anh có cũng như những gì Anh cho đi đều là quà tặng, là hồng ân của Chúa nên Anh từ chối. Sự từ chối của Anh cũng là bài học cho những ai thích gắn tên.

Tôi lại chợt nhớ đoạn Thánh Vịnh quen thuộc mà chính đoạn Thánh Vịnh này cũng hướng dẫn đời tôi :

Tuy họ lấy tên mình mà đặt cho miền này xứ nọ,
nhưng ba tấc đất mới thật là nhà,
nơi họ ở muôn đời muôn kiếp. (Tv 49, 12).

 

Câu này sau các câu trước 9 đến 12  thật ý nghĩa : 

Mạng người dù giá cao mấy nữa,
thì rồi ra cũng chấm dứt đời đời.

 

Nào phàm nhân sống mãi được sao
mà chẳng phải đến ngày tận số?

 

Kìa thiên hạ thấy người khôn cũng chết,
kẻ ngu đần dại dột cũng tiêu vong,
bỏ lại tài sản mình cho người khác.

 

Và câu 13 như thế này trong Thánh Vịnh 49 :

Dù sống trong danh vọng,
con người cũng không thể trường tồn;
thật nó chẳng khác chi
con vật một ngày kia phải chết.

 

Thật thế, con người một ngày nào đó cũng sẽ chết thôi. Thế nhưng rồi một số người lại vui vẻ đi tìm và gắn tên tuổi của mình ở trần gian. Tôi lại nhớ đến Lý Quang Diệu, một nhà lãnh đạo tài hoa để đưa đất nước Singapore có như ngày hôm nay. Trong di chúc của ông, ông muốn không để lại bất cứ một cái gì trên trần gian này kể cả cái nhà của gia đình ông. Ông không muốn mọi người vinh danh ông. Thế nhưng rồi người dân Singapore làm sao có thể quên ơn ông được.

Mỗi người có suy nghĩ và tự do sống với suy nghĩ của mình. Đó là chuyện dĩ nhiên và đương nhiên trong cuộc đời nhưng rồi cũng nên cân nhắc và cảnh tỉnh. Trong đời sống sinh hoạt của Giáo Hội, cần thiết sự cảnh tỉnh về vật chất và tiền nong. Có khi vui vẻ hay có khi do nhiệt huyết để người ta xây đền đài thật to hay đúc chuông thật lớn nhưng bên dưới của những cái đền và chuông đó lại vướng vào chuyện mại thánh.

Kinh nghiệm Luther là kinh nghiệm mãi mãi không bao giờ phai trong Giáo Hội. Chuyện Giáo Hội thời đó vướng vào chuyện buôn thần bán thánh để rồi có một Luther kịch liệt phản đối chuyện đó và Giáo Hội phải kinh qua cái đau thương đến tột cùng khi ra hệ phái Tin Lành.

Ngày nay cũng thế, nếu không khéo thì tình trạng mại thánh sẽ tiếp diễn. Đâu đó ta vẫn thấy những người giàu dâng cúng luôn được tiếp đón cách nồng hậu. Và ngược lại, những người nghèo thường bị xem như ghẻ lạnh cũng như bị loại ra khỏi Giáo Hội. Nếu như thế ta sống ngược với sứ điệp của Tin Mừng cũng như quên lời của Đức Thánh Cha Phanxicô khi nói về Giáo Hội là một Giáo Hội nghèo, một Giáo Hội bị bầm dập. Khi Giáo Hội nghèo và bầm dập thì mục tử phải có mùi chiên thay vì mùi tiền. Chính mùi tiền đã làm cho bao nhiêu người phải ngã quỵ, ngay cả trong đời tu nếu không cảnh tỉnh cũng sẽ chết vì tiền và danh vọng.

Vua Đavit bị hớ khi nghĩ đến chuyện xây đền thờ là bài học rất nhớ cho bản thân tôi. Bài học của Đavit nhắc tôi luôn luôn nhớ đến ơn của Chúa và Chúa nhắc nhớ tôi rằng tất cả những gì tôi đang có là của Chúa để tôi không phải lăn tăn những cái chuyện bên ngoài.

Đền Thờ rồi có ghi khắc tên người dân cúng cũng qua đi. Những quả chuông có tên người trao tặng cũng qua đi. Những chiếc ghế có khắc tên người cho rồi cũng qua đi. Người cho, người tặng và vật chất tiền tài cũng qua đi. Chuyện quan trọng nhất của đời người đó là được khắc tên ở Thiên Đàng.

Với tất cả những điều đó, lòng nhủ lòng mỗi chúng ta hãy biết cho đi một cách vô vị lợi, cho đi một cách nhưng không cũng như đừng để lại tên tuổi mình khi mình cho đi. Điều dễ thực hiện điều này đó chính là tự nhắc nhớ rằng tất cả những gì mình đang có là của Chúa. Nghĩ như thế thì khi mình cho đi mình sẽ cho đi một cách thanh thản, không bận lòng và cũng chả cần ai biết đến. Và chúng ta cũng nên nhớ : “Thiên Chúa – Cha của anh em – biết những việc anh em làm mà thưởng công cho anh em”.

Lm. Anmai, CSsR

Chi tiết