ĐÊM ĐÔNG KHÔNG “NHÀ”         
Nội dung

ĐÊM ĐÔNG KHÔNG “NHÀ”

Sáng sớm, ra chợ để mua những gì cần thiết. Tranh thủ một chút vì ở nhà còn ... bao việc.

Sáng nay không thấy bà già ở hàng rau quen thuộc. Thay vào đó là một con bé nhỏ. Hỏi đứa lớn ngoại đâu thì nó nói ngoại đi ăn tân gia nhà Dì ở Gia Lai rồi. Tám thêm tí chuyện, hỏi thăm luôn :

-           Nhà con có mấy anh chị em ?

-           Dạ nhà con có 5 đứa !

-           Wa ! 5 đứa luôn

-           Dạ. Con với em con đây (vừa nói vừa chỉ con bé con) ở với ngoại. Mẹ con ở với chồng mới với 3 đứa em nữa.

Thắc mắc nên hỏi tại sao thì con bé nói :

-           Từ nhỏ, tụi con không có cha. Mẹ con lấy chồng nữa có thêm 3 đứa con. Giờ mẹ con ở với 3 đứa nhỏ. Tụi con không ai nuôi nên ngoại nuôi từ nhỏ.

Ngừng một lát con bé nói tiếp :

-           Giờ con nuôi con của con. Năm nay nó 3 tuổi !

Hết hồn vì không nghĩ cô bé đã có gia đình. Nó nói tiếp :

-           Con lấy chồng được 5 năm. Không làm phép cưới. Ở với nhau có 1 đứa con. Giờ tụi con không ở với nhau nữa. Con làm để nuôi con.

Nghe thật chạnh lòng. Với cái mẹt rau như thế này thì làm sao đủ chi phí để nuôi con. Chắc là vất vả lắm đây.

Sau khi nghe báo giá thì thanh toán tiền cho những thứ vừa mua.

Trên đường về nhà, không thể nào quên được những đứa trẻ không “nhà” như 2 con bé đây và kể cả con của con bé này nữa.

Tính ra là có nhà đó chứ ! Chúng đang ở với ngoại mà ! Nhưng kỳ thực thì chúng không có “nhà”. Đơn giản là vì từ bé chúng đã không biết mặt cha và không có cha. Rồi con của con bé này nữa. Lớn lên nó cũng sẽ không có cha vì ngay từ nhỏ (3 tuổi) nó đã không có cha rồi ! Như thế, đứa trẻ cũng như mẹ là không có “nhà”.

Thật sự thì cảnh không”nhà” này ngày hôm nay nhiều lắm. Nhìn vào thực tế cuộc sống thì ta thấy biết bao nhiêu cuộc ly hôn ngày mỗi ngày một tăng trong xã hội. Hậu quả của những cuộc ly hôn đó chính là những đứa trẻ không “nhà”.

Đâu đó trong dòng tin nhắn, nhiều người chứ không phải ít, đến với tôi và than thân trách phận cho gia đình của họ. Có người vừa mới hôm qua thôi chia sẻ về hoàn cảnh của gia đình và cô ta đang quyết ly dị.

Rồi có người đã có 1 đời chồng và 1 đứa con. Sau đó đi bước nữa và có với chồng mới 2 đứa con. Ngỡ rằng cuộc sống êm ả nhưng dòng đời lại không êm ái như dòng sông. Hiện tại ở với chồng và 2 con nhưng người chồng quá tính toán để rồi vẫn cứ xin sự trợ giúp của ông bà ngoại. Cô chia sẻ với tôi rằng cô đang tính tiếp con đường ly dị !

Sao người ta đến với nhau nhanh thế và rồi sao người ta bỏ nhau cũng mau thế !

Dĩ nhiên mỗi người đều có lý do và biện luận cho chuyện ly dị của mình. Thế nhưng rồi hậu quả của sự ly dị đó đè nặng trên bờ vai của những đứa trẻ. Thử hỏi một đứa trẻ mà lớn lên vắng bóng cha hay thiếu bóng mẹ đời nó sẽ ra sao ? Cũng có người biện luận là không sao và chả có gì nhưng kỳ thực nó có bình thường hay không ? Chả ai muốn mình ra đời để rồi không có cha hay không có mẹ. Một khi đã khuyết bóng của cha hay mẹ thì cuộc đời của chúng sẽ phát triển không bình thường.

Đi chợ thì nghe chuyện như vậy. Đi vào làng cũng chả khá hơn.

Chơi một lúc thì đến phần phát quà Giáng Sinh cho lũ trẻ. Nhìn lũ trẻ lem luốc cũng như quần áo xộc xệnh sao mà thương quá. Thằng bé tầm 6 tuổi đẩy chiếc xe nhựa trên đất sao mà thương ghê. Cạnh đó là những đứa chắc cũng tầm đó tuổi vừa ngậm kẹo vừa vui vẻ với tuổi thơ hồn nhiên đầy oan nghiệt.

Tại sao tôi lại dùng từ oan nghiệt ở đây ? Cứ đến với những người thiểu số ta sẽ thấy đời sống của họ như thế nào ?

Trong giờ cơm trưa, một cha nói : “Hôm qua mình Lễ ở Buôn Ma Thuột. Nghe đời sống của dân khổ quá !”

Tôi xen vào : “Ở vùng này thì có khá gì hơn đâu Cha ơi !”

Vâng ! Thời buổi kinh tế như hiện này thì dường như nhiều người ngao ngán với cuộc sống và có người đang sống trong cảnh không nhà.

Những đứa trẻ trong nhiều làng mà tôi đến thật sự là chúng không có nhà. Sở dĩ nói như thế vì nhà của chúng xem chừng ra không bằng cái kho hay nói thì hơi tệ không bằng ... Nói như thế để khi đến với người nghèo ta thấy có nhiều nhà như chỉ có 4 bức vách bằng mái tôn. Có nhà không đủ điều kiện để tráng xi măng chứ đừng nói đến chi là lót gạch.

Một vấn nạn không nhỏ đang đặt ra đó là trong nhiều làng đồng bào thiểu số ngày hôm nay có nhiều cảnh hòn vọng phu. Vì kế sinh nhai, nhiều người trẻ đã bỏ làng để đi làm. Và rồi đến một ngày nào đó theo tiếng gọi của tình yêu (không thật) để rồi ôm con về làng nuôi mà không hề có bóng của người c ha. Hoàn cảnh khó khăn nay lại càng khó khi không có chồng mà vẫn có con. Nhiều đứa trẻ ra đời không có “nhà” như hai đứa trẻ bán rau hồi sáng tôi gặp.

Chạnh lòng với những người đang sống trong hoàn cảnh không “nhà”.

Chỉ ước mong ai nào đó bước vào đời sống hôn nhân gia đình thì suy nghĩ, cân nhắc và cầu nguyện trước quyết định to lớn của cuộc đời. Đừng vì một chút ham muốn nhục dục hay thỏa mãn nhu cầu của bản thân cũng như với cái tôi ích kỷ của mình mà để cho nhiều trẻ phải sống không nhà như những 2 đứa nhỏ bán rau hay nhiều đứa trong làng thiếu vắng bóng của người cha  trong cuộc đời của chúng.

Lm. Anmai, CSsR

Chi tiết