Hôn nhân : Đâu phải chuyện đùa !
Nội dung

          Thời gian cứ như cuốn lại để rồi cũng chả có giờ để dính vào những thị phi hay nghe những chuyện xập xí xập ngầu. Có lẽ nhiều việc cũng như không có khung thời gian nào để cho những chuyện chó cán xe - xe cán cho vào trong đầu chi cho mệt.

          Đang "cày" phím và chuột, dòng câu hỏi hiện lên xem chói mắt : "Điều kiện nào để tiêu hôn vậy Cha ?"

          Giật bắn cả mình khi chị ta lập gia đình cũng chưa lâu lắm. Ở với nhau chí ít cũng đã có với nhau một mặt con và Lễ cưới của anh và chị được bậc vị vọng thụ lý hồ sơ hôn nhân cũng như ... dâng Lễ.

          Chả hiểu sao nó lại ra nông nổi này.

          Với câu hỏi như thế, đơn giản để trả lời đó là "trả về nơi sản xuất" nghĩa là 2 người đó phải đến với Cha thụ lý hồ sơ cũng như chứng hôn vì Cha đó còn sống và minh mẫn. Cha thụ lý hồ sơ có lẽ hơn ai hết hiểu rõ tình trạng hôn phối của 2 người đó chứ không phải là một linh mục nào đó.

          Chuyện quan trọng được hỏi ngược lại sau khi đặt câu hỏi đến Cha đó chính là việc học Giáo Lý.

          Tưởng nghĩ ai ai muốn lãnh Bí Tích Hôn Phối đều phải qua khóa học Giáo Lý và ít là kỳ kiểm tra mới nhận được chứng chỉ Hôn Nhan để đưa vào hồ sơ hôn phối của mình. Chưa nói đến chuyện 2 người đều phải đến trình diện với vị thụ lý hồ sơ của họ cũng như được thỉnh vấn những câu hỏi quan trọng nhất trong bí tích Hôn Phối mà 2 người đã được học. Chưa hết, trong tờ khai hôn phối thì 2 anh chị cũng buộc lòng phải khai những câu hỏi chính yếu nhất của đời sống hôn nhân gia đình như đặc tính, ý nghĩa của đời sống hôn nhân gia đình. Và, giả như một trong 2 bên không theo đạo Công Giáo và xin làm phép Chuẩn khác đạo thì ít ra người phối ngẫu cũng được hay phải học những bài giáo lý hôn nhân được cho là căn bản để họ biết định luật hôn nhân Công Giáo.

          Hỏi ra một hồi thì càng phát hiện ra cái người hỏi chuyện tiêu hôn này lơ tơ mơ về kiến thức bí tích Hôn Phối. Chả cần phải nhiều lời, ta có thể kết luận ngay rằng trường hợp này có vấn đề về chuyện học Giáo Lý hay quen biết không phải qua lớp Giáo Lý để có bằng. Nếu như chịu khó học hay gọi là đọc thì chắc chắn sẽ biết bài về Giáo Luật về đời sống hôn nhân gia đình.

          Cuộc trao đổi có lẽ đến đỉnh điểm nhất chính là lúc người hỏi được trưng dẫn bài Giáo Lý về Giáo Luật hôn nhân gia đình.

          Sau khi đọc xong, dòng chữ vui vẻ lại hiện lên trên máy tính : "Vậy thì đa số không ai học kỹ hết !"

          Chính xác ! Chính vì không học kỹ, chính vì học qua loa, chính vì học lấy lệ nên hậu quả là như thế !

          Khổ là không đơn giản để tiến đến sống hôn nhân gia dình. Sống với nhau sống cả đời chứ không phải 1 ngày 1 bữa hay là vui thì ở mà buồn thì đi để rồi hết sức cẩn trọng khi đi đến quyết định đi đến hôn nhân.

          Khởi đi từ chuyện coi thường đời sống hôn nhân, coi thường quyết định của mình và nhất là coi thường bản thân mình nên người ta không biết phải làm gì khi đi đến quyết định quan trọng nhất trong đời.

          Chuyện Giáo Lý Hôn Nhân là chuyện buộc lòng phải học và trải qua kỳ thi để có chứng nhận kèm trong hồ sơ hôn phối nhưng rồi có quá nhiều người vịn đủ lý do để tránh né hay học cho qua và cho xong để đám cưới. Và hệ quả khôn lường cho những chuyện coi nhẹ việc học Giáo Lý.

          Chuyện Giáo Lý cần phải học nhưng tưởng nghĩ chuyện tâm lý và cả sinh lý nữa cũng rất cần để có một cuộc hôn nhân bền vững. Nhiều và nhiều gia đình đổ vỡ chỉ vì tự cao tự đại và tự cho mình là biết tất cả để không cần phải học nữa.

          Để có hạnh phúc gia đình không phải là chuyện đơn giản. Để sống tròn vẹn và hạnh phúc gia đình cần có kiến thức và cả nghệ thuật nữa. Khi người ta không trau dồi kiến thức, không học hỏi cũng như không vun xới cho gia đình của mình thì không chóng thì chầy gia đình cũng sẽ vỡ tan thôi.

          Thực tại đời sống gia đình ngày hôm nay quả là điều quan ngại. Nhiều và nhiều người coi thường việc đào luyện về Giáo Lý, về nhân bản, nhân cách và nghệ thuật sống cũng như tâm và sinh lý để rồi đời sống hôn nhân của họ lẽ ra là thiên đường nhưng rồi trở thành địa ngục.

          Hạnh phúc trong bàn tay của mình chứ chả phải đâu xa. Muốn có, muốn giữ hạnh phúc của gia đình mình thì mỗi người phải chịu trách nhiệm cũng như đào luyện những kiến thức cần thiết nhất cho đời sống hôn nhân gia đình và quan trọng hơn cả đó chính là Giáo Lý đời sống hôn nhân gia đình.

#
MP3
Chi tiết