Giáo dục : Khó lắm ai ơi !
Nội dung

 

Trồng cây xem ra đã khó nhưng có lẽ trồng người là chuyện khó hơn. Chuyện khó này không phải chuyện tính năm tính tháng như người ta vẫn lấy câu của ai nào đó mượn của người khác để nói về vai trò của giáo dục. Năm tháng là một chuyện nhưng chất lượng là gì trong những năm tháng đó mới là chuyện quan trọng.

Mới đây, bỉ nhân xem được một cái “cờ líp” cực ngắn, chỉ với vài chục giây thôi nhưng giật bắn cả mình.

“Cờ líp” ấy ghi lại hình ảnh một đứa bé tầm 3, 4 tuổi ngồi đối diện với Mẹ, tay bé cầm quyển sách và đôi mắt dường như đang chăm chú đọc. Mẹ bé nhìn thấy thương quá nên bước qua chỗ bé và hôn lên trán con như là tưởng thưởng cho sự chăm chỉ của con. Đáng tiếc thay là trong quyển sách bé cầm lại là chiếc điện thoại. Bé đang mải mê chơi điện thoại nhưng cũng không quên canh chừng mẹ. Khi mẹ đứng dậy là bé chuyển trang để trang sách chồng lên chiếc điện thoại mà mẹ không hề hay biết.

“Cờ líp” ngắn đó như thay lời muốn nói cho một thực trạng của xã hội dối trá, gian xảo từ trong mái ấm gia đình.

Chuyển “cờ líp” ấy cho cha anh. Cha anh xem xong và nói 1 câu xanh dờn : “Vợ chồng trong nhà còn dối nhau thì nói gì đến con”.

Câu phán của cha ấy và hình ảnh hai mẹ con ấy làm bỉ nhân càng chạnh lòng.

Quả thật, khi nhìn vào thực trạng của cuộc sống và nhất là về giáo dục thì ai ai cũng ngao ngán chuyện học giả thi dối mà có bằng thật mới đau.

Chuyện xem ra đùa nhưng đau đớn : Một anh chàng đồng bào sau khi bị công an thổi vào vì vi phạm chở 4. Công an hỏi bằng thì anh đưa ra. Công an nói bằng của anh là bằng giả. Nghe vậy, chàng đồng bào nói với công an : “Anh nói làm sao chứ tui nói cho anh nghe. Tui mua bằng này bằng tiền thiệt. Tui mới bán mấy sào cà phê xong để mua bằng này mà !”.

Người đồng bào đơn sơ là vậy đó ! Anh ta nói hoàn toàn chuẩn chứ không sai. Bằng của anh ta mua là bằng thật.

Buồn và đau ở chỗ là không chỉ có cái bằng lái xe được mua mà nhiều bằng khác cũng được rao bán nhan nhản trên các điện thoại cá nhân.

Cũng không khó lý giải cho chuyện giả giả thật thật trong ngành giáo dục. Ngày cả những người đứng trên bục giảng, những giáo sư cũng xài bằng giả nữa thì đòi đâu ra có bằng thật.

Một người thân kể chuyện :

Con có bầu con bé Nhi. Hai vợ chồng vào bệnh viện để sinh. Đến khám và chuẩn bị đỡ đẻ cho con đó lại là con nhỏ bạn học chung cấp 2. Hồi học chung nó học ngu lắm. Nó gần nhà con. Bẵng một thời gian gặp lại giờ nó là phó khoa sản ! Tối hôm đó, hai vợ chồng con rút lui đi qua bệnh viện khác để sinh chứ giờ từ chối con nhỏ đó đỡ đẻ cũng chết mà để cho nó đỡ cũng chết !”

Chuyện này là chuyện thật và cũng rất phổ biến bởi ngày nay bằng cấp thật giả khó có thể lường

Ông Cha em ở bên Úc về thăm nhà kể là có một đường dây làm bằng giả tận gốc. Tò mò hỏi làm sao được thì chú em nói là làm giả đến độ người từ VN qua Úc lên nhận bằng hẳn hoi chứ không phải đùa.

Hết biết chuyện giả của nước nhà.

Khởi đi từ sự giả trá ngay cái nền móng của xã hội đó là giáo dục để rồi nhiều người phải đối đầu với những sản phẩm giả đó.

Thật sự mà nói, giáo dục của một xã hội, của một đất nước không phải là chuyện giản đơn.

Giáo dục là một sứ vụ ! Đó cũng chính là tâm tình của Đức Tổng Giám Mục Giuse Nguyễn Năng trao đến các sinh viên trong ngày nhận học bổng Tôma Thiện.

Ngày nhận học bổng ở Hoa Sen, Hồng Bàng và Gia Định, các tu sĩ – linh mục và giáo dân được mời gọi như những tấm gương cho các học sinh sinh viên. Những Kitô hữu sống triệt để lời sống khó nghèo sẽ là men, sẽ là muối cho việc học tập tại các Đại Học mà mình được gửi đến học.

Với trách vụ Chủ Tịch Ủy Ban Giáo Dục Công Giáo trực thuộc Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, Đức Cha Phêrô Huỳnh Văn Hai – Giám Mục Giáo Phận Vĩnh Long dù bận mục vụ của Giáo Phận, của Giáo Sư Triết Học nhưng Đức Cha đã đặt hết tâm huyết của mình vào sứ vụ Hội Thánh trao phó. Qua những bài chia sẻ, những lá thư gửi sinh viên – học sinh Công Giáo, Đức Cha luôn nhắn nhủ học sinh – sinh viên Công Giáo cố gắng học tập và học thật tốt để giúp cho Giáo Hội và Xã Hội nữa.

Thật thế ! Trách vụ giáo dục không phải là của riêng ai, của riêng Đức Cha Phêrô nhưng là của mọi người đặc biệt Kitô hữu. Mỗi Kitô hữu trong vị thế của mình phải sống thật để góp phần xua đuổi sự gian dối nhất là trong giáo dục.

Thật ra thì bản thân tôi không phải là người hoàn hảo nhưng rồi khi sống chung với nhau thì cố gắng thật mức cao nhất có thể chứ đừng lừa nhau. Mỗi người trong chúng ta ghét sự gian dối nên mỗi người hãy đẩy lùi gian dối nếu có trong mình và xây dựng đời mình bằng sự thật với người khác.

Mỗi người hãy cố gắng với cố gắng nhỏ nhoi của mình sẽ góp phần vào nền giáo dục nước nhà. Đừng ngồi đó để nguyền rủa bóng đêm nhưng hãy thắp lên ánh sáng của niềm vui, niềm tin và sự thật để ngày mỗi ngày nền giáo dục nước nhà được chuyển biến tốt hơn, trong sạch hơn. Có như thế mới có thể tránh được chuyện bằng giả mua bằng tiền thật và lấy tiền thật để mua bằng giả.

 

 

 

Chi tiết