Chút tâm tư ngày Khánh Nhật Truyền Giáo
Nội dung
Trước khi gõ những dòng suy nghĩ thì tưởng nghĩ nên nhắc đến tâm tình của Cha Giuse Trần Sĩ Tín khi nói về truyền giáo.
Cha nói rằng Hội Thánh chỉ có từ Evangelisatio – Evangelisation. Từ này dịch ra tiếng Việt là Phúc Âm hóa – không dịch là truyền giáo thời trước công đồng Vaticano II.
Missio dịch là sứ vụ - không dịch là truyền giáo. Và Missionarius (Missinnaire – missionary) dịch là thừa sai không dịch là truyền giáo (như đã thấy mois missinnaire đã bị dịch là môn đệ truyền giáo!).
Bao lâu Hội Thánh Việt Nam chưa sống chính danh thì chẳng bao giờ có Phúc Âm Hóa và Tân Phúc Âm Hóa. Các thừa sai chúng ta hãy thay đổi trước - bằng không thì chẳng bao giờ chúng ta nói được rằng chúng ta trung thành với Hội Thánh.
Câu nói “sống chính danh” có lẽ là cốt lõi nhất của ai nào đó Phúc Âm Hóa và Tân Phúc Âm Hóa.
Thật ra, câu “sống chính danh” cách nào đó nên nghĩ tới lời của Chúa Giêsu : “Cứ dấu này người ta sẽ nhận ra anh em là môn đệ của Thầy đó là anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em”.
Và như vậy, chuyện đầu tiên là môn đệ của Thầy chứ không phải là môn để của ai đó để rồi người gọi là môn đệ phải sống chính danh của Thầy. Điều quan trọng nhất để sống chính danh đó là yêu thương nhau như Thầy đã yêu chứ cũng không phải yêu theo cách của sư phụ nào khác.
Xác định như vậy thì ta mới lần mò và bước theo con đường mà từ ngàn xưa Chúa mời gọi. Cách đặc biệt, trong Khánh Nhật tạm gọi theo nghĩa mà từ xưa đến nay vẫn gọi là Khánh Nhật Truyền Giáo thì ta lại nổ lực cầu nguyện cho việc truyền giáo. Cũng nên nhớ sứ vụ truyền giáo – sứ vụ Phúc Âm Hóa không chỉ của riêng ai mà là của mọi Kitô hữu.
Ngày nay, ta nghe quá nhiều về Hội Nghị Truyền Giáo (hay có nơi ghi là Loan Báo Tin Mừng). Trong các hội nghị đó, tham dự viên được nghe đủ các loại định hướng, đủ các loại phương án …
Xem chừng nghị này, hội nghị kia, định hướng nó rất cần cho sứ vụ truyền giáo (hay loan báo Tin Mừng – Phúc Âm Hóa) thế nhưng chuyện quan trọng và cần thiết nhất nơi mỗi người đó chính là mình phải Phúc Âm Hóa bản thân của mình. Đâu chỉ cứ trao học bổng, làm việc bác ái xã hội, lo cho giáo dục là truyền giáo ? Những chuyện như học bổng, bác ái, giáo dục thì xã hội và những người chưa biết Chúa họ vẫn làm. Người Kitô hữu không dừng lại những chuyện đó như các tổ chức bác ái, xã hội, quỹ học bổng làm nhưng ngang qua đó mời gọi người khác nhìn đến Chúa, nghĩ đến Chúa để dần dần họ cảm thức về Chúa và khi đó họ mới theo Chúa.
Có khi ta chăm chú quá nhiều vào chuyện vật chất, chuyện phát quà, chuyện tung tiền ra như một số người làm thì ta sẽ thu về con số không và hoàn toàn thất vọng. Đơn giản là ai nào đó gật đầu theo đạo khi nhận quà và vật chất thì trở thành đạo … gạo. Làm sao để ngang qua những tặng phẩm ta trao ban người ta nhận ra Thiên Chúa và gần nhất là cung cách sống của mỗi người chúng ta.
Có người khoe rằng mình đã học khóa truyền giáo này truyền giáo kia hay là khoe rằng mình thường hay đóng góp này nọ. Học và đóng góp rất tốt nhưng cải thiện đời sống, Phúc Âm Hóa đời sống của bản thân đi kèm mới là điều tốt nhất.
Định hướng, nghị định, tiêu chí truyền giáo xem ra có đó và còn đó. Thế nhưng chuyện quan trọng nhất là sống. Đơn giản là vì nói thì ai nói mà chả được. Cần là cần sống chứ không phải nói.
Truyền giáo (hay loan báo Tin Mừng) không cứ nhất thiết là phải đến vùng sâu vùng xa, vùng chưa có người biết Chúa hay phải đi chỗ này chỗ kia. Cần và cần nhất là ngay trong gia đình mình, ngay bên cạnh nhà mình, ngay người cùng học chung lớp với mình, ngay người làm việc chung với mình ở các cơ quan công sở, nhà máy.
Phúc Âm Hóa đời mình tạm hiểu là mình sống làm sao để cho người khác nhìn vào mình là người Kitô hữu thật sự, là người có Chúa Kitô thật sự chứ không phải là người mang cái mác Kitô. Chính cung cách sống của mình sẽ nói lên rằng mình có phải là người Kitô hữu thật sự hay không ?
Có những người chuyên làm việc bác ái từ thiện, có những người trong ban này đoàn kia. Ở bên ngoài hay ở hội đoàn, ca đoàn, nhóm mà họ có “cổ phần” xem ra rất nhiệt tình và năng nổ nhưng rồi ở trong gia đình, trong cộng đoàn của người đó sống thì ngao ngán.
Có khi ra đường thì rất phóng khoán và ta đây với cái vỏ bảnh bao nhưng về nhà đố ai nào đó mà ăn của người đó dù chỉ 1 xu. Có người rất thoải mái với bè bạn, với đồng nghiệp nhưng chính với người thân hay ruột thịt thì chả có chút gì.
Chỉ nhìn vào cung cách đời thường của một người, ai ai cũng có thể nhìn được tâm tình và cung cách sống của họ. Có những người chả bao giờ mở miệng khoe khoang, có những người chưa xưng mình là Kitô hữu nhưng từ lời ăn tiếng nói của họ ta dễ nhận ra họ là người có Chúa.
Như Đức Cố Giáo Hoàng Phaolo VI đã nói : Ngày hôm nay người ta cần chứng nhân hơn là thầy dạy ! Đúng như vậy ! Muốn xem truyền giáo là gì và như thế nào thì cứ mở bác Google ra, bác ấy sẽ chỉ cho đủ mọi phương cách và xem ra rất chuẩn. Vui một cái là bác Google chỉ thôi chứ bác chưa hề sống sứ vụ lon bao Tin Mừng bao giờ. Đừng biến ta thành Google là chỉ cho người khác sống truyền giáo mà ta lại không sống.
Cứ đơn giản nghĩ như vậy chứ đâu hà cớ gì loa loa cái miệng rằng ta đây đi truyền giáo, ta đây sống ở vùng truyền giáo. Cần và cần lắm việc Tân Phúc Âm Hóa chính con người của mình thì khi đó mới gọi là sống sứ vụ loan báo Tin Mừng như lòng Chúa mong muốn.
Có lẽ cũng chả cần nghĩ nhiều và nghĩ gì về truyền giáo. Chỉ cần nghĩ và cố gắng mình sống làm sao để cho người khác nhìn thấy Chúa Kitô đang hiện diện trong mình là đủ rồi. Có như thế, có Chúa trong đời mình thì chắc chắn người khác sẽ thiện cảm về Chúa và dĩ nhiên họ sẽ dễ dàng theo Chúa hơn thôi.
Chi tiết
- Ngày: 17/10/2020
- Tác giả: Linh mục Anmai CSsR