Chuẩn bị đón Chúa đến
Nội dung
CHUẨN BỊ ĐÓN CHÚA ĐẾN
Luca 3:1-6
Zenkai, con của một hiệp sĩ Nhật Bản, du hành đến Edo và trở thành hầu cận của một quan chức nơi này. Zenkai yêu bà vợ của viên quan và bị phát giác. Để tự vệ, Zenkai đã giết người chồng rồi dắt người vợ bôn tẩu. Nhưng người đàn bà sau đó tỏ ra quá xấu nết nên Zenkai cuối cùng đã bỏ bà và lại ra đi, ăn xin kiếm sống qua ngày. Để chuộc lại những lỗi lầm dĩ vãng, Zenkai quyết tâm làm một vài việc tốt. Biết trên một sườn núi đá có một con đường nguy hiểm đã làm nhiều người bị thương và thiệt mạng, Zenkai quyết định đào một đường hầm xuyên qua núi. Ban ngày đi ăn xin, ban đêm đào đường hầm. Khi Zenkai hơn 30 tuổi thì chàng đã đào được gần cả ngàn mét. Hai năm trước khi công việc hoàn tất, người con trai của viên quan bị sát hại tìm được Zenkai và muốn giết chết anh để trả thù nhà. Zenkai nói: “Tôi sẽ dâng mạng tôi cho anh, nhưng hãy cho tôi làm xong công việc này đã”. Người con trai của viên quan đồng ý. Zenkai tiếp tục đào đường hầm. Đâm chán nản vì chẳng biết làm gì, người thanh niên bắt đầu ra tay trợ lực. Sau khi giúp Zenkai hơn một năm, anh ta trở nên kính phục dũng khí và tư cách của chàng. Cuối cùng, con đường hầm đã hoàn thành và thiên hạ có thể an toàn qua lại. Lúc đó Zenkai bảo: “Bây giờ công việc xong rồi, anh hãy chém đầu tôi đi!” Người thanh niên vội nói qua làn nước mắt: “Làm sao con có thể cắt đầu thầy được!”
Câu chuyện này giúp ta hiểu bài học về sự hoán cải và kết quả sự hoán cải mà Lu-ca muốn thông đạt cho ta hôm nay, qua câu chuyện về Gio-an Tẩy giả.
Người Đã Đến Thật Trong Lịch Sử
Lu-ca hôm nay muốn loan báo sứ vụ của vị Tiền hô này, con người giới thiệu sứ vụ của Đức Giê-su. Đây là cuộc can thiệp chung quyết của Thiên Chúa vào lịch sử. Hành động của Người chẳng “ở ngoài” thế gian, trên mây, nhưng diễn tiến âm thầm bên trong các biến cố trần tục. Một “lịch sử thánh” khai triển chính giữa lòng các sự kiện của thế gian. Thiên Chúa luôn “nói” và “làm” trong mớ bòng bong các hoàn cảnh và tình thế, trong các thời vận kinh tế, văn hóa, chính trị và xã hội.
Sau khi lưu ý với ta rằng Đức Giê-su đã sinh ra dưới thời Au-gus-tô hoàng đế (Lc 2,1), giờ đây Lu-ca nói Người bắt đầu sứ vụ lúc đã trưởng thành, “vào năm thứ 15 thời Ti-bê-ri-ô”, nghĩa là khoảng năm 28 hay 29 công nguyên. Một người Do-thái nhỏ bé vô danh trước vị Hoàng đế Rô-ma hùng mạnh, chúa tể thế giới! Đế quốc của Ti-bê-ri-ô lúc ấy trải dài từ bờ Bắc Hải đến tận biên giới sa mạc Sahara, từ eo biển Gibraltar đến biên cương châu Á. Địa Trung Hải, nay được khoảng 15 nước viền quanh, thời đó như một cái ao của Rô-ma vậy (Lúc ấy nó mang tên: Mare nostrum: Biển của chúng ta). Tất cả chủ đích của Lu-ca là cho ta thấy “Tin Mừng” phát xuất tự Giê-ru-sa-lem sẽ kết thúc ở Rô-ma, như được nói nơi đoạn cuối của sách Công vụ Tông đồ (x. 28,16-31). Trong lúc này, người ta muốn gợi lên tầm mức rộng rãi của chương trình Thiên Chúa: Giê-su-Ti-bê-ri-ô.
Sau vị chúa tể đế quốc, Lu-ca nhắc tới viên thủ lãnh địa phương: Phong-xi-ô Phi-la-tô, con người duy nhất có mặt trong kinh Tin kính của chúng ta sau Đức Trinh Nữ. Giữ chức tổng trấn của Rô-ma tại Giê-ru-sa-lem, giữa năm 26 và 36, Phong-xi-ô Phi-la-tô là một con người “cương quyết và tàn nhẫn” như láng giềng của ông là Hê-rô-đê A-grip-pa I nhận định. Ông bị Rô-ma cách chức vì đã tàn sát hàng ngàn người Sa-ma-ri tụ tập trên núi Ga-ri-zim. Các sử gia đương thời (Flavius Josèphe và Philon) đều mô tả ông cai trị lãnh địa của mình bằng mua chuộc, khủng bố, cướp bóc, tra tấn và tử hình. Ngày nay, đôi khi chúng ta phàn nàn về những khó khăn của thời đại. Hãy biết rằng Đức Giê-su đã sống trong một miền đất bị kẻ thù xâm lăng và đàn áp không thương tiếc.
Tiếp đến là một loại tiểu vương: “Hê-rô-đê... Phi-líp-phê... Ly-xa-ni-a...”. Đây chỉ là những chư hầu bù nhìn, vì Rô-ma mới nắm quyền lực thật. Kèm với tên người, Lu-ca nhắc tới không gian địa lý trong đó Tin Mừng sắp bành trướng ra: ông lưu tâm ghi chú hai miền có cư dân là “con cái Ít-ra-en” (Giu-đê và Ga-li-lê) với hai miền có cư dân là dân ngoại (I-tu-rê-Tra-khô-nít và A-bi-lên). Đây là một chỉ dẫn mang tính thần học đối với môn đệ của Phao-lô: sứ điệp của Đức Giê-su chẳng dành cho một số người. Phải chăng tôi khép mình trong một ốc đảo Ki-tô an lành nhỏ bé? Nếu thế, sao còn trong ngọn gió Tin Mừng nữa?
Cuối cùng, sau các thủ lãnh chính trị là các thủ lãnh tôn giáo, chịu trách nhiệm về Do-thái giáo đương thời: hai “thượng tế Kha-nan và Cai-pha” mà Đức Giê-su sẽ gặp lại trong vài năm nữa. Hoàn cảnh lịch sử và tôn giáo là như thế, những dữ kiện vô cùng chính xác, được các sử gia cổ thời xác nhận. Người ta đã tìm thấy tại Xê-da-rê chỗ Phi-la-tô đã ngồi xem kịch: một hàng chữ khắc vào phiến đá dùng làm ghế cho vị Tổng trấn, giữa khán đài vòng.
Tuy nhiên, không phải mọi bậc vị vọng nêu danh trên đây sắp làm nên lịch sử đích thực nhưng là một “người phát ngôn”, một “nhà ngôn sứ”: “Có lời Thiên Chúa phán cùng ông Gio-an, con ông Da-ca-ri-a...”: Gio-an Tẩy giả, ngôn sứ sau cùng của Cựu Ước, chứng nhân đầu tiên của Đức Giê-su. Chính “từ bên trong” các thực tại nhân loại mà sự thay đổi phải được thực hiện... nhưng tất cả động lực của sự đổi thay này không thể xuất phát từ các hệ tư tưởng và các quyền lực hiện hành, cũng chẳng từ các cơ cấu chính trị (“Thiên Chúa lật đổ kẻ quyền thế xuống khỏi ngai vàng” Lc 1,52). Một Lời đến từ chỗ khác, từ Thiên Chúa, sắp tạo nên sự mới mẻ đích thực sẽ đổi thay dòng lịch sử.
Con người bị Lời Thiên Chúa nắm bắt ấy tiến ra từ hoang địa, nơi cô đơn trống rỗng, đầy gian khó thử thách, nhưng nghịch lý thay, nhờ xa mọi quay cuồng của thế giới, xa mọi tiếng động gây nhức đầu, đó cũng là nơi người ta có thể nghe được một Lời bí nhiệm. Lời Thiên Chúa đó thúc đẩy Gio-an ra đi, biến ông thành một nhà thuyết giáo lưu động, như Đức Giê-su sau này. Gio-an rời hoang địa hồng phúc, nơi ông đã được chuẩn bị, đã nghe rõ Lời thiêng, mà đi gặp quần chúng. Để làm việc này, ông cố ý chọn chỗ có đủ hạng người qua lại: một khúc sông cạn, nơi tất cả mọi người bắt buộc đi qua, một nút “giao thông nhân loài”... tả ngạn sông Gio-đan, phía đông Giê-ri-cô (Ga 1,28).
Phải Trở Về Thật Với Người
Và từ đây, Gio-an “rao giảng kêu gọi người ta chịu phép rửa tỏ lòng sám hối, để được ơn tha tội”. Phát ngôn nhân của Thiên Chúa không phải là một con người hiền lành lặng lẽ, song là một “loa phóng thanh” mở lớn tối đa. “Rao giảng” (kérygma) ở đây có nghĩa là “la lớn”, “công bố”! Gio-an rao giảng lòng sám hối. Thành ra không thể ảo tưởng. Ta không gặp Thiên Chúa “sao cũng được”. Phải “quay về” với Người, phải “nhào lặn” trong Người! Từ “phép rửa” gợi lên những cuộc tắm rửa theo nghi thức mà các thành viên cộng đoàn Qum-ran gần đó thực hành thường nhật (dìm mình trong bể nước hay trong dòng sông), để rửa thân xác sạch mọi vết nhơ và thúc giục tâm hồn thanh tẩy. Việc hoán cải không chỉ là một tư tưởng trong đầu óc, nhưng là một bước tiến có dấu chỉ tỏ ra bên ngoài qua một hành vi bí tích công khai: “Muốn đổi đời nên tôi làm trước mặt quý vị một hành vi tượng trưng biểu lộ lòng hoán cải... tôi dìm cuộc sống quá khứ của tôi xuống nước để giết chết nó, ngõ hầu một sự sống mới tái sinh”. Chịu phép rửa chính là cố ý dận nước “con người cũ”, để tái sinh “con người mới” (x. Rm 6,6; 7,6; Ep 4,22; Cl 3,9). Đấy cũng là hình ảnh của bí tích Cáo giải, “phép rửa thứ nhì” mà có lẽ chúng ta sắp muốn chịu để mừng lễ Giáng sinh.
Và hoán cải nói đây là trở về cùng Thiên Chúa. Nếu hoán cải chỉ là thay đổi trên phương diện luân lý và xã hội, thì cuộc sống Ki-tô hữu chỉ còn là một nhân bản thuyết tầm thường. Nhưng đây đúng là “trở về cùng Thiên Chúa”, dĩ nhiên với nhiều hậu quả luân lý và xã hội: chiến đấu chống lại ích kỷ, bất công, duy vật thực hành, nô lệ khoái lạc và tiền bạc, nhơ bẩn, biếng lười, thống trị kẻ khác v.v...
Và hoán cải, sám hối như thế “để được ơn tha tội”. Tha tội là hành vi của Thiên Chúa, luôn luôn được ban cho tất cả... nhưng chỉ có thể trở thành hiệu lực nếu chúng ta đón nhận cách tự do. Mặt trời chẳng bao giờ ngừng chiếu sáng, nhưng chúng ta có thể đóng các cánh cửa! Hành vi của Thiên Chúa được tỏ ra qua “thừa tác viên” của bí tích vốn nói “nhân danh Đức Ki-tô”... Hành vi tự do của con người tỏ ra bước tiến của hối nhân, đặc biệt là thú tội cách cá nhân hay tập thể.
“Mọi thung lũng phải lấp cho đầy, mọi núi đồi phải bạt cho thấp, khúc quanh co phải uốn cho ngay, đường lồi lõm phải san cho phẳng”. Việc hoán cải đúng là một máy ủi! Một công trường làm đường! Một công trình xây dựng công cộng! Thế mà chúng ta đã chỉ “hoán cải bên trong”... không chút đau đớn! Nếu thế thì làm sao “thấy được ơn cứu độ” như Zenkai trong câu chuyện mở đầu?
Chi tiết
- Ngày: 06/12/2021
- Tác giả: Lm. Anmai