Chiều kích Tri thức trong Đào tạo Linh mục
Nội dung

Chiều kích Tri thức trong Đào tạo Linh mục

Tông huấn Pastores Dabo Vobis khẳng định: “Việc học chiếm một phần lớn cuộc đời của ứng sinh linh mục, việc học bắt buộc ấy không phải là một yếu tố bên ngoài hoặc phụ thuộc đối với sự phát triển ơn gọi của ứng sinh về phương diện nhân bản Kitô giáo và thiêng liêng. Trong thực tế, nhờ việc học, nhất là thần học, người linh mục tương lai bám víu vào Lời Chúa, lớn lên trong đời sống thiêng liêng và có được tư thế sẵn sàng để chu toàn thừa tác vụ mục tử” (PDV 51).

Hành trình đào tạo linh mục là công cuộc toàn diện, tiệm tiến về bốn chiều kích: nhân bản, thiêng, tri thức và mục vụ. Tuy nhiên, đào tạo tri thức là phương diện được nhấn mạnh trong thời gian tại Đại Chủng viện. Và hơn nữa, tri thức ngày càng có tầm quan trọng đặc biệt đối với đời sống và sứ vụ linh mục trong hoàn cảnh hôm nay. Bài viết này trước hết sẽ chỉ ra việc đào tạo tri thức như một sự chuẩn bị cho những phận vụ của người linh mục thừa tác. Tiếp đến sẽ xem xét mối tương quan giữa tri thức với chiều kích còn lại trong công cuộc đào tạo linh mục, cũng như đề nghị một lối tiếp cận tri thức. Cuối cùng bàn đến một nền đào tạo toàn diện hướng tới công cuộc Phúc Âm hoá.

  1. Đào tạo tri thức - Một sự chuẩn bị cho sứ vụ linh mục

Nhờ bí tích Truyền chức thánh, các linh mục sẽ được ban một quyền thánh chức để phục vụ các tín hữu. Các thừa tác viên có chức thánh thực thi sự phục vụ của mình đối với dân Thiên Chúa qua việc giảng dạy (munus docendi) hay phận vụ Lời Chúa; cử hành phụng vụ (munus liturgicum) hay phận vụ Bí tích; và hướng dẫn mục vụ (munus regendi) hay phận vụ mục vụ[1].

Công đồng Vaticanô II lưu ý chương trình giáo dục toàn diện phải hướng đến việc huấn luyện cho các đại chủng sinh trở thành những người chủ chăn đích thực của các linh hồn, theo gương Chúa Giêsu Kitô là Tôn sư, là Tư tế và là Mục tử; vì thế, các thầy phải được chuẩn bị cho thừa tác vụ rao giảng Lời Chúa; thờ phượng và thánh hoá; và thừa tác vụ mục tử[2]. Trong đó, đào tạo tri thức xét như một sự chuẩn bị cho việc thi hành các nhiệm vụ của người mục tử tương lai, đó là: giảng dạy, thánh hoá và quản trị. Việc học tập ở chủng viện sẽ quyết định rất lớn cho sứ vụ tương lai của ứng sinh linh mục.

1.1. Nhiệm vụ giảng dạy
Để có thể giảng dạy cách đúng đắn và thuyết phục, các linh mục cần có sự hiểu biết, đi liền với đời sống chứng tá. Không ai có thể cho cái mình không có (Nemo dat quod non habet). Ngôn sứ Malakhi nhắc nhở: “Môi của tư tế chất chứa sự hiểu biết và người ta tìm điều Luật dạy nơi miệng nó; quả thế, nó là thần sứ của Đức Chúa các đạo binh” (Ml 2,7). Thánh Phaolô khuyên những người môn đệ cần biết: “gắn bó với lời đáng tin cậy và đúng đạo lý, để vừa có khả năng dùng giáo lý lành mạnh mà khuyên nhủ, vừa có khả năng bẻ lại những kẻ chống đối” (Tt 1,9). Cũng cần có sự hiểu biết chắc chắn, vững vàng và chuyên sâu để có thể rao giảng Lời Chúa, lên tiếng lúc thuận tiện cũng như lúc không thuận tiện, để biện bác, ngăm đe, khuyên nhủ, với tất cả lòng nhẫn nại và chủ tâm dạy dỗ (x. 2Tm 4,2).

Hơn nữa, với tư cách là nhà lãnh đạo tôn giáo, các linh mục thường không chỉ có vị thế trong lĩnh vực tôn giáo và tâm linh, mà còn nhận được sự tôn trọng và tin cậy của các tín đồ ở các vấn đề khác trong cuộc sống. Trong suy nghĩ của người giáo dân, các linh mục luôn mong muốn điều tốt đẹp cho họ, vì thế, tiếng nói của các ngài có uy tín và luôn được đón nhận cách đặc biệt. Tiếng nói của các linh mục nhiều khi còn được coi trọng hơn những lời phát biểu của các nhà lãnh đạo chính trị, kể cả các nhà khoa học. Chính vì vậy, bên cạnh việc hướng dẫn về đời sống đức tin và tu đức, các linh mục cũng tham gia vào các hoạt động xã hội, kêu gọi công lý và hoà bình, bảo vệ môi trường[3]. Mặc dù các linh mục có thể nhờ đến sự trợ giúp của các chuyên gia nhưng chính các ngài cũng cần trau dồi hiểu biết để có thể minh giải những “dấu chỉ thời đại”, nhằm giải đáp, định hướng, kết nối...

Vì thế, “việc đào tạo về đạo lý phải được truyền đạt để giúp các chủng sinh có một nền đạo lý sâu rộng và vững chắc trong các môn học thánh, được kết hợp với một nền kiến thức tổng quát phù hợp với những nhu cầu của mỗi thời và mỗi nơi; khi đức tin của họ đã có nền tảng và được nuôi dưỡng như thế, họ có thể loan báo giáo huấn Phúc Âm một cách thích hợp cho người đương thời, phù hợp với não trạng của những người này” (BGL 248).

1.2. Nhiệm vụ thánh hoá

Để thi hành thừa tác vụ thánh hoá cách hữu hiệu, các linh mục phải được đào tạo chuyên sâu về phụng vụ, ngõ hầu có thể thực hiện việc đào tạo giáo dân qua phụng vụ. Công đồng Vaticanô II nhắc nhở: “Các linh mục phải chú tâm trau dồi kiến thức và nghệ thuật phụng vụ, để nhờ tác vụ của ngài, cộng đoàn Kitô hữu biết ca ngợi Thiên Chúa là Cha và Con và Thánh Thần ngày càng hoàn hảo hơn”[4]. Nếu không có sự hiểu biết sâu xa ý nghĩa thần học của những nghi thức mà mình cử hành thì thật khó để các linh mục ý thức việc mình làm, noi theo điều mình cử hành và rập mẫu đời sống theo mầu nhiệm Thánh giá Chúa[5].

Quả thật, việc học hỏi rất cần thiết cho các thừa tác viên trong việc cử hành các bí tích. Đơn cử như khi cử hành Bí tích Hoà giải: “Bên cạnh sự nhạy cảm về tâm linh và mục vụ, người giải tội cần phải được chuẩn bị nghiêm túc về mặt thần học, luân lý và sư phạm, để có thể hiểu cuộc sống của con người. Ngoài ra, thật là hữu ích nếu vị ấy biết rõ môi trường nghề nghiệp, văn hoá và xã hội của những người đến toà cáo giải, hầu có thể cho người ấy những lời khuyên thích đáng, những việc làm thiêng liêng và những định hướng tâm linh. Thế nên, bên cạnh sự khôn ngoan của loài người, sự chuẩn bị về mặt thần học, người ta cần phải có thiên hướng tâm linh sâu xa, được nuôi dưỡng nhờ tiếp xúc với Đức Kitô, vừa là Tôn Sư vừa là Cứu Tinh, trong tinh thần cầu nguyện”[6].

Tuy nhiên, chỉ nguyên kiến thức về phụng vụ thôi thì chưa đủ. Trong Tông thư về đào tạo phụng vụ cho dân Thiên Chúa, Đức Giáo hoàng Phanxicô nhắc nhở: “Kiến thức có được từ việc học hỏi chỉ là bước đầu tiên để có thể đi vào mầu nhiệm đang được cử hành. Thật quá rõ, để có thể dẫn dắt anh chị em của mình, các thừa tác viên chủ sự cộng đoàn phải biết đường đi, bằng cách vừa nắm rõ lộ trình trên bản đồ nghiên cứu thần học, vừa phải siêng năng cử hành phụng vụ để có những trải nghiệm về một đức tin sống động, được nuôi dưỡng bằng lời cầu nguyện, và chắc chắn không chỉ đơn thuần là thi hành một bổn phận bó buộc”[7].

​​​​​​​
1.3. Nhiệm vụ quản trị

Đào tạo tri thức là phương tiện của hành trình đào tạo linh mục. Để có thể chu toàn nhiệm vụ quản trị, linh mục cần có nền tảng kiến thức vững vàng cả về chuyên môn đạo, đời. Ngay cả trong đời sống xã hội hiện nay, người ta cũng đề cao vai trò của ngành khoa học quản lý. Công đồng Vaticanô II nhấn mạnh: “Trong thời đại ngày nay, văn hoá nhân loại và ngay cả các ngành học thánh đã có những bước tiến mới, vì thế các linh mục hãy không ngừng trang bị thật đầy đủ kiến thức về Thiên Chúa và về con người, đó là cách tự chuẩn bị để có thể đối thoại cách thích hợp hơn với những người đương thời”[8].

Chính vì thế, ngoài công việc mục vụ, giúp đỡ tha nhân, chính ngay đời sống thánh hiến, cách riêng là đời sống linh mục, cũng có nhu cầu canh tân sự miệt mài với sinh hoạt tri thức, bởi vì sự chuyên cần học tập là một phương thức giáo dục con người toàn diện và là một con đường khổ chế rất hiện đại, nhất là phải đối diện với những nền văn hoá đa dạng khác. Sự lơ là học tập có thể có những hậu quả trầm trọng ngay cả trên hoạt động tông đồ, đưa tới mặc cảm bị gạt ra lề hoặc tự ti, hoặc đưa tới những sáng kiến nông cạn và hời hợt[9].

Mối nguy cơ đặc biệt đối với đức tin ngày nay chính là tính đa diện tôn giáo, hiểu theo nghĩa tương đối hoá và tạp thần trong phạm trù tôn giáo. Cùng với sự xuất hiện của các giáo phái, thì đây chính là một trong các vấn đề nghiêm trọng nhất của mục vụ ngày nay[10]. Để có khả năng đương đầu với hiện tượng này, các mục tử cần phải chuẩn bị các sáng kiến mục vụ mới. Mà điều này đòi hỏi các linh mục phải có nền tảng giáo lý vững chắc, tinh ròng, vốn được thủ đắc nhờ quá trình đào tạo tri thức nghiêm túc và trường kỳ.

Nói tóm lại, như Ratio 2016 của Bộ Giáo sĩ khẳng định: Mục đích khi đào tạo chủng sinh về mặt tri thức là làm cho chủng sinh đạt được năng lực vững chắc về triết học và thần học, cũng như chuẩn bị cho họ có được trình độ văn hoá tổng quát, để họ có thể loan báo sứ điệp Tin Mừng cho những người đương thời một cách đáng tin cậy và dễ hiểu, để họ đối thoại với thế giới hiện tại một cách hiệu quả, cũng như để họ dùng ánh sáng lý trí mà bảo vệ chân lý đức tin bằng cách chỉ cho thấy vẻ đẹp của chân lý ấy (số 116).

  1. Tương quan giữa tri thức với chiều kích khác

Tông huấn Pastores Dabo Vobis đã trình bày một cách minh bạch tầm nhìn toàn diện về việc đào tạo linh mục tương lai, với bốn chiều kích - nhân bản, thiêng liêng, tri thức và mục vụ - là những chiều kích chạm đến chính con người của chủng sinh và có tầm quan trọng như nhau. Đồng thời, Tông huấn cũng nhắc đến sự tương tác giữa các chiều kích của công cuộc đào tạo linh mục: Chiều kích nhân bản là “nền tảng cần thiết và năng động” của toàn bộ đời sống linh mục; chiều kích thiêng liêng quyết định phẩm chất của thừa tác vụ linh mục; chiều kích tri thức cung cấp những công cụ thuần lý cần thiết để hiểu các giá trị riêng làm nên người mục tử, ngõ hầu họ có thể đưa các giá trị này vào trong cuộc sống cũng như truyền đại nội dung đức tin cách thích đáng; chiều kích mục vụ rèn luyện năng lực đảm nhận một cách có trách nhiệm và phong phú phận vụ được Giáo hội giao phó (x. Ratio 89; x. PDV 43-59). Dưới đây sẽ cùng phân tích khái quát mối tương quan giữa đào tạo tri thức với các chiều kích: nhân bản, thiêng liêng và mục vụ.

​​​​​​​
2.1. Đào tạo tri thức với đào tạo nhân bản
Đào tạo con người toàn diện trước hết hướng đến sự trưởng thành nhân bản, nghĩa là có khả năng tự chủ và trở nên có trách nhiệm. Thông thường, một người có sự hiểu biết đích thực cũng là người có nền nhân bản vững vàng, với những đức tính tốt đã được vun trồng như khiêm tốn, lòng can đảm, tính thực tiễn, tâm hồn quảng đại, phán đoán ngay thẳng và óc phân định, lòng khoan dung và sự trong sáng, tình yêu sự thật và lòng trung thực (x. Ratio 93). Ngạn ngữ Anh có câu: “Tri thức làm người ta khiêm tốn, ngu dốt làm người ta kiêu ngạo”.

Một người được coi là trưởng thành về mặt nhân bản khi có một đời sống nhân đức. Mà các nhân đức luân lý nhân bản lại được thủ đắc theo cách thức nhân loại (GLCG 1804), nghĩa là có được nhờ sự giáo dục, nhờ các hành vi chủ ý và nhờ luôn cố gắng kiên trì (GLCG 1810). Chính khi nỗ lực trau dồi chiều kích tri thức, chủng sinh cũng được lớn lên, trưởng thành về chiều kích nhân bản. Việc học tập và rèn luyện kiến thức là cần thiết để hiểu rõ về đạo đức và lẽ phải trong cuộc sống: “Ngọc bất trác, bất thành khí; nhân bất học, bất tri lý”. Sự hiểu biết đầy đủ này sẽ giúp chủng sinh có khả năng đưa ra những quyết định đúng đắn, có phán đoán ngay thẳng và nhận thức khách quan về con người và về các biến cố xảy ra (x. Ratio 94).

Tông huấn Pastores Dabo Vobis khẳng định: Mặc dầu bao gồm những đòi hỏi loại biệt, đào tạo tri thức gắn liền với đào tạo nhân bản và thiêng liêng, đến độ tạo thành một chiều kích cần thiết cho nền đào tạo ấy: thật ra, đào tạo tri thức là một đòi hỏi của lý trí nhờ đó con người “dự phần vào ánh sáng thông hiểu của Thiên Chúa” và tìm cách đạt tới sự khôn ngoan để rồi sự khôn ngoan, đến lượt nó, lại giúp hiểu biết Thiên Chúa và gắn bó với Ngài (PDV 51).

Khổng Tử cũng thường xuyên nhắc đến tầm quan trọng của tri thức, của việc học hỏi. Trong sách Luận ngữ, Khổng Tử nói với Tử Lộ (tên tục là Trọng Do) về 6 đức tốt (lục ngôn: nhân, trí, tín, trực, dũng, cương) bị 6 mối hại (lục tế: ngu, đãng, tặc, giảo, loạn, cuồng) ngăn bít, che lấp nếu không ham học hỏi: “Người ưa làm nhân mà chẳng ưa học hỏi, thì mối hại ngăn bít là cái ngu muội. Người ưa trí xảo mà chẳng ưa học hỏi, thì mối hại ngăn bít là sự phóng đãng. Người ưa tính thật thà mà chẳng ưa học hỏi, thì mối hại ngăn bít là sự thiệt hại. Người ưa sự ngay thẳng mà chẳng ưa học hỏi, thì mối hại ngăn bít là tính gắt gao. Người ưa dũng cảm mà chẳng ưa học hỏi, thì mối hại ngăn bít là sự phản loạn. Người ưa cương quyết mà chẳng ưa học hỏi, thì mối hại ngăn bít là tính cuồng bạo”[11].

​​​​​​​
2.2. Đào tạo tri thức với đào tạo thiêng liêng
Công đồng Vaticanô II đưa ra những chỉ dẫn trong việc đào tạo tri thức, cách riêng là học hỏi những môn thần học như sau: “Các môn thần học phải được trình bày trong ánh sáng đức tin, dưới sự hướng dẫn của Huấn quyền Giáo hội, để các chủng sinh chuyên tâm kín múc từ nguồn mặc khải thần linh học thuyết công giáo, thấu hiểu tường tận và sử dụng làm lương thực cho đời sống thiêng liêng”[12]. Như thế, Công đồng đã gắn kết chặt chẽ việc đào tạo tri thức với đào tạo thiêng liêng.

Tiếp nối tư tưởng của Công đồng, Bộ Giáo luật 1983 cũng nhấn mạnh: “Trong chủng viện, việc đào tạo về mặt thiêng liêng và việc giảng dạy học thuyết cho các chủng sinh phải được kết hợp hài hoà với nhau, và như vậy phải được tổ chức để cho mỗi chủng sinh, tuỳ theo cá tính riêng của mình, thủ đắc được cùng một lúc sự trưởng thành nhân bản, cần phải có tinh thần Phúc Âm và sự kết hợp mật thiết với Đức Kitô” (BGL 244).

Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II khẳng định: “Việc đào tạo trí thức thần học và đời sống thiêng liêng, cách riêng đời sống cầu nguyện, liên kết nên một với nhau và tăng cường lẫn nhau mà không hề loại trừ tính nghiêm chỉnh của việc nghiên cứu cũng như không loại trừ hương vị thiêng liêng của việc cầu nguyện” (PDV 53). Thật vậy, ngay cả việc giáo dục thiêng liêng cũng phải có nền tảng hữu lý vững chắc. Những chân lý mạc khải cần được đặt làm nền tảng cho đời tu đức vững vàng. Điều này chống lại nguy cơ về thứ cảm tình chủ nghĩa và thứ tình cảm uỷ mị[13].

Ở đây, tưởng cũng nên nhắc lại những dự phòng của thánh Bônaventura cho chúng ta, được nhiều văn kiện Huấn quyền trích dẫn: “Đừng có ai tưởng rằng mình đã làm đủ khi đọc sách mà không có xức dầu, khi tư duy bay bổng mà không mộ mến, khi truy cứu mà không thán phục, khi nhận định mà không hân hoan, khi sinh hoạt mà không có lòng đạo đức, khi uyên bác mà không có đức ái, khi thông thái mà không có lòng khiêm nhường, khi học hỏi mà không có ân sủng của Thiên Chúa, khi hiểu biết chính mình mà không có sự khôn ngoan do Thiên Chúa phú ban”[14].

​​​​​​​
2.3. Đào tạo tri thức với đào tạo mục vụ

Công đồng Vaticanô II khẳng định: Mối quan tâm về mục vụ phải chi phối tất cả công cuộc đào tạo[15], trong đó có chiều kích đào tạo tri thức. Thật vậy, “đào tạo tri thức góp phần chuẩn bị cho người linh mục cách toàn diện; hơn thế nữa, vì đào tạo tri thức đem lại nhiều ích lợi cho đào tạo nhân bản và thiêng liêng nên cũng giúp họ trong thừa tác vụ mục tử. Điều này có nghĩa là sự phát triển của tất cả các năng lực và chiều kích nơi con người, kể cả lý trí với phạm vi kiến thức rộng lớn mà lý trí đạt được, sự phát triển ấy góp phần phát triển người linh mục, tôi tớ và chứng nhân cho Lời Chúa trong Giáo hội và trong thế giới […] Đào tạo tri thức đi cùng với linh mục và chuẩn bị cho họ thái độ chăm chú lắng nghe Lời Chúa và cộng đoàn Hội Thánh, điều đó giúp họ bọc biết nhận định các dấu chỉ thời đại” (Ratio 117).

Tông huấn Pastores Dabo Vobis đã chỉ ra những nguyên do “mục vụ” cho việc đào tạo tri thức: Hoàn cảnh hiện đại được đánh dấu sâu đậm bởi một thái độ tôn giáo dửng dưng; đồng thời bởi một sự ngờ vực không mấy minh bạch về khả năng thực thụ của lý trí trong việc đạt thấu chân lý khách quan và phổ quát, hơn nữa bởi những vấn nạn mới do các phát minh khoa học và kỹ thuật khơi dậy. Tất cả những điều ấy biện minh cho sự đòi hỏi mãnh liệt phải có một trình độ đào tạo tri thức ưu tú nhằm giúp cho các linh mục, trong một bối cảnh như thế, có thể loan báo Tin Mừng bất biến của Đức Kitô và làm cho Tin Mừng ấy trở nên đáng tin cậy trước những đòi hỏi chính đáng của lý trí con người. Ngoài ra, hiện tượng đa nguyên ngày nay đang lây lan một cách đáng kể, chẳng những trong xã hội mà còn cả trong cộng đoàn Giáo hội. Bởi đó cần phải có một khả năng thích ứng để phân định và phê phán. Tình huống hiện nay càng làm hiện rõ sự cần thiết phải có một nền đào tạo tri thức nghiêm minh hơn bao giờ hết (x. số 51).

Hơn nữa, để có thể gia tăng hiệu năng mục vụ của việc đào tạo tri thức, cần phải đem lồng việc đào tạo ấy vào trong một lộ trình thiêng liêng được đánh dấu bởi kinh nghiệm tự thân về Thiên Chúa, và bởi đó phải vượt qua một bộ môn khoa học thuần tuý khái niệm và phải đạt tới sự hiểu biết của con tim để trước hết có thể “xem thấy” và sau đó có thể chuyển đạt mầu nhiệm Thiên Chúa cho anh em (x. PDV 51). Như thế, các chiều kích đào tạo luôn có sự tương tác, hỗ trợ lẫn nhau.

  1. Đề nghị một lối tiếp cận tri thức

Ratio 2016 của Bộ Giáo sĩ đề nghị trong việc đào tạo linh mục, cần chăm lo để có được một sự đào tạo tri thức vững chắc, đúng đắn và có trình độ cao (x. số 118). Điều đó cũng giả thiết mỗi chủng sinh cần xác định một thái độ học tập nhất quán, hay nói khác đi, lựa chọn cho mình một lối tiếp cận tri thức phù hợp. Ở đây, xin đề nghị một lối tiếp cận tri thức, dựa theo tư tưởng của cha Timothy Radcliffe, nguyên Bề trên Tổng quyền dòng Đaminh (1992-2001), trong bài nói chuyện tại Đại học Angelicum, Rôma, tháng 11 năm 1995[16].

Cha Radcliffe khởi đi từ bức tranh của Van Gogh vẽ một bà mẹ và một người cha đang dạy đứa con nhỏ bước đi. Bà mẹ giữ đứa bé, còn người cha thì ở phía bên kia đang mở rộng đôi tay, ra hiệu cho đứa bé cứ bước tới chỗ ông. Và đứa bé, nét mặt đầy thích thú, hăng hái mạo hiểm. Trước hết, bức tranh cho thấy việc đào tạo cũng giống như tập đi vậy. Thứ đến, bức tranh trình bày điều đang xảy ra trong bối cảnh cộng đoàn, ở giữa thế giới chúng ta đang sống. Và thứ ba, nét mặt của đứa bé, khi khởi đầu cuộc mạo hiểm quan trọng đầu tiên, tràn ngập niềm vui, niềm vui của sự học hỏi.

​​​​​​​
3.1. Học cách đứng vững trên đôi chân của mình

Một trong những bài học khó nhất mà con người phải học, đó là bước đi bằng đôi chân của mình. Bởi vì học hỏi đích thực có liên quan đến toàn thể con người, cho nên ứng sinh linh mục cần học cách đứng trên đôi chân của mình về phương diện trí thức, học cách bước đi với khả năng trí tuệ của mình. Nhưng việc bước đi chỉ có giá trị khi người ta muốn đến một nơi nào đó, cùng với lòng say mê khám phá trong tin tưởng lẫn khiêm tốn. Gotthold Ephraim Lessing (1729-1781) có lần viết: Nếu Thiên Chúa giữ chặt tất cả mọi chân lý trong tay mặt, còn tay trái là lòng say mê đi tìm chân lý, rồi bảo tôi “Chọn đi!”, lúc đó, cho dù có nguy cơ bị sai lầm mãi mãi, tôi sẽ khiêm tốn phóng mình về bên trái và nói, “Thưa Cha, xin ban cho con cái này. Chân lý tinh tuyền thì xin dành cho một mình Cha!”

Cha Radcliffe nói đến việc phải đào tạo những con người dám suy nghĩ, những người có đầu óc mạo hiểm về phương diện trí thức, những người tin tưởng rằng sai lầm là chuyện đương nhiên trong hành trình tìm kiếm chân lý. Nếu không dám sai lầm, chúng ta sẽ không bao giờ làm được điều gì đúng. Đại thi hào Rabindranath Tagore (1861-1941) có lý khi nói rằng: “Dòng sông của chân lý chảy qua kênh đào của sai lầm”.

Để đứng vững trên đôi chân của mình và để có thể chu toàn sứ vụ mục tử trong tương lai, ứng sinh linh mục phải chuẩn bị kỹ để “trả lời về niềm hy vọng” nơi họ (x. 1Pr 3,15), hầu làm cho Mạc khải của Thiên Chúa được nhận biết và dẫn đưa tất cả mọi dân nước đến sự vâng phục đức tin (x. Rm 16,26). Vì thế, họ phải đào sâu triết học và thần học, và bắt đầu học cho tốt giáo luật, cũng như các ngành khoa học xã hội và sử học (Ratio 116).

​​​​​​
3.2. Chiều kích cộng đoàn của việc tìm kiếm chân lý

Việc tập đi là bước hội nhập vào cộng đồng con người. Học tập là một quá trình khổ hạnh gay gắt khi phải tước bỏ lớp vỏ ích kỷ nơi mình, và khám phá ra rằng mình không phải là cái rốn của vũ trụ, nhưng mình thuộc về cộng đồng nhân loại. Thánh Alberto Cả viết về niềm vui khi cùng nhau tìm kiếm chân lý như sau: “In dulcedine societatis quaerens veritatem” (Trong tình thương mến êm đềm của cộng đoàn, chúng ta tìm kiếm chân lý).

Chân phước Jordan Saxony nói rằng thánh Đaminh có khả năng hiểu được những điều khó nhất là “nhờ trí thông minh của một trái tim khiêm tốn” (humili cordis intelligentia). Thánh nhân hiểu các sự việc nhờ trí năng, nhưng là một trí năng khiêm tốn. Thánh Đaminh cũng thích suy nghĩ, bàn luận, tranh cãi nhưng không phải là một trí năng cao ngạo, thống trị, muốn đè bẹp người khác, nhưng ân cần, cởi mở, biết giới hạn của mình, nhất là khi đối diện với mầu nhiệm Thiên Chúa. Ở điểm này, Đức Hồng y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận nhắc nhở: Tự xem mình “chuyên môn tất cả” là phản khoa học và lạc hậu. Thời đại này, muốn phục vụ, phải đem tất cả hiểu biết để hợp tác. Hội Thánh cần sự hợp nhất của những bộ óc thông minh để đem tình yêu Chúa đến trong mọi lĩnh vực trần thế. Hội Thánh đau khổ và rối loạn vì sự chia rẽ và lộn xộn của những đầu óc thông minh mà tâm hồn tự cao tự đại. Các thiên thần dữ đã làm như thế[17].

Hơn nữa, trí năng chân thực có liên hệ sâu xa với sự cảm thương, với tâm hồn dễ bị tổn thương của người khác. Một nền thần học mà vẫn còn trừu tượng, không liên quan gì đến những đau khổ của thế giới bạo lực nghèo đói của chúng ta, thì nền thần học đó chưa bắt đầu công việc của mình. Chân phước Hyacinth Mary Cormier nói rằng: “Sách Thánh đòi hỏi chúng ta phải có lòng dạ xót thương và mở rộng ra”. Như thế, trong việc học tập luôn đòi hỏi chiều kích cộng đoàn, không chỉ với các thành viên của gia đình chủng viện mà là mở ra với cộng đoàn Giáo hội, với cộng đồng nhân loại.

​​​​​​​
3.3. Khám phá niềm vui của việc học

Tập đi, cho dù bạn có ngã lên ngã xuống, vẫn là một điều vui thú! Người ta chỉ bắt đầu hiểu được thần học đôi chút khi người ta khám phá ra niềm vui của thần học, niềm vui của việc học. Nếu không, người ta sẽ chấm dứt việc học và không bao giờ mở sách ra nữa. Một giáo sư Kinh Thánh Cựu ước có thể biết tất cả mọi động từ bất quy tắc trong tiếng Hípri, nhưng nếu ông không truyền đạt được một “niềm vui trong luật Chúa” thì ông vẫn chưa dạy được điều gì cả.

Khi thánh Augustinô trở về với Chúa, ngài đã thốt lên một câu nổi tiếng được ghi lại trong cuốn Confessiones (Tự thú): “Con đã yêu mến Chúa quá trễ, ôi vẻ đẹp vừa cổ kính vừa mới mẻ”. Có lẽ điều đánh động thánh nhân không phải là một sự xác tín trí thức về chân lý Kitô giáo – điều đã xảy ra từ lâu trước đó – nhưng là vẻ đẹp hoàn hảo của Thiên Chúa chúng ta. Cũng vậy, chúng ta khao khát đến với Thiên Chúa không phải bằng một xác tín trí thức hay luân lý là phải làm như thế, nhưng chỉ vì niềm vui.

Niềm vui trong việc học thúc đẩy tinh thần học tập nghiêm túc và có trách nhiệm. Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II thì nhắc nhở rằng cần phải kiên quyết đánh tan xu hướng hạ thấp trình độ và hạ thấp tính nghiêm minh của công việc học hỏi, mà một phần là do kết quả của tình trạng thiếu hụt và hổng chân trong nền đào tạo tri thức cơ bản mà các sinh viên đã lãnh nhận khi bắt đầu chu kỳ triết học và thần học (PDV 56). Ngoài ra, cần tránh những sai lầm trong việc học. Khổng Tử, người được hậu thế ca tụng là “vạn thế sư biểu” (người thầy của mọi thời), nói với chúng ta về ba sai lầm: không học biết những gì mình đáng biết, không hiểu rõ những gì mình đã học, học những gì mình không cần biết.

  1. Một nền đào tạo toàn diện hướng tới truyền giáo

Hành trình đào tạo linh mục, từ những năm ở chủng viện, được miêu tả trong Ratio 2016 khởi đi từ bốn nét đặc trưng: một công cuộc đào tạo duy nhất, toàn diện, cộng đoàn và truyền giáo (x. Dẫn nhập). Bởi vì đang bàn đến chiều kích tri thức trong tiến trình đào tạo linh mục, ở đây sẽ dừng lại phân tích hai khía cạnh là: đào tạo toàn diện và hướng đến truyền giáo.

​​​​​​​
4.1. Đào tạo toàn diện

Đào tạo linh mục phải được hiểu theo tầm nhìn toàn diện, vốn chú trọng đến bốn chiều kích mà Pastores Dabo Vobis đã đề nghị. Cả bốn chiều kích này cùng hình thành và cấu tạo nên căn tính của chủng sinh và linh mục, đồng thời khiến họ có khả năng “dâng hiến mình cho Giáo hội”, vì đó chính là nội dung của đức ái mục tử. Toàn bộ hành trình đào tạo cũng không nên bị giới hạn vào một khía cạnh duy nhất, làm phương hại đến những khía cạnh khác; hành trình này luôn phải là hành trình toàn diện của người muôn đệ được gọi vào chức linh mục (Ratio, Dẫn nhập). Trong việc đào tạo linh mục, không nên quá nhấn mạnh đến chiều kích này mà xem nhẹ những chiều kích còn lại.

Mặc dù đào tạo tri thức chiếm phần lớn thời gian tại Đại Chủng viện nhưng Ratio 2016 cũng lưu ý rằng khi chu toàn những yêu cầu bắt buộc liên quan đến việc học không thể là tiêu chí độc nhất để xác định thời gian ngắn dài của iter (lộ trình) đào tạo ứng sinh linh mục. Thật vậy, dù quan trọng, nhưng việc học cũng chỉ là một khía cạnh – dĩ nhiên không phải là thứ yếu – của công cuộc đào tạo linh mục toàn diện (x. số 118).

Quan niệm về đào tạo con người toàn diện còn có tầm quan trọng hơn nữa bởi vì chính con người toàn thể, với tất cả những gì thuộc bản chất và sở hữu của họ, sẽ đảm đương việc phục vụ Chúa và cộng đoàn Kitô giáo. Người được gọi là một “chủ thể toàn diện”, nghĩa là một người được chuẩn bị để đạt được sự thống nhất nội tâm vững chắc, không phân mảnh cũng không phân đôi. Vì thế chủng sinh cần tránh một thái độ chỉ tuân theo các đòi hỏi giáo dục một cách hời hợt bên ngoài và hình thức (Ratio 92).

Cha Timothy Radcliffe còn bổ sung thêm, một trong những cách thức nhờ đó việc đào tạo toàn diện có thể xảy ra là khám phá ra duy nhất tính nơi Chân, Thiện, Mỹ. Trong xã hội chúng ta, ba yếu tố này tách rời nhau. Do đó chân lý thường chỉ là vấn đề khoa học hoặc kỹ thuật; sự thiện chỉ còn là lợi ích, và cái đẹp chỉ là cảm giác chủ quan. Đối với chúng ta, cả ba chỉ là một, và khi khám phá duy nhất tính của ba yếu tố đó, chúng ta mới trở thành một toàn thể[18].

​​​​​​​
4.2. Hướng đến sứ vụ truyền giáo
Ratio 2016 nhấn mạnh: Vì người môn đệ linh mục xuất thân từ cộng đoàn Kitô hữu để rồi trở lại phục vụ và dẫn dắt cộng đoàn với tư cách là người mục tử, nên đào tạo tự bản chất đã có tính truyền giáo và nhằm mục đích tham dự vào sứ vụ duy nhất được Chúa Kitô uỷ thác cho Giáo hội, nghĩa là công cuộc loan báo Tin Mừng dưới mọi hình thức. Ý tưởng căn bản là làm sao các chủng viện có thể đào tạo được những người môn đệ truyền giáo “say mê” đối với Thầy, những mục tử mang “mùi chiên”, những người sống giữa đàn chiên để phục vụ và mang đến cho đàn chiên lòng thương xót của Thiên Chúa (x. Dẫn nhập). Nói khác đi, mục đích của việc học tại đại chủng viện là để giúp mỗi chủng sinh biết Chúa Giêsu và tin vào Chúa Giêsu, đồng thời giúp người khác biết và tin vào Chúa Giêsu (x. ĐLĐC 125).

Việc đào tạo tri thức cho ứng sinh linh mục được biện minh một cách đặc loại nhờ vào chính bản chất của thừa tác vụ được điều phối, và ngày ngay, công cuộc “Phúc Âm hoá mới” mà Chúa gọi mời Giáo hội thực hiện khi bước vào thiên niên kỷ thứ ba này lại chính là một thách đố làm cho việc đào tạo tri thức trở nên khẩn thiết hơn (x. PDV 51). Sự cấp bách phải truyền bá sứ điệp Tin Mừng và nhu cầu làm cho Tin Mừng trở nên dễ hiểu cho con người thời nay buộc các linh mục phải quan tâm tới đời sống trí thức của riêng mình. Thiếu kiến thức, linh mục sẽ như ngọn đèn đã tắt (x. Mt 5,14-16)[19].

Như vậy, truyền giáo là sợi chỉ xuyên suốt khác (x. Mc 3,14) để nối kết, linh hoạt và tạo sức sống cho các chiều kích đã được đề cập. Truyền giáo giúp cho người linh mục đã được đào tạo tốt trên bình diện nhân bản, thiêng liêng, tri thức và mục vụ, sống thừa tác vụ của mình cách viên mãn, vì lẽ “mọi linh mục đều được mời gọi có tinh thần truyền giáo, tức là một tinh thần ‘công giáo’ đích thực, luôn khởi đi từ Chúa Kitô để ngỏ lời với mọi người, ‘vì muốn mọi người được cứu độ và đạt đến chỗ hiểu biết trọn vẹn chân lý’ (1Tm 2,4)”[20].

Tạm kết

Đào tạo linh mục trước hết là công trình của Ba Ngôi Thiên Chúa trong Giáo hội, với những ảnh hưởng từ một bối cảnh lịch sử cụ thể (ĐLĐC 1-3) và là công cuộc đào tạo toàn diện về bốn chiều kích: nhân bản, thiêng liêng, tri thức và mục vụ. Trong đó, chiều kích tri thức là phương tiện, là “lương thực”, là “chất liệu” của hành trình đào tạo linh mục (x. PDV 53; ĐLĐC 116;125). Trong đào tạo nhân bản, thiêng liêng, mục vụ, điều đầu tiên bao giờ cũng là sự hiểu biết, sự nhận thức. Chính đào tạo tri thức hỗ trợ những chiều kích đào tạo khác về điểm này (ĐLĐC 125).
Một cách tổng quát, việc đào tạo tri thức là học biết những chân lý về Thiên Chúa, về con người, về thế giới và về cuộc sống để hiểu, để đón nhận, sống, loan báo và làm chứng về những chân lý này (ĐLĐC 308; 386). Việc đào tạo tri thức sẽ hỗ trợ và phối hợp hài hoà với việc đào tạo nhân bản, thiêng liêng và mục vụ, để giúp người chủng sinh trở thành những mục tử, hướng dẫn đoàn chiên đến sự thật, đón nhận sự thật và sống sự thật. Sự thật đó là chính Chúa Giêsu (ĐLĐC 386). Để việc đào tạo tri thức đạt được hiệu quả, mỗi chủng sinh cần chọn lựa một lối tiếp cận tri thức phù hợp nhưng vẫn phải luôn đảm bảo tính toàn diện và truyền giáo của công cuộc đào tạo linh mục. Ngạn ngữ Hy Lạp có câu: “Nếu muốn mang vòng nguyệt quế, ít ra anh cũng phải có một cái đầu”.

Xin được kết thúc với những lời của cha Shayne Craig, Bề trên Tổng quyền Hội Linh mục Xuân Bích, trong bài nói chuyện với các chủng sinh Đại Chủng viện Huế chiều ngày 20 tháng 02 năm 2024: Một trong những linh mục dòng Phanxicô khá lớn tuổi dạy môn Kitô học đã nói: “Chúa Giêsu đến để cất tội lỗi của chúng ta chứ không phải là cất đi bộ não của chúng ta. Và sẽ là điều tốt nếu chủng sinh ghi nhớ điều này” […] Chúng ta không chỉ được ban cho trái tim mà còn được ban cho cả khối óc nữa. Và những khối óc (tâm trí) này cũng trở thành phương tiện để chúng ta thể hiện tình yêu của chúng ta đối với Chúa – hay là không[21].

Các chữ viết tắt:
BGL: Bộ Giáo luật 1983
GLCG: Sách Giáo lý của Hội Thánh Công giáo 1992
PDV: Tông huấn Pastores Dabo Vobis (25/3/1992) của Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II
Ratio: Bản Ratio Fundamentalis Institutionis Sacerdotalis 2016 của Bộ Giáo sĩ
ĐLĐC: Đào tạo Linh mục: Định hướng và chỉ dẫn (2012) của Hội đồng Giám mục Việt Nam
[1] x. CÔNG ĐỒNG VATICANÔ II, Sắc lệnh Presbyterorum Ordinis (07/12/1965), số 4-6; x. Sách Giáo lý của Hội Thánh Công giáo 1992, số 1592.
[2] x. CÔNG ĐỒNG VATICANÔ II, Sắc lệnh Optatam Totius (28/10/1965), số 4.
[3] x. LÊ ĐỨC, Sứ vụ của Giáo hội trong kỷ nguyên kỹ thuật số, Asian Research Center for Religion and Social Communication Bangkok, 2022, tr. 236.
[4] x. CÔNG ĐỒNG VATICANÔ II, Sắc lệnh Presbyterorum Ordinis (07/12/1965), số 5.
[5] x. Nghi thức truyền chức linh mục.
[6] BỘ GIÁO SĨ, Linh mục - Thừa tác viên của Lòng Chúa Thương Xót: Tài liệu hỗ trợ các cha giải tội và linh hướng (09/3/2011), số 63.
[7] PHANXICÔ, Tông thư Desiderio Desideravi (29/6/2022), số 36.
[8] x. CÔNG ĐỒNG VATICANÔ II, Sắc lệnh Presbyterorum Ordinis (07/12/1965), số 19.
[9] x. GIOAN PHAOLÔ II, Tông huấn Vita Consecrata (25/3/1996), số 98.
[10] HỘI ĐỒNG GIÁO HOÀNG VỀ MỤC VỤ CHĂM SÓC DI DÂN VÀ LỮ HÀNH, Huấn thị Erga Migrantes Caritas Christi (03/5/2004), số 48.
[11] x. Luận ngữ, chương XVII - Dương hoá, số 8: Tử viết: “Do dã, nhữ văn lục ngôn lục tế hĩ hồ?” Đối viết: “Vị dã”. “Cư, ngô ngữ nhữ. Hiếu nhân bất hiếu học, kỳ tế dã ngu; Hiếu tri bất hiếu học, kỳ tế dã đãng; Hiếu tín bất hiếu học, kỳ tế dã tặc; Hiếu trực bất hiếu học, kỳ tế dã giảo; Hiếu dũng bất hiếu học, kỳ tế dã loạn; Hiếu cương bất hiếu học, kỳ tế dã cuồng”.
[12] x. CÔNG ĐỒNG VATICANÔ II, Sắc lệnh Optatam Totius (28/10/1965), số 16.
[13] x. PHẠM THANH, Thần học về sự hoàn thiện Kitô giáo, Nxb Tôn giáo, Hà Nội, 2013, tr. 82.
[14] x. THÁNH BÔNAVENTURA, Itinerarium mentis in Deum, Prol. xố 4; x. CÔNG ĐỒNG VATCANÔ II, Sắc lệnh Presbyterorum Ordinis (07/12/1965), số 16; x. Sách Giáo lý của Hội Thánh Công giáo, số ; x. GIOAN PHAOLÔ II, Tông huấn Pastores Dabo Vobis (25/3/1992), số 53; x. GIOAN PHAOLÔ II, Thông điệp Fides et Ratio (14/9/1998), số 105.
[15] x. CÔNG ĐỒNG VATICANÔ II, Sắc lệnh Optatam Totius (28/10/1965), số 19.
[16] x. TIMOTHY RADCLIFFE, Hát lên bài ca mới: Ơn gọi Kitô hữu, Lm. Giuse Nguyễn Văn Chữ và anh em Đaminh chuyển ngữ, Nxb Tôn giáo, Hà Nội, 2013, tr. 343-353.
[17] NGUYỄN VĂN THUẬN, Đường hy vọng, số 578; 568.
[18] x. TIMOTHY RADCLIFFE, Hát lên bài ca mới: Ơn gọi Kitô hữu, Lm. Giuse Nguyễn Văn Chữ và anh em Đaminh chuyển ngữ, Nxb Tôn giáo, Hà Nội, 2013, tr. 353.
[19] x. BỘ RAO GIẢNG TIN MỪNG CHO CÁC DÂN TỘC, Chỉ nam Linh mục (1989), số 25a; x. HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC VIỆT NAM, Đào tạo Linh mục: Định hướng và chỉ dẫn (2012), số 116.
[20] x. BỘ GIÁO SĨ, Kim chỉ nam cho thừa tác vụ và đời sống linh mục, số 16; x. BỘ GIÁO SĨ, Ratio Fundamentalis Institutionis Sacerdotalis 2016, số 91.
[21] BTT ĐCV HUẾ, Đại Chủng viện Huế: Bài nói chuyện của cha Bề trên Tổng quyền Hội Linh mục Xuân Bích, theo WXB (22/02/2024): https://xuanbichvietnam.net/trangchu/dai-chung-vien-hue-bai-noi-chuyen-cua-cha-be-tren-tong-quyen-hoi-linh-muc-xuan-bich.

Xuân Giang

 

Chi tiết