Cảm thông cho nhau
Nội dung

          Cơm tối xong, vừa lên phòng, "con nhãi" con của bề trên nhắn tin. Vốn dĩ ghét nhắn tin vì cần trao đổi vấn đề gì đó thì làm sao mà nhắn tin được. Tương quan dễ đổ vỡ khi dùng tin nhắn để trao đổi.

          Bấm máy gọi và con bé nói luôn :

          - Ma có bài viết gì về cảm thông cho con xin với !

          - Bài viết thì có đó nhưng ta muốn mi nói một chút về cảm thông !

          Con bé người Jrai đơn sơ kể. Đại loại là bé về ở với chị nhất được 3 tháng nhưng đã có 2 lần chiến tranh lạnh. Chiến tranh lạnh xảy ra khi chị nhất không hiểu ý của con bé và la con bé. Điều ngạc nhiên là la ngay giờ nguyện gẫm và trong nhà thờ. Con bé im thì bảo là con bé không vâng lời.

          Đến lúc không chịu nổi sự im lặng thì chị nhất hỏi sự việc. Con bé nói là có gì thì chị nhất cứ nói thẳng chứ đừng nói đang khi nguyện gẫm như thế !

          Chuyện chỉ đơn giản là lễ Trọng vừa qua không biết mắt của chị nhất bị lệch hay hoa con bé cắm bị xấu nên chị không hài lòng. Chị nói là lần này cắm không đẹp như lần trước !

          Đơn giản chỉ là vậy ! Chị có bình hoa không được đẹp thôi mà có chiến tranh.

          Cực kỳ đơn sơ, con bé tiếp tục : "Thì khi chiến tranh lạnh xảy ra. Con nói bà là bà cứ góp ý nhưng trong nhà nguyện chọt chọt thì con khó chịu. Con nghĩ nếu như mình tha thứ cho nhau, chấp nhận nhau, chấp nhận lỗi của người khác thì mình sống nhẹ nhàng hơn. Mình còn nhỏ nên mình đến xin lỗi là xong thôi. Mình biết nhỏ mà. Mình cúi đầu xin lỗi là xong !"

          Nghe xong mỉm cười và giật bắn cả mình khi con bé nói mình biết mình nhỏ và xin lỗi là xong ! Hóa ra nhỏ lúc nào cũng có lỗi và lớn và nhất là bề trên thì không có lỗi sao ?

          Trường hợp này thì con bé xem ra "biết điều". Nếu như con bé không "biết điều" hay can đảm nói thật thì không chóng thì chày, con bé sẽ được trát rời khỏi cộng đoàn trong thời gian gần nhất và êm ái nhất với những lý do xem ra cực kỳ bác ái.

          Thật ra, trong trong cộng đoàn, trong gia đình, trong đời sống chung thì chuyện cần nhất vẫn là cảm. Khi mình cảm với người khác thì mình sẽ nhẹ nhàng hơn cũng như người khác cũng nhẹ nhàng hơn. Và, điều cần thiết trướ khi cảm thì càn lắm chuyện hiểu. Chuyện hiểu này thì cần và cần lắm việc ngồi lại với nhau giữa các đương sự trong gia đình.

          Ai trong chúng ta cũng hơn một lần kinh qua chiến tranh lạnh với người khác. Nguyên nhân đầu tiên dẫn đến chiến tranh lạnh đó là không chịu hiểu nhau và nhất là không chịu ngồi lại đối thoại với nhau. Khi không ngồi lại đối thoại với nhau thì ai ai cũng bảo thủ và cho rằng suy nghĩ của mình là đúmg. Từ chuyện bảo thủ tư tưởng của mình cũng như lập trường của mình làm cho đời sống cộng đoàn cứ rạn dần, rạn dần và một ngày nào đó đẹp trời sẽ vỡ dù tương quan ban đầu giữa 2 người, giữa cộng đoàn, giữa vợ chồng với nhau cực kỳ tốt.

          Trong tầm nhìn hạn hẹp, cơ may dẫn đến chuyện không hiểu nhau và cảm nhau đó chính là sự kiêu ngạo. Khi sự kiêu ngạo cũng như cái tôi trong người của mình quá lớn thì mình không bao giờ chấp nhậ người khác và luôn luôn cho mình là đúng và có khi cho mình là thánh để rồi bất chấp người khác nói gì mình cũng không nghe và cho mình là chuẩn mực nhất trong gia đình, trong cộng đoàn.

          Bình tĩnh để nhìn lại mọi tương quan trong cuộc đời, khi ta tương quan với người khác và bị đổ vỡ thì ta thử nghĩ ta có bình an, có hạnh phúc, và có vui không ? Đôi hôn phối thề non hẹn biển với nhau và thề sống chết có nhau bỗng dưng lại thề sống chết với nhau thì có vui và bình an không ? Đời sống cộng đoàn cũng thế ! Có vui gì khi chạm mặt nhau mà ánh mắt nó cứ ngường ngượng không dám nhìn người khác hay bẽn lẽn cách nào đó.

          Có khi nào ta đặt ta vào tâm trạng của người khác để hiểu và thương họ chưa ? Hay là ta cứ lấy ta làm chuẩn mực để xét đoán người khác cũng như bắt người khác làm theo ý của mình.

          Cuộc đời này mau qua và chóng tàn lắm ! Cuộc đời này xem ra mong manh và vô thường lắm. Chính vì thế, trong mọi mối tương quan, ta có gắng hết sức vun đắp chứ đừng để cho đổ vỡ.

          Cách hơn hết và quan trọng nhất để không bị đổ vỡ đó chính là tâm tình khiêm tốn. Khi ta khiêm tốn đủ để nhận ra giới hạn của ta cùng với việc chiêm niệm và nhìn lên cậy Thập Tự Giá để ta thấy một tình thương cảm vô bờ bến mà Chúa dành cho ta thì khi đó ta sẽ dễ cảm thông cho người khác.

          Cảm thông cho người khác hay bắt lỗi và loại trừ người khác vẫn là sự tự do lựa chọn của mỗi người chúng ta, Khi chúng ta biết cảm thông với người khác thì chắc chắn người khác sẽ cảm thông với chúng ta và ngược lại ...

Chi tiết