Ăn chi bây giờ ? Ăn gì cũng chết !
Nội dung
Năm ngoái, ở gần phố, đồ ăn thức uống xem ra tiện và lợi hơn cho người dùng.
- Cô ơi ! Cho con ký thịt đùi !
- Chú nấu bán hay cho nhà ăn ?
- Dạ con nấu mướn cho chủ, cho nhà ăn chứ không bán. Có gì không Dì ?
- Tưởng chú bán thì thịt 170 ký. Còn chú mua về nhà ăn thì 190.
Thì ra mắt thường 170 cũng như 190. Ai cũng hiểu, chỉ một người không hiểu đó là chàng khờ thủy chung. Có đi chợ như mấy bà mấy cô đâu mà biết.
Từ ngày đó, không chỉ hàng thịt mà nhiều hàng khác ngoài chợ người bán cũng như thế. Có nghĩa là nếu mình đi nấu bán hay cho thợ hồ ăn thì bán đồ rẻ để có phần trăm. Nếu mình mua nhà ăn thì cao giá hơn nhưng đồ khá tốt.
Chiều nay, dông ra chợ mua nửa ký chả lụa. Nói sao nghe vậy ! Bán sao mua vậy : 80 ngàn cho 4 lạng thêm 100 gram.
Gần đến giờ cơm tối. Hỏi người quen bán bánh mì ở Sài Gòn là chả mua bao nhiêu một ký. Giật bắn cả mình dù bình tĩnh lắm khi nghe nói chả ở Sài Gòn loại ngon mà người ta bỏ mối cho các tiệm bánh mì lớn có giá 60 ngàn đồng 1 ký. Loại 2 là 54.000 đ/1 ký. Có người cạnh tranh nên có khỉ bỏ có 50 ngàn là 8 lạng cộng thêm 200 gram.
9 lạng chả cộng với 100 gram chả ở Sài Gòn trị giá 60 ngàn đồng !
4 lạng chả cộng với 100 gram ở vùng quê nghèo này trị giá đưa 100 thối 2 chục !
Ngạc nhiên với cái giá 50 ngàn thêm 10 ngàn nữa để có 1 cân chả thì được biết bí quyết nhà nghề là ngoài hóa chất phụ gia thì người ta làm thêm ,.. thịt gà công nghiệp !
Con bé con bà Dì ở quê bỏ tiệm bánh mì vì chả ở quê 160 ngàn 1 ký. Nay nghe được nguồn chả 54 ngàn một ký nên chiều tối qua đóng lên xe 50 ký chở về quê để bán !
Đang còn hoang mang với chất liệu làm chả thì đến lượt cà phê.
Người quen thành thật khai báo là cà phê của cái quán kia sau khi nghe lóm được thì đầu tư cho 1 ly cà phê pha máy hẳn hoi có giá chưa đến 2000 đồng / ly
Hỏi ra thì nhà có cà phê hột và mang ra chỗ kia chế biến hẳn hoi. Không biết chế biến như thế nào đó mà sau khi thành thành phẩm thì giá được đội lên đến mấy chục ngàn 1 ký.
Nghe thấy vậy nên nói :
- Mấy đứa chơi xấu ! Ở đây ngày nào cũng uống cà phê mà nhà đông người chả nghe đứa nào nói mua cà phê tốt dùm. Chỉ được cái miệng nói thương ! Thương là thương cái miẹng ! Cho số chỗ làm cà phê đi để mai mua uống ...
- Con có biết đâu ! Thôi đừng hỏi. Hỏi nó nó cũng bán trăm mấy như người ta à. Tại cái này nhà đặt đi bán nên có giá đó ! Để mai con làm cho. Nhà mang cà phê ra để họ làm nhưng dặn họ làm theo kiểu nhà uống !
Thì ra là cà nhà uống người ta chế biến khác còn cà bán quán nước là cà khác nữa. Cà nhà uống thì nó phê ít ít vì ít hóa chất. Cà quán bán thì phê nhiều nhiều vì nhiều hóa chất và cứ tích lũy hóa chất mỗi ngày một ít thì "mau phê" lắm !
Sau cú điện thoại, xuống nhìn bàn cơm mà ngao ngán !
Thịt theo kho được nuôi bằng chất tạo độc hại.
Trứng gà công nghiệp được nuôi bằng thức ăn thúc lớn
Rau và nấm cũng sống nhờ phun thuốc quá liều lượng.
May ra còn 4 quả sa kê mua buổi chiều 50 ngàn là còn trong trắng ! Nhưng chưa chắc. Bột và dầu ăn để chiên sakê cũng là hóa chất cả mà thôi.
À ! Chưa hết ! Lúc chiều mấy nhỏ nói nước mắm bây giờ cũng y chang như rượu. Muốn 1 can bao nhiêu lít là có bấy nhiêu thôi. Chỉ cần vài phút thôi là có cả bình nước mắm ngon !
Ồ ! Thì ra tưởng chừng chỉ có rượu mà người đồng bào nghèo hay mua uống với giá 10 ngàn 1 lít là rượu đểu thôi nhưng nước mắm bây giờ cũng vậy.
Xong phim ! Nghe những câu chuyện ráp lại về thực phẩm đồ ăn thức uống thì ta có thể viết thành tập tiểu thuyết. Tập tiểu thuyết về thực phẩm ngày nay chắc đầy hóa chất.
Mới hôm kia, chưa kịp vào dùng cơm trưa thì Cha anh nói : "Việt Nam ta 90% ăn gạo bẩn !"
Thì ra là Cha bác nằm đu đưa võng ... đọc báo.
90% gạo bẩn ! Nói như thế không đúng ! Nói cho nó vuông là 90% gạo ngậm hóa chất !
Biết sao bây giờ ! Bây giờ thì ăn cũng chết mà không ăn cũng chết ! Có chăng vừa ăn vừa dọn mình chết lành cho nó ... sướng vì lỡ trong người hóa chất nhiều quá nên không biết chết lúc nào vì tim mạch nghẽn.
Ờ ! Mà cũng hay ! Thời này chết đỡ phải phun thuốc hay ướp xác bởi trong người ai ai cũng có và cá nhiều chất bảo quản cơ mà !
Chi tiết
- Ngày: 09/09/2020
- Tác giả: Antôn Maria Vũ Quốc Thịnh