Ai là Mẹ tôi?
Nội dung
Trong Tin Mừng có 2 đoạn mà dường như Chúa Giêsu hạ thấp tầm quan trọng của Mẹ Maria trước đám đông:
Người còn đang nói với đám đông, thì có mẹ và anh em của Người đứng bên ngoài, tìm cách nói chuyện với Người. Có kẻ thưa Người rằng: "Thưa Thầy, có mẹ và anh em Thầy đang đứng ngoài kia, tìm cách nói chuyện với Thầy." Người bảo kẻ ấy rằng: "Ai là mẹ tôi? Ai là anh em tôi?" Rồi Người giơ tay chỉ các môn đệ và nói: "Đây là mẹ tôi, đây là anh em tôi. Vì phàm ai thi hành ý muốn của Cha tôi, Đấng ngự trên trời, người ấy là anh chị em tôi, là mẹ tôi." (Mt 12, 46-50)
Khi Đức Giê-su đang giảng dạy, thì giữa đám đông có một người phụ nữ lên tiếng thưa với Người: "Phúc thay người mẹ đã cưu mang và cho Thầy bú mớm!" Nhưng Người đáp lại: “Đúng hơn phải nói rằng: Phúc thay kẻ lắng nghe và tuân giữ lời Thiên Chúa.” (Lc 11,27-28)
Phải chăng Chúa Giêsu nhân cơ hội này để công khai giảm thiểu sự thánh thiện và tư cách làm mẹ của Mẹ Maria?
Khi Chúa Giêsu rao giảng về Nước Trời, câu cửa miệng mà Ngài hay nói là "Thời kỳ đã mãn, và Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần. Anh em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng" (Mc 1, 15). Nước trời hay triều đại được Chúa Giêsu nhắc đi nhắc lại nhiều lần trong suốt 3 năm rao giảng. Dân chúng lắng nghe như vậy sẽ tự nhiên liên tưởng đến triều đại Vua Đavít và nhớ tới lời tiên báo Đấng Cứu Thế xuất thân từ dòng dõi nhà Đavít. Anh mù tại Giêrikhô khi biết Chúa Giêsu đi ngang qua đã kêu lên: "Lạy Con vua Đavít, xin dủ lòng thương tôi!" (Lc 18, 38).
Mặc dù việc Chúa Giêsu đến thế gian này là để hoàn thành lời hứa của Thiên Chúa với nhà Đavít, nhưng vương quốc của Thiên Chúa sẽ không đi theo cách như của triều đại trần gian. Tư cách thành viên trong triều đại mới này không dựa trên huyết thống hoặc mối quan hệ hôn nhân, mà dựa trên đức tin. "Còn những ai đón nhận, tức là những ai tin vào danh Người, thì Người cho họ quyền trở nên con Thiên Chúa " (Ga 1, 12).
Trong bối cảnh đó, dân chúng xem Mẹ Maria có phúc là vì dựa vào tính huyết thống hoàng tộc. Vì Mẹ là mẫu hậu của Vua Giêsu nên Mẹ có phúc. Khi Chúa Giêsu đáp lại “Đúng hơn phải nói rằng: Phúc thay kẻ lắng nghe và tuân giữ lời Thiên Chúa” thì Chúa Giêsu không có ý nói Mẹ Maria không có phúc. Bà Elizabeth được tràn đầy Thánh Thần đã nói với Mẹ rằng: "Em được chúc phúc hơn mọi người phụ nữ, và người con em đang cưu mang cũng được chúc phúc" (Lc 1, 42). Mẹ Maria được diễm phúc làm Mẹ Thiên Chúa. Vấn đề ở đây là việc Mẹ có phúc không phải do huyết thống mà là do đức tin như lời bà Elizabeth tiếp sau đó: "Em thật có phúc, vì đã tin rằng Chúa sẽ thực hiện những gì Người đã nói với em."
Tình mẫu tử giữa Mẹ Maria và Chúa Giêsu không chỉ trong phạm trù tình cảm ruột thịt nhưng quan trọng hơn nữa là trong đức tin. Mẹ là mẹ Chúa Giêsu. Không những thế, Mẹ còn là Mẹ của tất cả Kitô hữu - những ai tin vào danh Người. Cơ sở nào để xác tín Mẹ Maria là mẹ của chúng ta khi mà dưới cây thập giá Chúa Giêsu chỉ chối với một mình Thánh Gioan Tông Đồ rằng "Đây là mẹ của anh" (Ga 19, 27).
Hơn 30 năm sau biến cố Phục Sinh, chính Thánh Gioan Tông Đồ đã được linh hướng hé mở xác nhận điều đó khi viết trong sách Khải Huyền. Sách Khải Huyền chương 12 mô tả Mẹ là Nữ Vương Thiên Đàng và rằng "dòng dõi bà, là những người tuân theo các điều răn của Thiên Chúa và giữ lời chứng của Đức Giêsu".
Như vậy, tưởng chừng Chúa Giêsu xem thường Mẹ Maria trong đoạn Tin Mừng Mt 12, 46-50 và Lc 11,27-28 nhưng thật ra Người đã đặt Mẹ vào đúng vị trí. Mẹ Maria là Mẹ của Người vì Mẹ đã tin và Mẹ là mẹ của tất cả Kitô hữu. Mẹ thật có phúc, vì đã tin rằng Chúa sẽ thực hiện những gì Thiên Chúa đã nói với Mẹ.
Tác giả: Joe Heschmeyer
KT lược dịch
Chi tiết