2020
Các nghi lễ Đức Thánh Cha cử hành trong Tuần Thánh và Phục Sinh
Chương trình các lễ nghi trong Tuần Thánh và Phục sinh của Đức Thánh Cha có thay đổi, so với chương trình được dự định trước khi virus corona bùng phát. Theo chương trình mới, Đức Thánh Cha sẽ cử hành các nghi lễ bên trong đền thờ thánh Phêrô và không có giáo dân tham dự.
Hôm thứ Sáu 27/03 vừa qua, Vatican đã thông báo chương trình các lễ nghi Tuần Thánh Đức Thánh Cha sẽ cử hành. Các Thánh lễ sẽ được truyền hình trực tiếp cho giáo dân tham dự trên các kênh truyền thông.
Chúa Nhật Lễ Lá, Tam Nhật Vượt Qua và lễ Phục Sinh sẽ được cử hành tại bàn thờ Ngai tòa thánh Phêrô, bên trong đền thờ, nghĩa là bàn thờ phía sau bàn thờ tuyên xưng đức tin và sẽ không có sự tham dự của giáo dân.
Cụ thể là vào ngày 05/04, vào lúc 11 giờ, Đức Thánh Cha sẽ cử hành Thánh lễ Chúa Nhật lễ Lá, tưởng niệm Chúa Giêsu vào thánh Giêrusalem.
Ngày 09/04, vào lúc 18 giờ, Đức Thánh Cha sẽ cử hành Thánh lễ thứ Năm Tuần Thánh, cử hành bữa Tiệc Ly của Chúa.
Ngày 10/04, thứ Sáu Tuần Thánh, vào lúc 18 giờ, Đức Thánh Cha sẽ cử hành cuộc Thương Khó của Chúa và vào lúc 21 giờ, thay vì ngắm Đàng Thánh giá tại đấu trường Colosseo, Đức Thánh Cha sẽ hướng dẫn buổi ngắm Đàng Thánh Giá tại thềm đền thờ thánh Phêrô.
Ngày 11/04, lúc 21 giờ, Đức Thánh Cha sẽ cử hành Lễ Vọng Phục Sinh và ngày 12/04, vào lúc 11 giờ, ngài sẽ cử hành Thánh lễ Chúa Nhật Phục sinh. Sau Thánh lễ, Đức Thánh Cha sẽ ban phép lành truyền thống Urbi et Orbi.
Trong chương trình mới cập nhật, không có Thánh lễ truyền Dầu, mà theo truyền thống thường được cử hành vào sáng thứ Năm Tuần Thánh. Theo sắc lệnh mới của Bộ Phụng tự và Kỷ luật Bí tích thông báo hồi đầu tuần này, các giáo phận có thể dời Thánh lễ truyền Dầu sang một thời gian khác. (ACI 27/03/2020)
Hồng Thủy – Vatican
2020
“Chúa ơi, xin Chúa thức dậy!”: Tiếng kêu của Đức Phanxicô tại Quảng trường Thánh Phêrô
Trong bài suy niệm về phép lạ xin hạ cơn giông bão của Đức Phanxicô trong buổi cầu nguyện chiều thứ sáu 27 tháng 3, ngài nói: “Trong cơn giông bão của đại dịch coronavirus, Chúa mong chúng ta “thức tỉnh và khơi dậy đức tin phục sinh của chúng ta.”
Một mình trên Quảng trường Thánh Phêrô, Đức Phanxicô khen ngợi lòng dũng cảm của “những người bình thường” trong giai đoạn khủng hoảng này: “Có biết bao nhiêu người cầu nguyện, dâng hiến, xin cầu bàu để cho tất cả mọi người được bình an!”
Được mái hiên che mưa, một mình ở sân trước của Đền thờ Thánh Phêrô và trước một quảng trường không bóng dáng tín hữu, Đức Phanxicô cử hành buổi cầu nguyện dài một giờ. Trong dịp ngoại thường cầu nguyện cho đại dịch, tượng Đức Mẹ Phần rỗi của thành phố Rôma ở Đền thờ Đức Bà Cả và cây Thánh giá Nhiệm mầu ở nhà thờ San Marcello được đem về để cầu nguyện bên cạnh các hàng đuốc thắp sáng dưới cơn mưa ở quảng trường rộng mênh mông.
Thắp lên hy vọng và đoàn kết
Đức Phanxicô nói: “Giữa cơn giông bão, Thiên Chúa kêu gọi chúng ta, mời chúng ta tỉnh thức và khơi dậy tình đoàn kết và hy vọng để mang lại ổn định, nâng đỡ trong lúc này, khi mọi sự tưởng như bị sụp đổ.” Trong khi chúng ta đang ở trong vùng biển sóng gió, sợ hãi và lạc lối, Chúa thức dậy “để thức tỉnh và khơi dậy đức tin phục sinh của chúng ta.”
“Các ông kinh ngạc vì một cơn bão bất ngờ và dữ dội ập tới”
“Các ông kinh ngạc vì một cơn bão bất ngờ và dữ dội ập tới.” Đức Phanxicô suy niệm: “Chúng ta tiếp tục con đường của mình, không bị xáo trộn, nghĩ rằng mình lành mạnh trong một thế giới bệnh hoạn. Bây giờ chúng ta ở trong biển động, chúng ta kêu nài: “Lạy Chúa, xin Chúa thức dậy!”. Cơn bão vạch trần sự bấp bênh của con người và cho thấy các an toàn giả tạo và phù phiếm mà mỗi người chúng ta xây các dự án và thói quen của mình.
Đức Phanxicô cầu nguyện trước tượng Đức Bà Cứu rỗi
Đức Phanxicô giải thích, “nhờ cơn bão này, các tô điểm của các khuôn mẫu bị rơi xuống, nó cho thấy không ai có thể tự đủ cho mình. Tín hữu kitô cần Chúa, vì một mình, họ đắm tàu. Với Chúa, chúng ta có neo: nhờ thập giá của Ngài, chúng ta được cứu rỗi. Chúng ta có guồng lái: nhờ thập giá của Ngài, chúng ta được cứu chuộc. Chúng ta có một hy vọng: nhờ thập giá của Ngài, chúng ta được sửa mình, được ôm ấp để không có gì, không có ai tách chúng ta ra khỏi tình yêu cứu chuộc của Ngài.”
Các diễn viên vô hình viết lịch sử
Trong giây phút cầu nguyện ngoại thường này, Đức Phanxicô ca ngợi “những người bình thường”, những người thường bị lãng quên nhưng lại nâng đỡ cuộc sống hàng ngày của cộng đoàn: “Bác sĩ, y tá, nhân viên bán hàng, nhân viên bảo vệ, người chăm sóc tại gia, người vận chuyển, lực lượng an ninh, tình nguyện viên, linh mục, nữ tu và rất nhiều người khác.”
Ngài nhấn mạnh, các diễn viên vô hình này không ở trang Nhất các báo, cũng không xuất hiện trong các màn trình diễn thời trang mới nhất. Vậy mà, “ngày hôm nay họ đang viết các sự kiện quyết định cho lịch sử chúng ta.” Theo Đức Phanxicô, họ hiểu “không ai có thể tự mình cứu mình.”
“Xin phép lành Chúa tuôn xuống trên chúng con như một vòng ôm an ủi.”
Đức Phanxicô khen ngợi: “Có bao nhiêu người cha, người mẹ, người ông, người bà, các cô thầy giáo, bằng những cử chỉ đơn giản hàng ngày, đã biết đối diện, vượt qua cơn khủng hoảng, thích ứng với thói quen làm thế nào để đối phó và vượt qua khủng hoảng bằng cách điều chỉnh thói quen, ngước mắt nhìn lên và khuyến khích cầu nguyện. Có biết bao nhiêu người cầu nguyện, dâng hiến để cho tất cả mọi người được bình an!”
“Đức tin của chúng con yếu đuối và chúng con sợ hãi”
Đức Phanxicô kết thúc: “Từ nơi nói lên đức tin vững chắc như đá tảng này của Thánh Phêrô, chiều nay tôi muốn phó dâng tất cả anh chị em cho Chúa, qua lời cầu bàu của Đức Mẹ, phần rỗi của dân Mẹ, là sao biển trong cơn bão, xin các Đấng che chở Rôma và toàn thế giới, xin tuôn xuống trên chúng con như vòng ôm an ủi, như phép lành của Chúa”.
Đức Phanxicô cầu nguyện trước tượng Thánh giá Nhiệm mầu
Đức Phanxicô nài xin Chúa: “Lạy Chúa, xin ban phép lành cho thế giới, ban sức khỏe cho cơ thể và an ủi tâm hồn chúng con. Chúa xin chúng con đừng sợ. Nhưng đức tin chúng con yếu đuối và chúng con sợ hãi. Nhưng xin Chúa đừng để chúng con bị cơn bão cuốn đi. Xin Chúa tiếp tục nói: ‘Các con đừng sợ’. Và cùng với Thánh Phêrô, chúng con dâng lên Chúa nỗi lo âu của chúng con, vì Chúa chăm sóc chúng con.”
Ban phép lành urbi et orbi
Sau bài suy niệm này, Đức Phanxicô lần lượt đến tượng Đức Mẹ và thánh giá cầu nguyện. Sau đó ngài cầu nguyện trước Thánh Thể ở trong Đền thờ Thánh Phêrô, ngài đọc kinh cầu bằng tiếng la-tinh để cầu nguyện cho thế giới bị nạn dịch hoành hành.
Tiếp theo ngài ban phép lành urbi et orbi bằng mặt nhật Thánh Thể trên thềm Đền thờ Thánh Phêrô trong tiếng chuông vang ngần. Buổi cầu nguyện kết thúc với bài hát laudato si trong khi một linh mục đem Thánh Thể về nhà tạm đi qua Đền thờ Thánh Phêrô gần như trống, khi chiều rơi xuống thành phố Rôma.
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch
2020
Bộ Phụng tự và Kỷ luật các Bí tích | Số 153/20
Sắc lệnh
trong thời điểm đại dịch COVID-19
Trong thời khắc khó khăn mà chúng ta đang sống với đại dịch Covid-19, và khi xem xét các trường hợp không thể cử hành phụng vụ trong thánh đường [với sự tham dự của cộng đoàn] theo sự hướng dẫn của các Giám mục trong lãnh thổ thuộc quyền các ngài, nhiều vị đã gửi đến Bộ Phụng Tự và Kỷ luật các Bí tích một số thắc mắc liên quan đến việc cử hành đại lễ Phục Sinh sắp tới. Nay chúng tôi xin gửi đến các Giám mục những chỉ dẫn tổng quát và một số đề xuất về vấn đề này.
1. Ngày lễ Phục sinh. Vì là tâm điểm của cả Năm phụng vụ, lễ Phục sinh không đơn thuần là một lễ trọng số các dịp lễ khác. Tam nhật Vượt Qua được cử hành vào ba ngày liền nhau, được chuẩn bị với mùa Chay và đạt tới cao điểm vào ngày lễ Ngũ Tuần, vì thế không được dời lễ Phục Sinh sang một ngày khác.
2. Lễ Truyền Dầu. Sau khi lượng xét tình hình thực tế tại các địa phương, Giám mục có quyền dời lễ này vào một ngày khác muộn hơn.
3. Hướng dẫn cử hành Tam nhật Vượt Qua. Tại những nơi mà chính quyền và giáo quyền đã công bố là khu vực hạn chế sinh hoạt, phải cử hành Tam nhật thánh theo phương thức sau đây :
Các Giám mục sẽ đưa ra những hướng dẫn, sau khi đã được Hội Đồng Giám Mục đồng thuận, sao cho tại Nhà thờ Chính Tòa và nhà thờ các giáo xứ, kể cả khi không có cộng đoàn tín hữu hiện diện tham dự, Giám mục và các cha xứ vẫn cử hành các mầu nhiệm phụng vụ của Tam nhật Vượt Qua. Phải thông báo về thời gian cử hành nghi thức để các tín hữu có thể hợp ý cầu nguyện ngay tại nhà riêng của họ. Trong trường hợp này, các phương tiện truyền hình trực tuyến (không phải những chương trình ghi hình phát lại) sẽ giúp ích nhiều cho các tín hữu.
Hội đồng Giám mục và từng giáo phận nên đề xuất những cách thức cầu nguyện cho các gia đình và cá nhân.
Thứ Năm Tuần Thánh. Tại Nhà thờ Chính tòa hay các nhà thờ giáo xứ, tùy tình trạng mỗi nơi và trong mức độ cho phép của thẩm quyền liên hệ, các cha xứ có thể cử hành Thánh Lễ Tiệc Ly vào buổi tối. Trong ngày này, tất cả các linh mục đều được ban năng quyền đặc biệt để cử hành Thánh Lễ tại một nơi thích hợp, dù không có giáo dân tham dự. Không cử hành việc rửa chân, vì đây chỉ là một thực hành mang tính tùy chọn. Sau Thánh Lễ Tiệc Ly không rước kiệu Thánh Thể, Mình Thánh Chúa sẽ được cất giữ tại Nhà Tạm. Các linh mục không thể cử hành Thánh Lễ, sẽ đọc Kinh Chiều Thứ Năm Tuần Thánh để thay thế.
Thứ Sáu Tuần Thánh. Tại Nhà thờ Chính tòa hay các nhà thờ giáo xứ, tùy tình trạng mỗi nơi và trong mức độ cho phép của thẩm quyền liên hệ, Giám mục/Linh mục chính xứ sẽ cử hành nghi thức tưởng niệm cuộc Khổ nạn của Chúa. Trong Lời Nguyện Chung, Giám mục nên nêu thêm ý cầu nguyện đặc biệt cho các bệnh nhân, những người đã qua đời và những ai đang tuyệt vọng hoặc hoang mang vì dịch bệnh (x. Sách Lễ Rôma, nghi thức Thứ Sáu Tuần Thánh, số 13).
Chúa nhật Phục Sinh
Canh thức Phục Sinh. Chỉ cử hành tại Nhà thờ Chính tòa hay các nhà thờ giáo xứ, tùy tình trạng mỗi nơi và trong mức độ cho phép của thẩm quyền liên hệ. Trong phần “Khai mạc trọng thể giờ Canh thức hoặc Nghi thức thắp sáng” không làm phép lửa, sau khi thắp Nến Phục sinh, không rước Nến, hát “Exsultet” ngay để công bố Tin Mừng Phục sinh. Sau đó, cử hành “Phụng vụ Lời Chúa”. Trong phần “Phụng vụ Thánh Tẩy”, chỉ cần “lặp lại lời hứa khi nhận bí tích Thánh Tẩy”, sau đó là “Phụng vụ Thánh Thể”.
Những ai hoàn toàn không thể tham dự giờ Canh thức tại nhà thờ, phải đọc Giờ Kinh Sách Chúa nhật Phục Sinh.
Giám mục giáo phận sẽ có những quyết định riêng cho các đan viện, chủng viện và các cộng đoàn tu sĩ.
Những cách thể hiện lòng đạo đức bình dân và tổ chức kiệu rước trong Tuần Thánh hay Tam nhật Vượt Qua, có thể dời lại vào những ngày thích hợp khác, chẳng hạn ngày 14 và 15 tháng 9, tùy theo quyết định của Giám mục giáo phận.
Theo chỉ thị của Đức Thánh Cha, sắc lệnh chỉ có hiệu lực trong năm 2020.
Chuyển ngữ: Ủy ban Phụng tự trực thuộc Hội đồng Giám mục Việt Nam
Nguồn: Truyền thông Hội đồng Giám mục Việt Nam
2020
12 bước tiến của sự kiêu ngạo trong ta
Sự kiêu ngạo lớn lên trong ta thế nào? Thánh Bênađô đã đưa ra cho chúng ta 12 bước tiến của nó. Chúng ta hãy lưu ý cách thức 12 bước này dần trở nên nghiêm trọng và cuối cùng dẫn ta đến nô lệ tội lỗi. Các bước này có xu hướng ảnh hưởng lên nhau, bắt đầu từ trong tâm trí, chuyển đến hành vi, sau đó đi sâu vào thái độ, và cuối cùng dẫn đến cuộc nổi loạn và sự nô lệ. Vì nếu người nào không phụng sự Thiên Chúa thì sẽ phụng sự Satan.
- Sự tò mò
Điều làm cho sự tò mò bị liệt vào hạng kiêu căng, là vì chúng ta thường nghĩ rằng, chúng ta có quyền biết những điều mà lẽ ra chúng ta không nên biết. Chúng ta thường lún sâu vào những điều mà chúng ta không nên như: những tình cảm, vấn đề riêng tư, hay hoàn cảnh tội lỗi của người khác, v.v. Vì thế, chúng ta xoi mói một cách kiêu kỳ và thô thiển những điều mà đáng lý chúng ta không nên: những điều không thuộc chúng ta, hoặc không hợp và mất giờ của chúng ta, hay có lẽ vượt quá khả năng của chúng ta. Chúng ta tò mò tọc mạch, can thiệp, và xoi mói những thứ mà chúng ta không nên, như thể chúng ta có quyền làm như vậy. Đây là tội tò mò.
- Sự lơ đễnh
Một chút bông đùa, thể thao, giải trí, có giá trị nhất định của chúng. Nhưng nếu quá thường xuyên, dần lún sâu vào giải trí, thì chúng ta cần xem lại. Chúng ta gạt bỏ, phớt lờ hoặc xem nhẹ những điều nghiêm túc liên quan đến sự vĩnh cửu, trong khi đó lại theo đuổi và những thứ mau qua và chóng tàn. Mất hàng giờ cho vấn đề giải trí, nhưng lại không có giờ cho việc cầu nguyện, học tập, hướng dẫn người khác trong đức tin, chăm sóc người nghèo, v.v., điều này cho thấy sự thiếu nghiêm túc, và thể hiện sự kiêu ngạo. Chúng ta gạt đi những gì quan trọng đối với Chúa cách nhẹ nhàng, và thay thế những ưu tiên ngu xuẩn của chính chúng ta. Đây là sự kiêu ngạo.
- Sự tiêu khiển
Ở đây, chúng ta chuyển từ sự lơ đễnh của tâm trí sang những hành vi phù phiếm phát sinh từ sự lơ đễnh ấy. Chúng ta quá coi trọng những trải nghiệm và thú vui chóng tàn, trong khi lại đánh mất những điều quan trọng phải làm. Những hành vi ngớ ngẩn, nhạt nhẽo, dại dột và thất thường cho thấy một sự kiêu hãnh mà trong đó người ta không giàu có trong tương quan đối với Thiên Chúa. Chúng ta coi trọng điều vụn vặt, và xem nhẹ điều quan trọng một cách kiêu hãnh. Chúng ta dành nhiều thời gian cho sự phù phiếm, nhưng không có thời gian để cầu nguyện hay nghiên cứu Thánh Kinh.
- Sự khoe khoang
Chúng ta ngày càng bị nhốt vào trong thế giới nhỏ bé của sự u mê và hành vi ngu xuẩn. Chúng ta bắt đầu khoái trá trong các hoạt động xác thịt, đê hèn, và coi chúng là một dấu hiệu của sự vĩ đại. Chúng ta bắt đầu khoe khoang về những điều ngu xuẩn. Khoe khoang là nói và nghĩ về bản thân vượt quá sự thật. Thánh Phaolô nói: “Nào có ai coi bạn hơn kẻ khác đâu ? Bạn có gì mà bạn đã không nhận lãnh ? Nếu đã nhận lãnh, tại sao lại vênh vang như thể đã không nhận lãnh ?” (1Cr 4,7). Người khoe khoang nghĩ quá cao về bản thân mình, hoặc phủ nhận hoặc quên rằng những gì anh ta có là một ân sủng, một món quà. Đây là sự kiêu ngạo. Ngoài ra, như chúng ta đã thấy, sự kiêu hãnh của chúng ta thường hướng về những thứ ngu xuẩn và nhất thời.
- Sự lập dị
Thế giới của chúng ta ngày càng nhỏ lại, nhưng chúng ta lại cứ nghĩ chính mình ngày càng vĩ đại. Khi niềm kiêu hãnh của chúng ta lớn lên, chúng ta quá dễ dàng quên đi sự phụ thuộc vào Thiên Chúa và người khác. Tất cả chúng ta chỉ là những hữu thể bất tất, lệ thuộc vào Thiên Chúa và người khác. Hơn nữa, chúng ta lại quá dễ dàng thu hẹp phán đoán và thế giới nhỏ bé của mình, nghĩ rằng cái đó là như vậy chỉ vì chúng ta nghĩ nó là như vậy. Điều đó khiến chúng ta không để ý đến những bằng chứng thực tế, ngừng kiếm tìm thông tin và lời khuyên từ người khác. Những người mà lấy lời khuyên của chính mình để làm cố vấn, là kẻ ngu xuẩn và kiêu căng! Sự lập dị là kiêu ngạo. Tuy nhiên, sự kiêu ngạo này phình to trong chúng ta, khi thế giới của chúng ta mỗi lúc một trở nên bé nhỏ và cá biệt hơn, chỉ tập trung càng nhiều vào chính cái tôi của mình.
- Tính tự phụ
Khi thế giới chúng ta càng trở nên bé nhỏ, và niềm kiêu hãnh càng lớn, sự qui ngã và ảo tưởng của chúng ta ngày càng mạnh mẽ, và gia tăng tính tự tôn. Bây giờ, điều này là như vậy chỉ đơn giản là vì tôi nói vậy. Tôi đúng vì tôi nói như vậy. Không nhớ rằng trong con người chúng ta có ưu có khuyết, có thiện có ác. Chúng ta dễ trở nên mù lòa đến nỗi khó có thể sống với người khác. Chúng ta dễ thấy lỗi nơi người khác, nhưng lại không thấy lỗi trong chúng ta. Hơn nữa, chúng ta dễ so sánh bản thân mình với người khác, cho rằng “ít nhất tôi không giống gái mại dâm hay kẻ buôn ma túy”. Nhưng gái mại dâm hay kẻ buôn ma túy đâu phải là tiêu chuẩn để chúng ta so sánh. Chính Chúa Giêsu mới là tiêu chuẩn để so sánh. Nhưng thay vì chúng ta so sánh bản thân với Chúa Giêsu, và kiếm tìm lòng thương xót, chúng ta lại nhìn xuống, và so sánh chính mình với người khác, để từ đó mở đường cho sự kiêu ngạo.
- Tính tự mãn
Ở giai đoạn này, ngay cả những phán xét của Thiên Chúa cũng phải nhường bước cho sự phán xét của chúng ta. Tôi tốt lành và sẽ được cứu độ, bởi vì tôi nói như vậy. Đây là tội chống lại niềm hy vọng, trong đó chúng ta chỉ đơn giản nhận lấy ơn cứu độ như thể do chính công trạng của chúng ta. Kết cục, chúng ta tuyên bố sở hữu những gì không thuộc chúng ta. Thật chính đáng để chúng ta hy vọng chắc chắn vào sự trợ giúp của Thiên Chúa trong việc đạt tới sự sống vĩnh cữu. Nhưng thật là kiêu ngạo khi chúng ta nghĩ rằng, chúng ta đã hoàn thành và sở hữu những gì chúng ta chưa có trong thực tế. Hơn thế nữa, sự kiêu ngạo làm chúng ta để qua một bên Lời Thiên Chúa, Lời mà hết lần này đến lần khác dạy chúng ta bước đi trong niềm hy vọng và kiếm tìm sự trợ giúp của Thiên Chúa như những người ăn mày, thay vì như những kẻ sở hữu, hoặc như những người tất nhiên đã được thừa hưởng vinh quang Thiên Đàng. Sự tự mãn là kiêu ngạo.
- Tự công chính hóa
Bây giờ Chúa Giêsu phải rời ngai tòa phán xét bởi vì tôi đòi thế vị trí của Ngài. Không những thế, Ngài cũng phải bỏ Thánh giá, vì tôi thực sự không cần hy tế của Ngài. Tôi có thể tự cứu mình, và thật lòng mà nói, tôi không cần cứu độ. Tự công chính hóa là thái độ nói lên rằng, tôi có thể, bằng chính sức lực của mình, để tự công chính hóa bản thân mình, nghĩa là tự cứu độ mình. Rốt cuộc, điều đó cũng nói lên rằng, “tôi sẽ làm điều tôi muốn và tôi sẽ quyết định xem nó đúng hay sai”. Thánh Phaolô nói: “Đối với tôi, dù có bị anh em hay toà đời xét xử, tôi cũng chẳng coi là gì. Mà tôi, tôi cũng chẳng tự xét xử lấy mình. Quả thật, tôi không thấy lương tâm áy náy điều gì, nhưng đâu phải vì thế mà tôi đã được kể là người công chính. Đấng xét xử tôi chính là Chúa” (1Cr 4,3-4). Nhưng người kiêu ngạo chỉ quan tâm đến quan điểm của mình, và từ chối giải thích, ngay cả với Chúa. Người kiêu ngạo quên đi vị thẩm phán trong vụ án của mình.
- Thú tội giả hình
Trong tiếng Hy Lạp, từ giả hình có nghĩa là “diễn viên”. Trong vài hoàn cảnh và mức độ nhất định, khiêm nhường và thừa nhận những lỗi lầm của mình thì “hữu ích”. Người ta có thể nhận được “sự tín nhiệm” cho việc thừa nhận những lỗi lầm nhất định cách khiêm tốn, và tự xưng mình là “kẻ tội lỗi”. Nhưng người kiêu ngạo chỉ là đang diễn mà thôi. Người ấy chỉ đơn thuần đóng một vai diễn, và thực hiện phần việc của mình, vì sự tín nhiệm của xã hội hơn là sự ái hối hay ăn năn dốc lòng chừa. Rốt cuộc, người ấy thực sự không đến nỗi tệ. Nhưng nếu điệu bộ và vai diễn của kẻ tội lỗi khiêm nhường và sám hối sẽ đưa người ấy đến một nơi nào đó, thì người ấy sẽ nói lời thoại của mình, đóng vai diễn và trông có vẽ thánh thiện. Nhưng chỉ vì những tràng pháo tay từ khán giả mà thôi.
- Cuộc nổi loạn
Sự kiêu ngạo thực sự bắt đầu vượt ra khỏi tầm kiểm soát khi một người nổi dậy chống lại Thiên Chúa và các vị đại diện hợp pháp của Ngài. Nổi loạn có nghĩa là từ bỏ lòng trung thành, ý thức trách nhiệm, hoặc sự vâng phục đối với Thiên Chúa, Lời của Ngài, hoặc Giáo Hội. Nổi loạn là cố gắng lật đổ uy quyền của người khác, trong trường hợp này là Thiên Chúa và Giáo Hội. Thật là kiêu ngạo khi từ chối tùng phục bất cứ thẩm quyền nào, và hành động theo những cách trái ngược với những gì thẩm quyền hợp pháp khẳng định.
- Tự do phạm tội
Ở đây, sự kiêu ngạo sắp đi đến chung kết, khi nó ngạo nghễ khẳng định và ăn mừng rằng, nó hoàn toàn tự do để làm những gì nó thích. Người kiêu ngạo ngày càng phủ nhận mọi ràng buộc hoặc giới hạn. Nhưng tự do của người ngạo nghễ không phải là tự do đích thực. Chúa Giêsu nói: “Thật, tôi bảo thật các ông: hễ ai phạm tội thì làm nô lệ cho tội” (Ga 8,34). Giáo Lý vang vọng: “Ai càng làm điều tốt, người đó càng trở nên tự do. Không có tự do đích thực nếu không phục vụ điều thiện và chân lý. Chọn sự bất tuân và điều xấu, là lạm dụng tự do và sự lựa chọn này đưa chúng ta vào vòng nô lệ tội lỗi (x. Rm 6,17)” (GLHTCG, số 1733). Nhưng người kiêu căng sẽ không có tự do đó, ngạo nghễ khẳng định quyền tự do để làm theo ý mình, nhưng lại càng lún sâu hơn vào nghiện ngập và nô lệ.
- Thói quen phạm tội
Ở đây, chúng ta thấy được bông hoa xấu xí và tràn đầy sự kiêu ngạo: thói quen phạm tội và nô lệ cho nó. Như thánh Augustinô nói: “Điều xảy ra cho ta là những ước muốn không trong sạch trong ta sẽ tạo thành những thèm khát xấu xa, và khi những thèm khát xấu xa được đáp ứng thì nó trở thành thói quen, và khi thói quen không được kiềm chế thì nó sẽ trở thành một thứ nhu cầu.” (Tự Thuật, 8.V.10).
Chúng ta đã tìm hiểu mười hai bước của ngọn núi kiêu ngạo. Nó khởi phát từ trong tâm trí với sự thiếu tỉnh táo, bắt nguồn từ tội tò mò và mối bận tâm phù phiếm. Tiếp đến là hành vi phù phiếm, những thái độ bào chữa, tự phụ, và loại trừ. Cuối cùng đưa đến cuộc nổi loạn và nô lệ hoàn toàn cho tội lỗi. Hậu quả là “nếu một người từ chối phụng sự Thiên Chúa vì lòng kiêu căng, người đó sẽ phụng sự Satan”.
Chúng ta đã thấy một sự tiến triển trong các bước trên không khác một lời khuyên giá trị cổ xưa: “Gieo suy nghĩ, gặt hành động; Gieo hành động, gặt thói quen; Gieo thói quen, gặt tính cách; Gieo tính cách, gặt số phận.”
Tác giả: Đức Ông Charles Pope,
Hướng Dương chuyển ý từ blog.adw.org