2020
Thánh lễ là một hồng ân
Thánh lễ là một hồng ân
Cả thế giới đang đứng trước nạn dịch covid-19, mọi người đều sợ hãi vì sự lây lan quá nhanh và ngày càng nguy hiểm đến tính mạng con người. Trước tình hình đó, Tòa Tổng Giám Mục Sài Gòn có thông báo tạm ngưng cử hành Thánh lễ và tất cả các sinh hoạt Tôn giáo với sự tham gia của cộng đoàn để tránh tập trung đông người thay vào đó là các Thánh lễ trực tuyến được phát trên các trang truyền thông của Tổng Giáo Phận.
Là người đang sống trong cộng đoàn dòng tu, đây cũng là lần đầu tiên không còn được tham dự Thánh lễ trực tiếp như mọi ngày vẫn được tham dự tại nhà nguyện bé nhỏ, thay vì mỗi ngày phải căn giờ để tham dự Thánh lễ được phát online. Thánh lễ hôm nay được phát trực tuyến vẫn diễn ra như những Thánh lễ khác, cũng với các bài đọc và nghi thức như thế nhưng sao lại cảm thấy cảm động quá vậy. Có lẽ, chúng ta cũng không biết rõ nguyên nhân từ đâu nữa, nhưng tôi chỉ cảm thấy rằng đây là một tâm tình linh thiêng và sốt sắng biết chừng nào. Tự đáy lòng, mỗi người chúng ta muốn dâng lên Thiên Chúa lời xin lỗi, thấy mình có lỗi trước tình yêu Thiên Chúa vì bấy lâu nay ta tham dự Thánh lễ cách hững hờ, nghĩ là công việc bổn phận mỗi ngày tôi phải làm, phải giữ, giữ vì hình thức, luật lệ… Có khi lại càu nhàu “oh, mình đang coi giở đoạn clip này hay quá mà, hay những lần chat dở với bạn bè, hay chỉ là mình muốn ngủ thêm xíu nữa nhưng…” ta có thể tìm đủ mọi lý do để biện minh và có phần đổ lỗi vì Thánh lễ đến mà tôi phải ngưng mọi hoạt động hay chỉ là ý thích để thỏa mãn nhu cầu cá nhân.
Qua bài chia sẻ của Cha, ta được đánh động bởi ngọn lửa Giêsu-ngọn lửa tình yêu tuyệt vời vẫn ngày ngày ở đó, đợi chờ ta quay trở về và cùng thắp lên ngọn lửa đó. “Giữa đêm tối cuộc đời, Chúa Giêsu không đăm đăm nhìn vào bóng tối và tội lỗi để khép mình lại trong nỗi sợ hãi nhưng Ngài nhìn lên Chúa Cha và nương tựa vào Người để có được sức mạnh bước đi trong ánh sáng của tình yêu và tự do. Ngọn lửa của tự do Giêsu như muốn xua tan bóng tối của sợ hãi đang giam hãm chúng ta trong sự khiếp nhược và thôi thúc chúng ta nhìn lên Chúa trong niềm tin vào tình thương và quyền năng của Người để có được sự bình an và sức mạnh và đẩy lui cơn đại dịch đang lan tràn khắp nơi.”[1] Ngọn lửa ấy, thôi thúc chúng ta tin rằng mọi sự đều trong sự quan phòng của Thiên Chúa. Ngọn lửa ấy vẫn thắp lên trong ta niềm tin vào lòng thương xót bao la của Thiên Chúa vì “Cho dù nó có quên đi nữa, thì Ta, Ta cũng chẳng quên ngươi bao giờ. Hãy xem, Ta đã ghi khắc ngươi trong lòng bàn tay Ta”(Is 49, 15-16). Chúng ta nhận ra tình yêu của Thiên Chúa với con người là vô giá vì vẫn còn hy vọng được tham dự Thánh lễ online để kết hiệp và làm nóng lại tình yêu với Chúa, dù không được trực tiếp rước Mình Thánh Chúa nhưng ta vẫn tin rằng Thiên Chúa ngự trong linh hồn qua việc rước lễ thiêng liêng.
Thiết tưởng, nếu một ngày chúng ta không còn điều kiện được tham dự Thánh lễ, chúng ta sẽ cảm thấy như thế nào? Có thấy hụt hẫng, có chán nản hay thất vọng không? Nếu Chúa còn cho bạn cơ hội được tham dự thì hãy cố gắng tham dự cách sốt sắng nhất với tất cả lòng yêu mến vì đỉnh cao của Phụng vụ là Thánh lễ. Qua Thánh lễ, Chúa Giêsu thực sự hiện diện qua bánh rượu được tác động bởi Chúa Thánh Thần để trở thành Mình Máu Thánh Chúa làm lễ vật dâng lên Thiên Chúa Cha. Mỗi người chúng ta hãy luôn biết trân trọng và yêu mến Thánh lễ với tất cả niềm tin và phó thác trong tình yêu Chúa, đừng để khi phải hối tiếc vì điều gì. Trong thời dịch này, nếu nơi bạn ở may mắn hơn vẫn còn được tham dự Thánh lễ mỗi ngày thì quả là một hồng ân.
[1] https://www.youtube.com/watch?v=Co4OuzqZDvQ
Giọt Nước
2020
ĐTC Phanxicô: Hãy bỏ tảng đá trong trái tim để sống cuộc đời mới
Trong buổi đọc kinh truyền tin hôm Chúa Nhật Thứ Năm Mùa Chay, Đức Thánh Cha Phanxicô đã kêu gọi các tín hữu bỏ tảng đá trong trái tim mình, và để Lời Chúa đem sự sống vào nơi chết chóc.
Khởi đi từ đoạn Tin Mừng thánh Gioan, tường thuật về việc Chúa Giêsu làm Lazarô sống lại, Đức Thánh Cha nói:
Anh chị em thân mến, chào buổi sáng!
Tin Mừng của Chúa nhật thứ năm Mùa Chay là Tin Mừng về sự phục sinh của anh Lazarô (x. Ga 11: 1-45). Lazarô là anh em trai của Marta và Maria; họ rất thân với Chúa Giêsu. Khi ngài đến Bêtania, Lazarô đã chết được bốn ngày; Marta chạy đến gặp Người và nói: “Thưa Thầy, nếu có Thầy ở đây, em con đã không chết.” (câu 21). Và Chúa Giêsu trả lời: “Anh ấy sẽ sống lại” (câu 23); và Người thêm rằng: “Chính Thầy là sự sống lại và là sự sống. Ai tin vào Thầy, thì dù đã chết, cũng sẽ được sống.” (câu 25).
Khi Maria cùng những người khác đến, tất cả đã khóc. Còn Chúa Giêsu, Người “thổn thức trong lòng, … và Người đã khóc.” (câu 33,35). Với sự thổn thức xao xuyến ấy, Người đi tới mộ, dâng lời tạ ơn Chúa Cha – Đấng hằng nghe lời Người cầu khẩn. Người cho mở ngôi mộ ra và kêu lớn tiếng: “Anh La-da-rô, hãy ra khỏi mồ!” (c.43). Và Lazarô bước ra, “chân tay còn quấn vải, và mặt còn phủ khăn” (c.44).
Chúa Giêsu là sự sống và là Đấng ban sự sống
Ở đây, chúng ta có thể chạm tay tới thực tại rằng Thiên Chúa là sự sống và là Đấng ban sự sống, nhưng Người vẫn muốn mang lấy bi kịch của cái chết.
Chúa Giêsu đã có thể tránh cho Lazarô, bạn của mình khỏi chết, nhưng Người muốn chia sẻ nỗi đau khổ của chúng ta khi mất đi những người thân yêu. Và trên tất cả, Người muốn tỏ cho thấy sự thắng vượt của Thiên Chúa đối với cái chết.
Giữa đau buồn, hãy tiếp tục vững tin
Trong Tin Mừng, chúng ta thấy rằng đức tin của con người và sự toàn năng của tình yêu Thiên Chúa tìm nhau và cuối cùng cũng gặp nhau. Chúng ta thấy điều ấy trong tiếng khóc của Marta và Maria, và của tất cả chúng ta cùng với họ: “Nếu Thầy ở đây, thì…!” Và câu trả lời của Chúa không phải là một bài phát biểu, không phải là một bài diễn văn, nhưng là chính Người: “Thầy là sự sống lại và là sự sống.”
Hãy có niềm tin! Giữa lúc đau buồn than van, hãy tiếp tục vững tin, ngay cả khi cái chết dường như đã chiến thắng. Hãy bỏ tảng đá khỏi trái tim của anh chị em! Hãy để Lời Chúa đem sự sống vào nơi chết chóc.”
Hãy bỏ tảng đá khỏi trái tim mình
Và hôm nay, Chúa Giêsu cũng nhắc lại với mỗi chúng ta: “Hãy bỏ tảng đá ra.” Thiên Chúa không tạo dựng chúng ta để dành cho huyệt mộ, nhưng Người tạo dựng chúng ta vì sự sống, vẻ đẹp, tốt lành và niềm vui. Nhưng như sách Khôn Ngoan đã nói: “sự chết xâm nhập vào thế gian vì ma quỷ ganh tị, và những ai về phe nó đều phải nếm mùi cái chết.” (Kn 2,24). Còn Chúa Giêsu Kitô, Người đã đến để giải thoát chúng ta khỏi sự sợ hãi.
Vì thế, chúng ta được mời gọi gỡ bỏ tảng đá của tất cả những thứ có mùi của cái chết: sống đức tin cách giả hình là cái chết; chỉ trích phá hoại người khác là cái chết; vu khống là cái chết; loại bỏ người nghèo là cái chết. Chúa yêu cầu chúng ta loại bỏ những viên đá này khỏi trái tim mình, và Người sẽ làm cho sự sống đâm hoa kết trái nơi chúng ta.
Chúa Kitô sự sống đích thực
Cũng như buổi cầu nguyện vào thứ sáu vừa qua tại quảng trường thánh Phê-rô, Đức Thánh Cha một lần nữa nhấn mạnh: chỉ nơi Chúa Giêsu, người Kitô hữu tìm thấy sự sống.
Chúa Kitô hằng sống, và những ai đón nhận Người, những ai vâng lời Người, những ai bước theo Người sẽ bước vào tương quan với sự sống. Không có Chúa Kitô, hoặc những gì ngoài Chúa Kitô, sẽ không chỉ không có sự hiện diện của sự sống, mà thậm chí, còn rơi vào cái chết.
Sống trắc ẩn như Chúa Giêsu
Sự phục sinh của Lazarô cũng là một dấu chứng của sự tái sinh diễn ra nơi những người tin ngang qua Bí tích Rửa tội, cùng với mầu nhiệm Vượt Qua của Chúa Kitô. Nhờ hoạt động và sức mạnh của Chúa Thánh Thần, Kitô hữu là người bước đi trong sự sống như một thụ tạo mới: một thụ tạo dành cho sự sống.
Và Đức Thánh Cha kết thúc với lời nguyện:
Xin Đức Trinh Nữ Maria giúp chúng ta trở nên những người biết trắc ẩn như Chúa Giêsu, Con Một Chúa Cha. Người đã mang lấy nơi mình, đã chia sẻ nỗi đau của chúng ta. Mỗi chúng ta hãy gần gũi với những ai đang gặp thử thách, hãy trở nên một phản ảnh của tình yêu và sự ân cần dịu dàng của Thiên Chúa, Đấng giải thoát chúng ta khỏi sự chết, và làm cho sự sống giành chiến thắng.
Trần Đỉnh, SJ – Vatican
2020
Qua Cơn Bệnh Này, Con Thiên Chúa Được Tôn Vinh
Qua Cơn Bệnh Này, Con Thiên Chúa Được Tôn Vinh
Khoảnh khắc lịch sử của Giáo hội Công giáo, lúc 12 giờ trưa Chúa nhật, ngày 15/3/2020, lần đầu tiên trong lịch sử, hình ảnh một vị Giáo hoàng đơn côi đứng bên cửa sổ, âm thầm đọc kinh Truyền tin và giơ tay ban phép lành trên quảng trường không có một bóng người trong một khoảng không gian im lặng đến rợn người, khiến con tim của người Công giáo trên thế giới đau nhói…
Vì đại dịch Coronavirus đang tàn phá thế giới, gieo nỗi kinh hoàng cho nhân loại, gây nên cuộc khủng hoảng cho các quốc gia, nên hôm thứ sáu 27/3 vừa qua, Đức Thánh Cha đã quyết định tổ chức giờ cầu nguyện và ban phép lành Urbi et Orbi “ngoại thường” cho các tín hữu trên thế giới.
Chủ sự buổi cầu nguyện lịch sử trong bối chiều tà tại quảng trường trống vắng, lạnh lẽo và ảm đạm, Ngài nguyện xin với Đức Kitô, Đấng chịu treo trên cây Thánh giá nhiệm mầu “Il Crocifisso Miracoloso” ban bình an và sức khỏe cho thân xác của các bịnh nhân, các y bác sỹ và an ủi trái tim mỗi người trong nhân loại đang khốn khổ vì đại dịch này.
Cả thế giới Công giáo và những người thiện tâm háo hức đón chờ. Mọi người bỗng nhiên thấy mình xích lại gần nhau, xung quanh vị Cha chung. Không còn những khoảng cách về địa dư, về không gian, quốc gia và dân tộc.
Cái khoảnh khắc linh thiêng ấy từng giây, từng phút cuốn hút từng người vào “cảnh vực thần linh” (nói theo nhãn quan của cha Pierre Teilhard de Chardin), vào mầu nhiệm hiệp thông Hội thánh – Thân Thể Chúa Kitô, vượt qua những khác biệt để nên một với nhau trong tình thương cứu chuộc của Chúa Kitô, hiện thể trong từng lời nói và cử chỉ của vị Cha chung trong buổi cầu nguyện và phép lành Urbi et Orbi.
Điều này đã khiến lịch sử phải ghi tiếp “những việc lạ Chúa làm để giúp tôi” (x.TV9,2). Có lẽ Chúa Kitô đã an bài để hôm qua, ngày 29/3/2020, Chúa Nhật Thứ Năm Mùa Chay, trong buổi đọc kinh truyền tin cũng từ cửa sổ mở ra trước quảng trường, vị Cha chung đã mạnh mẽ kêu gọi: “Hãy lăn tảng đá trong trái tim và để Lời Chúa đem sự sống vào nơi chết chóc”; tảng đá coronavirus đang đè nặng tâm hồn ngài, các tín hữu và cả nhân loại này.
Trong một thế giới đang bị sự chết đe doạ và khống chế, Lời Chúa và đức tin giúp chúng ta có thể chạm tới thực tại mầu nhiệm Thiên Chúa là sự sống và là Đấng ban sự sống, nhưng Người vẫn muốn ôm lấy bi kịch của cái chết qua những vết thương của Con của Người trong cuộc khổ nạn.
Đức Giêsu đã có thể giúp cho người bạn Lazarô khỏi chết, nhưng Người muốn an ủi và chia sẻ nỗi đau khổ của những ai khi đang đau khổ gần như tuyệt vọng khi mất đi những người thân yêu, vì “nếu Thầy ở đây, thì…!.
Người ta muốn che đậy thứ mùi của sự chết, là những sự khủng hoảng của lòng tin của các thứ dịch: dịch sợ hãi, dịch đóng cửa nhà thờ, dịch đình chỉ thánh lễ đi theo dịch coronavirus”
Giữa đau buồn, giữa sự chết chóc, hãy vững tin, ngay cả khi cái chết dường như đã chiến thắng “hãy lăn tảng đá khỏi trái tim! Hãy để Lời Chúa đem sự sống vào nơi chết chóc: “Bệnh này không đến nỗi chết đâu, nhưng là dịp để bày tỏ vinh quang của Thiên Chúa: qua cơn bệnh này, Con Thiên Chúa được tôn vinh.” (Ga 11,4)
Đức Thánh Cha nói: “Vì thế, chúng ta được mời gọi lăn tảng đá che đậy tất cả những thứ có mùi của sự chết: sống đức tin cách giả hình là cái chết; chỉ trích phá hoại người khác là cái chết; vu khống là cái chết; loại bỏ người nghèo là cái chết. Chúa yêu cầu chúng ta loại bỏ những viên đá này khỏi trái tim mình, và Người sẽ làm cho sự sống đâm hoa kết trái nơi chúng ta.
Vì chỉ có Đấng làm cho Lazarô sống lại, người Kitô hữu tìm thấy sự sống. Người hằng sống, và những ai đón nhận Người, những ai vâng lời Người, những ai bước theo Người sẽ bước vào tương quan với sự sống. Không có Chúa Kitô, hoặc những gì ngoài Chúa Kitô, sẽ không chỉ không có sự hiện diện của sự sống, mà thậm chí, còn rơi vào cái chết.”
Xin Đức Trinh Nữ Maria giúp chúng ta trở nên những người biết trắc ẩn như Chúa Giêsu, Đấng đã mang lấy nơi mình mọi nỗi đau của nhân loại. Mỗi Kitô hữu hãy gần gũi với những ai đang gặp thử thách, hãy phản ảnh của tình yêu và sự ân cần dịu dàng của Thiên Chúa, Đấng giải thoát chúng ta khỏi nỗi sợ chết.
Thái Hà 30/3/2020
Lm. Giuse Ngô Văn Kha, CSsR
2020
Coronavirus, Covid-19, Sars-Cov-2, phân biệt các tên gọi
Coronavirus, Covid-19, Sars-Cov-2, phân biệt các tên gọi
Tên coronavirus là từ chữ vương miện (couronne) bao chung quanh vi-rút
Chúng ta đặt cho nó nhiều tên: Coronavirus, Covid-19, Sars-CoV-2 và 2019-nCoV… Các tên gọi này đều nói đến nạn dịch hiện nay nhưng tất cả không có cùng ý nghĩa.
Từ khi bắt đầu đại dịch ở Trung Quốc vào tháng 12 năm 2019, một số tên đã được gán cho vi-rút đang hoành hành. Đầu tiên là coronavirus, sau đó là Covid-19. Bây giờ một số người nói Sars-CoV-2 và 2019-nCoV. Tất cả các tên này không có cùng ý nghĩa. Giải thích.
Coronavirus là tên họ của vi-rút
Coronavirus là tên chung. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) nhắc coronavirus là một gia đình gồm một số lượng lớn vi-rút có thể gây ra nhiều loại bệnh ở người.
Nó có thể là vi-rút cảm lạnh thông thường vi-rút SARS, hội chứng hô hấp cấp tính nặng làm cho 774 người chết từ tháng 11 năm 2002 đến tháng 7 năm 2003, vi-rút MERS, coronavirus của hội chứng hô hấp đã hoành hành ở Trung Đông kể từ năm 2012. Chúng thuộc gia đình vi-rút có vương miện vì khi quan sát các hạt vi-rút, chúng ta thấy một vương miện bao quanh vi-rút.
Covid-19 là bệnh
Co là corona (tiếng la-tinh là vương miện), vi là vi-rút, d là bệnh (disease tiếng Anh) và 19 là năm nó xuất hiện. Covid-19 là bệnh truyền nhiễm đường hô hấp do vi-rút SARS-CoV-2 gây ra ở người. Triệu chứng chính là sốt, ho, đau đầu và đau bắp thịt. Biến chứng hô hấp có thể gặp trong các trường hợp nặng nhất.
Thời gian ủ bệnh (thời gian giữa khi bị nhiễm và xuất hiện các triệu chứng đầu tiên) thường từ 3 đến 5 ngày. Tuy nhiên, nó có thể kéo dài đến 14 ngày. Trong suốt thời gian này, người bị nhiễm có thể gây nhiễm. Hiện tại chưa có vắc-xin chống bệnh Covid-19.
Con coronavirus của hội chứng hô hấp cấp tính nặng là SARS-CoV-2, như thế đó là tên khoa học của con vi-rút mới này. Nếu Covid-19 là tên căn bệnh gây ra ở người, thì tên Sars-CoV-2 là tên riêng của con coronavirus này.
Sars là tên viết tắt của Hội chứng hô hấp cấp tính nặng và CoV của coronavirus. Ủy ban quốc tế về phân loại vi-rút đã chọn tên Sars-CoV-2 để chỉ định nó, trong ý thức tập thể, chữ Sars-CoV có nguồn gốc của đại dịch SARS (774 trường hợp tử vong trên toàn thế giới), nó thuộc về gia đình 2019-nCov, đó là tên cũ của nó.
Chúng ta có thể quên điều này. 2019-nCov là tên cũ của Covid-19. Nó đã được sử dụng vào đầu dịch bệnh nhưng đã nhanh chóng được thay thế. Một lần nữa, năm 2019 là năm khám phá và CoV là viết tắt của coronavirus. Còn chữ n, có nghĩa là mới (new).
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch
***