2020
ĐHY Tagle kêu gọi xóa nợ cho các nước nghèo để giúp họ đối phó với virus corona
Trong bối cảnh nhiều quốc gia phải cố gắng đối phó với đại dịch Covid-19, Đức Hồng y Luis Tagle, Tổng trưởng Bộ Truyền giáo, kêu gọi một năm đặc biệt, trong đó các nước giàu xóa nợ cho các nước nợ nần chồng chất.
Trong Thánh lễ Chúa Nhật thứ V Mùa Chay hôm 29/03, được phát trực tiếp từ Roma, Đức Hồng y Tagle mô tả năm tha nợ đặc biệt đó là tha các khoản nợ, đặc biệt là của các quốc gia nghèo và chuyển các chi tiêu quân sự cho các nhu cầu xã hội. Đức Hồng y nói: “Bây giờ chúng tôi nhận ra rằng chúng ta không có đủ khẩu trang nhưng có quá nhiều đạn. Chúng ta không có đủ nguồn cung cấp máy thở nhưng chúng ta có hàng triệu peso, đô la hoặc euro chi cho một chiếc máy bay có thể tấn công người.”
Tha nợ cho các nước nghèo
Đức Hồng y cảnh báo rằng việc thiếu các nguồn nguyên liệu này có thể là “mồ chôn” các nước nghèo và người dân của họ. Do đó Đức Hồng y kêu gọi các nước giàu trên thế giới “xóa” tiền lời mà họ thu từ các khoản vay của nước nghèo để những nước này có thể sử dụng các nguồn tài nguyên đang cạn kiệt của họ vào những nhu cầu khẩn thiết do đại dịch gây ra. Ngài nói: “Hãy tha các khoản nợ để những người đang ở trong ngôi mộ của nợ nần có thể tìm thấy sự sống.”
Chuyển các chi tiêu quân sự cho các nhu cầu xã hội
Nhưng như thế vẫn chưa đủ. Đức Hồng y cũng kêu gọi các chính quyền chuyển các chi tiêu quân sự cho việc kiến tạo “an ninh thực sự” như giáo dục, nhà ở và thực phẩm. Ngài khẳng định rằng điều này sẽ bảo đảm an ninh thật sự và giúp họ ra khỏi nấm mồ. Ngài nói: “Làm ơn, chúng ta có thể dừng chiến tranh không? Chúng ta có thể ngừng sản xuất vũ khí không? Chúng ta có thể đi ra khỏi ngôi mộ và tiêu tiền cho an ninh thực sự không?”
Khủng hoảng virus corona là cơ hội để thực hiện việc xóa nợ cho các nước nghèo
Hơn hai mươi năm sau khi phát động chiến dịch toàn cầu nhân dịp Đại Năm Thánh 2000, với sự tham gia tích cực của Tòa thánh và toàn thể Giáo hội Công giáo cùng với nhiều tổ chức phi chính phủ, việc xóa nợ nước ngoài cho các quốc gia nhiều nợ vẫn là một chủ đề mở. Việc xóa nợ cho nhiều quốc gia được quyết định bởi các tổ chức quốc tế vào đầu những năm 2000 chắc chắn đã làm giảm bớt tình trạng nợ của một số quốc gia nghèo; họ có thể đầu tư nhiều nguồn lực vào các dịch vụ như giáo dục và y tế cộng đồng, nhưng không phải tất cả đều được hưởng lợi và biện pháp này không phải lúc nào cũng mang tính quyết định ngay cả ở các quốc gia được hưởng lợi từ nó, nhiều nước trong số đó vẫn ở trong tình trạng thậm chí còn tồi tệ hơn so với năm 2000. Cuộc khủng hoảng virus corona là cơ hội tái đề xuất vấn đề một cách cấp bách hơn. (REI 30/03/2020)
Hồng Thủy – Vatican
2020
Hơn 100.000 tình nguyện viên Ba Lan phục vụ người nghèo giữa đại dịch
Hơn 100.000 tình nguyện viên từ 44 giáo phận Ba Lan đã tham gia vào việc trợ giúp các cộng đồng khi đại dịch virus corona đang lan tràn.
Cha Pawel Rytel-Andrianik, phát ngôn viên của Hội đồng giám mục Ba Lan, đã trình bày về các sáng kiến được các giám mục cổ võ trước đại dịch Covid-19. Cha chia sẻ: “Mùa Chay đối với chúng ta luôn là thời gian tăng cường các hoạt động vì người nghèo. Năm nay chúng tôi được kêu gọi nỗ lực hơn nữa và vì lý do này, tất cả các giáo phận đã hoạt động để đảm bảo sự giúp đỡ cần thiết, đặc biệt cho người già, người lẻ loi và người vô gia cư.”
Đáp lời Chúa Giêsu mời gọi yêu thương tha nhân
Đức tổng giám mục Stanisław Gądecki, Chủ tịch Hội đồng giám mục Ba Lan giải thích: “Các hoạt động được cổ võ là sự đáp lời của Giáo hội trước lời mời của Chúa Giêsu yêu thương tha nhân và chăm sóc cho người nghèo khổ. Trong thời điểm này, tình liên đới là điều khẩn thiết ở mọi nơi. Cần có những người giúp người cao niên, giúp mua sắm cho những người không đi lại được, điện thoại để họ không cảm thấy cô đơn.” Đức cha cho biết lời mời gọi đã được các tình nguyện viên đáp lời ngay lập tức. Trong những ngày này, họ phân phát các bữa ăn nóng và các gói thức ăn đến các nhà hưu dưỡng và cho những người bị cách ly.
Đồng hành, giúp khẩu trang, nhà ở, bữa ăn…
Trong hầu hết các giáo phận đều có đường dây điện thoại để những ai cần trợ giúp thiêng liêng hay đơn giản là cần đồng hành, có thể gọi đến để liên lạc. Ví dụ như giáo phận Poznan, người ta có thể nói chuyện với các linh mục mỗi ngày. Có những người tổ chức gây quỹ để mua thiết bị cho bệnh viện. Nhiều nữ tu không ngừng đóng gói các khẩu trang với các vật liệu chất lượng hàng đầu do các công ty tặng. Những người vô gia cư được tiếp đón vào chỗ ở và có cơ hội dùng bữa trong căn tin, nơi hàng ngàn bữa ăn nóng được phục vụ mỗi ngày.
Đồng hành với thiếu nhi; cung cấp dụng cụ y tế
Các giáo phận Sandomierz và Torun đã dùng các cơ sở của họ để tiếp đón những người bị cách ly. Các tình nguyện viên phục vụ trên đường phố phân phát chăn mền và thuốc khử trùng. Những người nhỏ bé nhất được quan tâm đặc biệt. Ở Radom, các tình nguyện viên theo dõi trẻ em trực tuyến và đồng hành cùng các em trong thời gian bị cô lập bắt buộc này. Cuối cùng, ngay từ đầu, tổ chức Caritas đã tích cực trong việc mua các dụng cụ y tế nhờ vào khoản phân bổ ban đầu là 12 triệu Zloty tương đương với khoảng 2,9 triệu Euro. (REI 30/03/2020)
Hồng Thủy – Vatican
2020
Người Công giáo và Tin lành kêu gọi một cái chết xứng nhân phẩm trong đại dịch
“Không ai đáng phải chết cô đơn, ngay cả trong hoàn cảnh như hiện nay”. Đây là lời kêu gọi của một nhóm giáo dân, linh mục và mục sư Tin lành gửi cho các công dân và một cách đặc biệt gửi cho các cơ quan có thẩm quyền.
Trong một bức thư ngỏ, những người ký tên yêu cầu “cố gắng tạo ra một hình thức lễ tang làm sao để có thể vừa đảm bảo sức khỏe cho người thân nhưng không làm mất đi tình cảm dành cho người đã ra đi”.
“Cái chết đã vào ngôi nhà chúng ta. Con số người chết mỗi ngày làm cho chúng ta xuống tinh thần. Nó đã trở thành một bản tin chiến tranh hàng ngày. Đằng sau những con số người chết là những khuôn mặt với tên, tuổi, những câu chuyện, những người đã giao thoa cuộc sống với chúng ta: cha mẹ, người thân, bạn bè, đồng nghiệp và người thân quen. Nhiều người trong số họ phải trải qua bi kịch: chết một mình, không có tình cảm của người thân”.
Những người ký tên trong lá thư viết tiếp: “Virus tấn công không rõ ràng. Điều này cũng có thể xảy ra với chúng ta: ở trong bệnh viện cô đơn, không có sự hiện diện của người thân. Người ta nghĩ đến cái chết của chính mình với nỗi sợ hãi, nhưng bây giờ ý tưởng phải đối mặt với sự cô đơn dường như còn khủng khiếp hơn”.
Do đó, những người Công giáo và Tin lành yêu cầu “hãy cố gắng thiết lập một nghi thức làm sao vừa bảo đảm sức khỏe vừa thể hiện tình cảm đối với người chết, nghĩa là tối thiểu có sự hiện diện của người thân. Và mặc dù trong tình trạng khẩn cấp những hồ sơ của các nạn nhân đại dịch phải được ghi chú rõ ràng.” (La stampa 27/3/2020)
Ngọc Yến – Vatican
2020
ĐTC Phanxicô: trong cuộc khủng hoảng đại dịch phải đặt con người trên hết
Hôm 28/3, Đức Thánh Cha đã viết thư cho ông Roberto Andrés Gallardo, chủ tịch Ủy ban các thẩm phán châu Mỹ về các quyền xã hội. Trong thư, Đức Thánh Cha đánh giá cao sự chọn lựa sức khỏe là trên hết của các chính phủ trong khủng hoảng đại dịch Covid -19. Vì nếu không, theo Đức Thánh Cha, sẽ là chọn lựa cái chết.
Đức Thánh Cha viết: “Tương lai là ngay lúc này, trong sự đói khát của những người không có công việc ổn định, trong bạo lực, trong sự xuất hiện của những kẻ cho vay nặng lãi, những tội phạm vô nhân đạo, tất cả những điều này sẽ là tai họa cho tương lai xã hội”.
Tiếp đến, Đức Thánh Cha bày tỏ nỗi bận tâm lo lắng trước sự tiến triển của đại dịch và cảm phục các nghĩa cử của nhiều người, các bác sĩ, y tá, tình nguyện viên, tu sĩ, linh mục; những người không ngại hiểm nguy, dấn thân chăm sóc và bảo vệ những người khỏe mạnh khỏi lây nhiễm.
Đức Thánh Cha nhận xét: một số chính phủ đã có những biện pháp mẫu mực và có các ưu tiên được xác định rõ ràng nhằm bảo vệ người dân. Mặc dù một số biện pháp này làm cho một số người khó chịu, nhưng cần phải áp dụng vì công ích.
Tiếp đến, Đức Thánh Cha đề cập đến một cuộc họp với Bộ Phục vụ Phát triển con người toàn diện hôm thứ Sáu vừa qua, nội dung suy tư về đại dịch cùng với những ảnh hưởng cho hiện tại và tương lai. Đức Thánh Cha nhấn mạnh việc chuẩn bị cho những điều sau này là rất quan trọng.
Đức Thánh Cha kết thúc bức thư bằng cách đề cập đến ý kiến của nhà kinh tế học Mariana Mazzucato. Theo bà Mariana, chúng ta cần phải suy nghĩ lại về giá trị. Bà giải thích việc coi trọng giá trị hơn giá cả sẽ giúp thế giới trở nên tốt đẹp hơn. Đức Thánh Cha nói: “Tôi nghĩ tư tưởng này giúp ích cho việc suy nghĩ về tương lai”. (CSR_2062_2020)
Ngọc Yến – Vatican