Lòng nhân đã biến đổi phận người
Thứ Hai Tuần XXV Mùa Thường Niên
THÁNH MÁTTHÊU, TÔNG ĐỒ TÁC GIẢ SÁCH TIN MỪNG
Mt 9, 9-13
LÒNG NHÂN ĐÃ BIẾN ĐỔI PHẬN NGƯỜI
Lý do chính yếu mà Chúa Giêsu đến trần gian: “Tôi đến… để kêu gọi người tội lỗi” (Mt 9,13). Qua lối hành xử này, ta nhận ra tấm lòng bao dung của Đấng Cứu Thế. Ngài lúc nào cũng sẵn lòng đón tiếp, tha thứ, thu nhận người tội lỗi hoán cải. Ngài không loại bỏ một ai, vì tất cả mọi người đều là đối tượng của lòng Chúa thương xót.
Cũng vậy, công tác tông đồ hàng đầu của mọi Ki-tô hữu phải là thăm viếng, tạo tình thân, cảm hóa người tội lỗi, đưa họ trở về với đường lành. Đó chính là “đi ra vùng ngoại biên” như Đức Thánh Cha Phan-xi-cô cổ võ.
Tiếng gọi: “Anh hãy theo tôi!” của Đức Giêsu đã khiến cho Mátthêu, người thu thuế, người bị xã hội coi thường, trở nên người bạn, người môn đệ của Ngài. Tiếng gọi ấy chắc hẳn phải trìu mến và tha thiết lắm thì người thu thuế kia mới bỏ lại mọi sự, đứng dậy mà đến với Chúa Giêsu.
Matthêu thấy khi theo Chúa Giêsu, Matthêu có được lợi lộc gì đâu. Anh phải bỏ những thực tế rất hữu ích trước mắt, những an toàn và bảo đảm… Đi theo Chúa Giêsu là con bác thợ mộc, không nghề nghiệp, không thu nhập, rày đây mai đó. Đi theo Chúa Giêsu một vị thầy chỉ có tình yêu, không cơ quan, không bằng cấp, không có gì an toàn về thực tế, không có bản hợp đồng nào bảo lãnh, chẳng có bảo hiểm cũng chẳng có tài khoản.
Đi theo Chúa Giêsu Ngài ăn chung với phường tội lỗi và thu thuế làm giảm cả danh dự. Vậy mà Matthêu đã dứt khoát theo Ngài. Matthêu không luyến tiếc, chẳng nghi ngờ, cũng chẳng thắc mắc. Anh biết Chúa Giêsu đang làm cuộc cá độ với anh cuộc cá độ một mất một còn. Anh cũng biết anh đang làm cuộc cá độ với chính bản thân mình, bỏ đi tất cả để chọn một lẽ sống chọn một con người.
Thánh Matthêu không hề thuật lại mình đã có cử chỉ và lời nói nào để thu hút Chúa Giêsu. Thánh nhân chỉ viết : “Chúa Giêsu đi ngang qua trạm thu thuế, thì thấy một người tên là Matthêu đang ngồi ở đó. Người bảo : Anh hãy theo tôi !” Có lẽ Chúa Giêsu biết rõ một người thu thuế thì cuộc sống thế nào. Công việc của anh ta đem lại lợi nhuận gì, nó có ảnh hưởng gì đến tâm linh của anh. Hẳn rằng Chúa cũng biết thêm về gia cảnh của Matthêu, vì sau khi gọi anh, Ngài đã đến nhà anh để dùng bữa. Tin Mừng còn nói thêm, Chúa Giêsu biết rõ Matthêu là người tội lỗi cần được thanh tẩy và tha thứ, nên Ngài đã nói : “Tôi không đến để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi”.
Việc Chúa Giêsu gọi anh Matthêu đi theo Ngài quả thật là “mạo hiểm”. Chúa Giêsu đi ngang qua bàn thu thuế, và Chúa Giêsu chỉ nói một câu ngắn gọn. Một câu ngắn gọn đầy thách thức. Khi làm cuộc cá độ phiêu lưu hôm nay với Matthêu. Chúa Giêsu muốn nói với mỗi người chúng ta : – Ngài không chỉ biết rõ một người đang như thế nào, mà Ngài còn thấy được họ sẽ trở nên như thế nào. Ngài dám tin vào khả năng thay đổi bản chất, khả năng làm mới lại cuộc đời của con người tội lỗi. Ngài mạo hiểm tin rằng “ngựa này không bao giờ quen đường cũ” mà thẳng tiến trong ơn gọi theo Ngài.
Ta thấy Chúa đã dành cho Lê-vi, một người thu thuế, một hạng người được coi là làm tay sai cho ngoại bang, làm tay sai cho Đế Quốc La Mã thời đó, một hạng người mang tiếng ăn bẩn, tội lỗi và không tốt. Ngài đã trò chuyện cùng ông. Ngài đã lưu lại dùng bữa tại nhà ông. Và Ngài còn tuyển chọn ông trở thành môn đệ của Ngài. Qua đây Chúa cũng dạy những người hiện diện hôm đó khi Chúa nói với họ:” Ta đến không để gọi những người công chính mà là gọi những người tội lỗi “( Mt 9,13) . Tình thương đó không chỉ an ủi Lê-vi mà còn làm cho Lê-vi trở thành một tông đồ nhiệt thành. Tình thương đó đã đánh đổi mọi danh vọng hão huyền mà bao lâu nay Lê-vi theo đuổi. Lê-vi từ hôm nay chỉ muốn dành trọn cuộc đời cho Chúa và tha nhân.
Mỗi người chúng ta cũng đều là những tội nhân trước mặt Chúa. Những tội nhân được Chúa yêu thương, được tha thứ, được tuyển chọn làm môn đệ Chúa. Lẽ ra, chúng ta cũng phải luôn nhớ mãi hồng ân ấy để biết sống đền đáp ân tình Chúa bằng việc cảm thông với người tội lỗi, bằng việc loan báo tình thương Chúa cho tha nhân. Thế nhưng, chúng ta đã quên mình là con nợ của Thiên Chúa. Chúng ta thường đối xử quá khắc khe với anh em. Chúng ta thường thiếu khoan hồng với anh em.
Cuộc sống thường ngày, mỗi người chúng ta cũng thốt lên không biết bao nhiêu lời. Có bao nhiêu lời chúng ta thốt lên với sự trìu mến? Có bao nhiêu lời mang lại lợi ích cho người khác? Có bao nhiêu lời chúng ta thốt lên giúp chúng ta xây dựng tình bạn chân thành? Có bao nhiêu lần chúng ta dành ra ít phút để nói chuyện với những người nghèo, những người yếu đuối, những người cô đơn, những người ngồi ở ven đường?
Tin Mừng hôm nay mời gọi chúng ta, những người Kitô hữu hành động như Thầy mình: quan tâm đến những người mà cách này hay cách khác họ không hay ít được người khác quan tâm. Cùng nhau giành sự quan tâm đến những người xung quanh để mỗi ngày chúng ta trở nên gần với Thầy Giêsu hơn và có nhiều bạn bè chân thành hơn. Với những cử chỉ nhỏ bé của lòng trìu mến, chúng ta sẽ tăng tình hiệp thông và bớt đi sự cô độc trong thế giới này.
Đức Ki-tô không phải vị thần kiêu sa ngồi trên toà cao để cứu độ nhân loại. Trái lại Ngài đến trần gian chung thân phận người với chúng ta là những tội nhân để đưa chúng ta trở về với Ngài. Thiện chí mà thôi là chưa đủ, phải có hành động cụ thể và thiết thực: gặp gỡ, thăm viếng, tiếp xúc với tội nhân, vì “một mặt hơn mười gói,” chỉ qua việc thăm viếng, ta mới có thể đồng cảm và xin Chúa ban cho họ ơn hoán cải.
Khi nhìn lại bản thân, ta thấy có thể đi theo Chúa chúng ta sẽ nghèo hơn về vật chất, có thể chúng ta cũng sẽ phải bỏ những tham vọng trần gian.
Quả thật là quá mạo hiểm đối với con người ngày hôm nay. Chọn tình yêu, chọn phục vụ, chọn Chúa Giêsu là đi vào cuộc mạo hiểm : không an toàn về “cái ghế”, không ổn định về “cái túi”, không rầm rộ và đầy ắp ở những “cái bắt tay”… Chọn Chúa Giêsu là đi vào con đường thập giá. Nhưng chắc chắn như Matthêu hôm nay, chúng ta sẽ tìm được bình an, vui mừng cùng với những thao thức mới về cuộc đời mà trước kia chúng ta chưa từng biết. Trong Chúa Giêsu, chúng ta tìm được sự giàu có hơn hẳn mọi điều mình phải bỏ vì Ngài.