Phẩm giá người phụ nữ
18/09/2020
Thứ Sáu Tuần XXIV Mùa Thường Niên
Lc 8, 1-3
PHẨM GIÁ PHỤ NỮ
Sứ mệnh và trách nhiệm loan báo sứ điệp Tin mừng, không chỉ dành riêng cho nam giới. Theo như thánh sử Luca hôm nay cho biết, thì trong đoàn truyền giáo của Chúa Giêsu, ngoài những môn đệ mà Chúa đã tuyển chọn, còn có các phụ nữ nữa. Như vậy chứng tỏ Chúa Giêsu tôn trọng phẩm giá người phụ nữ và đánh giá cao phần đóng góp của họ trong sứ mệnh rao giảng Tin Mừng.
Chúa Giêsu đã đến để giải phóng con người khỏi ách nô lệ tội lỗi. Ngài tái lập con người trong tước phẩm cao trọng của con cái Chúa. Chính tước phẩm ấy là nền tảng sự bình đẳng của con người: nam nữ, già trẻ, giàu nghèo, tất cả đều có một phẩm giá cao trọng như nhau. Thánh Phaolô đã diễn tả chân lý ấy trong thư Galata: “Không còn Do thái hay Hy lạp, không còn nô lệ hay tự do, không còn nam hay nữ, bởi vì tất cả là một trong Chúa Giêsu Kitô”.
Chúa Giêsu đã khẳng định sự bình đẳng của nữ giới không bằng tuyên bố suông, Ngài đã chứng minh điều đó khi để cho các phụ nữ gia nhập vào nhóm mười hai Tông đồ của Ngài. Sự bình đẳng, hay đúng hơn, phẩm giá của con người được thể hiện trước tiên qua hành vi phục vụ: càng phục vụ, con người càng chứng tỏ phẩm giá cao trọng của mình. Thật ra, đây cũng chính là nghịch lý chạy xuyên suốt Tin Mừng: càng đi tìm bản thân, con người càng đánh mất bản thân; trái lại, càng quên mình phục vụ, con người càng tìm lại bản thân và chứng tỏ phẩm giá cao trọng của mình.
Chúng ta đã biết đến não trạng trọng nam khinh nữ trong xã hội Do Thái thời Chúa Giêsu. Những người phụ nữ không có chỗ trong đền thờ cũng như ở hội đường. Vì thế chúng ta không khỏi ngạc nhiên khi thấy trong số những người trở nên thân thiết với Chúa và cùng nhập đoàn với Người, ngoài nhóm Mười Hai, còn có cả những người phụ nữ mà đoạn Tin Mừng trích đọc hôm nay nêu đích danh. Họ không đi theo Chúa như là đám đông, nhưng là nhập đoàn cùng nhóm với Chúa và các tông đồ. Họ là thành phần tích cực và chủ động trong nhóm vì đã lấy của cải mình mà giúp đỡ Chúa và các môn đệ.
Dưới áp lực của một xã hội trọng nam khinh nữ, các người phụ nữ này đã nhận ra sứ điệp giải phóng trong Tin Mừng mà Chúa Giêsu loan báo. Họ đã nhận ra sự vô lý và bất công của não trạng kia và họ đến với Chúa Giêsu, nhập đoàn với Người và cộng tác với Người trong sứ mạng loan báo Tin Mừng giải thoát. Cũng chính họ sẽ là những người đầu tiên đón nhận và loan báo Tin Mừng Phục Sinh.
Thánh Lu-ca nhấn mạnh đến công việc nặng nhọc của các bà đã lấy của cải mình giúp đỡ các Ngài.Thánh Lu-ca chắc hẳn lưu tâm đến thời cựu ước và trong nhiều nền văn minh khác, phụ nữ bị coi là thứ cấm kỵ, đối tượng của sức mạnh bí ẩn, bị khuất phục dưới thảm trạng bi đát bên lề. Người phụ nữ Samaria kêu lên ngạc nhiên khi Đức Kitô dám nói chuyện với mình. Tận nền vấn đề, Đức Kitô là Người bảo vệ đầu tiên vĩ đại, là người khởi động đầu tiên thăng tiến giải phóng phụ nữ. Các thầy khác thời người đã loại bỏ phụ nữ khỏi ảnh hưởng các đồ đệ của họ và tổ chức Do-thái giáo lúc đó không chấp nhận phụ nữ tham dự cộng đồng. Chỗ đứng của phụ nữ ở giữa dân ngoại và dân Is-ra-el!
Tuy không được chọn làm tông đồ nhưng sự hiện diện và công việc âm thầm của những người phụ nữ này cũng quan trọng chẳng kém gì công tác tông đồ. Vai trò của họ lại càng quan trọng và nổi bật hơn nữa bởi vì trong những giây phút đau thương nhất của Chúa Giêsu họ là những người duy nhất đứng kề bên Ngài. Sự hiện diện của một số người phụ nữ trong công cuộc rao giảng Tin Mừng của Chúa Giêsu và nhất là trong những giây phút cuối đời của Ngài cho chúng ta thấy được tầm quan trọng của chứng tá âm thầm của cuộc sống đức tin. Chứng tá ấy nói với chúng ta rằng trong thân thể mầu nhiệm của Chúa Kitô dù có âm thầm và vô danh đến đâu mỗi người đều có một chỗ đứng quan trọng và không thể thay thế được.
Mãi đến thế kỷ 14, người ta vẫn còn xem người phụ nữ như một hạng người nguy hiểm, một cám dỗ triền miên, một tạo vật thấp hèn, hay cùng lắm chỉ là phương tiện để bảo tồn nòi giống. Một quan niệm và cung cách đối xử như thế đối với người phụ nữ vẫn còn rơi rớt trong thời đại chúng ta: trong biết bao xã hội hiện đại hôm nay, người phụ nữ vẫn còn bị phân biệt đối xử so với nam giới. Thời Chúa Giêsu, dĩ nhiên thân phận nữ giới còn bị xử tệ hơn. Sở dĩ người ta đã có những ý nghĩ xấu về những phụ nữ này, vì họ đã nhìn người phụ nữ như là hậu duệ của Eva, kẻ đã quyến dũ Adong ăn trái cấm, để rồi kéo cả nhân loại vào vòng tội lỗi.
Thế nhưng, tin mừng hôm nay cho chúng ta thấy cách cư xử của Chúa đối với nữ giới. Chúa Giêsu quả thực đã làm một cuộc cách mạng khi đảo lộn quan niệm về nữ giới nơi những người đồng thời với Ngài. Những người phụ nữ mà thánh Luca nhắc đến, có người đã từng bị quỉ ám, bị người đời khinh khi, xua đuổi, bị dân chúng coi là những người tội lỗi, có mặt trong đoàn truyền giáo của Chúa Giêsu chứng tỏ rằng trong Giáo hội của Ngài không hề có sự phân biệt phụ nữ mà còn muốn đề cao sự bình đẳng của người phụ nữ, muốn giải phóng người phụ nữ khỏi suy nghĩ hạn hẹp của những người đương thời.
Đối với Đức Giêsu, mọi người bất luận là ai, cũng đều được mời gọi để loan báo Tin Mừng qua cách sống cũng như qua giới tính của mình. Mỗi phần tử trong Giáo Hội đều có một chỗ đứng, một vai trò riêng. Tất cả đều bổ túc cho nhau, để cùng nhau phục vụ hầu mở mang Nước Chúa. Trong chiều hướng tư tưởng này, chúng ta hãy cầu nguyện cho mọi thành phần trong Giáo Hội ý thức và dấn thân cho công việc truyền giáo, không phân biệt giới tính, địa vị, giai cấp, khả năng…tất cả là vì tin mừng Chúa Kitô.
Lời Chúa hôm nay giúp chúng ta có một quan niệm đúng đắn hơn về người nữ để biết tôn trọng, yêu thương họ. Đồng thời chúng ta cũng cầu xin cho chính những người phụ nữ biết ý thức được phẩm giá cao quý của họ, hầu sống xứng đáng và góp phần tích cực vào những công việc tông đồ trong Giáo hội.