Một trên bốn thanh niên Mỹ có ý định tự tử
Theo một khảo sát mới của Trung tâm Kiểm soát Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC), hơn một phần tư thanh niên từ 18-24 tuổi đã nghiêm túc suy nghĩ về việc tự tử trong tháng trước. Số liệu này được đưa ra trong báo cáo có tiêu đề: “Sức khỏe tâm thần, sử dụng chất kích thích và ý tưởng tự tử trong Đại dịch COVID-19 – Hoa Kỳ, ngày 24–30/6/2020”, được xuất bản ngày 14/8. Dữ liệu được thu thập từ những người lớn trên khắp Hoa Kỳ vào cuối tháng 6 .
Anh Tommy Tighe, một nhà tư vấn hôn nhân và gia đình và là người dẫn chương trình podcast về sức khỏe tâm thần Công giáo “Saint Dymphna’s Playbook”, nói với hãng tin Công giáo CNA rằng: anh “thực sự đau lòng, mặc dù đã đoán được điều này”. Đây là hậu quả của nhiều tháng bị phong toả trên khắp nước và lo lắng về đại dịch virus corona.
Theo CDC, “40,9% người được hỏi cho biết ít nhất có một vấn đề về sức khỏe tâm thần hoặc hành vi, bao gồm các triệu chứng của rối loạn lo âu hoặc rối loạn trầm cảm (30,9%), các triệu chứng rối loạn về một chấn thương và căng thẳng liên quan đến đại dịch (26,3%), và bắt đầu hoặc gia tăng sử dụng chất kích thích để đối phó với căng thẳng hoặc cảm xúc liên quan đến Covid-19 (13,3%). ”
Những con số này tăng đáng kể giữa các nhóm nhất định. Gần ba trong số bốn người trưởng thành trong độ tuổi 18-24 và hơn một nửa số người lớn trong độ tuổi 25-44 đã báo cáo “ít nhất có một triệu chứng bất lợi về sức khỏe tâm thần hoặc hành vi” trong cuộc khảo sát.
Trong số tất cả những người được hỏi, 10,7% cho biết “đã nghiêm túc suy xét việc tự tử” trong 30 ngày trước khi cuộc khảo sát được thực hiện. Trong đó, con số này là 25,5% đối với số người được hỏi trong độ tuổi 18-24.
Ông Tighe cho biết những con số ảm đạm này phản ánh sự thiếu nhận thức về sức khỏe tâm thần trong nền văn hóa rộng lớn hơn và thiếu việc tiếp cận các dịch vụ.
Ông nói: “Các triệu chứng sức khỏe tâm thần và những kỹ năng lành mạnh để đối phó với những triệu chứng đó bị nền văn hóa của chúng ta bỏ qua, vì thế nhiều người trong chúng ta hoàn toàn không có sự chuẩn bị để đối phó với kinh nghiệm vượt mức này.”
Ông Tighe nói rằng, đời sống tâm linh đóng một vai trò quan trọng trong sức khỏe tâm thần. Ông gợi ý rằng những người đang đối mặt với căng thẳng nên dành thời gian để “tạm dừng, hít thở, cầu nguyện, suy ngẫm” và ghi nhận về cảm xúc của họ mà không xét đoán.
Ông Tighe cũng đề nghị tạm ngưng các phương tiện truyền thông và các môi trường khác vốn làm tăng lo lắng. “Các phương tiện truyền thông xã hội thực sự chống lại chúng ta. Nếu chúng ta đang cố gắng khắc phục sự lo lắng của mình, thì chúng ta cần chú ý đến tác động của nó đối với chúng ta và giải lao khi cần thiết.” (CNA 14/8/2020) Văn Yên, SJ
Nguồn: vaticannews.va/vi